Gia Lai: Cảnh báo về “thủ phủ” hồ tiêu thứ ba

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 33

Hơn 5 năm trước, mặc dù ngành chức năng đã liên tục khuyến cáo song vì thời điểm đó giá hồ tiêu tăng vùn vụt, nhiều nông dân trong tỉnh bất chấp tất cả, ùn ùn kéo nhau trồng loại cây này. Trong đó, điều đáng tiếc nhất xảy ra tại huyện Đak Đoa (Gia Lai), một trong những vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của tỉnh, nhiều vườn cây phải thay thế bằng hồ tiêu. Giờ giá hồ tiêu xuống thấp, người dân mới ngộ ra là mình đang chơi một canh bạc tất tay…

Thay thế cây cà phê ở đây là bạt ngàn trụ tiêu bằng xi măng

Lợi nhuận cao

Nam Yang là một trong những nơi trồng cà phê lớn nhất nhì, là xã điểm về phát triển kinh tế của huyện Đak Đoa. Hơn 5 năm trước, mặc dù nhiều vườn cây cà phê đang độ sung sức song vì sự “cám dỗ” nhiều nông dân đã chặt bỏ để trồng hồ tiêu. Anh Huỳnh Xuân Vinh (sn 1979, trú thôn 1) cho biết, vùng này hồi xưa khổ lắm, nhờ cây cà phê mà đời sống mới khá dần lên, gia đình 10 anh em của tôi cũng như vậy, nhờ nó mà no ấm. Đến khoảng năm 2012, ở xã có người trúng vài vụ tiêu, cầm trong tay bạc tỷ quá dễ dàng khiến ai cũng ngỡ ngàng. Thế là từ đấy, không ai bảo ai, người người, nhà nhà thực hiện công cuộc nhổ cà phê để cắm trụ xi măng. Nhiều người không còn đất thì anh rủ em, cha rủ con sang các xã kế cận là Kon Gang, H’Neng xâm canh, thậm chí thanh niên trong xã còn chấp nhận bỏ trung tâm để vào sâu trong núi, ăn dầm nằm dề với hy vọng có ngày được cầm tiền tỷ. “Nói chung, hồi đó cây cà phê cho thu nhập ổn định nhưng chăm sóc quá cực. Mọi tài sản trong nhà tôi có được đều từ cây cà phê, song vì muốn khá hơn thì phải chấp nhận mạo hiểm”, anh Vinh lý giải.

Thế là, nhà anh Vinh quyết định phá hơn gốc 1.000 gốc cà phê đang thời đỉnh thu hoạch, mua thêm đất để cắm 5.000 trụ tiêu. Anh tâm sự, thời gian đầu, hiệu quả thấy rất rõ khi công chăm sóc tiêu nhẹ nhàng và thu nhập cũng cao hơn cà phê nhiều lần. Tuy nhiên sau đấy, cây tiêu bắt đầu bệnh, chết, năng suất giảm mạnh và giờ thì giá cả quá thấp khiến ai cũng hoang man. “So với thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh thì hồ tiêu ở khu vực này thuộc loại non trẻ song đã bắt đầu bệnh, chết. Tuy ở đây chưa có vườn tiêu chết hàng loạt nhưng bệnh cũng đã nhiều, 1 rẫy chết từ vài chục đến trăm trụ đã không lạ. Giờ giá cả đã không cao, mà hồ tiêu vì bệnh nên năng suất thấp khiến ai cũng chán nản. Cũng may hồi đó nhà tôi giữ lại 1 rẫy cà phê để chống đói trong thời gian chờ tiêu cho thu hoạch, chứ không thì giờ này chắc cũng đừ người với lãi suất ngân hàng chứ chẳng chơi”, anh Vinh chia sẻ.

