Lâm Đồng: Khó đoán những mùa tiêu Liên Hà

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 13

Trong 5 năm trở lại đây, nông dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà thường xuyên phá bỏ cây cà phê để trồng mới cây tiêu, ban đầu chỉ xuất hiện lác đác vài khu vực, nay đã lan rộng trên toàn địa bàn xã lên đến khoảng hơn 40ha. Dù đã qua hai mùa bội thu được giá, nhưng với kiểu sản xuất may nhờ, rủi chịu, nên mùa tiêu mới sắp tới đây vẫn là những kết quả khó đoán đối với người nông dân.

Một vườn tiêu tự phát đạt lãi đột biến ở xã Liên Hà, Lâm Hà

Một vườn tiêu tự phát đạt lãi đột biến ở xã Liên Hà, Lâm Hà

Đạt lãi đột biến

Tính đến cuối tháng 10/2014, Liên Hồ là một địa bàn thôn trồng tiêu nhiều nhất ở xã Liên Hà với hơn 20ha đang vào thời kỳ kinh doanh. Đến đây, chúng tôi được tham quan vườn tiêu 0,6ha đang chuẩn bị bước vào tuổi thứ 5 – tuổi nhiều nhất của vùng tiêu hơn 40ha xã Liên Hà. Chủ vườn, ông Vũ Đức Bình cho biết, đến đầu năm 2015, diện tích 0,6ha tiêu của gia đình sẽ thu hoạch vụ thứ 3 kể từ khi xuống giống trồng vào năm 2010. “Chúng tôi đang tích cực chăm bón để đạt năng suất vụ tiêu thứ 3 sao cho ngang bằng với 2 vụ tiêu trước đó là yên tâm…” – ông Bình nói. Bởi theo tính toán của ông Bình, nếu mỗi năm đạt năng suất trung bình trên dưới 4 tấn tiêu khô/0,6ha thì dù giá bán có “bắt đáy” 40-50.000 đồng/kg vẫn có thể thu lãi từ 60-100 triệu đồng (sau khi trừ khoảng 100 triệu đồng đầu tư).

Tuy nhiên, để xây dựng một vườn tiêu kinh doanh 0,6ha, sau hơn 2 năm phải đầu tư cơ bản tổng cộng từ 250-300 triệu đồng. Đến năm thứ 3 trở đi – khi tiêu có thu hoạch thì hàng năm chỉ tốn thêm khoảng 100 triệu đồng vật tư phân bón và công lao động. Trên cánh đồng 6ha cà phê hơn 15 năm tuổi, hàng năm, hộ gia đình ông Bình đạt tổng sản lượng từ 12 tấn hạt nhân trở lên. Nhân với giá hiện thời 40.000 đồng/kg, thành tổng doanh thu 480 triệu đồng. Trừ tất cả nguồn vốn “đầu vào”, gia đình ông Bình thu lãi ròng cà phê hơn 300 triệu đồng. Thay vì “an phận” với con số lãi này hàng năm, hộ ông Bình quyết định sang tỉnh Đắk Nông tìm mua các giống cây tiêu mới về trồng thay thế cho cây cà phê. Đến cuối mùa mưa năm 2010, ông Bình đã phá bỏ đồng loạt trên 0,6ha cà phê rồi cày xới cho đất tơi xốp, xây lên những hàng trụ cột bê tông để xuống giống trồng cây tiêu. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan” trồng tiêu của hộ gia đình anh Bình không hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió”. Cây tiêu Đắk Nông sinh trưởng trên vùng đất mới xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng mới vào 2 tháng tuổi bỗng chết héo rũ trên diện rộng đến hàng trăm gốc. Lặn lội khắp nơi tìm hiểu mới biết nguyên nhân cây tiêu con chết là do tưới thiếu nước, bón thiếu phân. Ông Bình phải bỏ thêm một lần tiền nữa để trồng lại hàng trăm gốc tiêu này.

May mắn đến với hộ ông Bình với 2 niên vụ tiêu thu hoạch đầu tiên – niên vụ 2012-2013 và 2013-2014, gia đình trồng tiêu đều được mùa, được giá với tổng sản lượng thu 4 tấn tiêu khô/0,6ha/vụ. Ông Bình bán ra với giá “lập đỉnh” mỗi ký tiêu khô trong năm 2013 là 130.000 đồng và trong năm 2014 là 185.000 đồng. So sánh với doanh thu trên cây cà phê cùng thời điểm, cây tiêu đã tạo ra một bước lãi đột biến ngoài mong đợi.

