Gia Lai: Tiêu chết, nhà nông mất 500 tỷ đồng

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 10

Vừa hết mùa mưa, nắng lên là tiêu đã bắt đầu đổ vàng, rụng lá rồi chết. Nhiều hộ đang khấm khá bỗng thành tay trắng, ôm thêm đống nợ khổng lồ.

Bà Trần Thị Lan (Ia Hrú, Chư Pưh) bên đống dây tiêu chết trong vườn.

Bà Trần Thị Lan (Ia Hrú, Chư Pưh) bên đống dây tiêu chết trong vườn.

“Xót lắm chú ơi” -ông Bùi Văn Khánh, thôn 5, xã Ia Pal (Chư Sê, Gia Lai) than thở dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu nhà ông. Bắt đầu trồng tiêu từ năm 2.000, gia đình ông Khánh có hơn 2.000 trụ, nhưng hiện đã chết gần hết, chỉ còn mấy trăm trụ. Oái ăm ở chỗ là chỉ một thời gian nữa thôi là tiêu cho thu hoạch, tiền đầu tư cả năm cũng bị mất, nợ tiền đầu tư phân bón, thuốc ở đại lý là không thể tránh khỏi. Cùng chung cảnh ngộ với ông Khánh, ở thôn 5 của ông có 128 hộ thì hộ nào cũng có tiêu chết vài chục trụ, nhiều thì vài trăm trụ.

Theo thống kê của Trưởng thôn 5, xã Ia Pal Vũ Văn Quyến, cả thôn có khoảng 50ha tiêu (99.000 trụ), cuối tháng 11 vừa rồi đã có hơn 10.000 trụ tiêu chết, bây giờ đã lên đến hơn 12.000 trụ và tiêu vẫn đang tiếp tục bị chết.

Điều đáng nói ở đây là việc nhiều hộ dân trồng tiêu thì mờ mắt trước lợi nhuận của cây hồ tiêu mang lại (hiện giá vào khoảng 175.000 đồng/kg) đã vay tiền ngân hàng để đầu tư trồng, giờ tiêu chết không biết lấy gì để trả nợ. Như thôn 5, xã Ia Pan thì hầu như 100% số hộ vay tiền ngân hàng. Hộ vay ít thì tầm 40-50 triệu đồng như anh Bùi Văn Thinh, anh Nguyễn Ngọc Ngân, nhiều thì phải kể đến anh Nguyễn Văn Phương vay 200 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu. Anh Phương đầu tư trồng 3 vườn, gần 4.000 trụ thì đã chết trắng 1 vườn khoảng 600 trụ.

Khó khăn phải nói đến hộ anh Bùi Văn Thinh, hai vợ chồng trẻ, con còn nhỏ, tích cóp vay ngân hàng 50 triệu đồng để trồng thì nay chẳng còn trụ nào. Bao nhiêu tiền tích cóp mấy năm qua đổ vào đầu tư phút chốc tan biến, trở thành trắng tay. Cũng đang lo vì khoản nợ 70 triệu đồng vay của ngân hàng, bà Trần Thị Lan than: “Tiêu chết thiệt thì thiệt rồi, chúng tôi mong ngân hàng thư thả cho chúng tôi để có điều kiện trả nợ dần”.

Tính đến ngày 21.11 theo báo cáo của Sở NN&PTNT Gia Lai, tiêu chết nhiều thuộc về các huyện Chư Pưh 54,3ha, Chư Prông 94ha, Chư Sê 74ha, Đức Cơ 30ha… nhưng con số trên đã trở nên quá lạc hậu khi tiêu chết đồng loạt mới đây. Theo kết quả thống kê mới nhất của Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh thì toàn huyện đã có 87ha tiêu bị chết. Chỉ tính riêng 4 huyện trên thì con số lên đến hàng trăm ha, nếu tính cả tỉnh Gia Lai thì con số lớn hơn rất nhiều. Hiện Sở đang tiến hành kiểm tra, thống kê kết quả tiêu chết trên địa bàn. Bình quân tiền đầu tư 1ha hồ tiêu từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 700 triệu đồng thì số tiền thiệt hại của người dân trồng tiêu ở Gia Lai vào khoảng 500 tỷ đồng.

