Điêu đứng vì tùy tiện trồng hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 22

Cán bộ, kỹ sư của Sở NN&PTNT vẫn chưa rõ lý do. Nông dân ở đây (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cũng đã nhờ kỹ sư chuyên ngành, những người dân có kinh nghiệm trồng hồ tiêu lâu năm ở Bình Phước về chữa trị, song tiêu vẫn cứ chết.

Vườn tiêu đang xanh bỗng dưng lăn đùng ra chết hàng loạt.

Vườn tiêu đang sum suê bỗng dưng lăn đùng ra chết hàng loạt.

Ở quê tôi, có khu rẫy đất đỏ với diện tích hơn 1.000 ha thuộc địa bàn 3 xã: Đăk Drông, Nam Dong và Đăk Uyn (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), từ năm 2005 trở về trước là vùng chuyên canh các loại cây họ đậu. Bình quân mỗi héc-ta đậu phộng (lạc), đậu nành, đậu xanh… trồng hai vụ cho thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm (giá trị tiền bấy giờ).

Bắt đầu từ năm 2006, một số hộ đã đưa cây hồ tiêu vào trồng. Khi giá hồ tiêu hạt rất cao, xấp xỉ 100.000 đồng/kg, thì hầu hết các hộ có đất ở khu vực này đã ào ạt bỏ đậu tập trung trồng giống hồ tiêu cao sản. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu cho hồ tiêu rất lớn (vì phải mua trụ gỗ, giống tiêu, công làm đất, cuốc hố, công trồng, công chăm sóc, tiền mua phân bón, thuốc sâu, thuốc dưỡng… đến khi thu hoạch vụ đầu cũng mất từ 400-600 triệu đồng/ha), song người dân vẫn liều mình vay tiền để trồng. Vì thế mà rẫy ở dọc con đường liên xã Đăk Drông-Đăk Uyn chỉ hai năm sau đã có 80% diện tích được trồng hồ tiêu.

Thế nhưng đến năm 2008, nhiều gia đình chưa thu được hạt hồ tiêu nào thì tự nhiên tiêu ở đây và cả khu vực Tây Nguyên mắc bệnh chết. Cán bộ, kỹ sư của Sở NN&PTNT vẫn chưa rõ lý do. Nông dân ở đây cũng đã nhờ kỹ sư chuyên ngành, những người dân có kinh nghiệm trồng hồ tiêu lâu năm ở Bình Phước về chữa trị, song tiêu vẫn cứ chết.

Năm 2009, nông dân tiếp tục phá hết tiêu cũ để trồng lại giống mới và đầu tư chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dưỡng cây thường xuyên hơn, nhưng hai năm sau, khi tiêu đang xanh mơn mởn chưa cho trái bói thì tự nhiên lại bị chết dần với triệu chứng như vườn tiêu cũ. Có nhiều hộ đã trồng đi trồng lại 4-5 đợt song tiêu vẫn không sống được quá hai năm.

Từ năm 2011 đến nay, giá sản phẩm hồ tiêu thường dao động từ 160.000 đến 190.000 đồng/kg. Nhìn thấy lợi nhuận lớn nên đại đa số các hộ nông dân ở huyện Cư Jut quê tôi cứ lao vào trồng hồ tiêu dù loại cây này vẫn bị chết mà không tìm ra nguyên nhân. Khá nhiều hộ nông dân đã mất nghiệp vì trồng hồ tiêu, phải bán cả nhà cửa, đất đai để trả nợ tiền vốn.

Ham lợi theo kiểu phi khoa học, bất chấp nguy cơ thất bại do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp và thiếu kinh nghiệm hiểu biết về cây hồ tiêu như trên nên nhiều gia đình quê tôi đã gánh hậu quả vô cùng nghiêm trọng, song nhiều bà con vẫn chưa tỉnh ngộ. Đề nghị chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để giúp nông dân huyện Cư Jut chuyển đổi cây trồng cho hợp lý, không nên tùy tiện trồng hồ tiêu trong khi chưa thực sự hiểu biết về kỹ thuật canh tác loại cây này.

