80% tiêu Việt Nam sẽ khó có cơ hội vào thị trường châu Âu

, Thị trường hạt tiêu, 26


Châu Âu đang kiến nghị siết chặt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép trong hạt tiêu nhập khẩu vào khu vực này.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết năm 2017 vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ được thị trường thế giới tập trung soi xét cẩn trọng hơn nhiều lần, đặc biệt ở các thị trường mà hạt tiêu Việt Nam đang chiếm thị phần tốt là Mỹ và châu Âu.

Đơn cử là vấn đề dư lượng hoá chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU. VPA cho biết nhiều năm trước, lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoá chất này là 0,1ppm, nhưng Uỷ ban Châu Âu EC đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép chỉ là 0,05ppm.

Theo thông tin chính thức từ Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA), trong thư gửi VPA và Bộ NN&PTNT cuối tháng 1/2017 vừa qua cho biết năm 2016, ESA phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU năm 2016 thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0,05ppm.

Nếu tình hình sản xuất hồ tiêu vẫn như 2016 thì đồng nghĩa với việc năm 2017 sẽ có thể có tới trên 80% hạt tiêu của Việt Nam khó có cơ hội vào được thị trường Châu Âu, thị trường vốn tiêu thụ xấp xỉ 40.000 tấn, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.

Ngoài ra, thị trường Mỹ, vốn có tới trên 40.000 tấn hạt tiêu được nhập từ Việt Nam vài năm trở lại đây, cũng đang chuẩn bị ban hành hàng loạt qui định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu trong đó có hạt tiêu.

Theo đó, VPA xác định chất lượng hồ tiêu là vấn đề sống còn của ngành, nhưng thực tế tồn tại tâm lý tìm kiếm năng suất cao để có thu nhập cao bằng mọi giá của đa số nông dân trồng hồ tiêu đã khiến việc sử dụng phân bón quá mức, đẩy loại cây này vào tình trạnh sinh trưởng mất cân đối, dễ nhiễm sâu bệnh để rồi lại sử dụng tràn lan thuốc BVTV để “cứu” tài sản bạc tỷ này.

“Chỉ khi nào đa số nông dân trồng tiêu nhận ra được tính nghiêm trọng của vấn đề canh tác kém hiểu biết đó, thay đổi hành vi, canh tác theo GAP thì chất lượng hạt tiêu mới có thể cải thiện, xuất khẩu theo đó mới có thể bền vững”, thông báo của VPA đưa ra cho biết.

Năm 2016, giá cả hồ tiêu biến động mạnh song xuất khẩu hồ tiêu đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu đạt 179.233 tấn hạt tiêu các loại với giá trị đạt 1,44 tỷ USD. Kết quả này tăng 34,3% về khối lượng và 12,9% về giá trị. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Pakistan (gấp 3,14 lần), Philippines (gấp 3 lần), Hoa Kỳ (31,3%), Ai Cập (23,2%), Tây Ban Nha (14%) và Ấn Độ (12%).

26 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Khi chưa thay đổi nhận thức canh tác hồ tiêu nhưng có 2 việc cần làm ngay cũng góp phần giảm dư lượng thuốc BVTV trên hạt tiêu.
    1.Không phối trộn thuốc BVTV nhiều loại chung với nhau. Nếu có nhu cầu sử dụng nhiều loại một lúc, nên tìm kiếm các thuốc có nhiều hoạt chất mình cần được nhà sản xuất hỗn hợp sẵn.
    2. Không phối trộn thuốc BVTV với các loại phân thuốc bón qua lá. Một số acid trong phân thuốc bón lá sẽ khiến thuốc BVTV rất khó phân hũy trong tự nhiên, để lại dư lượng rất cao.
    Phần lớn thuốc BVTV có chất lượng thấp đều để lại dư lượng quá mức cho phép mà không tự phân hũy.
    Cách tốt nhất là tìm mọi biện pháp chăm sóc để hạn chế phun thuốc BVTV trong thời gian tiêu đang nuôi trái.

  2. Có nhiều thương lái và đại lý thu mua tiêu còn rất ẩm nên họ phải phun thuốc trừ nấm mốc. Việc làm này khiến cho dư lượng thuốc BVTV trên hạt tiêu rất cao.
    Bà con nông dân chung quanh tôi hầu như chỉ phun thuốc trừ nấm vào đầu mua, trước thu hoạch ít nhất 5-6 tháng, thì lấy đâu ra dư lượng?

  3. Thương lái và đại lý mua ko phun thuốc chống mốc đâu. Vì tiêu là có đo độ. Nếu độ ẩm ko đủ thì không xuất khẩu được. Và tiêu không khô đại lý phải phơi khô lại mới làm được tiêu sọ. Nếu tiêu không đủ độ khô làm sọ sẽ bị chai vỏ không ra sọ được.

