Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 70

Ngày 18.4, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương Việt Nam trao giấy khen “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” cho anh Trần Hữu Thắng, 43 tuổi, Chủ nhiệm Liên hiệp Câu lạc bộ tiêu năng suất cao Phước Lộc, xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc (Đồng Nai).

Vườn tiêu của anh Thắng 6 năm liền đều cho năng suất 11 tấn/ha – Ảnh: Đức Khánh

Sau khi nghe tin anh Thắng trở thành người trồng tiêu giỏi nhất thế giới, ngày 19.4 chúng tôi trở lại ấp Phước Lộc, xã Xuân Thọ, nơi được mệnh danh là ”thủ phủ” về hồ tiêu. Điều khó tin, chỉ cách đây vài năm, vào khu vực này chỉ là con đường nhỏ gồ ghề, nhà tranh tre vách nứa, ấy vậy mà bây giờ xuất hiện nhiều biệt thự kiểu Âu, kiểu Á, nhiều tỉ phú đi lên từ cây tiêu.

Trong căn nhà khá khang trang, anh Thắng nhớ lại những ngày đầu gian khổ: “Năm 1984, tôi theo gia đình từ Hưng Yên vào đây lập nghiệp khi chưa tốt nghiệp cấp 2. Với vùng đất mới chúng tôi phải cật lực lao động trồng mãng cầu, tỉa bắp… Thời điểm này nước uống còn chưa có nói gì đến nước tưới vườn, tưới rẫy. Sau đó, gia đình tôi gom góp mua được 3 sào đất (3.000 m2) vừa cất chòi ở vừa trồng vài nọc tiêu, xen canh củ mì (sắn). Những lúc không có tiền mua gạo, do không ai mua củ mì, thì phải ăn củ mì thay cơm, pha sữa cho con bằng nước mì với đường…”.

Thấy khó mà ”trụ” nổi với kiểu trồng xen canh, anh Thắng mạnh dạn thực nghiệm trồng tiêu theo kiểu của mình. Anh phân rẫy thành 3 diện tích để trồng tiêu Vĩnh Linh, với 3 cách chăm sóc khác nhau. Đến vụ thu hoạch, thấy diện tích nào cho năng suất cao nhất, anh chọn ra cách chăm sóc đó để áp dụng. Chị Tạ Thị Diệu (vợ anh Thắng) chen vào: “Thời điểm này, vợ chồng tôi phải thức dậy lúc 2 giờ sáng, tranh thủ leo lên núi Gia Lào dẫn nước về tưới rẫy. Tiêu bắt đầu liên tục tăng giá, tích tiểu thành đại, bắt đầu có cái ăn và của để dành, vợ chồng bàn nhau mua thêm đất liền canh liền cư để tiếp tục canh tác”.

Đến năm 2006, Trung tâm khuyến nông huyện Xuân Lộc chuyển giao công nghệ cao, chương trình tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống thì anh Thắng là người tiên phong áp dụng. Từ chương trình này, lợi nhuận, năng suất vườn tiêu tăng lên khá rõ nét, chẳng hạn như giảm ngày công lao động làm bồn, tiết kiệm được 50% lượng phân bón và tận thu triệt để lượng tiêu rơi rụng trong vườn. “Đến nay tôi tích cóp mua được 3 ha tiêu, 4 ha cao su… hằng năm lãi ròng từ 1,8 đến 2,2 tỉ đồng”, anh Thắng hồ hởi nói.

Không chỉ nhiệt tình tham gia chia sẻ kinh nghiệm ở địa phương, anh Thắng còn tư vấn qua điện thoại cho các nhà vườn trồng tiêu ở các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông…

Ông Nguyễn Minh Nhật, Phó bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, tiết lộ thêm với chúng tôi: “Cá nhân anh Thắng đã làm vinh danh vùng trồng tiêu ở Xuân Lộc và trong chừng mực nào đó, cũng là một nhân tố đưa huyện miền núi khó khăn này giật giải Nông thôn mới đầu tiên trong cả nước”.

Không ngừng tìm tòi, học hỏi

Anh Thắng chia sẻ: ”Theo kinh nghiệm của tôi, cây tiêu muốn phân hóa được mầm hoa thì cần có lượng phân lân rất lớn. Vì thế tôi đã mua các loại thuốc có hàm lượng lân thật cao phun xịt cho cây tiêu và bón phân bò cho tơi, xốp đất để kích thích phân hóa mầm hoa”.