Phạm Hoàng Ninh (Báo QĐND)

22 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Chào,

    Tôi không có nhiều kinh nghiệm trồng hồ tiêu, nhưng mà nhìn tấm hình trong bài báo, tôi thấy như vầy:
    1. Cây tiêu trồng sâu hơn mặt đất khá nhiều, lại là đất đỏ
    2. Tiêu trồng theo luống, nước chung, phân chung, dễ dàng lây bệnh hơn
    3. Ở nhà tôi, mặc dù là đất sỏi (thiếu nước) nhưng mà làm bồn tiêu nổi, tức là đắp đất cho mỗi trụ tiêu để giữ nước, mùa mưa thì sang bằng đất đi, cho thoát nước, hạn chế tình trạng dư nước lâu ngày. Mùa nắng thì khoảng 7 ngày tưới 1 lần, mặc dù cây tiêu có héo nhưng không bị chết yểu. Không làm bồn chìm (giống bồn cho cây cà phê) cho cây tiêu bởi vì rễ cây sẽ bị khô vào mùa nắng, úng vào mùa mưa.

    Chỉ là ý kiến của tôi thôi.

  2. Rất cảm ơn bạn đã có bài viết về tình hình tiêu, nhưng mình cũng mong bạn và mọi người thông cảm cho nông dân chúng mình chứ. Thí dụ nha bạn, nhà người ta 1ha tiêu thu trừ chi phí lãi 400tr còn nhà mình trồng đậu trừ công giống 2 vụ lãi 40tr vất vả khổ lắm.
    Còn về phần cán bộ nông nghiệp thì mình ở Đak Mil chưa thấy có gì chứ đừng nói là đi sâu đi sát vói nông dân. Đúc kết lại thì bụng đói đầu gối phải bò thôi.

  3. Không phải điêu đứng vì tùy tiện trồng hồ tiêu đâu mà điêu đứng vì chăm sóc tùy tiện. Trên hình là tiêu bị nấm cổ rễ mà chết. Lúc đầu chết một hai dây sau đó lan ra chết cả trụ. Nguyên nhân là khi xới xáo làm đứt nhiều rễ và bón phân hóa học sát vùng gốc. Khi rễ bị đứt nấm dễ xâm nhập vào vết thương gặp phân hóa học đậm đặc hay nước dư thì cứ thế mà thối gốc, thối gốc này sẽ thối luôn gốc bên cạnh. Rất khó cứu chữa!

  4. Hầu như ở vùng Tây Nguyên trồng tiêu cách thức đánh bồn tiêu y như cà phê có lẽ vẫn là do thói quen trồng cà phê chăng ? Với cái lòng chảo chà bá đó vào mùa mưa tiêu chết vì úng trước khi chết vì nấm bệnh…
    Theo em các bác nên tìm hiểu cách thức trồng và chăm sóc cây tiêu để chọn cho mình hướng giải quyết những vấn đề này, chứ chạy theo phong trào đổ tiền của đầu tư mà chưa biết gì về tiêu thì chuyện trả giá đắt là điều sớm muộn…

  5. Một việc việc xưa như trái đất – trên diễn đàn này -“tạo hoang đảo” cho gốc tiêu ! (Thực ra mà nói, không phai tất cả nhũng hộ trông tiêu đều có máy tinh để tham khảo học hỏi kinh nghiệm) Thế mà người trồng tiêu vẫn cứ lảm bồn ! Trách nhiệm về ai ? Như @quockhang312 nói “…cán bộ nông nghiêp… chưa thấy có gì chứ đừng nói là đi sâu đi sát…”. Hỡi ơi các vị ăn lương nhà nước làm gì cho dân ! Cầu mong sao cho vị lãnh đạo cấp cao, đọc được những gì chúng tôi “kêu cứu” tại trang này chứ đừng lo quảng bá thành tích của quý vị không do mình giúp dân !
    Tại địa phương của mình, trên tháng nay, có những người ở địa phương xin tiêu lươn (nói là về trồng) sau đó đi mua 3.000$/kg và tăng dần – hiên tại 80.000$/kg – Tôi thấy xe chở đi hàng tấn và họ nói đi Gia Lai, Đak Lak và ngày nào cũng có – Nhưng thê thảm cho những người mua làm giống : ngay cả nhưng bụi tiêu đang chết nhanh cũng được họ lôi xuống bó chung lại ! Các ban nghĩ sao ?! và có cách gì giúp nhau ?

