Chia sẻ kinh nghiệm phòng tránh bệnh tiêu điên khi cắt giống  

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 93

trinhvanba2Anh Trịnh Văn Ba ở thị trấn Ea K’Nốp, Ea Kar, Đăk Lăk chia sẻ với cộng đồng kinh nghiệm phòng tránh một trong các nguyên nhân gây bệnh tiêu điên phổ biến hiện nay mà anh đã làm khi cắt giống. Bài viết đúc kết thực tiển của một nông gia giàu kinh nghiệm, giatieu.com mong cộng đồng tham khảo và vận dụng hợp lý.

Chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn hồ tiêu rụng bông rụng quả

>>  Chia sẻ kinh nghiệm diệt rệp sáp gốc hồ tiêu

Chào cộng đồng giatieu .com , chào các bạn !

Mấy năm trở lại đây, cùng với việc phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu là việc chọn giống không sạch, xử lí giống không đúng cách nên bệnh tiêu điên phát sinh rất nhiều, chủ yếu ở những trụ được cắt làm giống và ở tiêu con trồng mới. Nhiều vườn tiêu có bao nhiêu trụ đều bị hết bấy nhiêu, tổng thiệt hại không thể kể xiết. Qua thực tiển trồng tiêu nhiều năm, đúc rút được một số kinh nghiệm, tôi xin chia sẻ với cộng đồng và các bạn kinh nghiệm phòng tránh bệnh tiêu điên. Trong bài viết tôi cố gắng trình bày nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con dễ tiếp thu và vận dụng nhất là ở cách làm.  Bài viết có 2 phần:

1.Xử lí trụ tiêu sẽ cắt lấy giống

Gồm có 4 công đoạn

– Công đoạn thứ nhất : Trước khi cắt lấy giống 4 tuần, ngưng bón tất cả các loại phân bón gốc và đặc biệt, tuyệt đối không được sử dụng phân bón lá. Mục đích làm cho cây sinh trưởng chậm lại, khỏe, cứng cây ; giảm sốc sinh lí cho cả hom giống lẫn cây tiêu gốc để lại.

– Công đoạn thứ hai : Trước khi cắt lấy giống khoảng 1 – 2 ngày, sử dụng thuốc trừ sâu trừ nấm bệnh (ưu tiên dùng các loại thuốc trừ được nhiều loại sâu bọ, nấm bệnh) xịt thật kỹ dưới mặt đất và thân, lá, trụ… để tiêu diệt hết mầm mống sâu bệnh.

– Công đoạn thứ ba : Lấy hom giống. Dùng dao nhỏ, thật bén, lau sạch bằng nước khử trùng, cắt theo đường xéo khoảng 20 – 25 độ. Phần hom thân ở chỗ cắt sẽ là nơi sinh ra bộ rễ khỏe nhất, nếu dùng kéo cắt ngang hom giống sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Mỗi hom giống có độ dài khoảng 30cm tối thiểu phải có 3 mắt. Bỏ những thân dây nhỏ yếu và những đoạn đang non, còn lại lấy tất. Bó lại từng bó nhỏ đưa vào góc nhà tắm (hoặc nơi có môi trường tương tự  như độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, ánh sáng yếu, không có gió…). Trước khi xếp vào góc nhà tắm, nhúng vào các dung dịch kích thích ra rễ. Xếp gọn theo chiều dựng đứng, để vài ngày đem ra trồng hoặc cho vào bầu ươm. Đừng để lâu quá hom tiêu sẽ phát rễ non, khi vào bầu hoặc trồng sẽ không tránh khỏi dập gãy rễ non rất nguy hại. Lúc này hom giống cần thời gian vài ngày ngủ để phân hóa mầm và rễ.

– Công đoạn thứ tư : Cực kì quan trọng, đó là ứng xử với trụ tiêu giống còn lại. Khi cắt lấy hom giống, nên để lại phần thân từ mặt đất lên khoảng 60cm, đây là tương lai của trụ tiêu về sau. Khoảng 3 tuần sau khi cắt hom giống, không làm gì cả, ngoại trừ việc duy trì giữ ẩm cho tới khi cây phát đọt non mới chăm sóc bón phân bình thường. Tuyệt đối không bón phân gốc, xịt phân lá ngay sau khi mới cắt hom giống. Cây tiêu đang sinh trưởng bình thường, việc bị cắt hom giống làm mọi sự trao đổi chất đảo lộn, sinh lí rối loạn. Lúc này cây tiêu cần có thời gian để tự điều chỉnh lấy lại sự cân bằng. Lấy hom xong , việc bón phân gốc và xịt phân bón lá ngay sẽ làm tiêu điên là cái chắc. Trong phân bón lá bao giờ cũng có các chất kích thích tăng trưởng, cây đang rối loạn mà kích thích tăng trưởng thì tiêu không điên mới là lạ.

2.Xử lí đất trồng

Thưa các bạn ! Phải thẳng thắn mà nói rằng, hiện nay và từ trước đến nay vẫn rất nhiều người mắc sai lầm trong việc xử lí đất trồng tiêu. Hầu như chỉ mới chú ý xử lí phần vỏ (cái hố) mà quên phần ruột (đất đưa vào hố). Những năm đầu mới trồng tiêu tôi cũng vậy mà còn tệ hơn thế nữa, cho tới khi tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm phải trồng dặm lại tôi mới biết mình đã sai ở chỗ nào và đã tìm ra cách xứ lí hiệu quả mà không cần đến thuốc hóa học.

Cách toi làm như sau : sau mùa mưa, lợi dụng đất đang ẩm, tôi đào hố để phơi hố suốt trong mấy tháng mùa khô. Số đất mặt dự tính để đưa xuống hố tôi cuốc lật, đảo vài lần cho thật khô nỏ. Khi mưa xuống, tôi trộn các loại phân tro, vôi trên miệng hố, đảo cho đều rồi lấp bằng miệng hố, vun đất xung quanh miệng hố tạo thành bồn (mục đích để khi tưới nước không bị tràn ra ngoài và mưa nhiều không cho nước tràn vào trong hố gây úng). Sau đó tưới đủ nước, để 1 – 2 ngày sau độ ẩm trong hố đã hợp lí mang giống tiêu ra trồng. Hom tiêu giống, tiêu con rất yếu chịu úng nước ta nên lưu ý.