Với cách trồng của mình, trong thời gian 7 năm liên tục (2006-2012), anh Thắng là người trồng tiêu đạt năng suất cao nhất tỉnh Đồng Nai, với con số kỷ lục 11 tấn tiêu/ha. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, anh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi khoa học kỹ thuật; tìm kinh nghiệm qua những hội nghị về ngành tiêu ở nhiều vùng miền…

Báo Giá cà phê qua điện thoại
70 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Dùng phân hữu cơ, sinh học thường xuyên, có nhiều vi khuẩn cố định đạm trong đất và vi khuẩn phân giải lân chậm tan thì cũng không cần thiết phải bón lân nhiều. Có rất nhiều nguyên liệu thô làm phân sinh học rất quí ở bên cạnh ta mà nhiều người không biết tận dụng.

  2. Xin chúc mừng anh Trần Hữu Thắng ! Nông dân trồng tiêu Việt Nam rất trân trọng và tự hào thành tích của anh.

    Sự kiện rất đáng chú ý của ngành hồ tiêu Việt Nam mà không thấy bóng dáng của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ở đâu. Hay là sắp sửa đổi tên thành Hiệp hội các nhà kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu VN rồi !

    • Nhà báo ghi lộn thông tin đấy bạn.

      Ngày 18/4, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức Hội nghị thường niên 2012 có đại diện các Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tham dự chứ 2 Bộ này không đồng tổ chức.

    • Theo @tieu cay thì Hội nghị thường niên của VPA với chuyện anh Thắng trồng tiêu được IPC vinh danh thì dính dáng gì nhau? Với lại VPA tư cách đâu mà trao giải “nhất thế giới”!
      Sự kiện mang tính tầm cở mà sao nhà báo ghi thông tin lộn được? Theo tôi thì nhà báo không lộn, bằng chứng nè >> http://peppervietnam.com/Details.aspx?id=2327

    • Theo tôi, các bạn không nên tranh luận nhiều làm gì vì cũng chỉ đến đó thôi.
      Điều đáng nói là bà con có điều kiện nên tìm đến vườn anh Thắng tham quan, học hỏi để nâng cao năng lực thâm canh vườn hồ tiêu nhà mình.
      Xin chúc mừng anh nông dân Trần Hữu Thắng và mong muốn cộng đồng Giatieu.com sẽ có nhiều nông dân trồng tiêu được vinh danh sản xuất giỏi như anh Thắng !

  3. 1 ha = 2.000 trụ tiêu, 11 tấn/ha, thì 1 ngàn trụ chỉ có 5,5 tấn thì cũng ko phải là cao lắm mà ta? ở Gia Lai vẫn có nhiều vườn tiêu đc và hơn mà!

    • Trong thực tế chúng ta có thể bắt gặp những vườn tiêu năng suất cao hơn, nhưng vấn đề ở chỗ là đáng để khen tặng không khi mà những vườn tiêu đó chưa có tác dụng gì với cộng đồng…!
      Trân trọng chúc mừng anh Trần Hữu Thắng. Nông dân trồng tiêu rất tự hào về anh !

  4. Chúc mừng anh Thắng
    Anh là niềm vinh dự cho nông dân Việt Nam, vươn lên từ khó khăn để chinh phục thế giới, đó là bản lĩnh của người Việt Nam chúng ta. Hoan hô nông dân trồng tiêu !

  5. 1ha = 1.700 trụ; 11.000kg/1.700 trụ = 6,47kg/trụ. Có thể nói là năng suất đều và tương đối ổn định, chưa thể là người trồng tiêu có năng suất cao nhất thế giới.

  6. Chúc mừng Thắng nha. Bà con ai có điều kiện nên tham quan mô hình trồng tiêu bằng cây trụ sống này, rất hữu ích.

  7. Ngày nào cháu đi học về điều lên diễn đàn giatieu.com
    Nhưng hôm nay là một điều bất ngờ và rất vui khi bài báo viết về anh nông dân Trần Hữu Thắng.
    Bài báo viết rất hay, có lần anh trung_tin_727 đã nói với cháu có người bạn ở địa chỉ nói trên và cháu đã từng lặn lội từ Cẩm Mỹ về địa chỉ ở trên để tham quan và trao đổi, và cháu xin xác minh rằng anh Thắng luôn chia sẻ kinh nghiệm của mình rất nhiệt tình, bài báo viết rất đúng cho những nông dân đáng như Anh Thắng
    Chúc anh trung_tin_727 và đại gia đình giá tiêu luôn sức khỏe và có những bài viết hay.

