Bón vôi cho cây trồng

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 25

voi botHiện nay có nhiều tài liệu khác nhau nói về việc sử dụng vôi trong nông nghiệp. Bạn DVN có bài viết chia sẻ về bón vôi cho cây trồng đăng trên giacaphe.com. Giatieu.com mong bà con tham khảo và vận dụng để bón vôi cho cây hồ tiêu hợp lý hơn.

Qua thực tế hiện nay, tôi thấy việc bón vôi cho cây trồng của bà con rất bất cập, thậm chí rất ít người có những hiểu biết cơ bản về vôi.

Vôi là gì ?

Trong tiếng Việt vôi là ôxít canxi CaO hoặc Hidrôxit canxi Ca(OH)2.
Trong nông nghiệp vôi dùng để bón ruộng ở dạng Ca(OH)2  (vôi tôi, vôi hả, vôi bột …).

Tác dụng của vôi

Cung cấp canxi cho cây trồng : Canxi là 1 trong 4 chất trung lượng cần thiết cho cây trồng. Ngoài vôi bà con có thể dùng canxi nitrat Ca(NO3)2 hoặc lân nung chảy. Không nên dùng bột đá, bột vỏ sò CaCO3 hay thạch cao CaSO4+2H2O như 1 số tài liệu khuyến cáo (những chất này không tan trong nước, thậm chí còn có hại cho cây trồng).

Chống chua đất : Đất chua là đất có dư lượng axít, độ pH nhỏ hơn 7. Hầu hết đất canh tác nông nghiệp đều chua. Tùy theo loại cây trồng mà độ chua hợp lý sẽ khác nhau (với cây hồ tiêu hợp lý là độ pH từ 5,5 đến 6,5). Khi độ pH xuống dưới mức hợp lý thì phải chống chua và thứ rẻ nhất để làm việc này là vôi.

Tác hại của vôi

Ngoài 2 tác dụng kể trên, vôi cũng có nhiều tác hại.

Làm chai đất : Đất chua có nhiều nguyên nhân (chua vì dư thừa axít do bón phân hóa học lâu ngày nhất là các lọai phân sunphát ; chua do các vi sinh vật thải ra ; chua do rễ cây tiết ra trong quá trình hấp thu dinh dưỡng). Khi bón các lọai phân sunphat quá nhiều sẽ tạo ra dư lượng chất axit sunphuric H2SO4 làm chua đất, sau đó lại dùng vôi để khử chua nên sẽ có phản ứng hóa học sau : Ca(OH)2 +H2SO4 = CaSO4 +2H2O, tức tạo ra “thạch cao “gây ra hiện tượng chai đất và bó rễ cây. Hiện tượng chai đất còn do nhiều nguyên nhân khác nhưng ở đây chỉ nói về vôi.

Tiêu diệt các vi sinh vật có lợi (lẫn có hại) có trong đất : Trong đất có rất nhiều vi sinh vật có lợi (EM) cho đất, khi bón vôi sẽ tiêu diệt chúng (các vi sinh vật mắt thường không nhìn thấy nhưng bà con sẽ thấy khi bón vôi như con giun đất chết liền khi gặp vôi).

Làm mất chất dinh dưỡng :

-Vôi khi gặp các lọai phân bón chứa nitơ (N) sẽ làm mất nitơ , khi gặp lân (P2O5) sẽ biến lân thành quặng phosphat khiến cây không hấp thu được. Hầu hết các lọai phân vô cơ như Urê, SA, NPK, DAP, Lân…đều kỵ vôi .

-Trong phân hữu cơ có nguồn gốc từ phân động vật hay than bùn …chứa 1 chất rất quan trọng là Axit humic (đây là chất cực quý với tất cả các lọai cây trồng ). Axit humic rất dễ tan. Nếu ở dạng humat kali, humat natri, humat amôni thì càng tốt. Nhưng khi trộn với vôi sẽ tạo thành humat canxi là chất không tan trong nước và cây không hấp thu được.