Thưa các bạn ! Cách xử lí đất hàng ngàn đời của ông cha ta trước khi gieo trồng đến bây giờ vẫn không lạc hậu đó là “thứ nhất cày ải, thứ nhì rải phân”, hoặc “thêm hòn đất nỏ, thêm giỏ lúa”. Đất được cày phơi dưới nắng nhiều tháng, được đảo vài lần đât sẽ được giải độc hoàn toàn. Sâu bọ, nấm bệnh không thể sống phát triển, thậm chí dưới tác động của tia tử ngoại nang trứng của sâu bọ, bào tử nấm bệnh cũng sẽ bị tiêu diệt.

Cách xử lí đất tôi làm ở mức nhỏ lẻ, trồng dặm, hoặc trồng xen, nên phải dùng “cơ bắp”. Còn những ai trồng mới, địa hình thuận lợi thì sử dụng cơ giới. Việc xử lí đất hết mầm sâu bệnh và giải độc cho đất góp phần không nhỏ trong việc phòng ngừa bệnh tiêu điên. Cách xử lí đất như thế này thực sự là rất hiệu quả như tôi mong đợi.

Thưa cộng đồng, thưa các bạn !

Mùa trồng tiêu bắt đầu sôi động, bạn đã có giống tiêu khỏe mạnh, đất sạch, bạn sẽ tự tin, an tâm và bạn sẽ thành công.

Chúc cộng đồng thêm một mùa tiêu như ý !

Trịnh Văn Ba, khối 11, TT Ea K’Nốp

Tác giả chia sẻ bài viết với cộng đồng giatieu.com, các trang chuyên tiêu trích đăng lại vui lòng đừng quên ghi rõ nguồn gốc. Cảm ơn. 

Giatieu.com

Báo Giá cà phê qua điện thoại
93 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Cảm ơn bác Ba bài viết hay quá. Cháu mới đổ biogel cách đây 1 tuần bây giờ cắt giống được không ạ. Hay đợi vài tuần thì mới cắt hom được ạ. Cháu cắt sớm sợ bị cắt trộm.
    Thân.

    • Chào cháu @Hồng phong.
      Biogel+biosol là phân sinh học có các chất điều hòa sinh trưởng. Nên cháu không phải lo thời gian cách ly khi cắt giống như phân hóa học.
      Trước và sau cắt giống vài ngày, không tưới nước để giúp vết cắt nhanh khô và hạn chế cơ hội cho mầm bệnh thâm nhập qua vết cắt.
      Thân

  2. Cảm ơn bác Ba bài viết hay quá. Đúng là trồng tiêu không hề dễ như cây caphe. Mong sao co nhiểu bài viết chia sẻ kinh nghiệm cho bà con học tập, để trồng chăm sóc tiêu được thành công.

  3. Chào bác . Tiêu nhà cháu giờ có lác đác cây ra lá non, sau thu hoạch gần đây chỉ bón lân Bình điền. Cháu muốn hỏi là giờ nên dùng fân, thuốc gì cho hợp lý để cây ra đọt đều ạ

    • Chào cháu !
      Cháu đã hỏi bác một câu khó, đó là nỗi đau của bác. Năm nay ánh sáng nhiều, nhiệt độ tốt không có lí do gì để tiêu không ra bông nhiều. Vì lí do đó mà bác chỉ chú trọng vào phân bón gốc hợp lí, kiên quyết không dùng các loại chế phẩm kích thích ra bông! nhưng bác tin năm nay bác sẽ bội thu. Nội dung để trả lời đầy đủ cho cháu nó quá dài, nhưng nó đã có đầy đủ trên trang giatieu.com, cháu cố gắng tìm và tự đọc để thu thập kinh nghiệm.

    • chào chú Ba! qua những trao đổi trên diễn đàn cháu thấy chú Ba là người có rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây hồ tiêu và đặc biệt là mô hình trồng tiêu trên cây dâu da xoan. Cháu rất thích mô hình này của chú, cháu mong 1 ngày gần đây có thể được tham quan và học hỏi mô hình tai vườn của chú được không ạ

    • Chào cháu @hoanghuy.
      Cây tiêu hay bất kỳ cây gì cũng cần có đủ các dưỡng chất mới sống được. Muốn tiêu ra bông đậu hạt không chỉ sống được mà cần sống khỏe, có sinh lực dồi dào, nên phân bón gốc chưa đủ phải thêm phân bón lá… Thu hoạch xong, không thấy cháu hồi phục tiêu bằng nhiều chất dinh dưỡng cây cần mà chỉ bón lân, lại là lân khó tiêu, cây hấp thu chậm, thì lấy gì để cây sống mà còn ra hoa đậu hạt vụ mới nữa?

      Tăng cường bón phân đủ các chất cho cây khỏe, sung sức để ra đọt non, bung chuỗi mới là việc cần làm ngay. Tạm thời hệ rễ còn yếu nên chưa bón phân hóa học mà bón phân chuồng ủ hoai, các loại phân amino sinh học, hữu cơ vi sinh,… có thể bón thúc thêm đạm cá, bánh dầu để chuỗi ra dài, thụ phấn tốt trước đã rồi tăng cường hóa học sau. Chú ý bón trichoderma sp để phòng các bệnh nấm cơ hội mùa mưa cho tiêu ngay từ đầu mùa, khi đất đã ẩm.
      Thân

    • Chào cháu!
      Theo kinh nghiệm của chú – để ở mức 60cm tiêu rất khỏe, để thấp hơn, thấp hơn nữa tiêu chậm phát triển và dễ bị toi!
      Thân chào cháu.

    • Theo tôi, cắt chừa lại từ mặt đất lên 60 cm là quá dài !

