Gia Lai: Nguy cơ phá vỡ quy hoạch do trồng tiêu ồ ạt

, Nông nghiệp, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 6

 Diện tích hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai hiện đạt khoảng 9.000 ha, vượt quy hoạch về phát triển hồ tiêu giai đoạn năm 2020 gần 3.000 ha. Con số này được dự báo sẽ không dừng lại bởi giá hồ tiêu thời điểm hiện tại liên tục ở mức cao khiến giấc mơ làm giàu của nhiều nhà nông, thậm chí ngay cả nhà nông tay ngang là các cán bộ, công chức cũng đua nhau đầu tư trồng tiêu.

Một vườn tiêu ở Chư Sê cho năng suất cao

Tuy nhiên, việc ồ ạt mở rộng các diện tích hồ tiêu không theo qui hoạch của địa phương sẽ dẫn đến việc cơ cấu cây trồng bị phá vỡ. Sản xuất không bền vững do sản lượng gia tăng đột biến gây mất cân bằng cung cầu dẫn đến giá cả biến động khó lường.

Ngoài Chư Sê, Chư Pưh là hai địa phương trọng điểm về diện tích và sản lượng hồ tiêu của tỉnh với trên dưới 4.000 ha, những địa phương khác như Chư Prông, Mang Yang, Đắk Đoa, Chư Păh, Đức Cơ… cây hồ tiêu nhanh chóng trở thành cây trồng được ưa chuộng và người dân đang ồ ạt đua nhau trồng mới. Huyện Mang Yang là một trong những địa phương điển hình cho xu hướng này vì năm nào diện tích hồ tiêu trồng mới cũng vượt trên 300% kế hoạch. Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Mang Yang, năm nay kế hoạch trồng hồ tiêu của huyện chỉ vào khoảng 20 ha. Tuy nhiên, theo thống kê của phòng thì diện tích trồng mới đến thời điểm này đã đạt gần 110 ha vượt hơn 500% kế hoạch và hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Người dân ở các xã Kon Thụp, Lơ Pang, thị trấn Kon Dơng… vẫn đang chuẩn bị đất, trụ và dây tiêu giống để tiếp tục đầu tư trồng mới.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hồ tiêu là loại cây kén chọn đất và khá nhạy cảm với thời tiết khí hậu, do đó nếu trồng không đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc không tốt thì cây rất dễ bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Trong khi bà con đua nhau trồng mới tiêu bằng mọi cách, mọi kiểu và mọi giá khi kinh nghiệm, kiến thức canh tác chưa đầy đủ sẽ tiềm ẩn lớn mối nguy hại. Một mối nguy cơ khác đến từ việc thâm canh quá mức vườn cây. Để có nhiều sản phẩm bán trong thời điểm giá cao, nông dân trồng tiêu bón ngày càng nhiều phân hóa học và điều này sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm, khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm sạch, an toàn.

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, sản lượng hồ tiêu niên vụ này đạt khoảng 17.000 – 18.000 tấn, giảm khoảng 30% so với niên vụ trước điều này khiến người trồng tiêu mất không hàng ngàn tỉ đồng. Mặc dù vậy, song do giá trị kinh tế mà cây hồ tiêu mang lại lớn hơn rất nhiều so với các loại cây trồng chủ lực khác như cà phê, bời lời, cao su… nên việc người dân đổ xô trồng tiêu là điều dễ hiểu. Hiện bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn đang háo hức trồng tiêu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thời gian tới nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì nguy cơ mất cân bằng cung cầu, dịch bệnh tràn lan không kiểm soát được sẽ là hiện hữu và hàng ngàn nông dân với ước mơ tỷ phú sẽ trở thành khổ chủ và con nợ.