  4. Chỗ tôi thì thấy đa số dư lượng thuốc BVTV là từ đại lý thu mua, từ lúc phun tới lúc thu hoạch cách nhau tới 5 tháng thì làm sao còn. Chính tôi tận mắt thấy thương lái mua về rồi trộn thuốc chống mốc lên để trữ hàng. Suy cho cùng nhà vườn là người bị mang tiếng nhiều nhất và chịu thiệt nhiều nhất. Nếu có 1 công ty thu mua tận vườn và lấy mẫu gửi đi test dư lượng TBVTV thì chắc chắn kết quả sẽ khác.

    • Chào bạn @triệu tính cường
      Tôi không phủ nhận hoàn toàn phản hồi của bạn, vì cũng nghe như vậy nhiều lắm.
      Nhưng nếu bạn đọc kỹ phản hồi của tôi ở trên thì bạn sẽ không khẳng định một cách chắn chắn, vì tôi cũng có báo cáo kết quả test dư lượng từ kho của 1 nhà vườn. Vị này mỗi năm thu cũng được vài chục tấn.
      Tôi xin nhắc lại : Phần lớn thuốc BVTV có chất lượng thấp đều để lại dư lượng quá mức cho phép mà không tự phân hũy.
      Thân

  5. Không biết sao chứ tiêu của mình đây từ hồi ra bông đến giờ mình chưa bao giờ xịt thuốc gì cả mà tiêu vẫn xanh tốt quả to chắc hạt, nếu nói như tiểu minh mà nhiễm tý hóa chất nào thì đó mới là lạ. Nhưng nói đi thì cũng nói lại ở chỗ mình cũng có nhiều nhà vườn mình thấy phun xịt qúa mức, nhất là những vườn tiêu đang phát bệnh họ phun xịt bừa bãi để cứu cây tiêu nhưng tiêu vẫn chết và rụng trái rồi họ thu hoạch về phơi khô vẫn bán như thường.

  6. Tôi ở Đồng Nai , ở chổ tôi thương lái mua tiêu của người nông dân thì kỹ lắm đòi hỏi tiêu đẹp, không thuốc bvtv đủ độ… Nhung về đến nhà thì phù phép, ngâm hóa chất làm tiêu sọ hôi kinh khủng, rồi độn tiêu lép, hạt đậu… Sau đó đem bán, có lúc đi xuất khẩu. Có người còn lừa cả thương lái Trung Quốc nhận cọc tiền rồi trốn luôn. Nói gì thì nói tội nghiệp nông dân. Nhưng chưa có chỗ nào thu mua xuất khẩu, uy tín, được giá.

  7. “Chỉ khi nào đa số nông dân trồng tiêu nhận ra được tính nghiêm trọng của vấn đề canh tác kém hiểu biết đó, thay đổi hành vi, canh tác theo GAP thì chất lượng hạt tiêu mới có thể cải thiện, xuất khẩu theo đó mới có thể bền vững”, thông báo của VPA đưa ra cho biết.
    Nói vậy thì chỉ tại nông dân. Nông dân tự sản xuất thuốc hay sao?? Cơ quan chức năng ở đâu? Ông bà ta nói: “thượng bất chính thì hạ tắc loạn.”

    • Tiệm bán có giấy phép. Mua hay không là việc mình, xịt hay uống cũng là mình… Ai bắt ? Không chịu nâng cao nhận thức, nói loanh quanh rồi được gì..!

  8. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng rất cố gắng để nâng giá trị thương hiệu hồ tiêu. Cụ thể lời kêu gọi của “Dan Viet” là cũng thể hiện ý chí quyết tâm của nhà xuất khẩu tiêu:
    Còn về bà con nông dân ta hiện nay:
    1. Một bộ phận làm nông nghiệp thuộc thế hệ 7x trợ đây, cũng đã bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin để gia tăng sản xuất và có trách nhiệm với sản phẩm. Sâu xa hơn nữa họ làm là sản phẩm cốt yếu để xuất khẩu.
    2. Một bộ phận do không am hiểu, hoặc hiểu nhưng cố tình làm bừa. Họ chỉ mong làm sao cho có sản lượng và bằng mọi giá là phải làm cho ra sản phẩm. Bất cần để ý gì cả. Bộ phận này tương đối nhiều. Theo cảm nhận bộ phận này rất bảo thủ, nhưng ít kiến thức chủ yếu làm theo sự chỉ dẫn của các đại lý thuốc BVTV. Thực tế, theo tôi được thấy, tiếc là không chụp hình ảnh: cứ đến giai đoạn gần hái họ chở thuốc BVTV phun xịt để diệt bớt sâu rầy, đặc biệt là kiến (vì kiến sẽ làm cho nhân công khó hái, …), và đặc biệt giai đoạn này họ muốn phòng rệp sáp…
    Tôi nghĩ: mọi người dân cần đồng hành và làm đúng để bảo vệ miếng ăn của mình cho được bền vững. Hãy bắt đầu bằng 1 rồi 2 và đến triệu người tham gia vào chuỗi sản xuất sạch…

  9. Dư làm sao được khi người dân ko phun thuốc từ khi hết mưa. Chỉ có các đại lý lớn mua về rồi phun lên hạt đã khô để chống mốc, với một lượng nhỏ cũng làm tồn dư thuốc. Đề nghị nhà nước thành lập hội tiêu sạch. Dân ko giàu được là vậy. Người Việt giết người Việt. Bọn sống không có đức.