    • Chào hoang quan !
      Đó là giải pháp an toàn đừng mạo hiểm

    • Cắt cả trụ tiêu lấy hom trồng nên cắt vào trung tuần tháng 5 đến cuối tháng 5 dương lịch, vì khi này nóng ẩm tốt. Nhưng phải đốt vết cắt phần tiêu ngoài trụ để khỏi chảy nước tránh được tiêu điên.

  4. Bác cho cháu hỏi là nên bón trichoderma vào thời điểm nào là hợp lí ạ, nên tưới gốc hay phun qua lá vậy bác.

    • Chào hoanghuy. Trộn tricho với biogel phòng bệnh là tuyệt nhất vì có nguồn nuôi tricho. Nên chọn tricho chất lượng mà dùng mới hiệu quả. Đổ tricho khi có mưa đủ ẩm để ngăn cản nấm bệnh xâm nhập.

    • Chào anh! Ở chỗ em kiếm biogen khắp mà ko có. Vậy theo anh nên sử dụng loại nào thay thế làm nguồn nuôi. Hôm trước em có mua humix dạng bột, em nghĩ là hoá học nên ko trộn chung. Theo anh giờ em nên bổ xung cùng với loại nào thì ổn. Mong anh giúp đỡ!

    • Chào cháu!
      Bậy giờ là thời điểm bổ sung trichoderma đầu tiên trong năm, cùng với phân chuồng đã ủ hoại, đợt hai vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch, đợt ba vào cuối mùa mưa tùy theo thời tiết từng vùng phân bổ cho hợp lí. Thực tế ở vườn nhà chú, nhiều năm nay không còn tuyến trùng, không còn rệp sáp gốc, không có bệnh chết nhanh chết chậm; có nghĩa là các biện pháp của chú phát huy hiệu quả tốt, cháu cứ yên tâm làm theo đúng những kinh nghiệm của chú.

  5. Chào hoanghuy ! trichoderma bón khi nào cũng được (tránh ánh nắng mặt trời). trichoderma bạn nên đổ gốc trộn thêm nguồn hưu cơ, không nên phun qua lá vì không hiệu quả, và bạn nên phun qua lá vi khuẩn preudomonas. Thân chào bạn !

    • Chào cháu !
      Tricoderma bây giờ nó giống như gà công nghiệp. Chú đang dưa về nhà thuần hóa, cho nó ăn lá cây khô, cành mục, chứ không nuôi bằng thức ăn công nghiệp

    • Chào hoanghuy!
      Bây giờ là thời điểm quá tốt để bổ sung trichoderma, đến chỗ anh Ri có giống chuẩn.

    • Chào chú Ba cháu ở Ea Kar, chú cho cháu hỏi nhà anh Ri ở đâu vậy ? Trichoderma nên đổ riêng hay phải trộn với phân chuồng hả chú ?

    • Trichoderma có thể đổ riêng hay trộn với phân chuồng đều được, áp dụng cách nào miễn là bạn thấy thuận tiện cho mình. Anh Ri là nhà phân phối Biogel+Biosol trên Km 8 – Quốc lộ 27, số ĐT: 0944.385 518

    • Cháu cảm ơn chú Ba. Hôm qua cháu đã đến chỗ anh Ri mua biogel+biosol và nấm tricho về bón phòng ngừa sâu bệnh và sáng nay cháu đổ cho tiêu rồi.
      Anh Ri có nhắn nếu đã bị sâu bệnh thì phải cầm theo cành lá có dấu hiệu thấy rõ để coi cụ thể mới xác định được tiêu bị gì mà xử lý thuốc cho phù hợp.

  6. Cho cháu hỏi. Biogel và biosol là loại phân có tính điều hòa sinh trưởng vậy cắt dây xong cháu dùng nó đổ gốc và xịt cho tiêu đc ko ạ.

    • Do là phân sinh học có chất điều hòa sinh trưởng gốc sinh học nên nó sẽ tác động khác với các chất kích thích hóa học, bạn có thể sử dụng ngay. Tuy nhiên bạn cần chậm lại vài ngày để cho vết cắt khô ráo rồi sử dụng sẽ tốt hơn.

  7. Chào Bác Ba. Nhân tiện bác cho cháu hỏi? Cháu định cùi tiêu để trồng, nguyên liệu cùi là xơ dừa trộn với đất, vậy có cần pha thêm thuốc kích thích ra rễ ko?

    • Thứ đó cực sạch, cực tốt không có thứ đất nào bằng loại đó. khi cắt hom tiêu xong đã nhúng qua dung dịch kích thích ra rễ thì không cần bất cứ loại thuốc kích thích nào. Chúc cháu thành công.

    • Nhưng cháu định cùi tiêu, chưa cắt hom ra nên ko nhúng vào thuốc ra rễ được ạ, cháu định trộn thuốc vào xơ dừa luôn có được ko ?

    • Bạn muốn tiêu ra rễ hay xơ dừa ra rễ? Không nhúng thuốc được mà…!

  8. Chào các bác trên diễn đàn cho em hỏi, em tính cắt tiêu ác để trồng bác nào biết giúp dùm em cách trồng trực tiếp bằng tiêu ác. Em thấy có người khi cắt tiêu đi trồng họ chừa lại 2 tay ác trên cùng. Chổ em không có cỏ rác gì che hết em tính lấy bao phân bò che liệu có được không? Rất mong mấy bác giúp dùm em, em chân thành cảm ơn nhiều.