Tiêu con mới trồng đã có dấu hiệu bệnh

Cẩn trọng vì tăng “nóng”

Việc chuyển đổi giống cây trồng nhằm nâng cao thu nhập là bài toán đau đáu cả đời người nông dân, song hiện nay hồ tiêu giá không ổn định, lại hay bệnh chết khiến người dân luôn đứng trước rủi ro rất lớn. Theo báo cáo, toàn xã Nam Yang có 1.700 hộ, 7.000 nhân khẩu, 99% là nông dân sở hữu khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp với 345 ha đất trồng hồ tiêu, trong đó 196 ha hồ tiêu đang kinh doanh. Toàn bộ diện tích hồ tiêu đều được dân chuyển từ đất trồng cà phê và bắt đầu ồ ạt từ năm 2012. Việc này, theo bà Nguyễn Vũ Hoàng Yên, phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang thì đó là con số thống kê của xã, chứ dân ở đây đi xâm canh nhiều nơi lắm, rất khó nắm rõ diện tích chính xác là bao nhiêu.

Cũng theo bà Yên, trước đây, khi thấy dân phá bỏ cà phê để trồng tiêu, chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo, ngăn cản nhưng họ vẫn bất chấp, quyết chí làm giàu. Cái lý đưa ra là, dân làm chủ đất canh tác, nhu cầu thị trường cần gì thì trồng cây đó, họ tự bỏ tiền đầu tư, rủi ro tự chịu… Hiện tại, ở Xã chưa nghe nói về trường hợp tiêu chết toàn vườn, chết hàng loạt, song chuyện tiêu bệnh, chết rải rác thì đã xảy ra nhiều trường hợp. “Những năm trước, khi giá tiêu đang nóng thì mọi thứ đều bị cuốn theo, nhất là giá cả đất đai bị thổi phồng đến mức quá ảo. Dân trồng tiêu thì ai cũng vay ngân hàng, giờ đây giá cả đang giảm mạnh, dù chưa xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt song không thể không đề phòng”, bà Yên nói.

Chính vì vậy, bà Yên cho rằng rất hoan nghênh cơ quan báo chí cảnh báo sâu rộng vấn đề này. Về phía Xã thì sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động dân không nên mở rộng mà cố gắng chăm sóc cho tốt diện tích hồ tiêu hiện có, tránh tình trạng bể nợ như đã xảy ra ở huyện Chư Sê, Chư Pưh…

Nhiều vườn tiêu bắt đầu lây nhiễm bệnh…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây tiêu chỉ manh nha phát triển ở Đak Đoa từ năm 2012. Nhưng chỉ 5 năm sau, diện tích hồ tiêu ở địa phương này đã lên thành 3.737 ha, xấp xỉ thủ phủ hồ tiêu Chư Sê (3.740 ha) và đã vượt xa thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh (2.888 ha). Đó là trên báo cáo, còn việc dân tự phát trồng tiêu thì rất có thể con số thực tế còn cao hơn nữa. Theo ông Lê Tấn Hùng, phó Trưởng phòng NN&PTNT Đak Đoa, trước đây, khi cây tiêu bắt đầu phát triển “nóng”, Huyện đã nhiều lần cử cán bộ xuống tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên chặt phá cà phê. Đợt đó, nhiều người nghe theo khuyến cáo, sau này đã lên trụ sở đòi kiện Huyện vì đã ngăn cản họ làm giàu. “Đối với cây hồ tiêu, chủ trương của Huyện là khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích. Hàng năm, Huyện xuất ngân sách tổ chức hàng chục lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng bền vững, hạn chế thấp nhất tình hình dịch bệnh”, ông Hùng nói.