    • Chào tieudatden!
      Có thể bạn nhớ nhầm mình với ai rồi. Mình đâu có người quen nào ở Đồng Nai đâu.
      Như vườn tiêu trên hình thì 1 ha chỉ trồng được khoảng 1000-1100 trụ thôi, tính ra bình quân 1 trụ được khoảng 10-11 Kg.
      Với năng suất như trên thì quả là rất khó, hơn nữa lại đạt suất 7 năm liền.
      Thật sự khâm phục anh Thắng!

  8. Do công viêc, hàng ngày tôi thường thăm rất nhiều vườn tiêu ở nhiều vùng. Có nhiều vườn tiêu có năng suất 10 tấn/ha, 12 tấn/ha, thậm chí có vườn đạt 15 tấn/ha ( như vườn chị Nguyên ở xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc, BRVT, với 1.400nọc /9.500m2, chị thu được 10 tấn,12 tấn và 12 tấn vào các năm 2011, 2012, 2013 ). Vậy thì nói anh Thắng ở Xuân Lộc đạt năng suất cao nhất thế giới là nói quá. Còn nếu muốn nhấn mạnh tác dụng của hệ thống tưới tiết kiệm nước thì tác giả cần nói rõ hơn. Vì nhiều người ở nhiều loại đất khác nhau đã từng ” gãy gánh” vì hệ thống tưới không phù hợp cho loại đất và kiểu tưới của mình rồi đó. Thân chào cộng đồng.

    • Bạn có thể cho biết chị Nguyên ở Xã Hòa Hiệp – Xuyên Mộc địa chỉ cụ thể ở tổ mấy, Ấp nào không? Xin cảm ơn bạn. Chào thân ái- hẹn gặp lại

  9. Ai có số điện thoại của anh Thắng không? Cho em xin để có cơ hội học hỏi kinh nghiệm.
    Cảm ơn mọi người.

  10. Hôm nay tôi có dịp đến thăm gia đình anh Thắng. Chân thành cám ơn anh cùng gia đình! Nhưng chúng ta cần suy ngẫm : “Trăm nghe không bằng một thấy”

    • Ý bác Phát là nghe ko bằng thấy, tới tham quan thì mới biết chăng?
      Nhìn trụ tiêu trên hình chụp thì vườn cũng ko cho năng suất cao.

  11. Chào đoàn kết, chào bác Phát,
    Bác đã đi thăm gia đình anh Thắng, tình hình thế nào rồi? Tiêu nhà anh ấy có được như bài báo nói không? bác cho mọi người nghe vài ý kiến với.

  12. Chào bà con, chào các bạn !
    Cách đây ít lâu báo Nông nghiệp Việt Nam có một bài viết “đệ nhất tiêu miền đông”, với cách làm bông “độc đáo”, rồi sao? Cũng thường thôi.
    Đến nay báo Thanh niên có bài “trồng tiêu giỏi nhất thế giới”, rồi sao? Cũng thế thôi.
    Tôi có nhớ một câu thế này, “đừng nghe những gì họ nói, hãy nhìn những gì họ làm” để chúng ta học họ. Nhưng học được gì? Hãy đợi xem.

  13. Các bác ở Đồng Nai thân. Nghe nới ở Đồng Nai đã có giống tiêu ghép với tiêu rừng amazon, có bác nào biết không chỉ giùm tôi với !

  14. Thật ra tui cũng có đi tìm hiểu thông tin về vườn tiêu trên, nhưng không tìm hiểu được gì vì chủ vườn từ chối chúng tôi không cho tham quan vườn tiêu. Với lại theo nhìn nhận khách quan của tôi, năng suất vườn tiêu đó 3 ha thu hoặch 11 tấn thì đúng hơn…
    Chân tình mà nói tôi không nặng nhẹ vấn đề này, nhưng tôi nghĩ nếu đã đạt kết quả đó thì nông dân Việt Nam mình nên chúc mừng, nhưng khi nhiều người đến nơi lại ra về bằng những lời từ chối khéo như vậy thì không vui lắm.

  15. @Nguyen Dien cũng gặp tình trạng như vậy ah, tôi lặn lôi đường xa để đến nơi mong sẽ chiêm ngưỡng được vườn tiêu trên, nhưng chủ vườn cứ lãng tránh không cho xem… Không biết là giấu nghề hay là không đúng sự thật… Nhưng thôi lý do gì đi nữa suy ngẫm cho cùng đúng là người Việt Nam.

