Mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống ở Gia Lai

, Thị trường hạt tiêu, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 30

Trồng tiêu trên cây trụ sống là một mô hình kinh tế mới được nông dân huyện Chư Pưh áp dụng trong 5 năm trở lại đây. Với những hiệu quả thiết thực mà cách làm này mang lại, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã và đang tích cực phát triển, từng bước nhân rộng mô hình. Ia Hrú được xem là một xã điển hình như thế.

Những năm trước đây, khi mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống bắt đầu xuất hiện, người dân Ia Hrú còn e ngại và hoài nghi về hiệu quả kinh tế thật sự mà nó mang lại. Bởi thế, thay vì mạnh dạn áp dụng, nhiều nông hộ vẫn trung thành với cách làm cũ là trồng tiêu trên trụ chết như gỗ, gạch, bê tông. Thực tế cho thấy trồng tiêu trên cây trụ chết trong điều kiện không che bóng có thể đạt được năng suất cao, nhưng kèm theo đó là sự suy kiệt nhanh chóng do ra hoa quả quá độ và sự bùng phát của nhiều loại bệnh nguy hiểm làm hủy diệt vườn tiêu.

Mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống đang được phát triển và nhân rộng

Theo ông Lê Lai- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrú- trồng tiêu trên cây trụ sống là kiểu canh tác bền vững, vừa che bóng, vừa kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế được các bệnh nguy hiểm và giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Ông Lai cũng cho biết, UBND xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm khuyến nông huyện tổ chức những buổi tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con hiểu và tin tưởng vào mô hình mới.

Từ việc trồng thử nghiệm, người dân xã Ia Hrú đã và đang dần phát triển, nhân rộng mô hình. Đến nay, diện tích hồ tiêu được trồng trên cây trụ sống của toàn xã khoảng trên dưới 30 ha. “Thông thường, cây trụ sống được trồng 1-3 năm trước khi trồng tiêu. Nếu trồng tiêu cùng năm với trụ sống thì bắt buộc phải trồng trụ tạm vì khi đó trụ sống còn nhỏ, chưa có chỗ cho tiêu leo bám. Cây trụ tạm phải tốt để tiêu có thể leo bám trong vòng 2-3 năm trước khi cây trụ sống đủ lớn cho tiêu leo bám”- ông Lai cho hay.

Nhiều nông dân sử dụng keo lai làm cây trụ sống cho tiêu

Các loại trụ sống phổ biến mà người trồng tiêu áp dụng là hông, keo, lồng mức, gòn… được trồng bằng cành hoặc ươm bằng hạt. Giống các loại cây này nông dân chủ yếu mua ở TP. Pleiku và Đak Lak, trừ cây gòn đa số là tự ươm bằng hạt. Mỗi loại cây dùng làm trụ sống cho tiêu đều có công dụng và thế mạnh riêng. Theo đánh giá của nhiều nông dân, keo là loại cây có ưu thế hơn cả vì lá của cây này nhỏ vừa có khả năng che mát nhưng cũng vẫn có tán xạ để ánh sáng xuống cho tiêu quang hợp. Bên cạnh đó, keo là cây họ đậu nên nó không cạnh tranh đạm với cây tiêu và có ưu điểm lớn rất nhanh và có tuổi thọ cao. Khi cắt trụi cành, cây keo không chết và cành, lá của nó còn có thể dùng để làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc như heo, trâu, bò và dê…

Anh Hải đang áp dụng mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống

Anh Lê Đức Hải là chủ nhân của vườn hồ tiêu hơn 2 ha đang độ ra trái. Cũng được tư vấn và biết đến mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống từ những ngày đầu nhưng anh vẫn lo ngại và chần chừ chưa dám áp dụng. Năm 2010, sau khi thấy được hiệu quả của mô hình từ một người bạn ở Đăk Lăk và những người xung quanh, anh Hải mới bắt đầu trồng thử. Vừa sản xuất, anh vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đã thành công trước đó. Anh Hải chia sẻ: “Loại trụ sống mà tôi chọn là cây lồng mức, tuy lâu lớn nhưng tuổi thọ cao, khó chết. So với việc trồng trên trụ chết như trước đây, tôi thấy việc trồng trụ sống cho tiêu vừa tiết kiệm được chi phí vừa hạn chế được tỷ lệ mắc bệnh trên cây tiêu, năng suất cũng cao hơn. Với 2 ha hiện có, trung bình mỗi năm tôi thu về khoảng 10 tấn”.

