Các thuật ngữ trên bao bì phân bón

, Khuyến cáo, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 43

phan lan van dienBà con nông dân không nên mua các loại phân ghi hàm lượng dinh dưỡng không rõ ràng, nhập nhèm, tỷ lệ % yếu tố dinh dưỡng quá thấp nhằm tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngày nay phân vô cơ sử dụng cho cây trồng chiếm trên 95% tổng lượng dinh dưỡng. Việc xuất hiện nhiều chủng loại từ phân đơn, phân hỗn hợp, phân đa dinh dưỡng, phân trung lượng, phân vi lượng trên thị trường và việc ghi bằng thuật ngữ khoa học trên các vỏ bao sản phẩm thường “đánh đố” nông dân.

Bởi vậy, hiểu biết các thuật ngữ sẽ giúp ích cho việc lựa chọn sử dụng hiệu quả các loại phân bón.

Phân hóa học, phân khoáng gọi chung là phân vô cơ là những hợp chất ở dạng hóa học chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

Các loại phân hóa học thường dùng là phân đạm, phân supe lân, phân kali, phân hỗn hợp, phân trung lượng, vi lượng. Phân khoáng là các loại phân như lân nung chảy, vôi và một số loại phân không chế biến theo công nghệ hóa học.

Phân đạm (phân bón chứa đạm)

Là tên chung gọi các loại phân đơn cung cấp chất đạm được ký hiệu là N. Các loại phân thường dùng :

– Urê: Công thức hóa học [CO(NH2)2] chứa 44 – 48% N nguyên chất là loại phân có tỷ lệ N cao nhất được dùng phổ biến hiện nay. Trên các bao bì thường ghi tỷ lệ % N trung bình là 46% đạm nguyên chất.

– Đạm sunphat: Công thức hóa học [(NH4)2SO4] còn gọi là phân SA chứa 20 – 21% N và 23% S (S là ký hiệu chất lưu huỳnh).

Phân lân (phân chứa lân được ký hiệu là P)

Phân lân có 2 loại là phân lân tự nhiên như Apatit, Phosphorit và phân lân chế tạo công nghiệp (supe lân, lân nung chảy).

Hàm lượng lân nguyên chất (lân dễ tiêu cây trồng hấp thu dễ dàng) được tính dưới dạng P2O5 và được ghi trên bao bì là tỷ lệ % P2O5. Các dạng phân lân tự nhiên như Apatit, Phosphorit hàm lượng lân dễ tiêu rất ít nên thường ít được sử dụng.

– Phân supe lân (công thức hóa học Ca(H2PO4) H2O được SX theo công nghệ axít, hàm lượng lân dễ tiêu P2O5 từ 15 – 17% và 11 -12% S, phân ở dạng bột màu xám mùi chua dễ hút ẩm, phân có phản ứng chua nên khi bón cần phối hợp với bón vôi.

– Phân lân nung chảy còn gọi là phosphatcanximagie (FMP), ở nước ta phân được SX đầu tiên ở nhà máy lân Văn Điển (nên cũng gọi là lân Văn Điển).

Phân dễ tan trong axít yếu, tan tốt trong dịch chua do dễ cây tiết ra, sử dụng tốt trên tất cả các loại đất đặc biệt trên đất chua phèn, đất gò đồi thì hiệu quả lân nung chảy Văn Điển rất cao.

Phân kali (phân chứa kali)

Được ký hiệu là K, hàm lượng kali nguyên chất trong phân được tính dưới dạng K2O và ghi trên vỏ bao bì tỷ lệ % K2O.

Các loại phân kali thông dụng trên thị trường hiện nay là: Kaliclorua (KCl) còn gọi là Muriate of potash, viết tắt trên bao bì là MOP chứa 50 – 62% K2O dạng bột màu hồng như muối ớt có loại màu trắng như muối dễ hút ẩm, dễ vón cục; là loại phân sinh lý chua bón liên tục nhiều vụ cần bón thêm vôi hoặc phân nung chảy.

Phân kali sunfat (K2SO4) còn gọi là sunfat of potash, viết tắt trên bao bì là SOP chứa 45 – 50% K2O và 18% S dạng tinh thể mịn màu trắng ít hút ẩm, ít vón cục, là loại phân sinh lý chua dùng liên tục nhiều vụ sẽ làm tăng độ chua cho đất.

Phân bón trung lượng

Canxi (vôi) công thức hóa học là (CaO) viết tắt là (Ca) thường được ghi trên bao bì tỷ lệ % CaO hoặc Ca+2.

