Bình Phước: Diện tích tiêu chết vì bệnh tăng nhanh

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 11

Một vườn tiêu ở ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện (Lộc Ninh) bị xóa sổ vì bệnh chết nhanh

Một vườn tiêu ở ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện (Lộc Ninh) bị xóa sổ vì bệnh chết nhanh

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Bình Phước (Trung tâm BVTV, Sở NN&PTNT), hồ tiêu toàn tỉnh hiện có 11.600 ha, tăng hơn 1.000 ha so năm 2013. Tuy nhiên diện tích tiêu chết vì bệnh đang tăng nhanh. Sâu bệnh gây hại chủ yếu trên hồ tiêu là tuyến trùng với 976 ha, rệp sáp là 393 ha.

Chết nhanh, chết chậm được coi là bệnh nan y với cây tiêu đang gia tăng so với năm 2013. Cụ thể, đến ngày 15/9, bệnh chết chậm gây hại 774 ha, trong đó mức độ nhẹ 556 ha, mức độ trung bình 218 ha; bệnh chết nhanh có 347 ha. Đứng đầu là thị xã Bình Long với 650 ha bị nhiễm bệnh chết chậm, trong đó 447 ha ở mức độ nhẹ, 203 ha mức trung bình; 238 ha nhiễm bệnh chết nhanh (159 ha nhẹ và 79 ha mức trung bình). Bệnh chết nhanh chỉ sau 2 tuần là chết nọc do nấm tấn công bộ rễ làm cây héo nhanh, người trồng tiêu không thể cứu chữa dẫn đến thiệt hại cả vườn. Bệnh chết chậm do nhiều loại nấm tấn công, cây có biểu hiện vàng lá, sinh trưởng kém nhưng không làm tiêu chết ngay mà giảm năng suất.

Kỹ sư Lê Thúc Long, Trưởng phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt – BVTV) cho biết: Nguyên nhân gia tăng bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu là do nông dân nóng lòng chuyển đổi cây trồng, không lựa chọn nguồn giống bảo đảm. Giống có thể nhiễm bệnh trước khi trồng. Nhiều hộ trồng trên đất không phù hợp, bị ngập úng dẫn đến gây hại cho cây tiêu. Thời tiết thay đổi, mưa nhiều, mưa dầm, độ ẩm tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại nấm bệnh gây hại, trong đó có nấm Phytophthora và Fusarium gây nên bệnh chết nhanh và chết chậm.

Kỹ sư Long cho biết thêm: Người trồng tiêu thiếu kinh nghiệm trong sử dụng thuốc BVTV phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm; lạm dụng bón phân cả trong mùa mưa dẫn đến cây bị “ngộ độc” phân bón do dư thừa đạm… Để phòng trừ bệnh chết nhanh phải sử dụng phương pháp tổng hợp: Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh sớm; vườn tiêu phải luôn được thông thoáng, chăm sóc đúng quy trình theo phương pháp tăng lượng phân bón hữu cơ, kiểm soát nấm Phytophthora trên cây tiêu; trị dứt điểm rệp sáp, mối, tuyến trùng; không bón phân, làm cỏ bồn trong mùa mưa để hạn chế làm tổn thương bộ rễ khiến nấm bệnh phát triển; bón phân cân đối, đặc biệt giữa đạm và kali, chú ý bổ sung các chất trung và vi lượng. Khi vườn tiêu có trụ bị bệnh cần lấy vôi bột rải quanh vườn, rải nhiều quanh cây bị bệnh. Phun một trong các loại thuốc: Acrobat MZ 90/600WP, Alpine 80WP, Ridomil Gold 68 WP…

Báo Bình Phước Online

11 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Lâu nay con bận việc về quê, nhờ bà con trông hộ vườn. Sáng nay mới vào kiểm tra thì thấy hiện tượng này rất nhiều. Con nhờ chú và bà con tư vấn giúp, con phải xử lý như thế nào? Con chân thành cám ơn chú và mọi người.

  2. Trời ạ ! Trường hợp này giống với trường hợp mình vừa trả lời hồi hôm.
    Vết đốm trắng trên biểu bì lá non là bị côn trùng chích hút làm cho lá non bị xoăn, kèm theo bạc lá do thiếu vi lượng. Phun thuốc diệt côn trùng, xử lý kép (2 lần, cách 7-10 ngày). Sau đó dùng phân sinh học biosol để hồi phục. Khẩn trương làm ngay, để lâu rất dễ bị tiêu điên.

    • Chào Trung Anh, tiêu nhà em hiện cũng bị như trên, nhưng chuỗi tiêu đã ra khoảng 4cm, vậy cho em hỏi mình xịt thuốc diệt côn trùng và xịt biosol liệu có ảnh hương gì đến bông tiêu không Trung Anh, mà trước đó mình đã phun 2 lần Biosol rồi, mong bác chỉ giúp, cám ơn

    • Chuỗi bông mới dài 4-5cm thì chưa gây tác hại nếu bạn pha thuốc BVTV đúng theo hướng dẫn trên bao bì. Nhưng vẫn phải đề phòng hư chuỗi thì bạn chỉ nên phun thuốc vào lúc chiều muộn.

  3. Bạn Trung Anh cho mình hỏi là sao lại phải xử lý kép, phun 1 lần có được không? Thuốc diệt bọ trĩ và phân biosol có phun chung được không bạn.

    • Các côn trùng chích hút như nhện đỏ, bọ trĩ có vòng đời khá ngắn nên chúng sinh sôi nảy nở lan truyền rất nhanh. Xử lý kép để diệt lớp côn trùng con mới nở và lây lan sau lần phun trước. Có thể pha thuốc BVTV với phân biosol để phun, nhưng phải “pha riêng xịt chung”, tức phải pha dung dịch phân bón lá riêng, dung dịch thuốc riêng. Sau đó mới đổ vào chung để phun.

  4. Chào cộng đồng. Mình mới làm tiêu chưa có kinh nghiệm. Tiêu nhà mình từ khi thu hoạch xong tới giờ chưa bón phân lần nào, hiện tại thì có cây ra hoa có cây chưa và tiêu bị bọ trĩ cắn. Mẹ nình đang tính bón phân hóa học rồi mới phun thuốc trị bọ trĩ cộng với phân biosol. Cho mình hỏi là làm như vậy có đúng không? Mong mọi người giúp đỡ.

    • Bón phân gốc, phun phân bón lá cho cây trồng là 2 việc khác nhau, làm việc nào trước hay sau đều được. Nhưng bị côn trùng chích hút thì không thể đợi mà phải khẩn cấp phun thuốc ngay để giảm thiểu tác hại. Chú ý xử lý kép vì côn trùng chích hút lá tiêu lây lan rất nhanh.

Gửi phản hồi mới

(?)