33 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Người Chư Sê cũng như Chư Pứ, những người những vụ mùa trước trúng, khi đất nhà bị bệnh họ đến các huyên trong tỉnh mua đất để trồng tiêu giờ dân Chư Sê có tiêu ở Nam Yang Đắc Đoa là chuyện bình thường. Giá đất tăng đột biến là đúng, kéo theo phong trào cả tỉnh luôn chẳng riêng gì Đắc Đoa. Tôi được một người dân Nam Yang chia sẻ dân ở đây hầu như nhà nào cũng phá cà phê đang cho thu hoạch, có nhiều hộ có bao nhiêu diện tích là phá luôn để trồng tiêu. Việc phát triển ồ ạt diện tích, nguồn giống không đảm bảo, thì việc cây tiêu bị bệnh cũng dễ hiểu.

  2. Cây tiêu con trên hình chứng tỏ đã bị nhiễm bệnh tiêu điên từ trong nguồn giống. Để lại chăm cũng chỉ hồi phục được phần nào nhưng tiền thuốc khá tốn kém mà không chắc khỏi bệnh. Cách tốt nhất là nên nhỗ bỏ, xử lý đất đai rồi mới trồng lại cây khác. … Trồng tiêu như vậy thì thua lỗ, mang nợ là không thể tránh được.

  3. Mình là người dân Nam Yang, tình hình ở đây mình biết rất rõ bay giờ nhà nhà nợ chồng nợ chất ít thì vài chục triệu nhiều thì vài tỷ, 95 phần trăm là nợ. Với giá cả thế này thì sao mà trả nợ cho được trong khi tiêu trong xã đang chết dần chết mòn vì bệnh. Làm cà phê ít lãi nhưng đâu có nợ thế này bây giờ chuyển về cây cà phê phải mất 6 năm cây mới cho năng suất cao được. Bây giờ cà phê cũng chưa gọi là ổn định đâu, nhà nhà người người quay về cây cà phê lúc đó cung lại vượt cầu giá như biết trước thì làm giàu nhỉ…

  4. Đất mới được thời gian đầu thôi. Ở vùng nào cũng vậy, sau này hầu hết đều có chết hàng loạt.
    Tình trạng này lại có nhiều người bán nhà trả nợ đây

  5. Rất gen tị với Đắc Lắc vì đất đai rất màu mỡ. Tôi ở Đồng Nai đất đen sỏi đá trồng cây gì cũng không đạt chỉ có cây tiêu tạm ổn. Tôi luôn phân tích kết quả về giá cả cây trồng thì tôi biết cây cà fê thị trường tiêu thụ số một. Cây sầu riêng, cây bưởi không bao giờ rớt giá. Biết thế nhưng đất sỏi đen ngoài cây tiêu tạm ổn muốn trồng cà fê và sầu riêng lắm nhưng đất không cho phép. Tôi tự hỏi nếu tôi ở Đắc Lắc đất tốt thế kia tôi sẽ trồng loại cây tôi mong ước chứ không phải hồ tiêu.

  6. Mình ở Chư Pưh đây, tiêu chết hết làm gì có 2.888 ha… giờ giỏi lắm còn 888 ha là cùng… mà chẳng có cái hội Khuyến nông nào thống kê mà biết cũng hay.

  7. Là cán bộ Khuyến nông xã, tôi biết rằng khuyến cáo của các cơ quan chức năng là có nhưng dân ta không những không nghe mà còn nói thế nọ thế kia, rồi khi tiêu chết hoặc giá quá rẻ thì lại đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ. Trước cao su là vàng trắng đua nhau trồng giờ phá cũng có phong trào, tiêu là vàng đen giờ không chết vì bệnh cũng chết vì rớt giá cũng là phong trào của dân chứ có phải là phong trào của Nhà nước đâu!

  8. Tôi ủ phân heo với vỏ cà để bỏ cho tiêu năm 3 mà đang không biết có được không? Vì có người thì bảo ủ kĩ bỏ cho tiêu rất tốt người thì bảo phân heo không bỏ cho cây tiêu được, vì nó có nhiều chất nọ chất kia gì đó mà tôi không rõ, đang hoang mang không biết làm thế nào nên mong anh chị em trong diễn đàn giúp đỡ và chỉ dẫn cho tôi luôn cách ủ ạ. Cảm ơn mọi người nhiều.

