Đăk Nông: Đua nhau trồng tiêu bằng trụ cao su sống

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 10

dak nong pha cao su de trong tieuThay vì chặt bỏ cả vườn cây cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác, nhiều nông dân trong tỉnh Đăk Nông đã liều lĩnh chắn rễ, rong tỉa, hãm ngọn cây cao su để làm trụ sống trồng hồ tiêu.

Hăm hở với sáng kiến mới

Đang bước vào mùa thu hoạch mủ cao su nhưng tại nhiều nơi trong tỉnh Đăk Nông, người dân dường như chẳng còn mặn mà với công việc thu hoạch mủ từ loại cây này.

Trước thực trạng giá mủ cao su xuống quá thấp, một số người phải chuyển đổi sang trồng cây khác hoặc duy trì bằng hình thức lấy ngắn nuôi dài. Một số khác quyết định liều lĩnh bằng cách chặt cây cao su và sử dụng làm trụ để trồng tiêu. Số khác cẩn thận hơn thì vẫn để cây cao su sống và trồng tiêu leo lên, xen canh thêm cà phê. Cách làm này hiệu quả ra sao chưa ai biết nhưng đã và đang được rất nhiều người nông dân áp dụng.

Tại xã Nhân Đạo (Đăk R’Lấp, Đăk Nông) chỉ trong vòng năm qua, diện tích cao su được người dân phá bỏ đã lên đến 97 ha. Trong đó, hơn 50 ha cao su được người dân giữ lại theo phương thức chắn rễ, rong tỉa, hãm ngọn cây để làm trụ sống trồng hồ tiêu.

Gia đình anh Cao Quang Tấn, thôn 2, xã Nhân Đạo có hơn 2 ha cao su 7 năm tuổi, mỗi cây có đường kính to hơn bắp đùi người lớn, đang cho thu hoạch với sản lượng mủ rất cao. Nhưng do giá mủ xuống thấp, chi phí nhân công lại cao nên anh quyết định phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu.

Theo anh Tấn, so với việc giữ lại và tiếp tục chăm sóc vườn cây cao su rồi chờ giá lên không khả thi hơn là phá bỏ để chuyển đổi sang trồng tiêu. Tuy nhiên, băn khoăn của anh Tấn lại nằm ở việc giá các loại trụ làm giá đỡ để trồng tiêu đang bị đẩy lên quá cao.

Một trụ bê tông hiện nay có giá trên dưới 200.000 đồng, trụ gỗ đẹp không dưới 250.000 đồng, bèo nhất là trụ cây gòn sống to chỉ bằng cổ tay cũng lên đến vài chục ngàn đồng. Với diện tích 2 ha nhà anh cần đến hơn 2.000 trụ tiêu các loại, tính ra tiền đầu tư trụ đỡ lên đến mấy trăm triệu đồng. “Nghĩ vậy, chi bằng tôi rong tỉa lại hàng ngàn gốc cây cao su có sẵn trong vườn để làm trụ tiêu sống, vừa tiện vừa nhanh lại vừa tiết kiệm cả khối tiền”, anh Tấn nói.

Cách đó không xa, hàng chục hộ dân xã lân cận Đăk Tín cũng hăm hở tái tạo lại vườn cao su để làm trụ, chuyển sang trồng tiêu. Anh Nguyễn Văn Phú, thôn 1 Đăk Tín có 3,5 ha cao su gần 10 năm tuổi. Ba năm về trước, vườn cao su này cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng giờ gia đình anh phải chặt bỏ.

“Thấy người dân một số nơi dùng thân cao su sống làm trụ tiêu tôi cũng học hỏi để làm theo. Cây cao su vừa to lại rất chắc chắn nên nếu làm trụ đỡ cho cây tiêu sẽ không lo bị ngã đổ, còn cây cao su vẫn sống tốt và vẫn có khả năng cho thu mủ được. Nếu vài năm sau giá cao su tăng trở lại tôi sẽ quay lại tiếp tục đầu tư chăm sóc, phát triển lại như ban đầu, không sao cả”, anh Phú cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Nhân Đạo cho biết, bây giờ việc người nông dân phá bỏ, cải tạo vườn cao su để làm trụ sống trồng tiêu không còn là chuyện lạ, thậm chí đã phát triển trở thành phong trào. Cứ nhà này thấy nhà kia phá bỏ lấy trụ là học hỏi làm theo. Danh nghĩa là Chủ tịch Hội nông dân xã nhưng hầu như chúng tôi không thể can thiệp được gì ngoài việc tuyên truyền, kêu gọi nên giữ lại các vườn cao su xanh tốt, hoặc rất thận trọng khi chuyển đổi mà thôi.

Cây cao su sau một thời gian ngắn rong tỉa cành đã bị nứt vỏ, nguy cơ chết khô rất cao

Cây cao su sau một thời gian ngắn rong tỉa cành đã bị nứt vỏ, nguy cơ chết khô rất cao

Thận trọng không thừa

Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông, xét trên vấn đề phát triển kinh tế thì việc người dân tuy không chặt cao su nhưng dùng cây cao su để làm trụ sống cho tiêu leo cũng đồng nghĩa với việc chặt bỏ cao su. Vì trồng cao su nhằm thực hiện mục đích khai thác mủ; nếu đốn, chỉ để vài cành và thân để tiêu leo thì cây cao su không thể cho mủ, sản xuất mủ không còn ý nghĩa.

Qua thực tiễn, cao su sau khi bị chắn gốc, rong cành, tỉa ngọn cây đã mất sức rất nhiều, rất dễ bị nhiễm các loại bệnh xâm nhập thông qua các vết cắt, chặt. Nhất là khi người dân thực hiện rong tỉa cành để trồng tiêu thường rơi đúng thời điểm mùa mưa. Nước mưa sẽ thấm vào các vết thương của cây gây nên tình trạng thối cây tại các vết hở, nhiều khả năng cây bị chết.

