Dăk Lăk: Diện tích hồ tiêu tăng nhanh và nguy cơ thiếu bền vững

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 14

So với các mặt hàng nông sản khác, hồ tiêu đang trở thành một hiện tượng cá biệt khi từ năm 2007 đến nay liên tục tăng giá ở mức cao. Mặc dù là điều đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo khi người dân đổ xô trồng tiêu bất chấp cả những khuyến cáo của nhà quản lý .

Nông dân huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu

Nông dân huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu

Phát triển quá nhanh

Trong những năm gần đây, tiêu hạt là mặt hàng có giá cao, được thị trường trong nước và quốc tế tiêu thụ khá mạnh. Theo đó, hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp đang có sức hút ghê gớm đối với nông dân Đăk Lăk nên nhiều hộ đã phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng tiêu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ea Kar cho biết, những năm qua, phát triển hồ tiêu trên địa bàn huyện liên tục tăng về diện tích và số hộ sản xuất, từ năm 2009 mới có khoảng 490 ha, đến năm 2014, tổng diện tích hồ tiêu của huyện đạt 1.820 ha, sản lượng 4.190 tấn, chiếm 16,4% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Ở Ea Kar, chỗ nào có thể trồng được tiêu người dân đều trồng hết, diện tích tăng đến chóng mặt, theo số liệu chưa đầy đủ của các xã báo lên, trong những tháng đầu năm 2015 đã tăng khoảng trên 100 ha, thậm chí nhiều hộ không có vốn thì chọn giải pháp trồng để bán dây tiêu giống lấy vốn trong những năm đầu, sau khi đủ vốn thì mới đầu tư phát triển vườn tiêu để lấy sản phẩm.

Tương tự, tại huyện Krông Búk, trong 5 năm qua, diện tích cà phê và cao su đều giảm; so với năm 2010, cà phê giảm trên 229 ha, cao su giảm hơn 366 ha (do người dân chuyển sang trồng các loại cây khác mà chủ yếu là tiêu), trong khi đó diện tích tiêu tăng trên 315 ha, nâng diện tích hồ tiêu toàn huyện lên 571 ha. Theo Phòng NN&PTNT huyện, những diện tích cà phê già cỗi người dân đều có xu hướng phá bỏ để trồng tiêu, riêng diện tích trồng mới hồ tiêu trong 6 tháng đầu năm 2015 của toàn huyện trên 181 ha. Địa phương cũng đã có những khuyến cáo nhưng bà con vẫn đổ xô trồng do hiệu quả kinh tế của hồ tiêu mang lại quá cao so với các loại cây công nghiệp khác.

Theo Sở NN&PTNT, đến năm 2020 theo quy hoạch thì Đăk Lăk sẽ có khoảng 15.000 ha hồ tiêu, sản lượng khoảng 30.000 tấn. Tuy nhiên, mới giữa năm 2015 diện tích tiêu toàn tỉnh đã lên đến hơn 16.000 ha và chưa có dấu hiệu dừng, dự báo hết năm nay sẽ tăng thêm 2.000 ha hoặc có thể nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, giá tiêu hạt liên tục tăng cao, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, ngày càng có nhiều hộ làm giàu từ cây tiêu, song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là diện tích hồ tiêu phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch, không chú trọng cải tạo đất, xử lý mầm bệnh; một số diện tích trồng trên những vùng đất không phù hợp, không được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng giống tiêu không rõ nguồn gốc… Chính vì vậy, tình hình sâu, bệnh hại trên cây hồ tiêu ngày càng phát triển mạnh, khó kiểm soát; chất lượng tiêu hạt không cao do khâu sơ chế không bảo đảm.