  16. Chào bạn Đỗ Trường Sơn. Cũng như anh Phát nói, tôi đã đến thăm vườn khi chuẩn bị thu hoạch. Tiêu rất đẹp. Cách làm bông có lẽ không như bạn nghĩ, khi tới thăm tôi mới hiểu ra. Không sai.

  17. Chào chú Vịnh :
    Chú cho con hỏi gia đình con mọi năm đều bón phân hóa học cho cây tiêu, nhưng năm ni có ý định chuyển sang phân bón gốc. Con nghe nói loại phân này sử dụng rất dễ mà còn hiệu quả nữa.
    Mong chú Vịnh cho gia đình con lời khuyên có nên chuyển qua phân bón gốc không ? Nếu được thì dùng phân bón gốc nào là hiệu quả nhất.
    Con mong Chú hồi âm, con xin chân thành cảm ơn.

    • Không biết cháu phân biệt phân hóa học và phân bón gốc là thế nào? Hay muốn phân biệt phân bón gốc với phân bón lá? Dù sao thì hữu cơ vẫn hơn vô cơ và bón gốc để cây hấp thu qua hệ rễ vẫn tốt hơn cả.
      Mong cháu có câu hỏi rõ ràng hơn . Thân.

    • Dạ chú Vịnh ơi, nhà con mây năm trước là bón phân hóa học (phân trong bao). Nhưng năm nay nhà con tính bón phân nước (phân nước đựng trong canh đó chú).
      Con mong chú gúp đỡ. Con cảm ơn chú.

    • Có vẻ như nhà cháu chuộng phân hóa học nhỉ !
      Quan điểm của chú là bón phân hữu cơ, hữu cơ sinh học là chính. Phân hóa học, phân bón qua lá chỉ dùng bổ sung, tăng cường khi cây ở giai đoạn cần nhiều dinh dưỡng thôi.
      Còn phân nước đổ gốc trong can chú ko dùng vì chất lượng loại này ko được kiểm chứng rõ ràng. Nếu có dùng, theo chú chỉ dùng bổ sung chứ ko dùng thay thế.

    • Hết niềm tin, mệt mõi với cánh báo chí nhà ta lắm rồi !

    • Chào bà con, tôi cũng là người ham học hỏi, từng theo chân 3 bài báo, nhưng kết quả khá thất vọng, nhiều thì đúng được chừng 60%, mới rút ra bài học thế này, là tên tuổi của những tờ báo tương đồng với chất lượng của bài viết, cũng là hợp lý thôi vì những tờ báo lớn mà đăng tin thiếu trung thực sẽ bị “ném đá” ngay, 1, 2,…lần mà không sửa thì độc giả sẽ tẩy chay và tờ báo đó sẽ chưa lớn được. Xin nhắc lại lời bác Phát “trăm nghe không bằng một thấy”. Tốt nhất khi học hỏi từ báo, có điều kiện bà con nên kiểm chứng trước, hoặc chí ít cũng nên thử quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà.
      Chúc bà con cuối tuần vui vẻ!

  18. Chào anh Đỗ Trường Sơn. Được anh nhắc lại “đệ nhất tiêu miền Đông” và nhất là cách làm bông cho cây tiêu, thực ra không phải mình tôi mới làm như vậy. Có rất nhiều người khác đã làm và làm từ lâu nhưng không có dịp để chia sẻ
    Trên chương trình khoa giáo “Hãy cùng nông dân ra đồng” của đài Đồng Nai phát vào buổi chiều muộn ngày 20/05/2013 (?) cũng có phát hình một nông dân đang phát các ngọn tiêu dài ra khỏi bụi tiêu, và tôi nghĩ còn có nhiều bạn có lẽ vẫn còn thắc mắc, thì xin nhờ Đài TV Đồng Nai cho xem lại hoặc tìm được phóng viên của bài báo đó để trao đổi kinh nghiệm. Tôi thì 2 – 3 năm mới làm lại 1 lần, năng suất tăng tốt. Thân chào.
    Lập cây gạo.