Mặt khác, cây cao su sau khi bị chết sẽ bị tuột lớp vỏ, kéo theo dây tiêu cũng bị tuột xuống theo. Bản thân cây cao su khi đã hết thời kỳ khai thác, ở độ tuổi trên 30 năm (tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc và khai thác mủ), sẽ được thanh lý và cưa xẻ thành thanh, ván phục vụ cho ngành chế biến gỗ. Trong thực tế chưa ai sử dụng để làm trụ tiêu vì đặc điểm của loài cây cao su gỗ nhẹ và hay bị mối. Do đó, cây cao su một khi đã khô thường sẽ nhanh bị đổ ngã.

Về yếu tố kỹ thuật, cây hồ tiêu rất nhạy cảm với nấm bệnh, đặc biệt là nấm phytophthora, tác nhân gây ra bệnh héo chết nhanh. Trong khi cây cao su lại là ký chủ của nấm phytophthora, lại thêm nấm trắng, nấm hồng. Hồ tiêu là cây trồng khó tính và chưa ai khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây cao su làm trụ.

Bên cạnh đó, cây cao su là cây ưa thoáng ở gốc, nếu cho vào dây tiêu phát triển kín phía dưới sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh rất cao. Do vậy, cách làm này là chưa đảm bảo cơ sở khoa học; mặc dù, thực tế đã có một số hộ dân tự phát trồng hồ tiêu cho leo trên cây cao su.

“Hiện Sở NN&PTNT Đăk Nông đã có văn bản đề nghị các địa phương phối hợp thống kê số diện tích trên, đồng thời đề nghị UBND các địa phương có diện tích trồng cao su, nhất là cao su tiểu điền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác”, ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông cho hay.

10 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Lấy cây cao su làm trụ sống coi như nuôi nấm phytophthora trong vườn rồi. Đúng là những người k hiểu biết gì về cây tiêu hết, thế mà đòi đi trồng tiêu. Tưởng cây tiêu dễ ăn quá.

  2. Ở chỗ tôi cũng có những người trong trụ cao su rồi. Hiện tại đang phát triển mạnh, đã lên gần hết trụ rồi. Không biết sau này thế nào, hiện tại rất tốt.

  3. Ở xã Đăk Sin chỗ mình hội nông dân vừa tổ chức hội thảo phân hữu cơ vi sinh (…) của Mỹ, công nghệ Mỹ, dùng cho cây hồ tiêu, không biết hiệu quả thế nào mà thấy lên thuyết trình cũng nổ dữ lắm.
    Bà con nào đã dùng rồi xin cho ý kiến tham khảo.

    • Có bác Hội Nông dân huyện xã nhúng tay vào là thấy nguy cơ rồi…
      Mây công ty phân thuốc làm ăn chụp giựt hay chọn đường này !

    • Nông dân sẽ là người gánh chịu hậu quả của việc phân bón thuốc trừ sâu giả kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Còn các cơ quan quản lý, ban ngành, đoàn thể… sẽ không có ai sai cả. Lỗi là do cơ chế !
      Ráng mà chịu thôi bà con ơi !

    • Có phải bác nói công ty phân bón vi sinh ( … ) nhập khẩu từ Mỹ, theo công nghệ Mỹ, có cái clip ghi hình ông TS phân bón giới thiệu không? Hồi tháng 8 cũng lên BMT thảo luận hoành tráng lắm… Mình cũng thấy ngờ ngợ vì họ nói với tờ rơi có chỗ không khớp nhau.
      Kiểu đó nông dân không chết mới lạ !

  4. Đề nghị các bạn, chúng ta không tham gia đề tài này nữa, vì bản thân website cũng không giải quyết được vấn đề gì, như các bạn đã nói “do cơ chế”.
    Cần tập trung vào định hướng chính của website vì cộng đồng nông dân trồng tiêu VN nhiều hơn.
    Cảm ơn !

    • Nhưng mà cũng ức, vì nông dân trồng tiêu VN, mà chúng nó lừa nông dân trồng tiêu mình ko nói được. Báo chí còn tiếp tay cho chúng nữa làm mình càng ức thêm.

  5. Cả nhà cho mình hỏi. Tiêu lươn trồng vào đầu mùa mưa đã ra ác, mình muốn đôn luôn được ko. Hay phải đợi sang đầu mùa mưa sang năm mới đôn được vì mình thấy giờ dây tiêu đang rất non. Mong mọi người giúp đỡ.

    • Đôn tiêu có thể thực hiện quanh năm nếu chủ động được việc chăm bón. Đôn khi đã có 5-6 cặp ác là vừa. Chôn lấp từ nhánh ác đầu tiên trở xuống. Theo kinh nghiệm, tôi thường ngưng bón các loại phân hóa học trước khoảng 3 tuần để cây cân bằng.
      Cắt bỏ những lá thừa, lá sẽ bị chôn lấp trước vài hôm để cho vết cắt ráo nhựa.
      Đào hố, xử lý hố, bón lót phân hữu cơ đầy đủ. Không nên khoanh dây tiêu quanh trụ, khó chăm sóc. Cẩn thận, không để bị gập, xoắn dây. Lấp hố xong, dùng biogel+tricho tưới ngay để giữ ẩm, hỗ trợ tiêu mau ra rễ và phòng bệnh. Mùa khô cần bẻ vài cành cây có lá cắm bên cạnh để che bớt nắng giúp tiêu không bị sốc nhiệt. Chăm bón tích cực, duy trì đầy đủ ẩm, tiêu sẽ nhanh phát.

Gửi phản hồi mới

(?)