 Tiềm ẩn nhiều rủi ro

 Bên cạnh vườn tiêu kinh doanh 0,6ha “gặp hên” nói trên, hộ ông Vũ Đức Bình đã chuyển đổi thêm 0,6ha cà phê sang trồng tiêu mới đã 3 tháng tuổi. Và dự kiến đến đầu năm 2015, ông Bình lại “mở mang” 0,6ha “tiêu trên đất cà” nữa. “Mình chuyển một phần diện tích cà phê sang trồng cây tiêu, nhằm dự phòng nếu thua lỗ cây này còn có cây kia hy vọng gỡ lại…” – ông Bình chia sẻ. Cùng suy nghĩ và làm theo việc “đổi cà sang tiêu” như hộ ông Bình có hộ nông dân trẻ Nguyễn Anh Tuấn ở cùng địa phương xã Liên Hà với diện tích 0,3ha. Nhưng thay vì cây tiêu xuống giống trồng dưới chân trụ xi măng (cây chết) thì Tuấn trồng dưới gốc cây báng súng (cây sống). Trồng cây sống vẫn theo cự ly cây cách cây và hàng cách hàng 2,5m như “trồng” cây chết. Do chủ yếu chăm sóc đến đâu tự đúc rút kinh nghiệm đến đó, nên Tuấn phải “trả học phí” quá đắt với hơn 70% cây tiêu 7-8 tháng tuổi bị chết khô không kịp cứu chữa. Hiện, vườn tiêu của Tuấn đã trồng mới lại vài tháng tuổi, đang lên xanh tốt là nhờ biết khắc phục những sai sót kỹ thuật lần trước – dẫu những ngày tới rất khó đoán kết quả sinh trưởng như thế nào (?!).

Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà, bà Nguyễn Thị Thưởng khẳng định việc chuyển đổi trồng mới hơn 40ha cây tiêu là do người nông dân tự phát, trong khi quy hoạch “hiện hành” ở địa phương chỉ gồm cây chè, cây cà phê và cây dâu tằm. Bởi vậy, các chi hội nông dân cơ sở đang lưu ý bà con nông dân nên thận trọng, cân đối hợp lý những diện tích chuyển đổi trồng tiêu mới, bằng mọi cách phải giữ lại diện tích đất để canh tác một trong 3 cây chủ lực chính trong hộ gia đình là cây chè, cây cà phê và cây dâu tằm như vừa nêu.

Theo Văn Việt (Báo Lâm Đồng điện tử)

13 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Đọc xong bài báo tôi có cảm giác hình như người ta có vẻ ghen ăn tức ở khi bà con nông dân chuyển canh sang cây tiêu sẽ giàu lên hay sao? Ai cũng né tránh để đưa bà Chủ tịch Hội Nông dân xã ra phát biểu. Cũng may bà chỉ là nông dân chứ không phải quan chức ngành Nông nghiệp hay chuyên gia về kinh tế. Nhắc nhở cũng tốt nhưng phải lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế làm đầu.

    • Người ta tìm tòi, chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình mà cho là “đột biến”, “tự phát”, “gặp hên”,… bó tay cho lối ăn với nói của quí ngài !

    • Đạm nhiều nên thấy tiêu phát lá rất đẹp. Nhưng nếu vào mùa làm bông mà phát đạm nhiều thì chắc chỉ có thu lá mà bán thôi… chú nhỉ !

    • Nếu trụ nào cũng như trụ đầu tiên thì năng suất chỉ khoảng 2kg/trụ.

    • Chú Vịnh nói đúng, với vườn tiêu ở trên cần phải giảm lượng phân N . Phải nắm được thời điểm nào cây cần gì và khi chuẩn bị làm bông cần tăng chất gì giảm chất gì thì năng xuất mới ổn định. Chú nhỉ !
      cây trong hình nếu làm trái đạt cây sẽ cho 5kg là bình thường

  2. Tôi đọc mà cứ mù tịt mấy lần sang Lâm Đồng chơi chỉ thấy cà phê nay bà con mình có cố gắng là tốt rồi. Cây gì chẳng rủi chẳng may, điều quan trọng là phải biết xen canh là tốt nhất. Theo ngu ý của tôi thì cây nọ gánh đỡ cây kia về giá cả cũng như sâu bệnh.

  3. Các bác các chú các anh, có ai biết chổ nào ở TP. Pleiku, Gia Lai bán dây lươn Vĩnh Linh không nhiễm bệnh không ạ. Vùng lân cận như Dak Đoa, Chư Sê em đi được, nhưng không biết ở chổ nào, giá cả ra sao ạ. Năm nay nhà em trồng 500 cây thì mua bao nhiêu ký dây lươn ươm thì ổn. Em xin cảm ơn, mong mọi người tư vấn giúp địa chỉ liên lạc.

  4. Phạm Ngọc Thành ơi ! mang giống tiêu Lộc Ninh sang đổi 1 ăn 15, đảm bảo sạch bệnh, an toàn.
    Sang đổi với chú, chú sẽ tư vấn thêm nhiều vấn đề khác về trồng tiêu

  5. Không biết ở chỗ khác thế nào ở chỗ tôi trồng tiêu năm đầu tiên đã có lãi rồi. Có ông bên cạnh nhà tôi năm 2013 trồng 280 trụ sang năm 2014 bán dây giống 550k/ trụ nhiều người mua còn tranh nhau nói em dặn bác rồi mà, đến nỗi ông ấy tính bớt lại 20 trụ để trồng cây sống mà cũng không được. tôi thấy nếu làm tốt 3 vấn đề này nhiều người trồng tiêu có thể lời ngay trong năm đầu.

    1. giống tiêu.
    2. quản lý dịch bệnh.
    3. mối buộc mắt tiêu.

  6. Vườn tiêu này nhìn vào thấy quá đẹp! Tuy nhiên để mùa tới có sản lượng cao thì thời gian cắt nước trước khi tiêu làm bông phải trên hai tháng!

Gửi phản hồi mới

(?)