Canxi có nhiều trong vôi tôi, vỏ ốc, vỏ sò, san hô, phân lân nung chảy chứa 28-30% CaO. Canxi là chất dinh dưỡng của cây, đồng thời cải tạo đất khử độ chua, tăng sức kháng bệnh cho cây trồng.

Magie công thức hóa học là (MgO) viết tắt là (Mg) thường được ghi trên bao bì tỷ lệ % MgO hoặc Mg.

Magie được SX công nghiệp có nhiều trong phân lân nung chảy Văn Điển từ 15 – 18%. Magie là chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hình thành diệp lục, quang hợp tổng hợp chất dinh dưỡng trong cây.

Silic công thức hóa học (SiO2) viết tắt là (Si) thường được ghi tỷ lệ % SiO2 trên bao bì, silic trong phân lân nung chảy Văn Điển chiếm 24-32%, silic có vai trò đặc biệt quan trọng đối với một số loại cây trồng như lúa, ngô, mía, dứa…

Lưu huỳnh ký hiệu là (S) thường được ghi tỷ lệ % S trên bao bì, S có trong nhiều loại phân bón như trong phân supe lân, phân đạm SA, trong các loại phân hỗn hợp.

Phân bón vi lượng (TE)

Gồm 6 chất dinh dưỡng chính là kẽm (Z), bo (B), sắt (Fe), đồng (Cu), mangan (Mn), molipden (Mo). Thường được ghi trên bao bì với hàm lượng là ppm hoặc tỷ lệ %. Nhiều loại phân bón ghi chung chung chỉ có TE không có tỷ lệ % hoặc ppm.

Phân hỗn hợp (phân NPK + trung vi lượng)

Phân hỗn hợp là do hai hay nhiều loại phân đơn trộn chung bằng phương pháp cơ học hoặc phức hợp dạng 1 hạt, ngoài các yếu tố dinh dưỡng đa lượng N, P, K có loại thêm Ca, Mg, S hoặc vi lượng (TE).

-Phân PK: Trộn supe lân với KCl theo tỷ lệ 0:1:3 (55% supe lân và 45% KCl) hoặc 0:1:2 (65% supe lân và 32-35% KCl). Loại tỷ lệ 0:1:2 chứa 5,8% P2O5 và 11,75% K2O được ghi trên bao bì tỷ lệ % P2O5 và tỷ lệ % K2O.

-Phân Diamophos: Còn gọi là phân (DAP) công thức hóa học là (NH4HPO4) được trộn supe lân kép với sunfat amon. DAP ghi trên bao bì là 46% P2O5 và 18% N. DAP chỉ có 2 thành phần dinh dưỡng là N và P.

-Phân NPK + TE: hiện nay có rất nhiều loại phân hỗn hợp NPK với nhiều tỷ lệ khác nhau có loại trộn thêm một vài yếu tố trung lượng như canxi, magie hoặc S thường được ghi trên bao bì.

Ví dụ như: NPK 16.16.8+13S có nghĩa là loại phân này có 16% N, 16% P2O5, 8% K2O và 13% S, hoặc loại phân NPK 16.10.6+2,5 (CaO + MgO) có nghĩa là loại phân này có 16% N, 10% P2O5, 6% K2O và 2,5% canxi và magie, hoặc loại phân NPK 12.12.5+TE có nghĩa là loại phân này có 12% N, 12% P2O5, 5% K2O và (TE).

Phân ĐYT NPK Văn Điển có 13 chất dinh dưỡng gồm đa lượng, NPK, trung lượng Canxi, Magie, silic, lưu huỳnh và vi lượng là sắt, kẽm, đồng, mangan, bo, coban là loại phân đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng nhất hiện nay.

*TE là chữ viết tắt của 2 từ tiếng Anh “Trail Elementary”, có nghĩa là nguyên tố vi lượng, chỉ có vết trong phân tích hóa học, không cân đo được bằng lượng.

TE chỉ có ý nghĩa và tác dụng khi được ghi là chất vi lượng gì và hàm lượng dinh dưỡng có bao nhiêu ppm hoặc tỷ lệ % là bao nhiêu của từng nguyên tố vi lượng.

Như vậy, tỷ lệ % của các yếu tố dinh dưỡng càng cao thì hàm lượng nguyên chất của chất ấy cũng cao và ngược lại tỷ lệ % thấp thì hàm lượng nguyên chất của chất dinh dưỡng ấy cũng thấp.