  9. Tôi đã dùng rất nhiều phân heo bón rất tốt cho tất cả các loại cây, nhưng cần phải ủ hoai mới hiệu quả. Tôi cũng bón cho tiêu thấy cây phát triển tốt không sao cả. Bây giờ chăn nuôi con gì cũng có cám công nghiệp trước đây bò nuôi chăn thả bây giờ nuôi nhốt cũng có cho ăn cám tăng trọng thôi bạn.

  10. Giá tiêu hiện tại thì những người thuê đất trồng tiêu sẽ bể nợ thôi. Còn đa số đều không sao cả vẫn có lợi nhuận chứ không phải bán nhà trả như nhà báo viết đâu. Thu hoạch tiêu là chuyện nhỏ nhưng giá đất lên ồ ạt mới là sinh lợi. Mấy năm trước tôi mua chỉ có 50 triệu sào trồng tiêu. Bây giờ nếu bán vườn tôi lãi khoảng 2 tỷ đồng. Mất giá tiêu thì được giá đất thôi.

  11. Hết cà phê, cao su, giờ tới tiêu ngán ngẩm lắm rồi. Thà như bám trụ lâu dài không nói, kiểu thấy ngon là nhảy vô làm mà không biết nhu cầu thị trường tới đâu, cứ làm hậu quả không quân tâm, ớn lắm rồi hại người làm hồ tiêu lâu năm, hại cả bản thân.

    • Chỉ mới vài năm trước, thấy một bác nông dân đang chặt mấy sào cà phê kinh doanh khá tốt. Mình hỏi tại sao thì bác ấy trả lời: Trồng tiêu thu tiền tỷ, ngu gì mà không trồng…
      Mình không biết phải nói gì nữa.

    • Ở chỗ mình cũng vậy, cà phê thu 1 ha gần 5 tấn nhân mà cũng chặt để trồng tiêu.
      Chịu thua luôn…

  12. Hôm nay Tiêu lại rớt giá tiếp, chắc bà con ta tiêu hết quá các bác ơi. Tiêu xuất khẩu sang Mĩ và các nước Châu Âu thấy giá cũng được, nếu tính tiền VNĐ thì cũng không dưới 110 000 đ/1kg nhưng tại sao giá thu mua từ nông dân lại thê thảm thế này hởi các bác. Không biết đến khi thu hoạch giá còn bao nhiêu nữa đây, liệu giá tiêu như thế này có bù được công hái để chờ vụ tới không hay là phải tiếp tục đưa anh sổ đỏ vào NH, nếu đưa vào rồi thì liệu có lấy ra được không. Rồi đây đất trồng tiêu bán có ai mua để trả nợ không. Chuyến này chắc chắn là tiêu táng đường rồi các bác ơi.

  13. Tiêu thất thủ hoàn toàn rồi, mùa vụ mới lại bắt đầu, mưa gió bão chết hư hại rất nhiều, giá rớt trầm trọng. Người dân khổ lầm than biết kêu ai bây giờ?

  14. Giờ thì phải cố gắng mà vượt qua nhưng lúc khó khăn này thôi. Những ai hồi phá bỏ cà phê đang cho thu hoạch tốt để trồng tiêu cũng vì sức hút về cây tiêu quá lớn. Những năm tiêu được giá cao thì 200 trụ tiêu cho năng suất tốt thì bằng một héc cà phê, nên có người cà đang đẹp không giám tự tay chặt nên thuê người chặt để khỏi tiếc. Là nông dân luôn ở thế tiến thoái lưỡng nan. Tốt nhất là đa canh.

