Đăk Nông: Bài học từ cây hồ tiêu rớt giá: nông dân cần thay đổi cách nghĩ, cách làm

, Thị trường hạt tiêu, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 26

Trong khi giá tiêu trên thị trường Đăk Nông liên tục “lao dốc” và chạm mức 50.000 – 54.000 đồng/kg thì những hộ sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ vẫn bán đước với giá từ 100 – 130.000 đồng/kg. Đây chính là bài học bổ ích để người trồng tiêu trong Tỉnh thay đổi cách nghĩ, cách làm lâu nay.

Nông dân Đăk Nông chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu.

Những năm qua, khi giá hồ tiêu đạt ở mức cao, người dân ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương. Diện tích lớn nhưng khả năng đầu tư kỹ thuật vào canh tác không đồng đều giữa các hộ, các vùng, dân tộc đã gây khó khăn cho quá trình nâng cao giá trị ngành hàng hồ tiêu Đăk Nông.

Thua lỗ vì sản xuất theo phong trào

Trong vụ thu hoach hồ tiêu năm nay, về thăm những vùng có diện tích tiêu lớn trong tỉnh, chứng kiến một vụ thu hoạch buồn mới thấy được nỗi khổ của nông dân. Nhất là những hộ nông dân chỉ trồng độc canh cây tiêu và những hộ vay ngân hàng để đầu tư, mở rộng diện tích hồ tiêu.

Những năm 2012 về trước, ông Trần Văn Quốc ở xã Nâm N’Jang (Đăk Song), có 4 ha hồ tiêu. Nhớ lại những năm đó, ông Quốc cho hay: Vào thời điểm cây tiêu được mùa, được giá, gia đình ông mỗi vụ trừ tất cả chi phí cũng thu về trên 1,5 tỷ đồng.

Sau mấy năm trồng tiêu, ông Quốc đã gửi vào ngân hàng hơn 12 tỷ đồng. Những năm sau đó, giá cả hồ tiêu liên tục ổn định ở mức cao, thấy nhiều người trong vùng ồ ạt mở rộng diện tích, ông Quốc cũng nôn nóng làm theo. Sẵn số tiền dành dụm gửi ở ngân hàng, ông không ngại ngần rút ra để mua đất. Ban đầu mua đất gần nhà, sau đó ông mua sang các xã lân cận như Trường Xuân, Đăk Rung, Đăk Môl… nghe ở đâu có bán đất là ông đến “đổ tiền” ra mua.

Nói về ngày bị cây tiêu mê hoặc, ông Quốc chua chát giải bày: “Tôi đổ gần hết số tiền dành dụm được ra mua đất, khi tiêu “sốt giá” mỗi ha đất bình thường chẳng trồng được cây gì nhưng lúc ấy người ta bán với giá từ 200 – 300 triệu đồng. Đâu phải mua đất không đâu. Muốn đầu tư hoàn chỉnh cho một vườn tiêu, mỗi ha phải chi ngót ngắc cỡ 400 – 500 triệu đồng nữa”.

Tuy nhiên, với hơn 10 ha đất trồng tiêu mới đây của ông Quốc thì chỉ có 3 – 4 ha mới cho thu bói, còn lại đều mới trồng. Điều đáng nói là sau khi dốc hết 12 tỷ đồng đầu tư trồng tiêu, hiện giờ ông Quốc nợ lại của ngân hàng 4 tỷ đồng. Với gia cảnh như thế này không biết mấy năm nữa ông mới trả được nợ.

Cũng như ông Quốc, gia đình bà Trương Thị Nhân ở xã Đăk N’drung cũng lâm vào cảnh nợ nần do chạy theo cây tiêu.