-Vôi còn rất nhiều tác hại khác nhưng đây là diễn đàn của bà con nông dân nên chỉ xin viết những gì đơn giản nhất, phù hợp với kiến thức phổ thông để bà con dễ dàng tiếp nhận.

Dùng vôi sao cho đúng ?

Vôi vừa có tác dụng vừa có tác hại, vậy phải dùng như thế nào? Câu trả lời ngắn gọn là dùng sao cho có lợi nhiều nhất và có hại ít nhất.

Chỉ dùng vôi khi đất bị chua : Tức là chỉ dùng cho mục đích chống chua. Không nên dùng cho mục đích cung cấp canxi. Nên sử dụng các chất để thay thế vôi như đã viết ở trên.

Phải bón riêng rẽ : Khi bón vôi bà con không nên trộn với bất kỳ lọai phân gì. Để tránh tác hại nên bón sau thu họach, bón sau đợt bón phân cuối cùng của vụ trước ít nhất 15 ngày và bón trước đợt bón phân của vụ sau ít nhất 15 ngày. Tốt nhất là bón trước khi mùa mưa đến hay giữa mùa mưa.

Đây là những ý kiến cá nhân của tác giả, giatieu.com mong được bà con tham khảo.

Giatieu.com

25 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Cho cháu hỏi là bay giờ nhà cháu bón lót để trồng tiêu, cháu bón trộn chung với vôi + lân + phân chuồng để trồng.
    Theo như trên vôi +lân sẽ làm cây ko hấp thụ được thì phải làm sao ? Cháu xin cảm ơn.

    • Bạn chỉ cần dùng lân Văn Điển vì phân này có 20% lân nguyên chất nhưng có tới 30% canxi và khoảng hơn 10% magiê là chất rất cần cho cây hồ tiêu. Chỉ khi dùng supe lân mới cần cho thêm vôi để khỏi chua đất.

  2. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau quá, “chín người mười ý mà”. Dẫu sao cũng cảm ơn tác giả đã viết bài báo này. Cái gì nó cũng có mặt lợi và mặt hại, cái cốt lõi là không nên lạm dụng một thứ gì đó quá nhiều. Chúc mọi người thật nhiều sức khỏe.

  3. Đồng quan điểm với tác giả và bạn : Mặn quá ! nuốt không nổi ; Béo quá ! không thể ăn ; Ngọt quá ! đái đường…
    Tác giả có ý tốt , thân thiện !

  4. Xin hỏi giatieu.com là khi mua vôi làm sao biết loại nào là vôi (CaO) loại nào là đá vôi (CaCO3) ? Tại tôi thấy ở địa phương tôi người ta bán toàn là vôi bột không có bao bì nhãn mác gì hết nên không biết đâu mà lần.

    • Bạn hỏi tôi mới sực nhớ, mua vôi bón vườn rẫy gần 30 năm nay nhưng chẳng thấy bao nào có ghi nhãn mác, mà cũng chẳng thấy có vấn đề gì. Có lẽ bạn nên mua vôi ở cửa hàng quen thuộc, gần nhà, dù sao cũng đỡ lo hơn…

  5. Vôi bắc đây, Vôi bắc đây !
    Đánh răng rửa mặt chưa xong đã nghe tiếng rao. Chất lượng tồi lắm !
    Cảnh giác không thừa…

  6. Con chào cộng đồng giatieu. Mình nên chọn mua vôi như thế nào ạ. Con toàn ra đại lí phân bón mua đại thôi, mà có 2 loại, liệu nó có khác nhau không? 1 loại đóng bao 10kg có ghi dùng khử chua ao hồ, 1 loại đóng bao như bao xi măng. Con không rành nên muốn tham khảo ý kiến, có gì sai xót xin mọi người bỏ qua. Con cảm ơn!

