Bình Phước: Người dân lại đua nhau trồng tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 11

Ở thời điểm này, cây hồ tiêu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác như cao su, cà phê, điều. Do lợi nhuận cao, nhiều nông hộ ở Bình Phước chặt bỏ điều, thậm chí cao su và đua nhau trồng tiêu, vừa tạo ra cơn sốt nọc tiêu, vừa có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Đua nhau trồng hồ tiêu

Với mức lợi nhuận vượt trội hơn các cây trồng khác như: cao su, điều…, hiện nay nhiều hộ dân ở Bình Phước quyết định chặt bỏ các vườn cây hiệu quả kinh tế thấp, để lấy đất trồng tiêu. Điểm nóng nhất là huyện Bù Gia Mập, từ cuối năm 2013 đến nay, người dân đã trồng mới hàng ngàn ha hồ tiêu. Tại huyện Bù Đăng cũng có vài trăm ha trồng mới. Chỉ riêng xã Nghĩa Bình, từ năm 2013 đến nay, người dân đã chặt bỏ trên 100 ha các loại cây trồng khác, kể cả vườn điều, cà phê, cao su hàng chục năm tuổi, để trồng tiêu, đại diện Hội Nông dân xã này cho hay.

Huyện Lộc Ninh hiện có gần 4.000 ha hồ tiêu (tập trung ở các xã Lộc An, Lộc Thạnh, Lộc Quang, Lộc Hòa và Lộc Tấn), chiếm khoảng 30% diện tích hồ tiêu cả tỉnh Bình Phước. Những năm trước, khi mủ cao su có giá, nhiều hộ nông dân xã Lộc An chuyển diện tích vườn tiêu già, tiêu chết sang trồng loại cây này. Vài năm trở lại đây, khi giá hồ tiêu tăng, nhiều hộ dân tại các xã này lại bỏ cao su xoay qua trồng “cây thế mạnh” là hồ tiêu. Chỉ vụ xuống giống năm 2013, xã Lộc An đã có thêm gần 200 ha tiêu được trồng mới, nâng tổng diện tích hồ tiêu của xã này lên hơn 1.000 ha. Năm nay, diện tích trồng mới hồ tiêu ở Lộc An sẽ vẫn tiếp tục tăng, đại diện Hội nông dân xã Lộc An, huyện Lộc Ninh khẳng định.

Trồng nọc tiêu

Đào hố, dựng nọc tiêu chuẩn bị trồng mới

Theo Sở NN&PTNN, đến nay cả tỉnh Bình Phước có gần 12.000 ha hồ tiêu được trồng tập trung ở các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản và Bù Gia Mập, trong đó khoảng 9.000 ha đang cho thu hoạch. Ở thời điểm này giá tiêu giữ ổn định ở mức 190.000 đồng/kg thậm chí có lúc vượt 200.000đồng/kg, tăng trên 60.000 đồng/kg so với năm 2013. Với giá này, hiện mỗi ha tiêu đạt lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng/năm, lãi gấp đôi so với cây điều, cao su (khoảng 80-120 triệu đồng/ha, năm nay hai loại cây này coi như hòa vốn, thậm chí cao su có thể còn lổ).

Trao đổi với chúng tôi, Trung tâm Kiểm tra quy hoạch (thuộc Sở NN&PTNT), khẳng định việc người dân lại đua nhau trồng tiêu, chủ yếu là tự phát, chạy theo giá là đáng báo động, vì có nguy cơ mất cân bằng cung cầu trên thị trường và khi đó giá sẽ giảm. Đến nay chưa có thống kê chính xác về diện tích cây tiêu trồng mới, vì vậy rất khó đưa ra khuyến cáo đối với người dân.

Những hệ lụy khó lường

Ông Hoàng Nhật Tân, Phó chủ tịch huyện Lộc Ninh thông báo, “Lộc Ninh – Thủ phủ cây tiêu” của Bình Phước vừa được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh” cũng đang tăng diện tích trồng mới. Nhiều hộ vừa chặt bỏ cây điều, thậm chí cây cao su, chưa kịp đặt hàng đang nóng ruột, vì giá nọc giả bằng cây gỗ tạp, tăng 10 nghìn/nọc (từ 25 nghìn lên 35 nghìn đồng) mà vẫn hút hàng… Với giá nọc tiêu cao ngất ngưởng như hiện nay, để giảm chi phí đầu tư, nhiều hộ đã chọn hình thức đầu tư dần.

Khảo sát nhỏ của chúng tôi tại xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), cho thấy nhiều hộ trồng mới tiêu cũng lâm vào cảnh phải mua nọc giả với giá cao hơn đầu năm gần 20 nghìn đồng/nọc, nhưng phải chấp nhận vì đã sát mùa xuống giống. Nhiều hộ băn khoăn mức đầu tư ban đầu cao, trong khi phải ba năm tiêu mới bắt đầu ra trái và từ năm thứ năm mới cho thu ổn định. Tuy nhiên, với so với giá mủ cao su, hạt điều như hiện nay, thì đầu tư vào cây tiêu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế hơn cả, ông Đào Quang Thiện, ấp 7, xã Lộc Hà, Lộc Ninh khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Tỉnh cho rằng việc phát triển cây tiêu ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường trong thời gian tới. Đặc biệt các vườn tiêu trồng ở những nơi có điều kiện môi trường, đất đai không phù hợp, và nếu các hộ không áp dụng khoa học, kỹ thuật…, sẽ dẫn đến giảm năng suất, thậm chí chết vườn cây và khó tránh khỏi tổn thất lớn về kinh tế. Ông Khánh khuyến cáo người trồng tiêu mới lên tìm đất tốt, gần nguồn nước và giống tốt thì mới hiệu quả kinh tế.