    • Chào bác Hoàng Văn Lập !
      Vì mải mê công việc nên tôi đã quên mất rồi, không biết chỗ bác và chỗ anh Thắng có phải chung là miền Đông Nam bộ không ? Nhưng sao bác đã là đệ nhất tiêu miền Đông rồi, anh Thắng chắc là ở Tây nguyên ?
      Tôi rất khâm phục ý chí vượt khó của bác và anh Thắng, đáng để tôi và các bạn trẻ noi theo. Nhưng tôi chỉ trách cánh nhà báo nói chung, nhất là những nhà báo viết về nông nghiệp nói riêng. Viết lung tung, thiếu kiến thức nông nghiệp “ông nói gà bà nói vịt”
      Nếu cách làm bông của bác có sáng tạo, đúng như bài báo đã viết, vậy tôi thiết tha mong bác chia sẻ để tôi và bà con cùng học hỏi.
      Rất mong nhận được sự hồi âm của bác. Kính mến.

    • Bữa nay sao chú Tr.Sơn ngẩn ngơ vậy? Trên bài báo có viết rõ anh Thắng là Chủ nhiệm Liên hiệp Câu lạc bộ tiêu năng suất cao Phước Lộc, xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc (Đồng Nai). Thì sao lại nghĩ ra được là ở Tây nguyên?
      Đông Nam bộ gồm 4 tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
      Anh Thắng là do Hiệp hội hồ tiêu tặng danh hiệu, còn anh Lập là do nhà báo phong.
      Sao lại nhầm lẫn được? Rứa mà còn trách người ta “ông nói gà bà nói vịt”…
      Năm nay tiêu có được mùa không đó?

    • Chào anh Vịnh !
      Em là dân Đồng Nai lên Bình Phước mà , chỗ bác Lập và anh Thắng em biết đấy chứ. Chỉ hài hước tí cho vui cửa vui nhà thôi. Có đệ nhất tiêu thế giới ở miền Đông rồi bác Lập làm đệ nhị thôi nha hihi…
      Cám ơn anh đã quan tâm ! Nhờ kết hợp cách làm bông của anh Phan Phát và M Vịnh nên tiêu nhà em đang ra bông rất tốt hứa hẹn một mùa tiêu bội thu, hị vọng giá cả ổn định như vầy thêm 10 năm nữa, em để dành tiền lên Đăk Lăk thăm anh. Chúc anh và bà con ngày cuối tuần zui zẻ .

  19. Bác Sơn kết hợp cách làm bông của bác Vịnh và bác Phan Phát – Cách làm bông của bác Vịnh thì em đã đọc kỹ còn cách của bác Phát ở chỗ nào mà tìm không ra nhỉ. Nhờ Bác chỉ dùm với nhé.
    Chúc bác mùa này bội thu.

  20. Chào anh Hoang!
    Trụ bê tông có thể cao tầm 3,5 đến 4m, chôn phần trụ xuống đất khoảng 15%-20% tổng chiều dài của trụ là được.

  21. Chào diễn đàn, chào chú Vịnh
    Khi đọc xong bài viết về người trồng tiêu giỏi nhất thế giới này thì cháu thấy thích thật. Và muốn tham quan vườn tiêu chú Thắng làm như thế nào để học hỏi kinh nghiệm.
    Cháu có một số yêu cầu nhờ diễn đàn tư vấn giúp:
    – Tiêu cháu trồng đầu mùa mưa và trồng bằng tiêu lươn nên bây giờ cháu muốn cắt để nó nhảy ác vào mủa nắng thì có nên không hay là để mùa mưa đôn tiêu luôn.
    – Cháu có ủ phân cá và phân bánh dầu cũng gần được 10 ngày rồi. Đối với phân cá thì cháu đã thấy hoai gần hết và cháu dự định vài ngày nữa sẽ bỏ thêm thơm và đu đủ chín vào thì đến bao lâu thì có thể sử dụng bón cho tiêu ạ. Đối với phân bánh dầu thì ở cháu không có axit phosphoric thì cháu sử dụng axit sunphuric được không ạ
    Mong diễn đàn tư vấn giúp và xin chân thành cám ơn chú Vịnh và diễn đàn

    • Bạn chỉ cần cho loại nào ủ xác bã, phân chuồng … dạng nước vào khử mùi là xong. Trong ruột cá đã có rất nhiều protease tự nó kích hoạt không cần thơm hay đu đủ. Thêm axit vào rút ngắn thời gian còn không thêm cũng không vấn đề gì cả. Yên tâm. Với phương pháp ủ chỉ cần trichoderma hoặc EM cũng đã thành công rồi mà.
      Muốn chắc ăn, khi dùng dùng chung với trichoderma càng tuyệt vời. Phân cá là nguồn kích hoạt trichoderma cực tốt.
      Thân!