Theo Agroviet

6 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nhà báo nói hay chưa, Văn Dân tui chưa thấy cấp nào quy hoạch địa phương này trồng tiêu, địa phương kia trồng cà phê, hay cao su…mà hoàn toàn người dân tự phát, họ thấy cần phải nuôi con gì, trồng cây gì đem lại lợi nhuận cao mà thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương của họ là họ làm, chứ chẳng có ông quan nào chỉ đạo đâu, Văn Dân tui cũng đã và đang chuyển đổi dần sang trồng cây Tiêu, chẳng thấy ai đến điều tra và thống kê cả, thế mà các quan trên có số liệu diện tích năm nay trồng được mấy trăm ha vượt năm trước mấy chuc ha…Văn Dân nghĩ mấy ông khuyến nông chẳng có tháng nào không nhận lương chắc cuối năm còn nhận thưởng nhiều nữa là khác, thế nhưng quanh năm tui chẳng thấy mặt mũi ông quan khuyến nông nào vuông hay tròn, mà lâu lâu có một vài hãng phân bón đến tổ chức ” hội thảo”, còn kiến thức trồng tiêu của Văn Dân học hỏi tìm tòi từ TiVi, cộng đồng giatieu.com và một số bạn bè có kinh nghiệm.
    Mong bà con ai có kinh nghiệm ta cứ trao đổi cho nhau. Chúc thành công!

  2. Văn Dân nói hay!
    Diện tích trồng mới hay bị dịch bệnh chết chẳng có cơ quan nào đến điều tra cả, thử hỏi số liệu thống kế từ đâu có, hay là chỉ…. Cưỡi ngựa xem hoa!
    Năm nay Trung ta cũng đóng góp 1h vào diện tích trồng mới hồ tiêu.

    • Chào các anh : theo tôi nghỉ là các “Ông quan” ấy chỉ cần ngồi nhà mà mở máy ra rồi chụp hinh từ vệ tinh là có ngay kết quả để làm báo cáo. Còn thời gian ra đồng thi làm gì có … Chào thân ái

    • Chào các bạn.
      Phản hồi của các bạn vừa chủ quan, vừa cực đoan mà không có ý nghĩa gì!
      -Bởi lẽ đây là diễn đàn để bà con trao đổi, chia sẻ xoay quanh cây tiêu và việc trồng tiêu hiện nay. Những gì lan man, không giúp ích được gì cho cộng đồng, bà con thì không nhất thiết đưa lên.
      -Các bạn mỉa mai nhưng lại bộc lộ cái nhìn phiến diện của mình. Chẳng có, và cũng chẳng thấy ông quan nào xưa nay đi lội đồng để đo đếm diện tích cả. Phải lội đồng thì không là việc của quan. Muốn có số liệu thì thôn báo lên xã, xã báo lên huyện… cả một hệ thống từ dưới báo cáo lên. Bạn có cười cợt mỉa mai thì cũng không thay đổi được cách làm này, không lẽ ông Bộ trưởng Nông nghiệp đi lội đồng để đo đếm? Có khác chăng là ý thức trách nhiệm của người dưới cơ sở được giao đo đếm. Muốn có số liệu hả, dễ ẹc! Dân mình hay bô bô, chưa đánh đã khai, mà đã khai rồi đó!

  3. Kính gửi các bác diễn đàn giatieu.com
    Hiện nay giống tiêu ghép đem về Gia Lai rất nhiều, có nhiều người nói tốt, xấu khác nhau. Vậy các bác nào đã trồng giống tiêu này có kinh nghiệm và hiểu biết về giống này xin viết lên diễn đàn để bà con cùng hiểu biết và chia sẻ.

  4. Minh ủng hộ ý kiến của Nông Văn Dân hai tay. Nông nghiệp VN mà bác, có giống thế giới đâu, trong nông nghiệp chẳng có ông “nhạc trưởng” hoặc có nhưng chẳng can thiệp gì, cứ đứng ngoài lề thổi còi, huýt sáo thôi, chẳng có chiến lược gì cả, cứ để nông dân bơi, may mắn thì gặp mãnh ván hoặc cái phao con xui thì chìm nghĩm (hên-xui).
    Bà con yên tâm mà trồng vi năm nào cũng đến hẹn lại lên điệp khúc “trồng nhiều->phá vỡ quy hoạch nhưng diện tích tiêu năm sau ít hơn năm trước. Các nhà báo đều biết điều này ấy mà nhưng có lẽ họ phải viết cho có bài ấy mà.

Gửi phản hồi mới

(?)