Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

, Khuyến cáo, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 98

BVTV 4 dungThời gian vừa qua, tình hình sâu bệnh hại tiêu gia tăng nên nhiều người trồng tiêu gửi ý kiến tham vấn về việc phòng trừ sâu bệnh hại tiêu. Nhận thấy vẫn còn nhiều lúng túng trong việc sử dụng các loại thuốc BVTV, Giatieu.com nêu lại những nguyên tắc cơ bản để việc sử dụng thuốc của nhà nông có hiệu quả cao hơn.

Đọc thêm: >>Hiểu biết cơ bản về thuốc BVTV

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong việc phòng trừ dịch hại tổng hợp cho cây hồ tiêu. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng, hiện tượng lợi bất cập hại vẫn thường xuyên xẩy ra, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người trồng tiêu, kinh tế của gia đình và môi trường của cộng đồng. Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh hại tiêu, xin giới thiệu cùng cộng đồng nông dân trồng tiêu nguyên tắc 4 đúng được ngành BVTV phổ biến như sau:

Định hướng sử dụng thuốc của ngành BVTV là chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng nguyên tắc 4 đúng gồm : Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

1. Nguyên tắc sử dụng đúng thuốc: Khi sử dụng thuốc BVTV cần phải biết rõ loài sâu bệnh cần phòng trừ, tham vấn ý kiến cán bộ chuyên môn BVTV hoặc cán bộ nông nghiệp địa phương. Ưu tiên lựa chọn sử dụng các loại thuốc có tác động chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, động vật máu nóng. Cần chọn mua những loại thuốc an toàn với cây trồng, ít gây hại với người tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú ý khi mua và sử dụng thuốc diệt cỏ.

Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Không sử dụng thuốc cấm.

2. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng: Đúng nồng độ, liều lượng bao gồm lượng thuốc và lượng nước pha trộn để phun trên một đơn vị diện tích cây trồng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật. Tùy tiện tăng nồng độ thuốc lên cao sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng, cây trồng vật nuôi, môi trường và làm tăng chi phí, hoặc phun ở nồng độ quá thấp sẽ làm cho sâu bệnh lờn thuốc, kháng thuốc, tạo nguy cơ bùng phát dịch. Phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay. Phải phun hết lượng thuốc đã pha trộn, không để dư thừa qua hôm sau hay lần sau.

3. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng lúc: Phun thuốc vào thời điểm sâu bệnh dễ bị tiêu diệt, phun ở giai đoạn tuổi nhỏ đối với sâu và ở giai đoạn đầu đối với bệnh. Phun vào lúc trời râm mát, không có gió to để thuốc tiếp xúc bám dính tốt hơn trên bề mặt lá. Hạn chế phun lúc cây đang ra hoa. Phun thuốc khi trời nắng nóng sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc hoặc trời sắp mưa có thể làm rửa trôi thuốc. Không phun thuốc vào thời điểm sắp thu hoạch (thời gian cách ly tùy thuộc từng loại thuốc, thường có khuyến cáo thời gian trước thu hoạch). Phun khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh đạt đến ngưỡng gây hại kinh tế. Để phun thuốc đúng lúc, người trồng tiêu cần tham vấn cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để được hướng dẫn, xác định.

4. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng cách :

a/- Trước khi phun thuốc: Cần phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người phun như quần áo lao động, mũ, kính, khẩu trang, bao tay, ủng ; chuẩn bị dụng cụ pha thuốc như ống đong, cân, xô pha thuốc, que khuấy và bình phun thuốc đã được kiểm tra không bị rò rỉ. Sử dụng thuốc còn trong bao bì an toàn. Nơi pha thuốc phải gần nơi cần phun, xa nguồn nước sinh hoạt, xa chuồng trại gia súc gia cầm.

Khi pha thuốc, bà con cần dự tính trước lượng thuốc và lượng nước cần dùng để pha. Cho vào bình khoảng nửa lượng nước rồi đổ thuốc vào và khuấy kỹ, sau đó tiếp tục cho nửa lượng nước còn lại vào và khuấy để thuốc phân tán đều trong nước. Không tự ý phối trộn nhiều loại thuốc BVTV với nhau, vì hỗn hợp này có thể phản ứng làm gia tăng hiệu lực thuốc nhưng cũng có nhiều trường hợp sẽ làm giảm hiệu lực thuốc, hoặc phản ứng gây cháy nổ, gây độc hại cho cây trồng vật nuôi và cho người sử dụng. Do đó chỉ phối trộn thuốc nếu đã nắm chắc, theo hướng dẫn trên bao bì hay hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và thuốc đã phối trộn phải được sử dụng ngay.