Để đảm bảo vườn tiêu trồng trên cây trụ sống sinh trưởng tốt, đồng đều, cho năng suất cao, theo anh Hải, người trồng tiêu cần phải chú ý tới các biện pháp kỹ thuật về thời gian trồng, khoảng cách trồng giữa cây hồ tiêu và cây trụ sống. Ngoài ra, khâu chăm sóc cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.

Hiện nay, phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu đang là một vấn nạn khá nhức nhối ở Chư Pưh. Việc phát triển và nhân rộng mô hình trồng cây sống làm trụ cho tiêu không những đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần hạn chế được tình trạng các cánh rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại cạn kiệt.

30 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Theo tôi thấy thì trồng trên trụ sống đúng là có nhiều lợi ich như: giảm chi phí đổ trụ bê tông, vào mùa nắng còn có bóng cây che mát cho tiêu nhưng cũng dễ mắc các bệnh rệp và rầy thường có trên trụ sống. Vì thế cần phải thường xuyên xịt thuốc trừ rầy. Chỗ tôi ở Tân Phú – Đồng Nai trồng nhiều cây keo nhưng cũng hay bị rệp lắm.

  2. Tân Phú trồng trụ cây sống từ thập niên 80 rồi. Lúc đó là cây gòn rồi tới cây dong, khoảng 5 năm trở lại đây cây dong thì chết còn gòn thì ko gựt ngọn nổi nên chuyển qua cây lồng mức và cây keo Thái. Nhà mình cũng trồng tiêu khi đó, dong thì có cây chết cây còn mình vẫn để chả sao. Bây giờ thì trồng cây xoan, mau lớn mà lại sống lâu, còn được giựt đọt cho dê ăn nữa, một công đôi chuyện.

    • Bạn Khánh Toàn thân !
      Cây xoan và sầu đâu có cùng họ với nhau. Vậy bạn đã trồng tiêu trên sầu đâu hay xoan ? Cây sầu đâu lá non và hoa dùng làm gỏi rất ngon. Nếu bạn cần liên hệ với tôi, tôi chỉ cho bạn món nhậu tuyệt vời này nhé.
      Thân.

    • Xoan đào và Sầu đâu là tên gọi khác nhau của cùng 1 loại cây mà.

    • Gửi bạn Khánh Toàn. Tôi chưa làm trụ xoan nên chưa biết. Nếu bạn làm rồi mà có tác dụng tốt thì phổ biến nhé. Cảm ơn bạn nhiều.

    • Ý kiến của riêng em, cây sầu đâu mà mình trồng làm trụ tiêu mau chết lắm, khi làm trụ tiêu mình hay giựt đọt rong tỉa cây mà sầu đâu như thế nó sẽ bị sầu ruột, mục rỗng ruột và chết

  3. Chào anh @Nguyen Khanh Toan!
    Anh cho hỏi nếu trồng cây xoan hay cây keo Thái thì khoảng cách giữa các cây với nhau và hàng cách hàng là bao nhiêu mét vậy, mật độ là bao nhiêu cây trên 01ha.

