Giá hồ tiêu trong nước đột ngột giảm mạnh

, Thị trường hạt tiêu, 17

Sáng nay thứ Sáu ngày 15/6, giá tiêu đen xô tại các vùng nguyên liệu đột ngột giảm mạnh. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương có giá cạnh tranh nhất đã giảm 2.000 đồng/kg, xuống ở mức 57.000 đồng/kg. Các vùng nguyên liệu còn lại cũng giảm theo, xuống dao động trong khoảng  54.000 – 56.000 đồng/kg.

Đọc thêm: >> Giá tiêu trong nước tiếp tục giảm vì tiêu nhập khẩu

Theo các công ty thương mại ở các địa phương, sự điều chỉnh giảm giá tiêu nguyên liệu lần này là do phía các Thương nhân Xuất khẩu chưa đặt hàng cung ứng cho nhu cầu của hợp đồng tháng 8, trong khi nguyên liệu để chế biến xuất khẩu theo nhu cầu của hợp đồng tháng 7 dường như đã được cung ứng đầy đủ.

Nguồn tin từ thương mại thị trường cho biết, phía khách nhập khẩu tỏ vẻ muốn chờ đợi thêm và kỳ vọng giá cả sẽ cải thiện phần nào khi hai nhà sản xuất chủ lực Indonesia và Malaysia, thành viên của IPC (Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế), chào bán hạt tiêu vụ mới hiện đã bắt đầu thu hoạch và dự kiến sẽ ra hàng vào đầu tháng 8.

Trong khi đó, quyết định tăng lãi suất USD lên thêm 0,25% của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) và khả năng có thể tăng thêm nữa cũng khiến cho các hàng hóa được tính bằng USD trở nên đắt đỏ và sức mua nói chung tạm thời chững lại.

Tuy nhiên, thương mại hàng hóa gia vị cũng kỳ vọng sức mua của các thị trường tiêu thụ truyền thống sẽ sớm tăng trở lại do nhu cầu của các thị trường này thường khá ổn định, đặc biệt là ở các nước Hồi Giáo ngay khi kết thúc Tháng Chay Ramadan năm nay.

Theo các xưởng chế biến tiêu trắng ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu chế biến tiêu trắng năm nay không cao. Các Thương nhân Xuất khẩu đặt hàng chế biến với khối lượng tương đối ổn định, trong khi nhu cầu tiêu trắng của các thương nhân phía bắc gần như không đáng kể. Được biết, giá tiêu trắng của các nước Đông Nam Á giảm nhẹ 30 – 50 USD/tấn trong khi tiêu trắng của Trung Quốc giảm 250 – 270 USD/tấn (FOB – Hainam) so với hôm đầu tháng.

Giá tiêu đen Ấn Độ tại thị trường nội địa được giao dịch tại bang Kerala đã giảm 200 Rupi xuống ở mức 32.800 Rupi/tạ (tương đương 4.846 USD/tấn) cho tiêu xô và ở mức 34.000 Rupi/tạ (tương đương 5.023 USD/tấn) cho tiêu đã sơ chế nhưng nguồn cung cũng khá hạn chế, trong khi tiêu chất lượng cao giảm 500 Rupi xuống ở mức 37.500 Rupi/tạ (tương đương 5.540 USD/tấn).

Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu loại 500 Gr/L – FAQ ở mức 2.700 USD/tấn và loại 550 Gr/l – FAQ ở mức 3.000 USD/tấn, (FOB – HCM), giá tương đối ổn định.

Báo cáo thương mại tuần qua của IPC cho thấy thị trường nói chung khá yên ắng. Giá tiêu ở hầu hết các nước giảm nhẹ, với Ấn Độ và Srri Lanka giảm khá sâu khi Malaysia, Sri Lanka đang thu hoạch vụ mới và Indonesia tiếp theo sau.

* Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu tháng 5/2018 đạt 23.103 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 75,17 triệu USD, giảm 14,0% về lượng và giảm 12,2% về giá trị so với tháng trước, đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên đạt 109.907 tấn, tăng 7,2% về lượng nhưng lại giảm 36,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.254 USD/tấn, tăng 2,1% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng trước.