    • Bạn và những bà con lân cận có thể thành lập tổ nhóm sản xuất tiêu sạch theo lối tự quản. Các công ty thu mua xuất khẩu sẵn sàng mua giá cao hơn thị trường. Chỉ mua gom với khối lượng đáng kể, tối thiểu phải được 1 lô hàng 10 tấn.

  10. Phan Bảo là ai, có dám ở cùng người dân từ khâu chăm sóc khi ra hoa đến lúc hái hay không ? Tiêu làm gì có kiến với rệp khi chuẩn bị hái. Rệp và kiến chỉ xuất hiện đầu mùa mưa nên ta phòng 1-2 lần khi vào mùa mưa và gần cuối mùa mưa. Bạn đừng nói khi ko am hiểu về từng giai đoạn của cây tiêu.

  11. Em thấy làm tiêu phun hai lần thuốc là đủ
    Lần 1: sau thu hoạch phun để rửa vườn
    Lần 2: phun khi ra hoa chống côn trùng
    Còn phân bón thì đổ gốc là tốt hơn cả.

  12. Lợn – bò – trâu… trước khi giết mổ được bơm nước. Tôm trước khi vào chế biến được bơm tạp chất !? Quá quen thuộc – phải không các bạn ! Tiêu – nhiễm thuốc chống mốc … Tất cả những lùm xùm này nó ở khâu trung gian. Khâu trung gian thì có quá nhiều cấp. Củ mì vào nhà máy, cây mía trở thành đường – đều phải qua Cò và phải qua nhiều cấp Cò ! Lỗi ở đâu ? Đầu hay chân ? Tay phải hay tay trái ? Vòng tròn khép kín : “Vợ hề sợ hề – Hề sợ quan – Quan sợ Vua – Vua sợ trời – Trời sợ mây – Mây sợ gió – Gió sợ bờ tường – Bờ tường sợ chuột cống – Chuột cống sợ mèo già – Mèo già lại sợ vợ hề – Vợ hề lại sợ hề …” Ai nhỉ !

  13. Cháu chào chú Nguyễn Vịnh. Chú cho cháu hỏi vườn tiêu nhà cháu lúc ra ác lá non bị rách, cháu đã xử lí thuốc nấm rồi thuốc diệt côn trùng nhưng vẫn không hết. Lúc tiêu ra lá non thì bị giống như bị kéo cắt vậy ạ. Chú cho cháu biết bị như vậy là gì và cách điều trị được không ạ. Cháu xin cảm ơn. Năm mới cũng chúc chú nhiều sức khỏe và ngày càng thành công

    • Bạn chụp vài tấm hình gửi về diễn đàn qua email bác Nguyễn Vịnh để xem xét cụ thể, rõ ràng hơn. Theo tôi, có thể tiêu bạn thiếu nhiều dinh dưỡng nhất là trung vi lượng nên lá non mỏng dòn, bị nắng gió làm rách.

    • Tiêu bị rách là do nắng gió quá mạnh, có thể còn do côn trùng cắn phá… xử thuốc nấm sao mà hết được. Chẳng nhẽ cứ phun đại được chăng hay chớ hả !

  14. Mùa này vườn tiêu nếu không có che nắng, chắn gió thì rất dễ bị tình trạng như trên. Bạn up hình lên thì sẽ nhận biết dễ dàng hơn.

  15. Chào chú Nguyễn Vịnh.
    Cháu hiện đang có vườn tiêu tại Bình Phước. Mỗi năm cung cấp sl tiêu 7 tấn đạt chuẩn sinh thái cho một đối tác xuất khẩu trong nước . Vì lý do thương mại mà bên cty chỉ cấp chứng chỉ đạt sinh thái từ phía cty cho hộ nông dân. (phía cty có gởi mẫu test sp qua Châu Âu, và đã đạt chuẩn.)
    Nay Cháu muốn được chứng nhận trực tiếp từ phía Châu Âu. Rất mong được Chú hướng dẫn hoặc giúp đỡ Cháu vv gởi mẫu test, chi phí mẫu test qua bên đó.
    Kính chúc Chú cùng gia đình năm mới AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

    • Gửi mẫu đi test là việc của công ty KDXK. Bạn có test đạt thì cũng không ai chấp nhận !

  16. Nói chung, có nhiều nguyên nhân từ nhiều phía, từ cả nông dân đến nhà kinh doanh đều có góp phần…
    Theo tôi trong việc để lại dư lượng cao phần lớn là do chất lượng thuốc BVTV quá kém.
    Nông dân cũng pha trộn lung tung làm cho thuốc khó phân hũy tự nhiên.

  17. Hởi bà con mình nên hạn chế chế phun thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ phun thuốc khi cần thiết.
    Nên sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, giảm bớt hóa học.

Gửi phản hồi mới

(?)