Theo Trung tâm Kiểm tra quy hoạch, chí một số huyện như: Bù Đốp, Lộc Ninh và thị xã Bình Long là có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây tiêu. Tuy nhiên, người dân các vùng này khá thận trọng mở rộng diện tích. Trái lại, các nơi khác như Bù Gia Mập, Bù Đăng không phù hợp với cây hồ tiêu thì người dân lại đổ xô đi trồng. Đáng lo ngại là nhiều hộ dân đang phá bỏ vườn điều, cà phê, thậm chí cả cao su… đang cho thu hoạch khá ổn định để chuyển sang trồng tiêu. Điều này ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân tránh đầu tư dàn trải và đầu tư chệch hướng có thể chịu rủi ro cao, hiệu quả kinh tế thấp, Sở NN&PTNN Bình Phước cho biết.

Các nhà khoa học khuyến cáo, việc mở rộng diện tích trồng tiêu thiếu định hướng sẽ phá vỡ cơ cấu cây trồng trong vùng, ảnh hưởng tới tư duy sản xuất hàng hóa lẫn hiệu quả kinh tế của người dân trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng của Tỉnh có biện pháp kiểm soát diện tích, cây giống và khu vực trồng cây hồ tiêu hợp lý; phát triển loại cây này theo hướng bền vững, bằng cách trồng, chăm sóc hồ tiêu theo hướng sinh học, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, vừa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và cũng là biện pháp tạo thương hiệu hồ tiêu Bình Phước.

11 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Hy vọng sẽ không có ai phải thất bại, nông dân có tiền đầu tư 1 trụ tiêu khủng khiếp thật… nào là trụ gỗ trụ bê tông, lưới che,… nể thật. Với vốn đầu tư như vậy giá tiêu phải cao hơn nữa mình mới dám đầu tư như vậy.

    • Mấy chú trồng tiêu bao giờ chưa, mấy chú biết cái gì. Cần phải khuyến khích người dân trồng tiêu, dân mới giàu, thịnh vượng được. Bà con cứ trồng, xử lí đất thật kỹ, trồng theo phương pháp sinh học kết hợp nhẹ hóa học. Tiêu nó sẽ lên nhanh như rau lan đấy! Nó bò tùm lum hết..

    • Chưa ai dám đứng ra nói khuyến khích nông hộ trồng tiêu, anh lấy gì đảm bảo cho họ mà khuyến khích, đem miếng cơm ra để nghe lời khuyến khích. Trước mắt biết bao bài học đau thương trả giá đắt cho sự chạy đua theo giá cả … đơn giản vậy sao ?
      Trồng tiêu dễ như trồng rau lang thì anh quả thật là 1 nông dân giỏi. Tôi nghĩ rằng anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm tài giỏi của mình cho cộng đồng học hỏi nhưng rất tiếc là chưa hề thấy !

  2. Cây tiêu không dễ ăn đâu, coi chừng trắng tay như chơi đó. Cây tiêu rủi ro rất lớn, phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Bà con nên tính toán kỹ trước khi trồng, đừng thấy người ta trồng tiêu mình cũng vay mượn đi trồng.

  3. Có thể so sánh việc trồng tiêu của dân ta với chiến thuật “biển người” trong chiến tranh.
    Lớp trước ngã xuống có lớp sau tràn lên thay thế.
    Đối phương bắn hết đạn sẽ chịu bị bắt sống.
    Chiến thắng được trả giá bằng rất nhiều máu đổ xuống.
    Nghe đau xót và cay đắng nhưng đó là sự thật.

  4. Anh DAN VIET ví von hay đó. Người dân làm theo hiệu ứng đám đông mà. Khi trồng họ nghĩ là họ thắng 90%, chưa ai nghĩ là sẽ thất bại. Họ tin vào lời ma mị của hội thảo nông nghiệp… giữa ma trận của thuốc BVTV và phân bón bây giờ. Ai xa lạ nhà em đây khi em chưa làm cây tiêu nào ba mẹ vợ em có 1.100 trụ tiêu thu năm thứ nhất đc định giá 1,5 tỉ đồng. Vậy mà chỉ một lần đi hội thảo mua 6 triệu đồng tiền phân bón qua lá, đổ gốc của bên hội nông dân xã Ea Sol, Ea H’leo mời đi dự của công ty gì đó, khi đó em về BMT có việc. Nếu có em đã khuyên ba mẹ ko nên đi. Hậu quả 1 tuần đã héo và tháo khớp ngay sau đó. Liên hệ lại k ai trả lời, hỏi hội nông dân họ trả lời họ không biết, hòa cả làng… Mất hơn 1 tỉ đồng giờ biết tin ai đây nên cẩn thận nhé bà con. Cần có kiến thức nông nghiệp nền tảng. Thân

    • Mật ngọt mới chết được ruồi.
      Bà con nông dân mình thích nghe mấy anh hội thảo hàng dỏm, hàng đểu nhưng hót hay. Nếu không thì làm sao có tới 60-70% sản phẩm kém chất lượng trôi nổi trên thị trường ?

    • Nhiều bà con nông dân cả đời không ra khỏi xã, khỏi huyện… Không đi nghe hội thảo, không coi TV thì biết dùng sản phẩm loại nào?
      Mấy cái ông trên mạng “đầu cua tai nheo” không thấy thì làm sao mà tin… !

    • Cho nên, chỗ nói đúng thì không nghe, toàn đi nghe những chỗ không đáng tin cậy. Gặp phải mấy ông GS, TS vào hàng chuyên gia quảng cáo nữa thì… chết chắc !

Gửi phản hồi mới

(?)