Bà con nông dân khi lựa chọn phân bón sau khi đã chọn thương hiệu nổi tiếng thì căn cứ vào những chú dẫn về tỷ lệ % của các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng được ghi trên vỏ bao của mỗi chất để xác định đúng chủng loại mà mình có nhu cầu.

Không mua các loại phân ghi hàm lượng dinh dưỡng không rõ ràng, nhập nhèm, tỷ lệ % yếu tố dinh dưỡng quá thấp nhằm tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đọc thêm: >>  Những hiểu biết cơ bản về phân hữu cơ

Báo Giá cà phê qua điện thoại
43 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Làm sao để biết được phân giả. Hiện nay thị trường có rất nhiều loại phân bón, bao bì đẹp, đại lý thì quảng cáo… nông dân chỉ biết nghe.

  2. Bài viết này chắc là nhằm để PR cho hãng phân Văn Điển là “nhất hiện nay”, nhưng lại để chê những hãng phân chỉ ghi +TE mà không ghi hàm lượng cụ thể.

  3. Các bác cho em hỏi tiêu của em mới trồng đc gần 2 tháng cách đây 5 hôm em xịt bón lá bằng agri fos 400 bị quá liều lượng, hôm nay ra rẫy thấy lá bị cháy, đọt bị rủ, thân cây yếu ớt. Vậy liệu tiêu có chết ko, và có cách nào để cứu ko ạ.

  4. Chú ơi ! Bố cháu muốn hỏi lúc này mình bón thêm NPK để tăng thêm dinh dưỡng, giúp cho tiêu nhân to, chắc hạt… được chưa? Mong chú tư vấn sớm giúp cho bố cháu. Bố cháu xin cám ơn chú ạ !

  5. Chào Kiều Hạnh dùng biogel đổ nhiều lần so với bình thường nhé. 1 kg biogel cho 100 gốc kinh doanh định kỳ 25-30 ngày bón một lần , kiếm NPK loại giàu kali pha 3kg cho 1 phuy nước đổ cho 100 gốc bón xen với biogel. Làm vậy cho tới thu hoạch, đó là cách mình làm tiêu không bị suy mà giảm được NPK rất nhiều tuy hơi nhọc công tí nhưng đảm bảo.
    Thân.

    • Theo tôi, thời điểm này vẫn còn trong mùa mưa bão, bà con nên tận dụng độ ẩm cao để tăng cường các loại phân hữu cơ giàu amino như đạm cá, bánh dầu, và sinh học biogel+biosol có các chất GA3, Auxin, Cytokinin, Alginic acid,… để hỗ trợ làm chắc hạt, tăng dụng trọng, tăng năng suất… cho cà phê, tiêu. Kết hợp tăng cường trichoderma phòng ngừa các bệnh hệ rễ.
      Khi trời mưa bão kéo dài, mưa nhiều sẽ gây úng cục bộ làm rễ tơ hay bị thối. Đặc biệt ở những vườn có làm bồn cần thận trọng, tuyệt đối không bón phân hóa học với liều cao theo cách bón vãi, sẽ “tiêu” ngay.
      Cách bón xen NPK của @dodat sẽ không gây hại cho tiêu như bón vãi trực tiếp nhưng liều lượng hơi thấp, chỉ 30gr/gốc, theo tôi cần nâng lên 50gr/gốc, với lượng nước pha loãng vừa phải phù hợp theo lượng mưa, hoặc độ ẩm của vườn. Tránh gây úng không cần thiết.

    • Cộng đồng cần quan tâm tham khảo và vận dụng ý kiến của anh @Thắng Lợi.
      Tôi xin trao đổi thêm: Do mưa nhiều làm thối rễ tơ, nấm bệnh dễ dàng tấn công. Tập trung phun phân bón lá, loại nhiều thành phần dinh dưỡng để chống suy kịp thời, chờ đợi rễ tơ hồi phục, sau đó mới tăng cường phân hữu cơ đổ gốc+tricho các loại. Kiểm tra mương rảnh thoát nước, vườn luôn luôn khô ráo sẽ giảm nguy cơ nấm bệnh đe dọa. Sử dụng phân thuốc cần thận trọng, nhất là hàng nhái, hàng kém chất lượng.
      Đọc tin này để… buồn thêm: >> http://cafef.vn/hang-hoa-nguyen-lieu/dot-kich-kho-hang-gia-cua-cong-ty-thuan-phong-20151009153752994.chn

    • Chào bạn!
      Trong 1 năm bạn đổ gốc bao nhiêu lần biogel vậy bạn? Mình nghĩ chắc khoản 10 lần?