  9. Xin chào diễn đàn! Chào cộng đồng giatieu.com!
    Bạn Nhân Đạo thân mến! Mình đã trồng tiêu ác cho trái mùa rồi, cây xanh khỏe như nhau, hiện giờ cây cho trái nhanh hơn bình thường 1 năm. Bạn phải xử lý hố trồng đúng quy trình hướng dẫn của bác Ba.
    Mình trồng trực tiếp, 21 ngày rễ đã hút dinh dưỡng. Nhưng vẫn sợ, nên phải trồng vào mùa mưa dầm. Lấy 5 mắt có rễ bám, lấy 2 tay ác cắt hết đọt, chỉ lấy 1 hoặc 2 lá. Lấy lưới lagim cắt 50×50 cm, dùng 4 que cắm cứng vào đất phủ lưới lên. 30 ngày sẽ nứt đọt mầm. Phải chú ý hạn Bà Chằng để thu lưới về dùng cho năm sau. Có thể dùng rơm rạ xuân hè phủ cho nó. Mầm, đọt vươn lên được vì rơm rạ sẽ gãy xuống. Nhược là phải cắt giống lúc mưa dầm. Không kiểm soát được rệp sáp khi chỉ 1 con ẩn nấp vào nách rễ. Phải xử lý nghiêm ngặt cho cây còn lại, phải tuân thủ hướng dẫn của Bác Ba. Ưu là không giâm, nhanh phóng đọt, mầm. Chọn lọc giống kỹ, cung cấp dinh dưỡng đúng lúc. Chúc bạn tự tin học hỏi.
    Chào cộng đồng quý mến !

  10. Chào Cộng đồng giá tiêu. Tiêu cháu đã trồng đựơc 1 năm rồi, nay cháu muốn cùi ra để nhân giống nhưng ko biết cách, xin các bậc tiền bối hướng dẫn cho cháu 1 cách chi tiết, cháu xin chân thành cảm ơn!

  11. Xin chào bác Ba, chào cộng đồng giatieu.com.
    Tôi trồng tiêu mùa mưa năm ngoái, trồng bằng dây ác nhưng không hiểu sao tiêu cao chừng 1m mới ra ác vậy nên đầu mùa khô vừa rồi tôi đã đôn hết sau khi đã tham khảo tư vấn của anh Thắng Lợi. Đến nay tiêu đã ổn định và phát triển rất tốt, lá xanh đậm và ở gốc đã nảy một số mầm nhưng lượng dây trên một trụ vẫn chưa đủ nên tôi muốn cắt để lấy thêm dây. Bài viết của bác ở trên mới chỉ ra những việc cần làm trước khi cắt dây đẻ hạn chế tiêu bị điên, vậy ta phải làm gì trước khi cắt dây để sau khi cắt mầm ra khỏe và nhiều. Bây giờ mùa mưa rồi, vết cắt rất dễ bị thối do nước mưa. Vậy tôi có ý này vết cắt sau khi cắt ta dùng nilong loại chuyên để ghép cà phê bịt kín vết cắt lại nhằm hạn chế chảy nhựa và tránh nước mưa xâm nhập vào. Tôi làm vậy có ảnh hưởng gì đến cây tiêu không. Rất mong bác Ba và cộng đồng giatieu.com tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

  12. Chào chú Trịnh Văn Ba, chú Nguyễn Vịnh cùng cộng đồng giatieu.com
    Cho cháu hỏi khi cắt hom giống cháu sử dụng thuốc tím (Kmn04) để sát trùng dụng cụ và bôi vào vết cắt có được không. Nếu được thì mình phá liều lượng như thế nào?

    • Dùng thuốc tím cũng được, nhưng bất tiện cho người sử sụng vì màu tím bám vào da tay khá chặt, gây dị ứng. Bạn dùng cồn 75-90 độ sẽ tiện hơn

  13. Chào bác Vịnh và các tiền bối trong giatieu.com. Vườn nhà em vùa bị cắt trộm giống khá nhiều, chỗ cắt chỉ cách gốc 20 đến 30cm, cho em hỏi cách nào để phục hồi hiệu quả nhất vườn tiêu và tránh tiêu bị điên? Rất mong được sự quan tâm của các bác trên diễn đàn. Chúc các bác và gia đình sức khỏe và an lành!

    • Chào @Son (Cư Kuin).
      Tạm thời không làm bất cứ việc gì, để tự nhiên cho vết cắt nhanh khô. Khoảng 1 tuần sau đổ gốc phân sinh học biogel kết hợp với nấm tricho để phòng bệnh và giúp tiêu phát triển nhanh trở lại rồi mới chăm sóc bình thường như trước.
      Xin chia sẻ sự mát này với gia đình.
      Thân

  14. Chào cộng đồng giá tiêu, cho mình hỏi. Mình tính trồng tiêu con, qua tìm hiểu thấy nói là bỏ phân chuồng bón lót, nhưng hiện tại mình không có phân chuồng, mình có thể thay bằng phân vi sinh được không ? Nếu bón phân vi sinh có phải đào hố trồng như phân chuồng không hay là để rải trên mặt đất. Cảm ơn mọi người

  15. Chào đỗ ngọc hiệp, cho mình hỏi chút. Mình bón vôi lân riêng, vôi tiêu diệt vi sinh vật thì đúng rồi. Còn lân bạn nói phải cách li mình không hiểu, bạn giải thích cho mình với.

  16. Chào chú Trịnh Văn Ba và chú Nguyễn Vịnh cùng cộng đồng giatieu.com. Cháu vừa cắt mồi tiêu được 1 tuần rồi sau đó bón phân bò trên mặt đất và lấy đất phủ lên trên, liệu có ảnh hưởng hay bị tiêu điên không. Nhớ chú sớm cho cháu có câu trả lời.

  17. Bạn lê thảo vân thân mến. Bạn phải biết tính chất của phân lân, thế này nhé super lân thì chỉ có lân đơn thuần có độ pH thấp nên ko nhất thiết phải cách ly. Nhưng super lân lại làm đất chua thêm trong khi bà con mình canh tác sử dụng nhiều thuốc và phân hóa học nên khi bón super lân lại làm cho đất chua thêm ko thích hợp cho cây trồng phát triển.
    Loại thứ 2 là lân nung chảy (Văn Điển…), loại này ko đơn thuần là lân mà còn có thêm rất nhiều trung vi lượng khác, trong đó có trung lượng là Ca (vôi) chiếm tỷ lệ khá cao nên loại phân này có độ pH cao ko thích hợp bón chung với Trichoderma nên phải cách ly.
    Nói tóm lại super lân bạn nên dùng để ủ phân kết hợp với tricho, khuyến cáo ko nên bón riêng cho tiêu, nếu bón thì phải tăng cường bón thêm vôi cho đất khỏi chua. Còn lân nung chảy thì ko nên dùng ủ phân mà nên bón riêng cho cây tiêu, nếu bạn muốn sử dụng tricho thì bạn nên cách ly. Thân

    • Các loại phân lân khi phân giải có khả năng gây ức chế một số loại vi sinh vật hữu ích.
      Cho nên cần phải có thời gian cách ly khi sử dụng trichoderma phòng bệnh cho tiêu.