Từng một thời được ví như “vàng đen”, đến nay, hồ tiêu bất ngờ rớt giá một cách thê thảm, khiến cho nhiều người muốn bỏ vườn. Bởi, với 54.000 đồng/kg, những vườn tiêu tốt thì thu hoạch hòa vốn, còn vườn tiêu mất mùa, khó hái thì thu hoạch không đủ tiền trả cho nhân công. Đó là những hộ chỉ việc trả tiền thuê người hái còn so với tiền vay ngân hàng để đầu tư thì coi như không còn khả năng.

Thu nhập ổn định từ làm tiêu hữu cơ

Sản xuất tiêu hữu cơ được ông Đào Duy Hải, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận từng bước nghiên cứu, áp dụng…

Trong khi đại đa số người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh lao đao vì giá tiêu giảm sâu thì có một số xã viên Hợp tác xã (HTX) tiêu hữu cơ Đồng Thuận đứng chân trên địa bàn thôn 6, xã Nhân Cơ (Đăk R’lấp) nhờ sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ nên vẫn bán được tiêu với mức giá cao gấp đôi tại thời điểm này. Bởi, thay vì sử dụng phân, thuốc hóa học, bà con chỉ sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ nên không chỉ giảm đáng kể chi phí sản xuất mà giá bán cũng cao hơn.

Theo ông Đào Duy Hải, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận thì việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ không thể đạt tuyệt đối về năng suất như trước (từ 8 – 12 tấn/ha). Nhưng bù lại vườn cây ít nhiễm bệnh, năng suất luôn giữ mức ổn định, trung bình đạt từ 3 – 4 tấn, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn trở lên. Hiện nay, sau khi thực hiện xong các công đoạn sau thu hoạch như: Phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm hồ tiêu của HTX được công ty liên kết thu mua với giá 130.000 đồng/kg, cao hơn 76.000 đồng/kg so với giá tiêu chung.

Ông Hải cho biết: “HTX Đồng Thuận đã trải qua 8 năm sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. Nhiều năm nay, chúng tôi không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV để chăm sóc vườn tiêu nữa mà chủ yếu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ như: Phân bò, phân cá ủ hoai, thuốc trị nấm bệnh sinh học…”. Do đó, hiện trên 20 ha hồ tiêu của bà con HTX đều tuân thủ sản xuất đúng quy trình và được giám sát nghiêm ngặt.

Liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ đã mang lại hiệu quả cao cho HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận…

Với hướng đi là không chạy theo số lượng về diện tích, năng suất mà tập trung vào chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường nên sản phẩm hồ tiêu của HTX Đồng Thuận được đánh giá cao ở thị trường EU, Nhật Bản…

Giải pháp để cây tiêu phát triển bền vững

Cây hồ tiêu là cây trồng có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, tuy nhiên đòi hỏi người sản xuất phải có kinh nghiệm và kỹ thuật. Theo định hướng đến năm 2020, tỉnh Đắk Nông ổn định diện tích hồ tiêu khoảng gần 10.000 ha, sản lượng gần 19.000 tấn/năm, nhưng thực tế năm 2017, diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 31.000 ha, sản lượng 37.000 tấn đã phá vỡ định hướng chung của tỉnh.

Trước thực tế đó, Đăk Nông đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển ngành hồ tiêu bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến rà soát, quản lý quy hoạch vùng sản xuất hồ tiêu gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện sản xuất hồ tiêu sinh học, hữu cơ gắn với chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm…

26 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Xu hướng tồn tại đúng đắn nhất với nông dân sản xuất hồ tiêu hiện nay là đi theo hướng nông dân cùng nhau tự quản lý sản xuất theo lối canh tác hữu cơ bền vững và tự xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho chính mình mới thu được lợi nhuận cao hơn !
    Thành công của HTX Đồng Thuận ở Đăk R’lấp là rất đáng khích lệ và nhân rộng.

    • Mong những lần sau bạn góp ý có cơ sở cụ thể, để giúp bà con hiểu rõ vấn đề hơn. Cám ơn.