  15. @Longhoang
    Giá đất nông nghiệp ăn theo giá của nông sản nhé.
    Hồi cao su thịnh, một ha cao su ở Bình Phước có giá gần 700 triệu. Cao su rớt giá thì một ha đất cao su cũng chỉ còn có 300-350 thôi.
    Đất cao su có 2 đợt giảm giá, đợt 1 là do dân bán, đợt 2 là do Ngân Hàng bán, đợt 2 giá giảm sâu hơn đợt 1.

    Tiêu chắc có lẽ cũng sẽ tương tự cao su thôi. Hiện nay, nếu ai đang kẹt tiền thì có lẽ nên bán luôn, đợi sang năm sẽ đến lượt Ngân Hàng bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, e là lúc đó giá đất trồng tiêu sẽ còn giảm sâu hơn.

    Nếu ai tâm huyết và muốn gắn bó lâu dài với cây tiêu thì sang năm là cơ hội để mua đất trồng tiêu giá rẻ.

  16. Bác @Dan Viet nói chuẩn.
    Mình cũng là dân đam mê cây tiêu vì cái nghệ thuật để trồng được cây tiêu sống với thời gian là rất khó. Yêu cầu người nông dân phải vận dụng khoa học tiên tiến, cùng với sự tỉ mỉ chỉnh cho của đôi bàn tay người dân Việt
    Mình đang trồng tiêu ở chỗ đất không được bằng và tốt lắm. Qua năm giá đất rẻ mình cố gắng mua thêm 1 hecta để chuyển đổi qua trồng cho khỏe. Chứ đất dốc làm rất vất vả
    Mọi người thấy tiêu kết hợp sầu riêng được không ạ? Tránh rủi ro tiêu rớt giá trong nhiều năm dài.
    Chúc giá tiêu mau phục hồi cho bà con nông dân chúng ta bớt khổ.

  17. Đất hạ tùy vùng riêng đất Tây Nguyên sẻ ổn định có xu hướng tăng vì đất Tây Nguyên trồng được nhiều cây rất tốt chỉ có những vùng làm đất chết mới ít người mua thôi.

  18. Chào anh Dũng Nông!

    Trước đây tôi cũng đã từng trồng tiêu chung với sầu riêng, qua thời gian tôi phát hiện không nên trồng tiêu bám vào thân sầu riêng mà nên trồng trụ xen kẽ, vì khi sầu riêng hoặc tiêu bị bệnh sẽ lây lan nhanh và khó kiểm soát, 2 loại cây đễ bị nấm Phytop tấn công.

    Mấy năm qua tôi đã trồng xen tiêu vào giữa sầu riêng, nếu sầu 8×8 thì xen giữa từ 1 đến 2 trụ tiêu. Tôi sử dụng phân chuồng ủ hoai kết hợp nấm Tricho vào đầu và cuối mùa mưa bón cho cả 2, sầu riêng tôi trồng từ năm 1999, tiêu trồng từ 2011. Đến nay chưa có bệnh gây hại gì trừ bị nước mặn năm 2016 làm chết sầu riêng lác đác.
    Nhân đây tôi cũng có thắc mắc là cây sầu riêng đang sốt, mà giá cây giống miền tây không đắt, sao về đó đắt quá.
    Trồng tiêu chỉ cốt mang tâm sức và tiến bộ vào, chứ cường canh xem ra ko ổn, như anh nói, chúng ta nên tiếp tục trồng bền vững, chắc chắc sẽ thắng lợi to, ít nhất 2 năm nữa

    • Cây giống miền Tây về TN ít được bà con ưa chuộng vì:
      1.Tiền kinh doanh, vận chuyển về đã đội giá lên quá cao
      2.Giống thiếu chọn lọc, lâu cho trái.
      3.Giống đểu, bị mạo danh các thương hiệu uy tín… (bị giả nhiều nhất là giống Chợ Lách, Bến Tre).
      -Trồng tiêu chung với sầu riêng làm nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao hơn. Vì cùng chung loại nấm Phytop gây hại do mật độ cây trồng đông đúc.