Anh Văn

17 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Hồ tiêu 3 năm trước chết hàng loạt do nông dân chưa nắm kỹ thuật và chưa có thuốc trị bệnh. Bây giờ phải thừa nhận cây hồ tiêu không khó trồng và giống mới cũng kháng bệnh. Cho nên giá hạ là lẽ tất nhiên so với cây trồng khác như cam, sầu riêng…trồng hồ tiêu dễ hơn nhiều.

  2. Tôi nghĩ giá tiêu sẽ yếu còn kéo dài…
    Sau Indonesia và Malaysia, Sri Lanka là đến vùng duyên hải miền Trung nước ta rồi đến Brazil nữa.

  3. Nói về giá tiêu trước mắt, trung, dài hạn… Tôi chào thua !
    Nhìn toàn diện cả nước, toàn cầu thì càng ngu. Trong cái miệng giếng trong vùng, ngồi dưới đáy dòm lên. Tiêu thành tiêu điều…! Kiêng cữ, không ai nhắc đến chuyện hồ tiêu.
    Tự nhiên, cơ chế thị trường điều tiết cực kì hiệu quả, gấp nhiều lần những văn bản hành chính về quy hoạch vùng !
    Bây giờ đây, ở vùng tôi đang đua nhau trồng nhãn, vải các loại cây có múi… Không có nhiều người tính trồng lại tiêu. Nếu nhiều vùng giống như vậy thì ắt là giá tiêu sẽ dần lên trong thời gian tới.

  4. Không dưới 50k là tốt với người trồng lâu năm và có nhiều nguồn thu thì “tạm tốt” rồi, còn đối với bà con tiêu năm nay mới bắt đầu kinh doanh thì có lẽ là “rất tốt” bạn à.

  5. Quy luật thị trường lúc nào cũng có hai mặt. Cái nào cũng có mặt thuận lợi và bất lợi. Xin nêu ra 2 vd
    1. Nếu giá giảm sâu ( thật là sâu ) mặt bất lợi là nhiều người thua lỗ bế tắt là rõ rồi nhưng mặt thuận lợi là diện tích sẽ giảm nhanh cũng đồng nghĩa với việc giá sẽ tốt trở lại một cách nhanh chóng.
    2. Nếu giá giảm về mức không sâu lắm, số người thua lỗ buộc phải chuyển đổi không nhiều, đa số hoà vốn hoặc lời ít… lúc này, thời gian giữ ở vùng giá thấp sẽ kéo dài rất lâu vì đã trót đầu tư thì ai cũng kỳ vọng giá sẽ sớm tăng trở lại nên rất nhiều người sẽ cố níu kéo.

    Nếu được chọn một trong hai thì bà con sẽ chọn cái nào? Giảm sâu để nhanh chóng tăng trở lại hay giảm ít ít thôi nhưng thời gian giá nằm ở vùng thấp sẽ kéo dài?
    Dan Viet e là mong ước “giá giảm ít thôi và thời gian giá thấp ngắn ngắn thôi” sẽ khó xãy ra.

  6. Giá nông sản thỉnh thoảng có chu kỳ tăng đột biến đến hết cỡ như cà phê năm 1995, tiêu 2015, điều 2019 (theo dự đoán)… Giá chỉ cần duy trì ổn định, đừng giảm quá sâu dưới giá thành sản xuất là tốt rồi.
    Theo mình, nguồn cung tiêu hiện quá dồi dào nên giá phải giảm. Chỉ khi diện tích trồng tiêu được thu hẹp lại, chuyển đổi bớt thì giá mới có thể tăng được.
    Hiện nay vẫn còn mở rộng diện tích ở nhiều nước, kể cả tại VN nên giá tiêu giảm là tất yếu !

  7. Giá giảm là phải thôi lẽ ra phải giảm sớm hơn nữa vì nhà nào ít nhất cũng cố trồng vài chục bụi má tiêu lại nhanh thu chính ko như nhũng cây khó tính như sầu riêng 7 .8 năm mới cho trái mà rụng nhiều khi chẳng còn trái nào

  8. Quan sát quy luật thị trường của nhiều loại hàng nông sản, Dan Viet thiết nghĩ là phải chia sẽ một cách thẳng thắn với bà con: đáy của chu kỳ giảm của hầu hết nông sản đều thấp hơn giá thành sản xuất trung bình của nông sản đó. Tại sao lại như vậy? Do vay mượn bà con ạ.