    • Mình xin đính chính ý kiến của @Đỗ ngọc hiệp.
      Trộn thêm lân Văn Điển vừa cung cấp dưỡng chất vừa nâng độ pH đống ủ lên. Vì trong phân chuồng thường chứa nhiều loại acid, có độ pH thấp, làm hạn chế hoạt động của vi sinh vật, nên không cho thêm lân supe vào mà phải dùng lân nung chảy.
      Việc cho lân vào ủ phân khác với bón phân lân. Lân cho vào đống ủ chỉ khoảng 1-2% nên ít tác động lên các loại vi sinh vật, trong khi bón phân lân thường chiếm 5% trở lên nên dễ gây ức chế và ngăn cản hoạt động của nấm tricho và các vi sinh hữu ích, thậm chí có thể tiêu diệt. Điều cần chú ý là sử dụng lân với liều lượng khác nhau sẽ có kết quả khác nhau.
      Bác Vịnh hay nói nhưng các bạn ít để ý, khi bón phân hóa học là phải bón ít, chia làm nhiều lần để bón nhằm tránh gây tác hại cho cây và cho cả các vi sinh hữu ích mà mình đã bổ sung cho đất. Làm nghề nông bà con đừng sợ tốn công vì làm việc cẩn thận, kỹ càng, thì chắc chắn hiệu quả đem lại sẽ cao hơn.

      @pham thanh sang, đọc kỹ ý kiến của mình để hiểu đúng hơn. Lượng phân lân bạn cho vào đống phân ủ với tỷ lệ thấp, chưa đủ để gây tác hại cho bất kỳ vi sinh vật nào.

  18. Chào cộng đồng giatieu.com, vậy nếu ủ phân chuồng bằng lân nung chảy thì trichoderma sẽ bị mất tác dụng hả. Tại nhà cháu không biết nên ủ phân bằng lân nung chảy Ninh Bình.

  19. Bạn Châu Phong nói rất đúng và cụ thể, ý kiến của mình trên chỉ là tóm tắt, nhưng theo mình biết có nhiều phân chuồng có chứa nhiều chất acid và có loại cũng ít chứa chất này nên mình nghĩ nếu phải đo độ pH trước khi ủ thì rất phức tạp nên khi ủ trộn chung với super hoặc với lân nung chảy cũng được nhưng nên trộn chung khoảng 1% lân là được nhằm tránh rủi ro. Nếu phân chuồng có độ acid cao trộn thêm 1% super thì cũng chưa chắc ảnh hưởng lắm đâu bạn (khắc phục bằng cách trộn chung với vôi với tỉ lệ vừa phải để đống phân có độ pH trung tính là đc), còn trộn thêm lân nung chảy 1% thì càng tốt, đống phân sẽ có độ pH trung tính, còn nếu trộn quá nhiều lân nung chảy thì sẽ rất ảnh hưởng tới vi sinh vật.
    Bạn Pham thanh Sang, nếu bạn ủ lân nung chảy với tỉ lệ thấp thì cũng ko ảnh hưởng gì đâu. Thân

  20. Ở Chưphư em hồi nào tới giờ người ta toàn ủ phân chuồng khô, chỉ tưới nước, rắc trichoderma là xong. Cho em hỏi phân khô ủ như vậy đúng kĩ thuật không?

    • Cách ủ này chủ yếu là phân hũy hữu cơ, sẽ tạo ra một đống mùn, nghèo dưỡng chất. Khi bón phân ủ theo cách này chỉ giúp đất tơi xốp, thông thoáng, bộ rễ phát triển dễ dàng hơn mà thôi. Trong khi mục đích chính của việc ủ phân là bắt các vi sinh vật hữu ích (EM) phân giải những chất khó tiêu trong phân hữu cơ thành những dưỡng chất cần thiết dễ hấp thụ và việc bón phân là cung cấp các dưỡng chất dễ hấp thụ này cho cây. Đây là nhận thức cơ bản về ủ phân hữu cơ. Cách làm khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau và chắc chắn hiệu quả khi sử dụng càng khác nhau.

  21. Xin chú Châu Phong chỉ giúp cháu cách ủ phân chuồng khô, cháu tìm trên mạng toàn là hướng dẫn ủ phân tươi. Cháu xin cảm ơn.

    • Ủ phân khô cũng như phân tươi thôi van tin. Nhưng trong quá trình phân bò khô thì các vi sinh vật sẽ chết hoặc ở trạng thái ngủ đông. Vì vậy trước khi ủ phân bò khô thì cần phải tưới nước cho phân ẩm lại sau đó mới tiến hành các biện pháp ủ như phân tươi. Và bạn cần phải thường xuyên kiểm tra độ ẩm của phân trong khi ủ.