Cần giữ chất lượng để giữ thị trường

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đang là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đứng hàng đầu thế giới, hiện hồ tiêu Việt Nam đang có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm thị phần lên tới 58%, đóng vai trò chi phối thị trường và giá cả hồ tiêu trên toàn cầu. Năm 2014, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu đạt 155,120 ngàn tấn, tăng 11,54% so với năm 2013, kim ngạch đạt 1,210 tỷ USD, tăng 34,72% so với 2013.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, từ năm 2007 đến nay, giá hồ tiêu tăng qua từng năm, bình quân tăng từ 10-20%/năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, không có sản phẩm nào kể cả sản phẩm công nghiệp độc quyền mà có tỷ lệ tăng trưởng theo cách như vậy. Nhiều người cho rằng người trồng tiêu đang gặp may mắn nhưng thực tế để hạt tiêu có giá cao trong một thời gian dài như vậy là nhờ sự điều tiết thị trường của người trồng tiêu Việt Nam vì chúng ta đang chiếm thị phần rất lớn trên thị trường thế giới. Vấn đề ở đây là làm sao chúng ta duy trì được điều này khi mà sản xuất đang gặp nhiều bất cập?!

Thực tế đã cho thấy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu có sự sụt giảm đáng kể về lượng, theo Bộ Công Thương, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 98.000 tấn, với giá trị 920 triệu USD, giảm 20,6% về khối lượng nhưng tăng gần 2% về giá trị. Riêng Đăk Lăk xuất khẩu được 3.286 tấn, giảm 14,34% so với cùng kỳ về số lượng.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hồ tiêu đang gặp thách thức lớn khi châu Âu và nhiều nước bắt đầu thực thi các hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, hồ tiêu xuất khẩu sang châu Âu đã giảm, theo thông tin từ các doanh nghiệp, hồ tiêu xuất khẩu bị trả lại nhiều, chủ yếu là tiêu thô do chất lượng không bảo đảm, đó là trở ngại lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện tại ở Đăk Lăk không cây nào có thể qua mặt được cây tiêu, giá tiêu tăng quá cao khiến người dân bất chấp những khuyến cáo của nhà quản lý, đua nhau phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu. Điều này khiến tỉnh khó kiểm soát được vấn đề quy hoạch, giống tiêu, hóa chất bảo vệ thực vật… Do vậy, để hồ tiêu phát triển bền vững thì việc đầu tiên cần làm là liên kết sản xuất hồ tiêu sạch, vệ sinh an toàn từ người sản xuất đến chế biến. Chúng ta cần nâng cao chất lượng không chỉ để gia tăng giá trị cho ngành hồ tiêu mà còn để giữ vững thị trường xuất khẩu vốn đang rất có lợi cho hồ tiêu Việt Nam.

14 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Khuyên dân không nên trồng thêm tiêu là rất vô lý, thiếu cơ sở và thiếu trách nhiệm với dân.

    Bất cứ mặt hàng, giá cao cũng thu hút nhiều người trồng, điều đó sẽ làm tăng nguồn cung, đến khi cung vượt cầu thì sẽ điều chỉnh giảm.

    Nhà nước, cần cập nhật tình hình sản xuất-tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu, thông báo rộng rãi cho dân biết để dân tự cân đối.

    Cần huấn luyện dân kỹ thuật sản xuất sao cho tiêu tốt, GIÁ THÀNH SẢN XUẤT THẤP, đạt chất lượng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

    Nếu làm được những điều đó, đến khi giá tiêu có giảm thì nông dân VẪN CÒN SỐNG ĐƯỢC với cây tiêu. Bình tĩnh chờ dân nước khác CHẶT, trong khi minh vẫn GIỮ. Chờ giá lên lại thì chiếm lĩnh thị phần và làm giàu. Trong thời gian chờ đó thì luôn theo sát, cập nhật số liệu thống kê cho dân biết.
    Có tầm nhìn được như vậy mới gọi là tầm nhìn chiến lược.

  2. Chào bạn Dân Việt, có thể cho mọi người biết các chất cấm trong xuất khẩu tiêu bạn biết để bà con trồng tiêu hạn chế sử dụng đến mức thấp nhất,trong sản xuất hồ tiêu sạch. Cám ơn bạn nhiều.