Theo Quốc Dinh (Nông thôn ngày nay)

10 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Thật xót xa cho bà con quá. Đầu tư bao nhiêu tiền của giờ thì trắng tay. Làm theo cách lấy ngắn nuôi dài thì an tâm hơn.

  2. Chỗ tôi còn có vụ oái ăm hơn, có một anh tên là Tuấn có 650 trụ cao trung bình 6m, dự kiến năm nay thu 500 triệu nên ngay từ giữa năm đã vay tiền từ ngân hàng để xây nhà với số tiền tương đương với số tiền dự kiến thu từ tiêu, rốt cuộc tiêu còn sót lại 19 trụ tính đến giờ này. Hỏi rằng với hơn 4 sào đất trắng đến bao giờ mới trả xong nợ, kết quả hai vợ chồng đóng cửa nhà đi làm công cho người khác. Theo tìm hiểu của tôi được biết có mấy điều để bà con tham khảo:
    1- đất rất đẹp nhưng không có hệ thống thoát nước.
    2- trong 3 năm qua phòng bệnh bằng một loại thuốc duy nhất.
    3- chưa bón một lần phân hữu cơ vi sinh lần nào.

  3. Anh đại nói đúng. Làm như vậy nếu không bệnh thì năng suất và tuổi thọ tiêu sẽ không cao. Mà làm tiêu thì không thể tính trước được. Tôi thấy tình cảnh này năm nay nhiều lắm. Mà người dân mình phần đa là rất chủ quan. Không chịu học hỏi kỹ thuật vì ai cũng cho là mình đúng, làm theo cảm tính và truyền thống, khi tới nơi thì không kịp cho là số phận. Đó là những điều đáng tiếc, để chúng ta quan tâm.

  4. Chào Bùi Văn Đại. Tôi nghĩ làm tiêu là phải trang bị thật tốt kiến thức về cây tiêu. Trước lúc biết diễn đàn này tiêu nhà tôi cũng chết hơn phân nửa, 7 sào xen càfê. Thân

  5. Nuôi cá da trơn (cá tra) sáu tỉnh miền tây đổ nợ. Làm cà phê, cao su người nông dân lắm nợ. Trồng tiêu, tiêu chết nông dân thành con nợ xấu. Có trăm nghìn lý do mất vốn, người nông dân thành con nợ,… Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ!

  6. Thân và kính chào mọi người!
    Mình là sinh viên năm nhất, mình mới biết được trang này hôm nay. Đọc bài này xong thấy xót quá vì nhà mình cũng bị tiêu chết hết vườn năm ngoái nên giờ vẫn chưa có biện pháp trồng lại vì sợ nấm còn ở dưới đất. Mình rất mong được sự tư vấn cũng như chỉ bảo của các bậc đi trước.
    Thân và kính chào.

    • Chào bạn Văn Thông!
      Để trồng lại tiêu mới trước hết bạn phải xử lý đất cho kỹ.
      Rải vôi bột (vôi đá nung). Bón lót phân hữu cơ có trộn nấm Tricoderma.
      Sau 2-3 tháng bạn xuống giống, tưới Biogel chu kỳ 30—45 ngày 1 lần (thử đo độ pH nếu nằm ở 5,5 – 6) là ok. Sau đó chăm sóc bình thường, thường xuyên ngừa bệnh nấm và rệp sáp, tuyến trùng.
      Mong bạn làm đúng quy trình (tìm hiểu thêm các bài viết kỹ thuật trên giatieu.com).
      Chúc bạn thành công.

  7. Thật xót xa năm nay nhà mình chết 100 trụ, đúng là người nông dân bao giờ cũng khổ. Sang năm 2014, chúc bà con năm mới dồi dào sức khỏe và chúc bà con Gia Lai nhanh chóng vượt qua thất bại này. Cố lên mọi người, chúc mọi người thành công nhé.

  8. Mình đừng trách ai cả. Làm tiêu mà không biết gì về tiêu, không hiểu tricho, pseud, phân bón hữu cơ sinh học là gì, chết là đúng. Mong mọi người đoc nhiều trên diễn đàn nhé, nếu không đừng trồng hoặc trông ít thôi nhé.

Gửi phản hồi mới

(?)