  22. Cháu chào chú Vịnh, chú Ba và cộng đồng giatieu. Tiêu non nhà cháu chuẩn bị cắt hom giống nhưng khoảng 1 tháng nay tiêu bị rệp sáp vàng lá gốc, cháu đã xử lí đổ thuốc và bệnh đã không bị phát triển thêm. Nhưng cây tiêu vẫn còn vàng vàng, hơn nữa từ tết đến giờ cháu đã thôi bón phân, nay cháu muốn đổ gốc Biogel trong thời gian này để phục hồi cho tiêu không biết có ảnh hưởng gì tới hom tiêu giống sắp cắt không ạ. Vì theo kinh nghiệm của các bác trên cộng đồng thì trước khi cắt hom giống không bón phân, nhưng đây là phân sinh học thì không biết có dược không. Mong các bác tư vấn giúp cháu với, Cháu xin chân thành cảm ơn

    • Bạn nên đổ gốc biogel và phun lá biosol rồi đợi khoảng 10-15 ngày sau cho tiêu hồi sức, xanh lại, mới cắt giống. Tiêu vàng vàng là biểu hiện bị thiếu dinh dưỡng, hom giống sẽ phát triển rất kém, chậm ra rễ… Thường thì phân hóa học mới cần thòi gian cách ly khi cắt giống

  23. Cám ơn ban Chi Mai đã chia sẻ với mình, mình sẽ làm ngay, cũng tính làm rồi nhưng còn phân vân sợ ảnh hưởng tới dây tiêu giống. Thân chào bạn

  24. Chào chú Ba, chào cộng đồng giatieu.com
    Cho cháu hỏi. Khi mình cắt dây xong dùng Coc 85 pha loãng bôi lên vết cắt có được k? Có ảnh hưởng tới mầm non sau này không?c Cáu cảm ơn!

    • Thân chào cháu !
      Khi đã xữ lý như kinh nghiệm đã chia sẻ, thì cháu không cần làm gì thêm.

  25. Mọi người cho hỏi là tiêu nhà cách đây 2 ngày vẫn bình thường hôm nay tự nhiên thấy có hiện tượng héo lá, lác đác cành cũng héo và lá ở cành héo bị đen lại. Tiêu năm nay là năm 3, bây giờ fát hiện chỉ bị 1 cây. Mọi người xem đây là bệnh gì, chỉ cách điều trị với ạ. Thân

    • Cuối mùa mưa năm ngoái mình cũng bị chết 9 gốc trong vòng 1 tuần. Mình ra đại lý đưa cho cả đống tùm lum thứ thuốc nên mình không mua. Mình điện thoại hỏi, bạn bè chỉ mình lên anh Ri mua thuốc về phun và đổ gốc. Sau đó còn chết thêm 3 cây nữa mới ngừng. Sau đó mình đổ nhiều nấm tricho lắm. Nay vườn mình đang ra bông rất đạt. Bạn liên hệ nhờ tư vấn thử xem.

    • Tiêu của bạn đang bùng phát bệnh héo chết nhanh, cực kỳ nguy hiểm. Khả năng chữa trị rất thấp, may ra chỉ ngăn chặn được cho những cây mới nhiễm. Những cây chuyển sang thâm đen trong rễ, thân… nhưng bên ngoài vẫn thấy bình thường, có chữa cũng cũng rất tốn kém, khó phục hồi. Trường hợp này có lẽ do bạn chủ quan không phòng bệnh tổng hợp, nhất là sử dụng nấm tricho sớm để phòng các bệnh hệ rễ cho tiêu, hay có phòng nhưng quá chậm sau khi cây đã nhiễm bệnh nặng.
      Dùng thuốc có 2 hoạt chất Mancozeb + Metalaxyl phun và đổ gốc 2 lần liên tiếp cách 6-7 ngày. Khi có dấu hiệu bệnh dừng thì chuyển sang phục hồi.

  26. Chào chú Vịnh và cộng đồng giatieu ! Cách nay 2 tuần cháu xịt biosol kết hợp thuốc BVTV để ngừa rầy. Nhưng xịt xong thì trời mưa làm rửa trôi hết thuốc, 2 tuần trở lại đây trời nắng quá cháu ko dám xịt nữa. Hôm qua cháu phát hiện có rầy nhỏ li ti bám ở đọt và lá non. Chú và cộng đồng cho cháu hỏi giờ trời mưa lại cháu xịt có ảnh hưởng đến bông ko? Nếu cháu xịt vào chiều tối có giảm đi bồ cào ko vậy chú. Rất mong nhờ chỉ dẫn của chú và cộng đồng. Chân thành cám ơn

    • Bạn nên xịt thuốc BVTV vào lúc chiều muộn, pha đúng nồng độ hướng dẫn trên bao bì, có thể hạn chế bớt tiêu bị bồ cào. Nhưng chú ý trời thường hay mưa buổi chiều.

  27. Cháu xin chào các anh chị và cô chú trong cộng đồng giatieu.com ạ. Đây là lần đầu tiên cháu tham gia diễn đàn nên có một số câu hỏi muốn nhờ cô chú trong diễn tư vấn giúp ạ.
    Tiêu của cháu đã trồng nay đã được hơn 3 mùa mưa rồi mà sao cứ không phát được lá cứ vàng vàng nhỏ đùn đùn, cháu không biết nó bị bệnh gì va thiếu gì nữa.
    Cháu mong hồi âm và xin chân thành cảm ơn.

    • Chào bạn. Nếu muốn mọi người tư vấn chính xác thi bạn nên mô tả biểu hiện bệnh thật rõ ràng, và cách chăm sóc như thế nào, đã dùng dùng những loại phân, thuốc BVTV gì. Hoặc bạn chụp vài tấm hình gửi cho bác Vịnh nhờ bác xem cho và nhớ nói rõ nhé. Bạn nên đọc những bài viết trên diễn đàn trong mục Trồng và chăm sóc tiêu để nâng cao kiến thức nhé. Chào bạn.

    • Có nhiều nguyên nhân gây cho tiêu bạn như vậy. Nhưng trước tiên bạn cần kiểm tra độ pH đất trồng để điều chỉnh lên mức 5,5 – 6,5 và phun bón lá biosol 2 lần cách 1 tuần cho lá tiêu nhanh chóng lấy lại màu xanh và cây khỏe.
      Bạn phản hồi cho biết kết quả xử lý rồi tính tiếp bạn nhé.