  3. Dan Viet, sau hơn 1 năm tham gia diễn đàn với bà con, giờ cũng xin tự giới thiệu là mình đang làm việc cho một cty XK lớn. Cty mà Dan Viet đang phục vụ có nhu cầu mua tiêu sạch (dư lượng thuốc BVTV dưới mức cho phép) nên cũng đang phát triển chuỗi liên kết với nông dân để đảm bảo mua được nguồn nguyên liệu sạch. Nhiều cty XK khác cũng đang làm như thế. Dan Viet nghĩ là bà con nên thật sự đoàn kết với nhau và liên kết chặt chẽ với họ (trong đó có cty mà Dan Viet đang phục vụ) để cùng bảo vệ uy tín ngành hàng nhằm khai thác lợi ích lâu dài, bền vững. Trao đổi, nói chuyện với nhiều anh em đồng nghiệp trong ngành, ai cũng than thở và mệt mỏi vì chuyện dư lượng thuốc BVTV trong tiêu VN. Mong bà con cùng góp sức để giải quyết. Hôm nay các cty XNK mệt, bà con chưa mệt nhưng “bệnh mệt” cũng sẽ nhanh chóng lây lan sang bà con sớm thôi.
    Mong mọi người cùng hành động trước khi quá muộn.

    • Chào @Dan Viet! Con còn nhỏ nên con sẽ xưng chú nha. Nếu cty xnk muốn mua tiêu sạch thì đâu có gì khó. Cty cứ ở trên thu mua từ các đại lý dưới này thì làm gì có tiêu sạch được. Tại sao công ty không cho người nào đó về để đi khảo sát tại vườn. Cùng liên kết với nông dân để có được nguồn tiêu sạch.

  4. Chào chú Vịnh và cộng đồng giatieu.com
    Cháu nhờ chú và cộng đồng tư vấn giùm cho vườn tiêu nhà cháu với.
    – Sau những ngày mưa, hiện đang có một số trụ tiêu bị chết, mặc dầu đã đào rãnh thoát nước.
    – Tiêu có biểu hiện vàng lá, lá bị héo, hạt tiêu cũng bị teo lại, từ khi bị vàng lá tới khi cây chết khoảng một tuần.
    -Một số trụ tiêu chỉ chết một hoặc hai dây, những dây còn lại trên cùng một trụ vẫn xanh tốt đều.
    Nhờ chú và cộng đồng tư vấn giúp cháu về cách phòng và điều trị với ạ, cháu xin chân thành cảm ơn.
    Cháu xin gửi theo mấy tấm hình :

    >> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2015/10/thanh-son1.jpg
    >> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2015/10/thanh-son2.jpg

    • Nguy to rồi, tiêu đang bị chết nhanh.
      Theo như phản ánh, có thể còn bị bệnh thối thân (hay thối dây) nữa.
      Khẩn trương dùng thuốc diệt nấm có 2 hoạt chất mancozeb + metalaxyl, phun và đổ gốc 2-3 lần liên tiếp cách nhau 7 ngày. Nên dùng thêm Đồng đỏ hay Coc 85, pha đậm đặc, lấy chỗi sơn nhúng thuốc quét lên phần thân sát gốc, quét trong khoảng 25-30cm.
      Khi có dấu hiệu ngưng bệnh, tiến hành dùng các loại phân bón lá, đổ gốc sinh học, hữu cơ, để hồi phục cho tiêu như đã trao đổi nhiều trên diễn đàn.

    • Tiêu chết đương nhiên là phải cứu, nhưng phun mancozeb + metalaxyl vào thời điểm này chắc chắn sẽ để lại dư lượng thuốc BVTV trên sp sau cùng khi đến tay người tiêu dùng.