  4. Bạn Nguyễn Khánh Toàn cho biết bây giờ thì trồng cây xoan, mau lớn mà lại sống lâu, nhưng bạn đã cho tiêu leo chưa? Văn Dân có mấy cây xoan trong vườn đã cho tiêu leo năm 2008 đến năm 2011 trụ xoan chết hết. Văn Dân thấy trồng cây sống làm trụ tiêu ở Đắk Lắk người ta trồng hầu hết là muồng đen, nhưng mấy năm gần đây cây muồng đen cũng thường bị bệnh xì mủ, rồi chết, nói thế để thấy rằng chẳng có cây nào mà đạt chuẩn 100%.
    Văn Dân thấy ưu điểm nhiều cũng ở cây muồng đen và cây keo Cu Ba, còn cây gòn da xanh thì không ổn vì nó phải cạo vỏ, tiêu mới bám được nhưng cũng không chắc, cây lồng mức lâu lớn, còn trụ bê tông vốn ban đầu lớn. Vườn tiêu Văn Dân mới trồng năm 2012 xen kẻ 1 hàng bê tông, xen 1 hàng muồng đen, chẳng biết lâu dài như thế nào.
    Vài ý cùng các bạn cộng đồng giatieu.com.

    • @bác nông văn dân.
      Cây gòn trồng có phải nhất thiết là phải cạo vỏ tiêu mới bám được ko hả bác? vừa rồi cháu có trồng 1 số trụ gòn mà chưa biết thế nào? mong các bác có kinh nghiệm về cây này tư vấn thêm giùm cháu, cháu cám ơn.

    • Chào bạn Hoàng Đức, cây gòn có 2 loại : một loại có gai người ta thường gọi gòn gai hoặc là cây gạo, còn một loại nữa là gòn xanh. Gòn xanh da màu xanh, láng, trơn, loại này cũng nhanh lớn nhưng rễ tiêu khó bám, nên muốn tiêu dễ bám và bám được chắc người ta phải cạo vỏ cho sần sùi, rễ mới bám tốt, điều này Văn Dân thấy thực tế mấy anh bạn gần nhà làm như vậy, họ than phiền vất vả ngoài việc cột ngọn tiêu vào trụ còn phải cạo vỏ gòn cho tiêu bám.

  5. Trồng cây dái ngựa cũng rất mau lớn khi chặt ngọn không hay bị chết sạn, cũng có thể trồng cây mủ trôm chậm mà chắc

  6. Chào bạn Nguyen Thanh Xuan bạn trồng keo hay trồng xoan, khoảng cách tuỳ bạn trồng, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2,5m hoặt 3m đó là do bạn muốn trồng dầy hay thưa thôi. Theo tôi bạn nên trồng 3m vuông, vì trồng thưa tàn tiêu sẽ lớn, trái nhiều hơn.

  7. Gửi bạn Nông Văn Dân nhà mình hiện tại đang trồng cây keo Thái và cây xoan đây, tiêu được trồng khoảng 3 năm rồi phát triển bình thường ,hiện tại chổ mình bà con trồng 2 loại cây đó nhiều lắm vẫn phát triển bình thường, như bạn nói ko có cây nào mà đạt chuẩn 100% cả củng phải có vài ba cây chết do nhiếu yếu tố khác chứ, như nhà bạn trồng thế là tốt rồi, mùa nắng đở che ,nếu trồng trụ bê tông ko thì mùa nắng phải che bớt nắng rồi.

    • cây keo Thái là cây nhử thế nào nhỉ? bạn có hình ảnh của cây này không?

  8. Theo tôi các bạn nào trồng cây xoan làm trụ sống là không ổn: Tuy cây xoan lớn nhanh nhưng chúng nhược điểm là rễ cây tiết ra một loai chất gọi là Fitoxit diệt các loài cây khác xung quanh mình. Chính vì thế khi ta trồng cây tiêu quanh gốc xoan sẽ không phát triển được.