  19. Bác Nhàn Đắc nói không sai, khổ nỗi là những vùng người ta làm đất chết đó thì ngân hàng cũng có nhu cầu thu hồi vốn nhiều hơn những chỗ lành mạnh khác vì con nợ mất khả năng chi trả ở những vùng đất đó mới nhiều, bao la luôn.

  20. Như trong hình thì vườn tiêu vào mùa mưa nước sẽ đi đâu nhỉ? Chết nhanh và chết chậm điều có liên quan tới nước mà không thoát nước thì thật nguy hiểm.

  21. Đúng những vùng đất chết thường cũng mất giá nhưng giờ cải tạo đất cũng dễ dàng hơn, máy đào bây giờ cuốc một hecta chỉ 12 đến 17 chai là ok rồi. Hồi chỗ tôi cao su rẻ để cao su bán 1 hec 600 triệu ít khách mua sau nhổ cao su thuê máy cuốc trồng lại cà phê lên hai cặp cành bán nửa hec 450 triệu lại tranh nhau mua bạn Dan Viet ạ.

  22. Bác Dan Viet nói như mơ. Đất ở Bình Phước mà 500 triệu hecta mua được đất tốt. Có điện, đường xá thuận lợi thì chỉ là mơ nhé. Khu công nghiệp ngày càng mở rộng các. Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước khí hậu ôn hòa không có giá đó đâu. Giá tiêu 5 năm nữa sẽ tăng kỷ lục do biến đổi khí hậu tiểu băng hà. Thời tiết lạnh thì tiêu sẽ tiêu thụ nhiều.

  23. Đất vùng tôi các hộ săn lùng mua giá 1,2 tỷ một ha mà không ai bán. Nếu cho thuê trồng khoai lang một năm 30 triệu. Mình trồng sầu riêng hợp đồng thuê đất phải là 8 năm. Họ trồng cây ngắn ngày ở giữa hàng sầu riêng họ trồng khoai lang, chanh dây và ớt… Hiện nay cơn sốt trồng sầu riêng kéo giá đất lên rất cao. Cũng giống như thời hoàng kim của hồ tiêu…

  24. Đã “thủ phủ” rồi mà còn khịa thêm thủ phủ thứ hai, thủ phủ thứ ba nữa…
    Bó tay cho mấy eng nhà báo, quen thói nổ như bom…!

  25. Đừng quá nhiều tham vọng, không chạy đua theo phong trào đẩy cao năng suất, chăm sóc phân tro bình thường… Tôi thu được 4-5 tấn tiêu/ha vẫn sống tốt, nhàn nhã !

  26. Nhìn tiêu thất mùa, giá lại hạ buồn quá nên viết bậy vài câu táng ngẫu cùng bà con cho vui. Xin đừg chê nha. Cảm ơn bà con ghé thăm.
    Ngày nào tiêu gọi vàng đen
    Mà nay tiêu lại thấp hèn thế kia…
    Làm tiêu nay phải làm “THƠ”
    Kiếm thêm hạt gạo để chờ ngày mai.
    Ngày mai giá sẽ thế nào
    Nhưng nay dân phải lao đao thế này.
    Mỗi ngày rồi lại qua ngày
    Hết trông lại ngóng lòng đầy âu lo.
    2015 thật ấm no
    2017 ra tro hết rồi.

    * Làm thơ: nhại tiếng của người ở các tỉnh miền trung là làm thuê đó bà con.

    Lâu nay trên diễn đàn mình không gặp bác Vịnh với bác @ ho nam phải không bà con. Không biết các bác dạo này thế nào. Nếu ai “gặp” cho mình gởi lời thăm với nha. Cảm ơn nhiều.

  27. Ở chỗ các bác thì sao?
    Chỗ em tranh mua đẩy giá đất lên cao quá rồi làm không có lãi, giờ đang kêu trời nè…

Gửi phản hồi mới

(?)