      Dan Viet đề nghị một giải pháp hài hòa lợi ích của cả người trồng tiêu lẫn người tiêu thụ tiêu dùng, bảo vệ uy tín của ngành hàng trong tình huống chẳng đặng đừng này, các bác xem có khả thi không nhé.

      1. Khoanh vùng rạch rồi nhưng khu vục có xử lý thuốc và khu vực không có xử lý thuốc, để riêng khi thu hoạch.
      2. Ngay sau khi thu hoạch, nhưng trái tiêu xanh ở khu vực có phun thuốc cần được ngâm, rửa bằng nước xà phòng rửa chén, nồng độ 1% khoảng 15 phút, có sự khuấy trộn, sau đó xả sạch bằng nước 2-3 lần trước khi đem phơi nắng. Nếu các bác nghiêm túc thực hiện điều này, nồng độ dư lượng thuốc BVTV sẽ giảm đến 80-90%, khi đấu trộn với những lô tiêu sạch (sau khi thương lái thu mua) thì vẫn đảm bảo thỏa mãn tiêu chuẩn của EU và Mỹ.

    • Tôi có nghe nói Cục BVTV có gửi danh mục thuốc khuyến cáo không sử dụng hoặc sử dụng có hạn chế về cho các ngành hàng. @Dan Viet tìm xem, có thể sao gửi về cho bác Vịnh để diễn đàn tham khảo và hướng dẫn, trao đổi, lựa chọn… thuốc phòng chữa bệnh cho bà con qua các thảo luận, phản hồi. Như vậy sẽ thuận lợi hơn.

    • Cục nói thì Cục cứ nói. Vấn đề là Cục có gửi hay không mới đáng để quan tâm bác ạ !

  5. Tại sao lại khuyến cáo người dân không trồng tiêu. Hiện tại nhà nước phó mặc cho các DN lo đầu ra cho nông dân. Khi giá cao người dân ồ ạt trồng thì lại khuyến cáo không nên trồng dễ gây bức xúc. Sao chúng ta không biến đó thành thế mạnh của Việt Nam của nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới. Nhà nước phải hổ trợ nông dân về mặt kỹ thuật để nâng cao chất lượng, cây phát triển bền vững, tìm các nguồn ra ổn định, dự báo tình hình của các nước trồng nhiều hồ tiêu. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến hồ tiêu để nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích DN đầu tư chiết xuất tinh dầu tiêu, ứng dụng tiêu trong lĩnh vực y học,… để xuất khẩu. Hiện nay trong ngành thực phẩm chúng ta đang đi ngược, VN là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất nhì thế giới mà phải đi nhập tinh dầu tiêu của các nước khác như Ấn Độ và các nước Châu Âu. Ở VN không riêng gì hồ tiêu mà các nông sản khác cũng có tình trạng tương tự, nhà nước cần quản lý tốt, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, đảm bảo kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra cho người dân và DN thì đảm bảo người dân sẽ không chặt rồi lại trồng và chặt…

    • Chào cộng đồng giatieu!
      Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Vĩnh Linh, Quảng Trị, cảm thấy tự hào khi quê hương mình có 1 loại giống tiêu cay nồng, chất lượng tốt. Nhưng có 1 thực tế là bà con nông dân ở đây không có 1 quy trình để sản xuất tiêu sạch, họ cứ trồng, rồi trồng mà cây tiêu vẫn cứ chết, cứ bệnh, nhìn những vườn tiêu ngày càng lụi tàn mà trong lòng thấy xót xa. Tôi có tìm hiểu về quy trình trồng tiêu sạch, tiêu an toàn, tiêu bền vững nhưng cứ thấy nói chung chung quá, sợ rằng bà con ở đây không thể áp dụng được.
      Kính mong rằng cộng đồng giatieu, chú Vịnh có thể giúp chúng tôi trong việc tìm ra quy trình để sản xuất được cây tiêu an toàn, bền vững.
      Xin chân thành cám ơn!

Gửi phản hồi mới

(?)