  28. Dạ cảm ơn cô chú trong diễn đàn.
    Phải chi diễn đàn mình được phép tải hình ảnh luôn thì thật hay quá.

  29. Chào bác! Cảm ơn bài viết rất bổ ích của bác. Qua đây bác cho cháu hỏi một vấn đề thế này mong bác góp ý cho cháu nhé!
    Cháu hiện đang sống tại Quảng Trị, đất ở chỗ cháu ở là đất bạc màu, mấy năm trước cháu có trồng gần 30 trụ tiêu. Nói chung 3 năm đầu tiêu phát triển rất tốt, nhưng rồi sau đó tiêu chết dần. Cháu đã tìm hiểu mấy người trồng tiêu lâu năm họ bảo là bị úng nên tiêu chết. Mặc dù cháu có làm hệ thống kênh chống úng nhưng vẫn không có tác dụng.
    Gần đây cháu đang nghiên cứu thử nghiệm trồng tiêu trong bồn xây bằng gạch cứ mỗi gốc với diện tích là 1m2 kèm theo kênh thoát nước để đảm bảo thoát nước về mùa mưa, hạn chế tốn nước tưới về mùa nắng.
    Theo kinh nghiệm của bác thì cách làm của cháu như vậy có được không, mong bác góp ý kiến cho cháu. Cảm ơn bác.

    • Thân chào cháu !
      Chú chỉ biết nhưng gì đã qua trãi nghiệm. Cách làm như cháu nói chú không biết, mong cháu hết sức thông cảm. Mong cháu vạn sự như ý !

  30. Con chào mọi nguời trên diễn đàn, cho con hỏi thăm. Tiêu nhà con bị thiếu trung vi lượng mà con ko biết, con cắt hom đi trồng. Bây giờ nghe mọi nguời nói là tiêu bị thiếu trung vi lượng, giờ con phải xử lý ntn với hom giống đã trồng. Còn phần gốc đã cắt con nên bỏ phân gì. Con xin cám ơn ạ.

    • Bạn cần tưới Biogel để kích cho hom giống nhanh ra rễ và đổ gốc biogel cho những trụ tiêu mới cắt để cung cấp bổ sung trung vi lượng và giúp cây nhanh chóng phát đọt mới.
      Bạn cần chú ý những ưu thế đa thành phần của loại phân sinh học biogel+biosol trong các trường hợp này để sử dụng đạt hiệu quả cao.
      Xin nhắc bạn đổ trichoderma để phòng các bệnh nấm cơ hội mùa mưa cho tiêu luôn.

  31. Cảm ơn chị Thanh Hà. Cho em hỏi thêm 1 điều nữa, em trồng tiêu đã ra rễ giờ nên tưới biogel hay là chờ tiêu nãy mầm rồi mới tưới biogel vậy chị?

    • Cách sử dụng phân sinh học biogel+biosol cho cây tiêu ở mọi tuổi cây, mọi giai đoạn, để có hiệu quả cao trên diễn đàn đã thảo luận rất nhiều. Bạn @ Le ny na nên tìm đọc để tự thu thập kinh nghiệm cho mình cách sử dụng loại phân này!

  32. Vườn nhà mình mới trồng tiêu được 1 năm trở lại đây… Do chưa nắm vững kỹ thuật nên vườn đang có triệu chứng bị tiêu điên…
    Mong mọi người tư vấn giúp cách xử lý. Mình mới chỉ trồng khoảng 800 gốc.

    • Chào các anh chị. Nhà em trồng tiêu hồi năm ngoái, giờ tiêu lên được nữa trụ. Mùa khô này em thấy cây rất chậm phát triển, đọt bung rất yếu, đốt tiêu ngắn. Bây giờ em phải bón phân gì ạ. Rất mong được mọi người giúp đỡ ạ.

    • Mùa này thiếu nước, rễ tơ bị khô cháy, cây hấp thụ phân kém, phát triển chậm.
      Cần thường xuyên tưới nước giữ ẩm, không để bị khô ngắn hạn, duy trì chế độ chăm bón tích cực, hạn chế sử dụng phân hóa học do rễ đang bị tổn thương, sử dụng phân hữu cơ ủ hoai, các loại amino, hữu cơ sinh học như biogel+biosol sẽ giúp cho cây phát triển tốt hơn

  33. Chào các anh chị. Cho em hỏi là em rải Vifu super 5gr cho tiêu tơ, trong thời gian này em có thể phun biosol được không ah. Mong các anh chị giúp em…

    • Rải Vifu super dưới gốc, phun biosol trên lá thì can hệ gì với nhau ?

  34. Chào chú Ba. Chào các a/c. Mong chú Ba và các a/c giúp thắc mắc giùm cháu. Hiện nay cây tiêu nhà cháu dc 1 năm. Và cháu tiến hành cắt dây tiêu. Nhưng không hiểu sao vết cắt chảy rất nhiều nước. Cháu quan sát vết cắt chảy nước 2/3 ngày rồi mà chưa khô. Nếu cây tiêu chảy như vậy có ảnh hưởng gì ko. Mong bác ba và các a/c giúp đỡ và chỉ cách khắc phục. Cháu chân thành cảm ơn.

    • Chào Trần Văn Trình !
      Hiện tương này không hiếm – Nó sẽ chảy tới 3 tuần hoặc hơn nữa ; chú đã ga ro nhưng không hết. Không sao ! nó không chết được đâu ; chỉ chậm hơn các trụ khác 1 chút. Chú ý xịt thuốc phòng sâu, bệnh…

  35. Bác ơi, cháu nghe nói Khuyến Nông Dak Lak có trình diễn mô hình khắc phục bệnh tiêu điên bằng phân bón ở huyện Buôn Đôn có đúng không bác. Vì theo cháu đọc tài liệu có nói tiêu điên là bệnh do virus gây ra và đến nay vẫn không có thuốc chữa mà bác. Vậy thì sao lại dùng phân bón khắc phục được bác nhỉ ?! Xin bác chỉ bảo thêm, cháu cám ơn bác.

  36. Bác ơi ! Cho cháu hỏi, tiêu nhà cháu cắt được hai tuần. Cháu bỏ phân NPK 17-3-3 có bị sao không ạ?
    Cháu lo quá ! Xin bác chỉ bảo thêm. Cháu xin cảm ơn !