  7. Theo mình nghĩ nên mua vôi cục loại chưa tôi tốt hơn. Mua về đổ ra nền nhà cho nó tơi ra mấy bữa sau rắc ra vườn. Còn loại đóng bao 10kg là loại đã tôi rồi không tốt.

  8. Cho em hỏi em mua vôi cục về bón mà nó cứng còn hơn cả đá muốn bón cũng ko được.
    Bây giờ phải làm sao mong diển đàn chia sẻ giúp em. Em xin cám ơn

    • Bạn đã cho nước vào những cục vôi đó chưa ? Việc làm này gọi là tôi vôi hay phi vôi theo cách gọi từng vùng. Vôi được nung từ đá sau khi đã tôi thì mới sử dụng để bón cho cây trồng. Vôi cục loại có chất lượng là loại vôi khi ta cho vào ít nước thì bung rã ra kèm theo tỏa nhiệt !
      Nếu vôi cục nhà bạn mà khi cho nước vào không có được như vậy thì nên mua thứ vôi khác !

    • Bạn đem ngâm nước cho tới khi nào hết sủi bọt hay hết tỏa nhiệt thì vớt ra, nó sẽ tự rã.
      Có thể đem bón ngay cho cây hay rải ra vườn, hoặc cho vào bao dự trữ để sử dụng sau…

  9. Họ rao bán, mang đến tận nhà. Quá tiện.
    Có 2 loại : Vôi bột, dùng bón ngay. Vôi củ, phải tưới nước để chuyển thành vôi bột mới sử dụng được.
    Đáng tiếc ! Khi rải vôi bột của họ – ta không cần đeo khẩu trang cũng không sao ! Còn mua vôi củ thì ta vừa có vôi bón, vừa có đá để chọi chơi…!

    • Vôi kết tủa đóng thành màng phủ kín làm lá cây không hô hấp, không quang hợp được và… rụng !

  10. Cho cháu hỏi cháu đang chuẩn bị trồng rau trên đất cát pha sét mà hôm nay cháu đã bón lót cho đất phân supe lân vậy hôm sau cháu có thể bón thêm vôi bột vào không? Hay cần phải đợi bao nhiêu ngày nữa mới được bón vôi?

  11. Một vài góp ý nhỏ:
    1. Hiện nay vôi dc chia làm 3 loại chính: đá vôi CaCO3, vôi sống CaO (vôi nung) và vôi tôi Ca(OH)2, nhưng phổ biến vẫn là đá vôi và vôi sống.
    2. Ca và K sẽ dc cây hấp thu theo tỉ lệ nghịch nên khi muốn cây hấp thu K thì chỉ cần bón 1 lượng nhỏ vôi, đó là lý do trước khi phun hoặc bón K cho chắc nhân cần bón thêm vôi.
    3. Ngoài tác dụng nâng độ pH, sát khuẩn thì vôi còn có tác dụng giải độc cho cây khi ngộ độc phân bón, ngộ độc thuốc BVTV.
    thân !

  12. Bón vôi cũng có nhiều cái lợi. Nhà bên năm nào cũng rãi trắng cả vườn. Kết quả cỏ lên không nổi, đỡ làm cỏ.

  13. Bón kiểu nhà bên cạnh bạn @tran ngoc sang thì chỉ có hại chứ không có lợi. Vôi bón đúng và đủ mới có ích, bón kiểu đó thì chết sạch vsv có lợi, phá vỡ cấu trúc đất

  14. Bác cho cháu hỏi, tiêu nhà cháu mới trồng cháu muốn xen canh trồng ổi được không? Cháu chỉ trồng khoảng 4 năm, vừa tăng thu nhập vừa lấy bóng mát. Như vậy có ảnh hưởng gì không ạ.

    • Thỉnh thoảng, pha loãng tưới lên đất.
      Tốt nhất là nên đo dộ pH đất trồng để xử lý cho phù hợp.

Gửi phản hồi mới

(?)