    Khi giá cao, nhiều người lao vào vay mượn để đầu tư, đến lúc cung vượt cầu thì nông sản bị ế ẩm, buộc phải hạ giá để bán trước, thu tiền để trả nợ nhằm tránh phải trả lãi vay. Đó là cuộc cạnh tranh để bán trước (giống như khui hụi vậy, ai cần tiền trước thì buộc phải đấu giá chịu lãi suất cao hơn để “hốt hụi” trước) chính cạnh tranh này làm cho giá càng ngày càng thấp đi. Như vậy, giá giảm sâu đến mức nào tùy thuộc vào việc số tiền vay mượn để đầu tư vào cây tiêu nhiều hay ít. Vay càng nhiều giá giảm càng sâu.

    Chỉ đến khi bị thua lỗ không còn cầm cự được nữa thì những người có chi phí cao hơn mới đành phải bỏ cuộc và nguồn cung mới từ từ giảm.

    Quán tính của cây tiêu ít nhất là 3 năm, kể tù khi người trồng phát hiện ra mình bị “việt vị” (giá bắt đầu thâp đến mức không còn hấp dẫn) thì mới bắt đầu “đạp phanh”, lúc đó những cây mới trồng vẫn tiếp diễn quá trình lớn lên->trưởng thành->cho trái….song song đó là quá trình chết đi nhưng không tái canh hoặc chuyển đổi…..giống như một cái xe tải nặng, khi đạp phanh nó không dừng lại ngay mà phải lết bánh thêm một đoạn nữa thì mới dừng lại được… cây càng dài ngày thì thời gian “lết bánh” càng lâu (như cao su chẳng hạn). Việc giá neo ở vùng đáy dài hay ngắn tùy thuộc vào tỷ lệ bỏ cuộc/chuyển đổi nhiều hay ít. Bỏ cuộc nhiều thì giá mau tang lại, bỏ cuộc ít thì giá sẽ neo ở vùng thấp lâu.

    Chia sẽ vài nguyên tắc cơ bản của quy luật thị trường, mong giúp bà con có thể ước lượng thị trường chính xác.

  9. Tôi , cả nhà tôi đã đi với cây hồ tiêu đến nay đã hơn 20 năm rồi. Cái hương, cái vị của nó nếm trải không biết đã đủ chưa? Gặp phải 2 lần El Nino và La Nina lần nào cũng hao tâm, tổn lực, tốn tiền…
    Nhìn lại vẫn toát mồ hôi ! Chính vì thế mà có thời gian để nghiền ngẫm, loại trừ ông trời nổi giận thì đành chịu, ấy là bất khả kháng! còn lỗi của ta ở chỗ nào để khắc phục!
    Xác định, trồng cây tiêu là cái nghề, do vậy mà nhân cơ hội này tôi tái canh. Do có chút kinh nghiệm nên tiêu trồng chính trên đất tiêu chết, đã được 10 tháng tuổi. Đủ năm chắc có nhiều trụ tiêu lên đỉnh.
    Biện pháp tôi làm hầu hết là lựa theo tự nhiên, sinh học hữu cơ là chính. Và 1 điều kiện rất cơ bản đó là chọn giống phù hợp với đất, trời… vùng mình đang sinh, sống.
    Ông trời ngày càng nổi khùng! Thị trường điên đảo!… Không thể đoán định được.
    Bạn nào muốn tái canh, trồng mới hay đang có, hãy cân nhắc kỹ, thấy không chắc chắn thì dừng lại !

  10. Giảm hay tăng là việc của thị trường. Làm hay không là việc của mình. Con người có số. Sống là phải làm và hãy nên trân trọng những gì mình đang có. Thị trường không ai biết được nên cứ phải làm được nhiều rồi tính tiếp. Tôi nghĩ vậy sẽ tốt hơn.

  11. Mình muốn trồng 5 ha tiêu để đón đầu 3 năm tới, không biết các chuyên gia có lời khuyên gì bổ ích.
    Xin cảm ơn.

  12. Mình thiết nghĩ là rất nhiều người có cùng chung suy nghĩ với bạn lắm đó. Chính vì vậy mà vùng mình bây giờ người dân vẫn ùn ùn chở tiêu đi trồng mới. Trồng xen cafe…

Gửi phản hồi mới

(?)