    • Chào @Lê Nho Bảo
      Axit sunphuric là một axit ăn mòn kim loại, thường dùng cho bình Ăc quy.
      Đổ vào khối ủ nó sẽ phản ứng sôi, tỏa nhiệt và tiêu diệt hết vsv hữu ích.
      Thân

  22. Chào chú Vịnh
    – Cám ơn chú đã nhắc nhở nếu không thì tác phẩm của con sẽ theo mây khói luôn rồi. Chắc cháu phải qua Phương Lâm thử xem có loại axit phosphpric này không. Mà chú ơi ! nếu không có thì mình ủ phân bánh dầu không cần axit này được không ạ.
    – Chú cho cháu hỏi thêm bệnh chết nhanh chết chậm chúng ta ngừa từ bây giờ được chưa ạ và cháu dự định sử dụng chế phẩm sinh học pseudomonas này thì hiệu quả tốt không hay chú có thể tư vấn cháu sản phẩm nào tốt hơn nha chú.
    – Thêm 1 ý nữa là cháu có ủ phân cá bằng “men xử lý hầm cầu” của công ty toàn cầu vì trong men đó có chức năng phân hủy protein, tinh bột, glucozo thì cháu thấy hiệu quả cao cá đã hủy gần như hoàn toàn sau 12 ngày ủ.
    chào chú

    • Chào @Lê Nho Bảo
      -Axit phosphpric có nhiệm vụ làm chất xúc tác tổng hợp hữu cơ để tạo thành amino axit cho cây dễ hấp thu. Có thì hiệu quả phân giải hữu cơ triệt để và nhanh hơn.
      –Chế phẩm vi khuẩn Pseudomonas được sử dụng chung với Trichoderma trong phòng ngừa các bệnh của hồ tiêu. Bà con trồng tiêu sử dụng lâu rồi. Hổng lẽ nay mới biết?!
      -Ngừa bệnh cho tiêu một năm 4 lần bằng Pseud + Tricho. 2 lần chính vào đầu và cuối mùa mưa, 2 lần phụ xen kẻ vào giữa. Luôn trộn chung với phân đổ gốc và chỉ đổ sau khi đã xử lý thuốc hóa học (nếu có).
      -Cần phân biệt men hầm cầu là men phân hũy (và bốc hơi) chứ không phải là men phân giải hữu cơ thành những chất axit dinh dưỡng cho cây hấp thu được.
      Thân

    • Cám ơn chú đã tư vấn.
      Thú thiệt thì cháu cũng mới biết đây thôi chứ hồi giờ cháu chưa nghe. Mới đây vào web thì tìm hiểu thấy hay nên về áp dụng. Cháu thì cũng ít khi xem mạng nên cũng là một khó khăn về áp dụng khoa học kỹ thuật.
      Cám ơn chú rất nhiều ạ.
      Chào chú

  23. Xin chào các anh trên diễn đàn!
    Tôi có một thắc mắc nhờ mọi người tư vấn. Vườn tiêu nhà tôi trồng đã được hơn 10 năm, từ hơn một năm trở lại đây trên thân và cành tiêu xuất hiện một khắp loại nấm màu trắng xám loang lổ khắp vườn, không biết có phải nấm hồng hay ko. Tôi lên mạng tìm kiếm thông tin về các loại thuốc BVTV trị nấm và đã lựa chọn Validacin 5L của hãng sumitomo nhật bản về hòa nước và phun xịt trực tiếp lên thân và lá tiêu, nồng độ 1%. Do xịt được khoảng 300 trụ thì hết thuốc, tôi ra cửa hàng thuốc mua tiếp thì người bán thuốc tư vấn không đươc dùng Validacin xịt trực tiếp như vậy vì nó sẽ gây rụng trái và lá tiêu hàng loạt. Tôi đang lo lắng nếu đúng là như vậy, nhưng đành fải chờ đợi thôi, vì tôi đã xịt được nửa vườn rồi, chiều qua sau 2 ngày xịt thuốc tôi kiểm tra chưa thấy có dấu hiệu tiêu bị rụng lá và trái. Anh, chị nào có chút kinh nghiệm về vụ này nhờ tư vấn cho tôi chút hiểu biết.

    • Chào bạn.
      Thuốc VALIDACIN 5SL của Cty Sumitomo trừ nấm phổ rộng khá hiệu quả. Bạn an tâm sử dụng miễn là bạn pha thuốc đúng theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì, không xịt vào lúc trời nắng to vì cây tiêu khá mẫn cảm. Thân

  24. Xin chào chú Vịnh và cộng đồng! Cháu tính năm sau xuống 1000 trụ tiêu. Cháu trồng tiêu lươn trên trụ sống. Vậy chú và cộng đồng cho cháu một số lời khuyên khi trông tiêu lươn trên trụ sống.