    • Chào Hiền, đúng rồi một năm mình dùng biogel khoảng 10 lần đấy, có khi hơn nhưng 10 lần là đẹp rồi. Mình dùng phân bò và phân biogel này thôi, hầu như không bỏ hóa học như bạn vậy vì trong phân biogel+biosol đã có đầy đủ chất dinh dưỡng rồi. Tiêu mình sau khi thu vẫn xanh không như các vườn bên cạnh. Đôi điều chia sẻ.
      Thân

    • Chào bạn Thành Trung, cảm ơn bạn!
      Trong 1 phuy 200lit mình nên đổ cùng 1 Biogel + 2ky NPK không bạn. Bạn xịt khoảng mấy lần Biosol/năm? nếu kết hợp Biosol với thuốc trừ sâu sinh học thì có làm mất tác dụng của Biosol không bạn? có 1 lần mình đã làm như thế…

    • Chào Hiền. Một năm mình dùng phân biogel 10 lần và liều lượng 1kg biogel cho 100 trụ kinh doanh đấy. Biosol thì minh phun tầm 25-30 ngày 1 lần luôn nhưng vào giai đoạn nuôi trái mình phun 20 ngày 1 lần để cung cấp dinh dưỡng vì mình không dùng hóa học nên phun dày lên. Đầu mùa mưa bỏ 1 đợt phân bò và bỏ 2 đợt lân thôi, rất ok đó bạn. Đây là cách của một bác dùng phân biogel+biosol lâu nay hướng dẫn mình đấy. Bác không dùng một hạt hóa học nào mà cây tốt um. Rất vui chia sẻ với bạn

    • Chào bạn Thành Trung, và cộng đồng giá tiêu.
      Rất phấn khởi khi bạn trả lời như vậy. Bạn quên câu hỏi thứ 2: có thể phun thuốc trừ sâu sinh học cùng Biosol không bạn? Cảm ơn rất nhiều…

  6. Dùng 10 lần một năm là tạm được, nhưng chưa cụ thể. Vấn đề là dùng với liều lượng như thế nào nữa mới rõ hơn. Tôi đồng ý với liều dùng của bạn @dodat khi kết hợp biogel với NPK để đổ gốc cho tiêu kinh doanh. Còn biosol dùng để điều chỉnh khi thấy tiêu biểu hiện có nhu cầu cần cho phân thêm.
    Tiêu kinh doanh mỗi năm tôi bón 2 lần phân ủ hoai, bình quân 15 kg/gốc/lần và khoảng 5-7 lạng lân Văn Điển cũng chia làm 2 lần. Xin chia sẻ.

    • Chào bạn Thắng Lợi, cơ bản thì bạn nắm rất rõ. Nhưng mình có đọc 1 số bài trên diễn đàn nói, nếu kết hợp Biogel + NPK thì 1 phuy 200 lít chỉ bón ít hơn 2 ký, nhiều hơn sẽ làm ảnh hưởng đến VSV trong Biogel. Mình dùng 10 lần. Mỗi phuy 200lit: 1ky Biogel+ 2 ký NPK/ 100 gốc. Một năm bạn đầu tư 2 lần phân ủ thì Tiêu tốt lắm nhỉ, mình chỉ được 1/2 nhà bạn thôi. Năng suất vườn nhà bạn ổn không bạn Thắng Lợi?

    • Anh Thắng Lợi nói rất phải. Dùng biogel 1 năm 10 lần là tạm đựơc, nhưng khi sử dụng biogel thay thế hoàn toàn phân hóa học phải dùng với liều lượng khác. Khi tiêu kinh doanh cho năng suất cao nhu cầu dinh dưỡng cao bạn cần bổ sung thêm phân hóa học.

    • Cần phải linh hoạt khi pha loãng phân thuốc các loại, không cứng nhắc, rập khuôn mà phải căn cứ vào thực tế của riêng mình. Liều lượng phân thuốc cho cây thường ít thay đổi nhưng lượng nước pha tùy theo từng trường hợp. Vào mùa mưa, độ ẩm của đất rất cao thì pha ít nước lại. Khi thiếu ẩm cây sẽ không hấp thụ được phân thuốc đâu…

  7. Chào bạn @đỗ thành trung! Bạn cho mình hỏi chăm sóc tiêu theo quy trình bạn nêu trên ko dùng đến hoá học năng suất là bao nhiêu cho 1000 trụ vậy bạn. Mình cũng đang muốn tò mò học hỏi để mình canh tác hoàn toàn theo hứơng sinh học. Vì hiện tại mình vẫn tuân thủ cuả nhà sản suất là chỉ giảm từ 30% đến 50% phân hoá học thôi. Quy trình bạn chăm sóc nêu trên bạn làm vẫn còn thiễu 1 thứ nữa đó là tro, tro là kali. Kali rất quan trọng với cây trồng, giúp cây trồng cứng cáp chống chịu với sau bệnh và thời tiết khô hạn.