    • Hôm qua tôi lên thành phố, tìm đến địa chỉ ươm giống nổi tiếng, mới biết ở đây không chỉ có 1 cơ sở… Qua 5-6 chỗ ươm bán tiêu giống thấy số lượng ươm bạt ngàn, không hiểu họ lấy giống đâu ra mà nhiều đến vậy? Quan sát kỹ, tôi thấy có vẻ như họ chăm bẳm quá mức, không biết họ có lạm dụng phân thuốc để kích thích không nữa.
      Đọc phản hồi của anh HV Lập mới rõ thêm, nếu giống được lấy theo nguồn này thì quả là rất đáng sợ cho bà con trồng tiêu vì cơ hội dịch bệnh lây lan rất lớn !

  6. Cả xã hội này mà như những người bác nói thì hồ tiêu VN biết đi đâu về đâu. Có những loại người ăn trên đầu trên cổ người ta mà có bao giờ hết đâu, nghĩ đến chi cho thêm bực.
    Chỉ tội cho những người vớ phải những dây tiêu đó…

  7. Nói tóm lại đơn giản là vì bà con nông dân chưa hiểu gì về cây tiêu, cứ thấy cái giá trị kinh tế là đổ xô theo làm. Nhưng quan trọng là cán bộ khuyến nông không đủ khả năng hoặc không có trách nhiệm để giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
    Bản thân tôi cũng ở Cư Jut nên tôi quá rõ về thực trạng hiện nay tại Cư Jut. Vùng đất đỏ thì giàu sét, mùa nắng đất mau khô nhưng mùa mưa lại quá ẩm ướt, nông dân thì trồng tiêu dưới bồn, để cành tán nằm bẹp hết dưới đất. Nhìn trụ tiêu xanh vậy thôi chứ kiểm tra rễ thì hầu như cây nào tuyến trùng và nấm cũng xơi thịt rễ nhiều rồi. Chưa kể đến việc bón phân cháy rễ, lạm dụng thuốc giết chết hệ sinh thái. Nên khi nấm bệnh xâm nhập thì việc lây lan dễ như trở bàn tay.
    Những vùng đất đá kiểu như bà con gọi là đá thối, theo cá nhân tôi nhận thấy đây là dạng đất nghèo dinh dưỡng, nghèo chất mùn và thừa độc tố, với trình độ sản xuất như đại đa số nông dân ở vùng này thì việc trồng tiêu trên đất đá thối là vấn đề không đơn giản, vậy mà họ vẫn cứ trồng. Nhưng 10 nhà trồng thì có khi chưa được 1 nhà có vườn lên tương đối. Rụng đốt, đen mạch dẫn, vàng lá, tuyến trùng, thối rễ, xoăn lá là những triệu chứng hết sức phổ biến trên những vườn tiêu trồng trên loại đất này.
    Nhiều vườn tiêu nhìn đang xanh đẹp vậy, thấy trồng dưới bồn sâu, nhưng nếu khi chưa có vấn đề gì thì không dễ gì tư vấn mà người nông dân chịu nghe đâu. Đại lý kinh doanh thì nói thật chưa đủ trình độ và cái tâm để giúp nông dân, quan trọng vẫn là lợi nhuận. Năm nay rộ thêm phong trào đi thăm vườn và kê toa bán thuốc, nhưng không phải ai thăm vườn cũng có đủ trình độ và vì mục đích tốt. Hầu hết đi để bán hàng là chính, còn hậu quả thế nào tính sau. Bán hàng thì cộng gộp tá lả lung tung ben vào để tăng lợi nhuận…. và còn nhiều lý do khác nữa, nông dân như bị lạc vào ma trận bệnh tiêu – phân – thuốc. Để đi đến đích là lợi nhuận, lợi ích kinh tế thì không đơn giản chút nào. Ước gì tôi có thể thay đổi cục diện, tiếc là chưa đủ lực.

  8. Ông cha ta đã đúc kết bằng thục tế cho đến nay là vô cùng quan trọng cho cây trồng nhưng lợi nhuận làm cho mờ mắt. Chẳng ai giúp được nông dân đâu nếu không học từng ngày để vượt qua chính bản thân ? Một câu nói đi qua mọi thời đại

  9. Vì cây tiêu lợi nhuận cao hơn hẳn cây trồng khác. Người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu… Tuy là chết rất nhiều nhưng những nhà sống sót lại giàu lên rất nhanh, vì vậy người dân cứ liều lĩnh trồng trông vào hên xui.