  2. Nông dân mình đã quen lối cường canh lạm dụng phân thuốc hóa học rồi. Bây giờ chuyển sang lối canh tác hữu cơ bền vững là cả một cuộc cách mạng, trước hết phải cách mạng ngay chính bản thân mình là điều không thực sự dễ dàng. Chỉ khi phải trả giá, với một giá rất đắc may ra mới tỉnh ngộ. Nhưng có vẻ với không ít người thực sự là đã muộn, quá muộn…
    Đi qua một số xã của Cư Kuin, Ea H’Leo, Buôn Đôn… của Đăk Lăk hình như đã thấy bắt đầu !

  3. Giá tiêu giao dịch ở sàn nước ngoài quy ra tiền Việt còn chưa được giá đó. Ông này bao tiêu sản phẩm để bán cho công ty nào ?

  4. Mình có tiêu sạch mà bán cũng giá thôi, 2 năm nay không bỏ phân rồi. Mình sợ tiêu chết nên không dám bón, không bỏ phân khoa học không phun thuốc, hột tiêu thì ít zem khó chín nữa, tiêu thì sạch bán thì giá thấp hơn người bỏ phân hóa học… Năm này nên canh tác thể nào ?

    • Sản xuất nông sản muốn trở thành hàng hóa phải có khối lượng đáng kể. Với cách làm của bạn thì vẫn không có gì đổi mới.
      -Ai xác nhận rằng tiêu bạn làm là tiêu sạch ? Bạn đã đăng ký với các tổ chức cấp giấy chứng nhận chưa ? Bạn có dám cam đoan và chịu trách nhiệm bồi thường khi tiêu không đạt dư lượng theo kiểm định không ? (Nói vậy chứ chả ai đi cam đoan với nông dân đâu)
      -Cty XNK chỉ mua với khối lượng tương đối, do không có nhân viên để mua hàng với khối lượng nhỏ nên họ chỉ mua qua cty địa phương hay các đại lý…
      Nói chung cũng khá nhiêu khê, chỉ mình bạn chẳng làm được đâu. Vì vậy nhà nước muốn bà con nông dân trồng tiêu chung tay xây dựng HTX sản xuất hồ tiêu cho chính mình, nhưng có vẻ như nhiều người không quan tâm. Giữ lối sản xuất riêng lẻ dần dần về sau này sẽ bị các rào cản pháp lý làm cho thua thiệt mà thôi.

  5. Tôi có 1,5 hecta tiêu bây giờ tôi đã trồng xen cây khác vào 1 hecta. Còn lại 0,5 hecta tiếp tục trồng tiêu sạch, tự chăm sóc không thuê công, nếu giá tiêu sau 3 năm vẫn vậy thì cho ra đi 1 hecta… Phải có kế hoạch như vậy đừng ngồi chờ giá lên.

  6. Để xây dựng được niềm tin phải bắt đầu từ những nhóm nhỏ dám cam kết, dám đặt cược.

    Từng người trong nhóm ký cam kết chịu trách nhiệm bồi thường cho tập thể nhóm nếu sản phẩm của mình có dư lượng.
    Mẫu được lấy riêng, để có thể tái kiểm tra khoanh vùng đối tượng nếu test chung không đạt.
    Test chung để có được số lượng-chất lượng.

    Nhóm mạnh tay loại người không đạt để làm trong sạch nhóm.

  7. Tôi thấy các loại thực phẩm khác còn độc gấp trăm lần hạt tiêu mà có ai kêu ca gì đâu. Một gia đình dùng một năm khoảng một kg tiêu, trong khi đó xơi một quả sầu riêng 4 kg trong vòng 30 phút. Mà sầu riêng thì các bác biết rồi đó, phun thuốc từ khi ra hoa đến khi già. Khi hái lại nhúng thuốc một lần nữa cho chín mới đến tay người tiêu dùng vẫn tấm tắc khen ngon, giá vẫn 60-70k một kg. Theo tôi khi cung chưa đủ thì chả có ai phàn nàn gì…

  8. Hay thật. Bỏ ra 12 tỷ để mua đất và đầu tư, giờ nợ 4 tỷ kêu không biết bao giờ mới trả được. Ông bán số đất mới mua đi mà trả nợ, giữ để làm gì. Dám làm dám chịu, nông dân ai cũng như thế này thì bao giờ mới hết nợ và giàu lên được?