    • Chào Pham thanh liem, năng suất trụ chết thì trung bình 5 đến 6 kg khô, còn trụ sống thì trung bình 8, 9 kg khô. Mình chỉ bỏ phân bò với lân thôi. và chỉ dùng biogel+biosol không dùng kali dưới gốc. vì trong 2 loại phân này có đủ thành phân rồi. Nhiều người cứ bảo không đủ dinh dưỡng mình làm có thấy tiêu suy gì đâu cây rất tốt. Mình chỉ học theo một bác kinh nghiệm lâu năm về phân sinh học biogel+biosol này rồi. Bác ấy không dùng phân hóa học tiêu đạt năng suất từ 10-15kg tiêu khô trụ keo đấy, đây là cách bác ấy hướng dẫn mình làm và thành công tiêu rất tốt. Bạn mạnh dạn áp dụng thử đi chắc chắn sẽ thành công.

  8. Đừng quá cực đoan với hóa chất phục vụ ngành nông nghiệp. Nếu để tự nhiên – trái đất này không nuôi nổi nhiều tỷ người như hiện nay. Cái việc ta cần làm là sử dụng 4 đúng. Mới nghe thì hẹp nhưng nói cho kỹ nó rộng lắm. Chịu khó cập nhật hàng ngày bạn sẽ có đủ kiến thức để ứng dụng !

    • Tôi đồng tình với anh Ba, sản phẩm hóa học là tiến bộ của khoa học để phục vụ con người.
      Nó chỉ gây tác hại khi chúng ta lạm dụng mà thôi.
      Sử dụng phân thuốc theo nguyên tắc 4 đúng cũng không dễ dàng đâu mọi người ạ !

  9. Các anh nói rất phải. Nếu như sinh học có thể thay thế hoàn toàn đc hoá học tại sao ta ko chọn nhỉ, vừa thân thiện với môi trừơng vừa an toàn cho ngừơi sử dụng. Nhưng hiện tại sinh vẫn chưa thể chiếm đc ngôi vương nên vẫn phải dùng bổ sung hoá. Năng suất 10kg khô 1 trụ trở lên tôi ko nghĩ ngừơi ta dùng hoàn toàn sinh học chắc chắn họ còn dấu bí quyết tay trái nữa.

    • Chào Thanh Liem có sao nói vậy chứ không có bí quyết gì cả, cộng đồng chia sẻ thật tình thôi. Tôi quen được vài người đã áp dụng như vậy thành công chứ không phải mình tôi. Có người đi trước hướng dẫn tôi như thế đã làm thành công. Nhắc lại là nhiều người đã áp dụng thành công nhé. Đơn giản thế này biogel+biosol cũng là phân, NPK cũng là phân. Tại sao không dùng phân sinh học tốt hơn nhỉ.
      Muốn biết có đúng hay không thì bạn cứ lấy 100 trụ kinh doanh của bạn thí điểm là biết thôi mà có gì khó đâu. Chú Vịnh cũng đã bảo là phân sinh học biogel+biosol có thể thay thế 100% hóa học mà.
      Chào Trịnh Thái Hiền, mình chỉ phun thuốc sâu 2 lần lúc làm bông thôi. Không pha chung biosol+thuốc sâu chỉ pha riêng thôi nhé.

  10. Thuốc trừ sâu sinh học khi xịt ngừơi ta thừơng hay sử dụng chất bám dính. Do sủ dụng chất bám dính sẽ làm bít lỗ khí khổng trên lá, nên khó hấp thụ phân bón lá.

  11. Chào Thành Trung! Mình nói ko mang tính kích động hay có ý gì đâu bạn. Khi mình đăng phản hồi lên diễn đàn, đôi khi mọi ngừơi trên diễn đàn cũng mổ xẻ thảo luận. Đó là chuyện bình thường thôi mà bạn.