    • Sau cắt giống nên bón các loại phân hữu cơ giàu amino hoặc phân hữu cơ sinh học như biogel tốt hơn bón phân hóa học, nhất là hạn chế được hiện tượng tiêu điên.

  37. Thân chào tất cả các bạn trong cộng đồng.
    Trước hết tôi xin nói lại lời các chuyên gia đầu ngành rằng: Ở thời điểm hiện tại chưa có thuốc chữa được bệnh tiêu điên. Còn có ai đó nói trị được thì đừng bao giờ tin.
    Cách phòng vẫn là biện pháp tốt. Bài viết chia sẻ với các bạn – nếu làm đúng sẽ có kết quả tuyệt đối. Chúc các bạn – mọi sự như ý !

  38. Xin chào mọi người ở cộng đồng giá tiêu. Xin cho cháu hỏi ? Tiêu nhà cháu trồng được một năm rồi mà bữa vô vườn cháu phát hiện tiêu nhà cháu xuất hiện nhiều trụ bị xoăn tít lá và rụng đọt. Cháu không biết nó bị bệnh gì và cháu phải chữa trị cho nó thế nào ạ. Xin tư vấn giúp cháu.

    • Tiêu có khả năng bị côn trùng chích hút lá non và thiếu trung vi lượng. Bạn xịt thuốc diệt côn trùng chích hút kết hợp phân sinh học biosol xịt trên lá vào buổi chiều muộn, 5-6 ngày lặp lại và bón bổ sung trung vi lượng.
      Nếu chưa giảm rụng là do bệnh nấm, sẽ xử lý sau…

  39. Chào chú Ba !
    Cho cháu hỏi, vườn tiêu không có lưới che, khi cắt hom giống trời nắng quá tiêu có bị điên không chú.
    Cháu cảm ơn ạ.

  40. Chào cháu @ Lê Văn Vỹ !
    Bón – xịt phân, thuốc, tưới nước đều kiêng kị lúc đang nắng nóng. Cắt giống càng phải kiêng kị kĩ hơn. Nếu cháu làm đúng như bài chia sẻ – tiêu không bị điên nhưng tỷ lệ sống thấp !
    Chúc cháu may mắn !

  41. Chào bác Trịnh Văn Ba, cùng cộng đồng. Hiện nay cháu đang tiến hành ươm tiêu để tháng 5-6 trồng, cháu cắt dây lươn ươm vào bầu (kích thước bầu 12-20cm). Trước khi căm dây vào bầu cháu nhúng dây vào dung dịch kích thích ra rễ ngâm khoảng 30 phút, vớt ra tiến hành cắm vào bầu thì dây có hiện tượng dây bị xí nước nhớt tại vết cắt, nên khi ươm khoảng 20 ngày thấy tỷ lệ chết nhiều. Mong bác cùng cộng đồng tư vấn giúp cháu. Cháu xin cám ơn !

    • Có thể hom giống bị hỏng vì mấy lý do chính sau :
      -Hom giống còn non.
      -Thời gian ngâm thuốc quá lâu.
      -Pha thuốc quá đậm hoặc chất lượng thuốc có vấn đề.
      Bạn tham khảo cách làm của tôi:
      Chọn hom vừa đủ già, lá xanh, cứng cáp. Cắt hom xong để trong im mát vài giờ cho vết cắt khô nhựa. Pha 5ml sinh học biosol với 1 lít nước sạch để làm dung dịch ngâm, ngâm hom khoảng 5-7 phút, lấy ra, cho ngay vào bầu ươm…

  42. Đúng như @Ngok đã phân tích, vết cắt cần phải chờ khô vài giờ rồi hãy xử lý, cũng giống như bị đứt tay chảy máu, phải cầm máu trước.
    Dây bị xì nước nhớt là nhựa cây, mất quá nhiều làm giảm sức sống của cây.

  43. Xin chào cộng đồng giatieu.com
    Xin cộng đồng cho tôi hỏi 2 câu ạ.
    1) Tiêu mới trồng từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay, phát triển bình thuờng nhưng cây vàng lá không được xanh.
    2) Tôi tính mùa mưa năm nay cắt giống trồng xen thêm.
    Xin hỏi cách xử lí như thế nào để cây xanh lại và tiêu cắt giống tỷ lệ sống cao và không bị tiêu điên.
    Tôi xin cám ơn cộng đồng.

    • 1. Đo độ pH đất để điều chỉnh về mức 5,5 – 6,5 độ và bón bổ sung trung vi lượng.
      2. Phun phân bón lá sinh học biosol 2-3 lần liên tiếp.
      Tham khảo và áp dụng đúng theo chú Ba đã hướng dẫn trên để cắt giống không bị tiêu điên.
      Ngoài ra cần kểm tra tuyến trùng rễ để xử lý.

    • Bạn xử lý theo ý kiến của bạn @ Ngok. Ngoài ra có thể vàng lá do bón lót phân vinh sinh ủ chưa kỹ. Nếu đúng vậy nên đổ gốc biogel để cải thiện dinh dưỡng và giải độc cho tiêu luôn.

    • Câ vẫn phát triển nhưng lá không được xanh là chắc chắn thiếu trung vi lượng rồi.
      Xử lý như các bạn, bón bổ sung thêm trung vi lượng nữa thì sẽ xanh ngay.

  44. Các bác tư vấn dùm em, vùng em gần 3 tháng nữa là thu hoạch, dịch bệnh vẫn còn. Bạn em dùng thuốc trừ bệnh đổ gốc cho tiêu liệu có ảnh hưởng đến chất lượng và phát triển của hạt tiêu không.

    • Tùy theo loại thuốc và chất lượng thuốc, dù sao cũng ảnh hưởng ít nhiều.
      Dùng thuốc nguồn gốc nguyên liệu nhập từ anh bạn hàng xóm tốt bụng thì… thua !

Gửi phản hồi mới

(?)