  9. Tôi cũng đồng ý với bạn @tuannha trồng cây xoan làm trụ, tôi đã trồng cây này làm trụ được 20 năm cây tiêu phát triển rất tốt, nhưng khi cấm đọt thì rễ cây ở dưới cũng bị chết bớt, phần đọt cậy bị nước mưa thấm vào hư lõi cây, sau một thời gian thì cây nọc chết theo. Tôi trồng 500 cây bây giờ chỉ còn lại trên đầu ngó tay. Chưa kể lá xoan và lá keo là món khoái khẩu của dê, mùa khô thường bị dân nuôi dê giật trộm kể cả vào đêm khuya…

  10. Chào tất cả anh chị em trồng tiêu. Tôi bắt đầu trồng tiêu vào năm 1993, tôi trồng xen với cape tôi trồng cây xoan, anh đào, vông nem, lồng mứt, gòn… kiếm được cây gì trồng cây ấy. Sau này cây vông nem bị dịch chết, tôi lại trồng cây keo tây vì nó mau lớn. Đến năm 97 tôi lại mở rộng thêm diện tích, trồng cây bình linh nước. Cây này mau lớn nhưng vì là cây da láng nên dây tiêu rất dễ bị tuột nếu không được buộc cẩn thận. Khoảng cách trồng thích hợp nhất là 3*3m là vừa, độ cao hợp lý và an toàn nhất là 6m. Hiện nay thấy mọi người trồng cây dái ngựa. Dù trồng cây gì cũng chỉ nên để một thân mới dễ chăm sóc.

  11. Xin chào diễn đàn giatieu.com và tất cả anh em. Cho em hỏi thăm có ai biết chố nào bán muồng đen chiết không, giá cả thế nào. Em ở Đak Mil, Đak Nông. Anh em và mọi người ai biết xin chỉ dùm em với nha. Em cảm ơn rất nhiều.

  12. Tôi muốn trồng tiêu trên trụ sống cây táo nhơn (được sử dụng để phủ trồng chắn gió cà phê,giống cây từ Ba Lan) được không?

  13. Mọi người cho tôi hỏi với, tôi định trồng gòn Gai và gòn Trơn để làm trụ nhưng không biết nên trồng cây nào thì có lợi hơn ạ. Ai biết chỉ dùm tôi với nha, tôi cám ơn.

  14. Chào bạn ! Cho mình hỏi cây xoan bạn nói ăn nó có vị gì chua hay đắng ? bạn có thể tư vấn cho mình được không, cảm ơn bạn rất nhiều !

  15. Có bác nào biết trồng cây keo lai sát với cây tiêu việc gì không cảm thấy lo lo … tại ông hàng xóm trồng gần với nhà mình.

    • Cây keo lai thì không vấn đề gì !
      Chỉ ngại là dễ gãy cành khi gặp gió mạnh, nên cần rong tỉa cành hợp lý…!

  16. Trồng trụ sống thì cứ cây lồng mức và cây keo dậu thì không phải lo nghĩ gì cả mà trồng cùng lúc với tiêu luôn vẫn được.

  17. Các anh chị cho em hỏi, em đang phân vân không biết nên trồng cây núc nac rừng hay cây muồng đen nữa. Em phải làm sao đây.

  18. Bạn trồng cây gì cũng được, quan trọng là cây phải lên thẳng đứng, không cong veo. Cây lớn nhanh nhưng mới 1 năm thì kết cấu không cứng dễ cong vẹo sẽ ảnh hưởng năng suất tiêu sau này.

  19. Xin hỏi các bác, trồng cây núc nác lá nhỏ tiêu mọc tốt ko ạ, em đang tính trồng 700 cây, có ai trồng hiệu quả chưa cho em học hỏi với.

  20. Cây núc nác làm trụ sống được bác ạ. Cây lên thẳng và nhanh lớn nhưng có nhược điểm lớn nhất là cây hay bị sâu đục thân. Cây này rất háo nước, nếu mùa khô bác tưới đc cây lên nhanh lắm.

  21. Vỏ cây keo cũng ko được nhám phải cạo để tiêu bám nhưng vỏ liền rất nhanh, cho em hỏi có cách nào khắc phục ko ạ.

    • Ở chỗ mình bà con trồng keo dậu và keo Cuba cho tiêu leo bình thường vẫn bám tốt, không có ai phải cạo vỏ như trồng trụ cây gòn… Bạn cứ kệ nó, không cần mất công vậy đâu.

Gửi phản hồi mới

(?)