    • Không có gì ban Thanh Liêm ah. Bạn muốn tìm hiểu có thể cho mình mail của bạn hoặc số đt của bạn mình sẽ giới thiệu cho bạn những người đang áp dụng sinh học thành công và rất tốt.
      Thân

  12. Theo bài viết này thì phân NPK Văn Điển là có nhiều chất dinh dưỡng, mà tiêu thì rất cần những dinh dưỡng đó. Tôi cũng muốn dùng nhưng ở chỗ tôi không thấy bán loại phân này. Mọi người thấy chỗ nào có chỉ cho tôi mua với, tôi ở Cư Kuin. Cám ơn mọi người, chúc mọi người sức khỏe.

    • Bạn ra đại lý bán phân nào có treo bảng phân phối phân NPK Văn Điển để mua.
      Nhà mình bán phân bón cũng có treo bảng này.

  13. Cám ơn bạn Thạnh, mình đang cần bón NPK mà chưa tìm ra loại phân như mình muốn, bạn có thể cho mình biết địa chỉ của bạn cụ thể để mình đến mua. thân.

  14. Mọi người cho mình hỏi là trời mùa mưa nhiều thế này nên đổ đạm cá như thế nào? Vì khi đổ đạm cá làm cho cây giảm khả năng chống chịu bệnh. Nên mình lo không dám đổ

    • Tiêu mùa mưa hạn chế bón nhiều đạm. Cần tăng cường đầy đủ trung vi lượng + tricho + humic giúp cây khỏe để chống chịu sâu bệnh.

  15. Bạn nói đúng. Giatieu.com có nhiều bài báo rất hữu ích với bà con nông dân. Tiếc là sau một thời gian không có ai phản hồi tìm kiếm, nên thường bị quên lãng…

  16. Rầu riêng nhà cháu sắp ra bông vụ mới. Xin chú và cộng đồng tư vấn giúp cháu nên sử dụng phân bón như thế nào để làm bông có hiệu quả. Cháu cám ơn !

    • Bạn sử dụng các loại phân sinh học (bio) tổng hợp có giới thiệu trên giatieu.com thì không phải lo gì nữa, vì có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho các giai đoạn phát triển của cây.
      Đặc biệt, khuyến cáo bạn dùng sản phẩm Neem lỏng, vừa cung cấp đủ các dưỡng chất vừa có tinh dầu neem hạn chế sự xâm hại của côn trùng trong thời gian làm bông.

    • Bác Hoàng cho em hỏi.
      Em nghe nói phân dầu Neem lỏng không diệt được côn trùng phải không bác ?

    • Sản phẩm này là phân bón sinh học tổng hợp, có thêm một lượng dầu Neem ở mức hỗ trợ, xua đuổi côn trùng chích hút, mà không diệt trừ côn trùng như 1 loại thuốc BVTV. Các bạn lưu ý khi sử dụng.

    • Anh @Hoàng nói rất hợp lý. Sử dụng phân này thường xuyên mới tích lũy đủ dầu Neem để diệt tuyến trùng và các côn trùng, nấm bệnh có hại sống trong đất.

  17. Em thấy trên bao phân bón có ghi phân hữu cơ khoáng là phân như thế nào? Có phải là phân hữu cơ phối trộn với phân khoáng theo phương pháp cơ học như trên bài viết có nói. Nếu vậy thì làm thế nào để biết tỷ lệ % phân hữu cơ, % phân khoáng? Trên bao bì không thấy nói rõ.

    • Nếu trộn chung 1kg phân hữu cơ ủ hoai + 1kg phân khoáng, NPK chẳng hạn
      Ta sẽ có 2kg phân hữu cơ khoáng.
      Vậy thì nên trộn tỷ lệ nào là hợp lý ?!
      Tôi thường trộn 5kg NPK + 1 hộp Biogel pha l000lít tưới đều cho 100 gốc tiêu, sầu riêng hoặc cây ăn trái…

    • Nếu tôi phối trộn 4 kg phân chuồng ủ hoai với 1 kg phân NPK, tôi sẽ có 5 kg phân hữu cơ khoáng. Khác gì với các bác đâu ?

    • Phân hữu cơ khoáng có sự khác biệt nhau khá lớn do tỷ lệ phối trộn % giữa chất hữu cơ và chất khoáng của mỗi NSX, cần xem xét kỹ để chăm bón cho phù hợp nhu cầu của cây.
      Phân khoáng hữu cơ thường có chất hữu cơ chiếm từ 5 – 15%, chất khoáng khoảng 18% trở lên, trong khi phân hữu cơ khoáng có 70 – 80% chất hữu cơ trở lên.

Gửi phản hồi mới

(?)