  9. Hy vọng bà con nông dân Việt Nam mình sớm đổi thay cách sản xuất nông nghiệp trước khi còn phải trả giá đắt hơn nữa…

  10. Tiêu sạch là như thế nào? Không phun xịt thuốc sâu, không dùng phân hoá học. Canh tác hữu cơ sinh học có đảm bảo cây tiêu đủ chất và khỏe mạnh không bị bệnh không? Và lúc tiêu nhiễm bệnh thì sao? Có dùng thuốc hoá học phun xịt hay là để nó chết. Nói thì dễ nhưng không dễ ai thực hiện được đâu.

    • Chào cháu @ Sơn Nguyễn
      Chú hiểu điều cháu băn khoăn. Nhưng cháu đã nhầm lẫn giữa việc sản xuất tiêu sạch và tiêu hữu cơ.
      -Tiêu sạch vẫn sử dụng phân thuốc hóa học nhưng chỉ ở mức độ bổ sung, khi thật cần thiết, có sự chọn lọc và có thời gian cách ly hợp lý.
      -Tiêu hữu cơ là không sử dụng hóa học bất kỳ và canh tác trong môi trường sạch, được kiểm soát chặt chẽ. Mà môi trường sạch, giống chọn lọc thì bệnh ở đâu ra?
      Cháu nghĩ kỹ đi để phân biệt. Sản xuất tiêu sạch có quá khó không?
      Thân

  11. Thưa chú, cho cháu hỏi.
    Cháu thắc mắc là sản xuất tiêu như HTX Đồng Thuận có được gọi là tiêu hữu cơ không? Mong chú chỉ bảo cho. Cháu cám ơn.

    • Bạn đọc kỹ, bài báo chỉ nói HTX Đồng Thuận sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ chứ không nói sản xuất tiêu hữu cơ.

  12. Cháu chào chú Vịnh ạ, cháu có một số vấn đề mong chú giúp ạ. cháu trồng tiêu ấn độ năm 2016 trên trụ giả và trồng cây keo dậu. Năm nay cháu vừa thu bói được một tuần, trong vườn thì có cả tiêu suy và tiêu sung (thu bói nên tiêu ra hai ba đợt). mà tình hình vườn cháu là có khoảng 150 trụ tiêu suy bị vàng, khoảng 10 trụ bị bệnh tháo đốt và ngọn trong đó đã có ba dây tiêu bị chết vào cuối mùa mưa vừa rồi. Còn lại là 800 trụ tiêu bình thường và tiêu sung trong đó một số cây tiêu sung đã có hiện tượng bung đọt mới và nhú cựa rất nhiều, bây giờ cháu phải rửa vườn như thế nào? làm sao để phòng bệnh trong mùa mưa tới và những năm tiếp theo? và cháu phải làm gì để cho tiêu bung hoa vào cùng một đợt ạ? và nên cho bung vào thời gian nào thì kết quả tốt nhất ạ? cháu cũng nghe nói tiêu ấn độ chăm sóc khác với tiêu Vĩnh Linh phải không ạ? Cháu cũng ít sử dụng phân hóa học và năm nào cũng bón phân chuồng cho tiêu. Cháu còn rất ít kinh nghiệm nên mong được chú hồi âm ạ. Chúc chú và gia đình thật nhều sức khỏe và thành công ạ.