    • Xin chào chú Vịnh. Năm sau cháu xuống 1000 trụ tiêu lươn trên trụ sống thì cần khoảng bao nhiêu khối phân bò là đủ. Phân bò nên ủ như thế nào với thời gian bao lâu.

    • Chào cháu @Hải Ngô
      Tối thiểu phải có được 20 khối phân bò. Có thêm xác bả nông sản trộn vào ủ thì tốt, càng nhiều càng tốt, vỏ cà phê thì quá tuyệt.
      Ủ theo phương pháp ủ nóng phân chuồng hay ủ phân vi sinh , chú ý lượng vôi vừa phải vì phân đã khô. Ủ bằng nấm trichoderma hoặc bằng phân hữu cơ sinh học đổ gốc Biogel thì không cần các chất phụ gia khác. Thời gian còn phụ thuộc vào lượng xác bả nông sản, khoảng 2 – 2,5 tháng. Thân

    • Thân chào anh Vịnh. Năm hết tết đến xin chúc anh và gia đình sức khỏe, Hạnh phúc, Tấn tài, Tấn lộc nhé anh!
      Tiện đây xin anh tư vấn cho em một ý nhỏ sau :
      Sau khi thu hoạch tiêu xong, cây tiêu có thể bị suy do mang trái nhiều sau cả một mùa vụ, mình có thể bón phân cá tự ủ thay cho Biogel thì thế nào? biện pháp nào là tối ưu, mong anh tham vấn cho. Cám ơn anh nhiều!

    • Chào @Huỳnh Anh Tuấn.
      Do mình không biết nhiều về các loại phân khác nên mình không dám giới thiệu.
      Còn với phân Biogel+Biosol là do hãng Synergy từ Ấn Độ sang tìm mình và đề nghị mình cùng một số bà con nông dân sử dụng thử nghiệm. Và cũng do kết luận của mình mà họ mới tiến hành nhập khẩu sang VN, và khi tới tay nông dân là mất gần 2 năm. Mình hơi dài dòng một tí vì đây là phân đa thành phần, dùng cho tiêu suy sau thu hoạch, hồi phục cà phê già cỗi rất tốt.

      Tiêu suy là thiếu toàn diện, bạn đổ phân cá là mới chỉ cung cấp đạm hữu cơ dồi dào, còn các chất khác thì sao? Hơn nữa, chỉ một chữ suy bạn hay bà con nói, có đủ để cho mình kết luận là do thiếu chất gì không? Cho nên nếu mình không khuyên dùng Biogel+Biosol vì nó là phân đa thành phần thì khuyên dùng phân gì bây giờ? Phân này còn có chất điều hòa sinh trưởng, là tự cân đối dinh dưỡng thay cho nhà nông, mình khỏi phải lo thì sao mình không chọn?

      Cuối năm rồi, chia sẻ với bạn và cộng đồng để hiểu về sự khó khăn của Admin một trang cộng đồng như mình. Xin cám ơn lời chúc hết sức tốt đẹp của bạn. Xin hẹn đêm giao thừa !
      Thân

    • Dạ! Cám ơn anh nhiều, những chia sẻ hữu ích và vô cùng quí báu cho những nông dân còn non về kinh nghiệm trồng tiêu. Anh đã giãi tỏa được những khó khăn cho bà con rất nhiều. Cần lắm những con người như các anh. Thân mến!

  25. Gửi chú Vịnh. gia đình con có 1 ha hồ tiêu nhưng không hiểu sao cây tiêu nó cứ vàng lá không xanh, chú cho con hỏi có cách tính chính xác tỉ lệ phân ủ (kg/cây) không ạ. Thân

  26. Chào cháu.
    Tiêu mùa này vàng lá thường là do bón thiếu trung-vi lượng, đất bị chua nên độ pH thấp, rễ bị tuyến trùng gây hại… Kiểm tra kỹ để xử lý từng bước. Cháu dùng phân bón lá Biosol phun ngay có xanh lại không?
    Phân ủ còn tùy chất lượng nữa chứ, nói chung khoảng 10kg/gốc là tạm được.
    Thân

  27. Phân ủ thì 10 đến 15 kg, nhớ trộn tricoderma để bổ sung thêm nhé, tiêu xanh hay vàng như con ng thôi, khỏe mạnh thi xanh lá mượt, còn bệnh tật thì nó chuyển màu, như con ng bị gan vậy. Đôi lúc thời tiết thay đổi đột ngôt cũng gây ra hiện tượng này, chúng ta hiểu lầm là bệnh. Từ đây đến lúc hái mà cây tiêu nào ko phát đot mà vàng lá thì rất nguy hiểm, có thể nó sẽ cùi.