  10. Xin chào anh Vịnh và diễn đàn!
    Tôi đưa ra đây ý kiến này để bà con nào đang nào trồng cây muồng đen làm trụ tiêu tham khảo và cân nhắc, tôi cũng mong các bác đi trước đã thành công với mô hình trồng tiêu trên cây muồng đen giúp đỡ truyền đạt kinh nghiệm cho nông dân chúng ta.
    Tôi là người mới học trồng tiêu và trồng trên trụ sống, ở Đắc Lắc thấy nhiều người trồng cây muồng đen để làm trụ với ưu điểm được cho là nhanh lớn, cây họ đậu có khả năng cố định đạm cho đất. Tuy nhiên sau khi trồng được 2 năm tiêu nhà tôi đã leo được nửa trụ mới thấy cái hại chết người của nhược điểm này. Bệnh xì mủ do nấm là nguyên nhân chính gây chết cây, để bảo vệ vườn cây tôi dùng vôi quét toàn bộ thân muồng, nghe lời khuyên tôi đã dùng các loại thuốc như Agrifood 400, Ridomil 68w, rồi Coc 85 pha đậm đặc dạng keo, cạo sạch vết thương quét nhiều lần nhưng cũng không khỏi, cây tiếp tục thối vỏ và thân từ trên ngọn xuống và tôi phải dùng biện pháp chặt bỏ đoạn bị bệnh giữ lại 2/3 đoạn gốc không bị bệnh nhưng chỉ sau 1 đến 2 tuần vết bệnh lại tấn công xuống tới gốc.
    Cũng xin nói thêm là cây muồng tôi trồng kích thước 3×3 m, rong tỉa tán thông thoáng và để hạn chế nấm bệnh hại tôi đã thường xuyên bổ sung Trichoderma đối kháng và sử dụng phân chuồng hoai mục, phân sinh học bón gốc Biogel cho tiêu, hiện giờ vườn tiêu phát triển rất đẹp nhưng vườn muồng thì sơ xác thật đau đầu chưa biết xử lý ra sao. Vài ý bộc bạch và mong được diễn đàn chia sẻ! thân ái.

  11. Chào @ThuongDL
    Mình cũng ở Đăk Lăk. Mình trồng Muồng đen đã hơn hai năm, đã trồng tiêu vào. Bệnh sì mủ thì cũng có, nhưng chưa chết cây nào.
    Mình có một số kinh nghiệm khi trồng muồng đen nhanh to : Năm đầu trồng tuyệt đối không rong tỉa cành. Đến khi cây được một năm tuổi sẽ đạt chiều cao khoảng 3 m, đường kính gốc trung bình toàn vườn sẽ bằng cổ tay. Đến khi đó là rong tỉa đào hố trồng tiêu vào là chuẩn.
    Khi rong tỉa cần lưu ý cành nhỏ thì dùng kéo cắt cành cắt thừa ra khoảng 1 cm. Cành to thì dùng cưa cách thân 1 cm. Tuyệt đối không dùng rựa để rong cành. Vì sẽ làm tướt thân, mưa ẩm sẽ gậy bệnh sì mủ và cây muồng sẽ chết.

  12. Cảm ơn bạn Nguyễn Quân đã trao đổi kinh nghiệm, đúng là cây muồng đen rất nhanh lớn, vườn tiêu nhà bạn không bị chết có lẽ công tác phòng bệnh được chú trọng ngay từ đầu. Tuy nhiên điều mình thắc mắc là mình cũng đã rất thận trọng trong việc rong tỉa cành nhưng vườn muồng 3 năm tuổi nhà mình vẫn cứ bị xì mủ và tỷ lệ chết cao trong khi mình đã áp dụng đồng thời cả biện pháp sinh học và hóa học để phòng trừ mà không hiệu quả. Thân!