    • 1. Tiêu tơ không hãm nước, chỉ áp dụng hãm nước với tiêu đã thu bói hoặc tiêu kinh doanh.
      2. Phòng bệnh không gì hơn là dùng các EM, đặc biệt là nấm đối kháng trichoderma bón theo định kỳ mỗi năm ít nhất khoảng 3 lần.
      3. Phải chống suy ngay sau thu hoạch bằng cách phun lá 1 – 2 lần phân sinh học biosol nếu tiêu suy hoặc chỉ phun 1 lần với tiêu bình thường…
      4. Bón phân chuồng không quan trọng mà quan trọng ở cách ủ phân chuồng đúng phương pháp mới chuyển hóa các chất hữu cơ khó tiêu sang dễ tiêu cho cây hấp thụ.
      5. Rửa vườn bằng cách phun 1 lần thuốc nấm có hoạt chất Mancozeb hoặc Hexaconazole, tiêu tơ không nên phun thuốc gốc đồng.
      6. Khi có mưa xuống, bón mỗi gốc 300-400gr lân Văn Điển và mỗi sào khoảng 1-2 tạ vôi, phủ đều khắp bề mặt vườn rồi tiếp tục bón phân ủ hoai và thực hiện quy trình làm bông vụ mới.

    • Rụng dốt, tháo khớp trên ngọn tiêu thường do 2 nguyên nhân:
      -về dinh dưỡng, do bón phân thiếu các chất trung vi lượng chủ yếu là can-xi và thiếu các chất sinh trưởng như GA3.
      -về nấm bệnh, do bị nấm Rhizoctonia và các nấm cơ hội tấn công, phun các thuốc trị nấm như Mancozeb hoặc hỗn hợp Mancozen+Melataxyl, Aliete, Hexaconazole…

  13. Chào anh Vịnh!
    Chào cả nhà!

    Anh Vịnh ơi em đang hãm tiêu từ 19/4 đến nay được 23 ngày.
    Trời nắng khá gắt, em ở vùng Ea Nuôl Buôn Đôn, đất sỏi đen.
    Hiện trạng tiêu hơi héo một chút xíu, thể trạng tiêu cũng thuộc loại sung (mới thu bói xong).
    Cho em hỏi thời gian hãm như vậy được chưa anh ?
    Thông thường tiêu hãm có biểu hiện như thế nào ạ.
    Chúc anh khoẻ và cám ơn anh nhiều !

    • Thời gian hãm nước khoảng 35-45 ngày tùy theo mức độ khô nắng ở từng vùng.
      Vùng Ea Nuôl càng không vấn đề gì, yên tâm chờ có mưa xuống.
      Chuẩn bị sẵn phân chuồng ủ hoai, mỗi gốc tối thiểu khoảng 10-15 kg và phân lân Văn Điển, mối gốc khoảng 300-400gr để bón ngay sau vài cơn mưa đầu.
      Tất nhiên biểu hiện lúc này là nhìn cây héo hơi buồn buồn…
      *Tham khảo thêm phản hồi ở phía trên tôi đã trả lời bạn @ SaNam.

  14. Từ đầu tháng 1 đến tháng 4/2018, các bà con vùng sâu lại tăng cường phá rừng trồng tiêu ở Tây nguyên tăng lên hơn 30.000ha nữa nên giá còn xuống ít nhất 3 năm nữa mới dừng lại chừng 450.00đ/kg, sau đó sẽ lên vào cuối năm 2020

  15. Nhìn vào các vườn ươm và bán tiêu giống cũng thấy ý kiến của bạn là có cơ sở…
    Nhưng mức giá đó e là chỉ có trong mơ !

  16. Tôi thấy biện pháp trồng xen canh là lựa chọn chắc chắn nhất, mất cây này thì con cây khác…
    Trồng xen canh sẽ giúp đảm bảo cuộc sống bền vững cho bà con, không nhất thiết phải chạy theo thị trường… Nhà nông cần nhất là cuộc sống an cư lạc nghiệp.

Gửi phản hồi mới

(?)