    • Chào bạn @nguyễn Dũng
      Tiêu trâu vẫn hồi phục, chống suy sau thu hoạch và hãm nước rửa cây như các loại khác. Thuốc gốc đồng có tác dụng giúp cho tiêu ức chế sinh trưởng và ngủ sâu để chuyển sang sinh thực là chính, còn xả lá già chỉ là tác dụng phụ. Một số người cho biết đã dùng phân SA xả lá cho tiêu trâu, nếu có điều kiện thì bạn thử nghiêm vài trụ để xem kết quả.
      Để thúc đẩy tiêu phân hóa mầm hoa mạnh hơn còn có KNO3 (kali trắng) phun qua lá và gần đây là dùng phân bón lá hữu cơ sinh học Biosol thấy cũng rất hiệu quả, có nhiều phản hồi tích cực.
      Thân

    • Xin chân thành cảm ơn anh Vịnh đã chia sẻ. Nếu xả lá cho tiêu thì cũng không khó, Em đã làm rồi, em dùng phân bón lá đặc chủng là xả được và nhiều người dùng thuốc xả lá có bán sẵn cũng được nhưng vấn đề là rất hại cho tiêu, ăn một năm suy vài năm. Có những cây rụng trụi lá nhưng ra trái rất ít, quan trọng là sự phân hóa mầm hoa và kích thích ra hoa bằng thuốc gì? Anh Vịnh hoặc ai biết xin mách giùm.
      Đa tạ.

  28. Nhờ diễn đàn này mà tôi học được nhiều kinh nghiệm, hiện nay tôi mới trồng được 400 trụ khoảng 2 năm, nói chung phát triển cũng tốt. Theo tôi cứ cho tiêu leo lên trụ sống càng cao thì sau này sẻ cho trái nhiều chỉ sợ bão đổ cây thôi. Cảm ơn diễn đàn nhiều

  29. Chào cộng đồng giatieu.com, bữa giờ mình có một thắc mắc ko biết hỏi ai đó là: sự khác nhau giữa các chế phẩm EM-TRICHODERMA-PSEUDOMOMAS như thế nào? (công dụng, thành phần). Và có thể dùng thay thế cho nhau được ko? Mong cộng đồng giải thích cho mình được rõ, cảm ơn mọi người!

    • Chào bạn.
      -EM: viết tắt của từ Effective Microganism, có nghĩa là vi sinh vật hữu hiệu hay vsv có lợi… nó có rất nhiều chức năng nhiệm vụ hay công việc cụ thể tùy theo loại, dòng… thường dùng phổ biến làm men xúc tác dưới dạng ký hiệu như EM1, EM2 chẳng hạn…
      -Trichoderma là một loại vi nấm đối kháng, có khả năng “ăn thịt” một số vsv khác để tồn tại, nhất là các loại nấm hại. Lợi dụng khả năng này để “nhờ” nó tiêu diệt một số loại nấm bệnh trên cây trồng.
      -Pseudomonas là một loại vi khuẩn đối kháng, có khả năng tương tự…
      Tất cả các loại này được gọi chung là vi sinh vật, vì nó vô cùng nhỏ, muốn nhận diện cần có công cụ và phương pháp thích hợp. Nó có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau nhưng không thay thế nhau. Nói như bác Vịnh là việc của đứa nào thì đứa nấy làm…
      -Trên các chế phẩm vsv này thường có ghi công dụng.
      -Thành phần tùy vào mục đích và cách thức sản xuất. Nhà sản xuất thường phối hợp nhiều loại, dòng vsv … trong 1 gói sản phẩm để phối hợp, bổ sung mục đích, chức năng cho nhau và giúp bà con sử dụng thuận tiện hơn.
      Hy vọng những giải thích của tôi giúp được bạn phần nào.

  30. Chào bạn @tiêu lép!
    Tôi cảm thấy rất vui khi thấy bạn đã có cái nhìn thiện cảm hơn với vi khuẩn Pseudmonas. Chúc bạn luôn khỏe. Chào thân ái!

Gửi phản hồi mới

(?)