  13. Chào thuongdl
    Vườn mình trồng từ lúc trồng đến nay không dùng bất kỳ thuốc hoá học gì phun lên cả
    Tiêu mình từ lúc trồng vào vườn Muồng đen cũng chưa phun thuốc trừ nấm luôn.
    Mình chỉ dùng hữu cơ bón lót cho tiêu.
    Thân chào

  14. Chào thuongdl! cây muồng nhà bạn chết từ trên xuống là do bạn hãm ngọn vào mùa mưa. Hãm ngọn vào mùa mưa thì bạn phải dùng túi nilon bịt lại. Còn bệnh xì mủ trên thân bạn cạo lớp mủ đó đi sau đó dùng đồng đỏ hay dung dịch boocdo 5% quét lên. Thân

  15. Chào anh Vịnh và phamthanhliem, biết là là các anh rất có kinh nghiệm trong trồng tiêu trên cây trụ sống, nhân đây tôi muốn hỏi ý kiến anh và diễn đàn là cây muồng thường hay bị bệnh do nấm vì vậy khi ta sử dụng ghim bấm gỗ để bấm giữ dây tiêu và thân muồng như vậy có sợ việc lây nhiễm nấm bệnh từ lỗ ghim bấm này không. Mong các anh và diễn đàn góp ý, xin cảm ơn.

  16. Xin chào thủy ek
    Nấm bệnh của cây muồng đen lây lan qua tiêu chủ yếu qua rễ chú ko phải trên thân đâu bạn ak. Mình cũng toàn dùng ghim bạn ak. Nhưng bạn lưu lý nếu thấy cây muồng bị xì mủ bạn phải cạo sạch cái lớp mủ đó đi sau đó dùng đồng đỏ hay boocdo 5% quét lên vết cạo đó. Ko để mủ chảy vào rễ tiêu. Dây tiêu nào bị mủ xì đó chảy vào là dây đó vàng lá rồi héo rũ rồi chết, nếu ko chết thì có chăm nữa thì cũng vô ích vì dây ko phát triển đc nũa. Nhà mình có mấy trụ bị như thế nên biết, nên chia sẻ cùng bạn và gia đình giatieu.com

  17. Chào anh Thanh Liem, mấy hôm nay bận công việc không ghé thăm diễn đàn được nay thấy anh góp ý mừng quá, tuy nhiên là ý tôi muốn hỏi khi vết thương ở ghim bấm trên thân muồng có thể bị nấm ở môi trường xung quanh tấn công hoặc là nước mưa làm thối thân muồng qua vết bấm hay không á. À mà anh dùng ghim bấm giữ ngọn tiêu là trên cây muồng phải không anh, vậy mình có cần sử dụng thêm biện pháp phòng ngừa nào khác không, cảm ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm.

  18. Xin chào thuy ek!
    Nhà mình trồng muồng làm trụ cho tiêu leo. Nhà mình còn rong tỉa tán cả vào mùa mưa cũng ko sao. Trừ hãm ngọn cây muồng thì bạn dùng túi nilon bịt lại đừng cho nước thấm từ trên xuống làm thối cây. Con rong tỉa cành hay ghim chỉ là vết thương nhỏ ko sao bạn cứ yên tâm. Còn nấm bệnh chỉ phát sinh từ dưới đất. Để hạn chế bạn nên để gốc tiêu thông thoáng, cắt tỉa các cành sát gốc. Dùng boodo nồng độ 1%, đồng đỏ, các loại thuốc trị nấm, xịt và đổ gốc cho tiêu cũng là phòng nấm bệnh cho cây muồng ấy mà. Còn hạn chế sâu đục thân bạn lấy hạt long não bạn treo lên cây muồng, tạo mùi thơm xua đuổi bướm làm tổ đẻ trứng. Bạn cũng lưu ý: nếu cây muồng còn non và nhỏ bạn hạn chế ghim vì làm cây chậm lớn. Thân

  19. Xin chào các anh chị trong diễn đàn.
    Em tham khảo thấy cây muồng quả thật là rất tốt cho tiêu. Nhưng vài năm gần đây những cây muồng bà con trồng sao thấy chết rất nhiều. Chết lác đác chứ ko có bị chết tập trung.
    Em thấy người ta trồng cây gòn xanh và cây dâu da xoan.
    Ý các anh chị thế nào. Tư vấn hộ em.
    Chứ em vẫn đang tham khảo. Dự định năm nay em mới trồng. Mà phân vân ở cây trụ quá các anh chị ạ

Gửi phản hồi mới

(?)