Thông thường, phối trộn hai hay nhiều loại thuốc trong cùng một lần phun sẽ cho hiệu quả cao hơn. Nhưng nhiều bà con nông dân chưa hiểu rõ nguyên tắc phối trộn mà đã tùy tiện phối trộn thuốc BVTV nên không chỉ hiệu lực phòng trừ sâu bệnh thấp mà còn làm tăng nguy cơ ngộ độc.

Khi phun thuốc, phải hướng vòi phun vào đúng vị trí gây hại của từng loại sâu bệnh để cho tia thuốc tiếp xúc được nhiều nhất với sâu bệnh. Không đi ngược chiều gió khi phun.

Tuyệt đối không ăn uống, hút thuốc, không dùng tay sờ vào bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhất là đối với mắt sẽ rất nguy hiểm.

b/-Sau khi phun thuốc: Quần áo, các dụng cụ lao động, bình bơm thuốc phải được rửa sạch sẽ và phải được cất giữ trong kho riêng cùng với nơi lưu chứa thuốc BVTV của gia đình. Không trút đổ thuốc dư thừa, nước rửa bình bơm ra nguồn nước sinh hoạt của cộng đồng. Tuyệt đối không được dùng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã dùng vào mục đích bất kỳ nào khác, phải hũy và chôn những bao bì này ở xa nguồn nước sinh hoạt và khu dân cư.

*Để giúp bà con sử dụng thuốc BVTV có hiệu quả cao và an toàn đối với cây trồng vật nuôi, đồng thời kiểm soát được tác hại ngược lại do quá trình phối trộn, xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

– Chỉ phối trộn các loại thuốc BVTV thuộc các nhóm gốc khác nhau mới có hiệu quả cao như: thuốc nhóm lân phối trộn với nhóm các ba mát, lân + cúc, các ba mát + cúc, các ba mát + điều hòa sinh trưởng, thuốc vi sinh phối hợp với gốc lân hoặc cúc.

– Chỉ nên phối trộn thuốc có các tác dụng khác nhau như tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, lưu dẫn.

– Chỉ nên phối trộn thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu với thuốc trừ cỏ, trừ cỏ với phân bón.

– Không phối trộn thuốc trừ bệnh với phân bón qua lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng.

– Không phối trộn thuốc trừ sâu vi sinh với thuốc trừ bệnh có nguồn gốc chất kháng sinh…

– Không phối trộn thuốc trừ sâu, trừ bệnh với các thuốc gốc đồng như Coc 85, Coper B, Boocdo… Vì thuốc gốc đồng thường có tính kiềm cao, trong khi đó thuốc trừ sâu, trừ bệnh lại có tính acid. Khi pha trộn với nhau chúng sẽ trung hòa làm giảm hiệu lực thuốc.

Để biết chắc chắn hơn bà con nên pha thử trước, bằng cách lấy một ít thuốc nguyên chất loại này pha với lượng tương đương thuốc loại kia trong một cốc sành, sứ, thủy tinh, nhựa, dùng que khuấy nhẹ cho hòa tan, chú ý không dùng dụng cụ kim loại. Sau 3 – 5 phút, quan sát nếu thấy có hiện tượng kết tủa bên dưới, đóng váng trên bề mặt, bốc khói tỏa nhiệt, sủi bọt hoặc biến đổi màu bất thường thì không nên pha trộn các loại thuốc đó với nhau để phun cho cây trồng.

Nếu đã khẳng định trộn được 2 loại thuốc với nhau thì cách pha chế như sau: Cho vào khoảng hơn nửa bình nước rồi lần lượt cho đủ lượng thuốc thứ nhất vào bình và khuấy loãng, sau đó tiếp tục cho lượng thuốc thứ hai vào rồi thêm nước cho đầy bình và khuấy đều, đủ lượng nước mình cần pha (hoặc lượng thuốc thứ hai có thể khuấy loãng riêng rẽ rồi mới đổ chung vào bình). Lưu ý không cho thuốc vào bình khi trong bình chưa có nước và không nên cho 2 loại thuốc vào cùng một lúc, nồng độ của mỗi loại thuốc phải giữ nguyên như khi dùng riêng rẽ. Sau khi pha phải phun ngay.

Để sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh hại tiêu đạt hiệu quả cao, bà con cần hiểu và tuân thủ các nguyên tắc 4 đúng của ngành BVTV giúp cho vườn tiêu của mình đạt năng suất cao.

Giatieu.com

98 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Thấy nhiều cây bị rệp sáp gốc, tức tốc mua 3lit FM-TOX (CYPERMETHRIN), trộn bồn 1000lit, Đổ gốc, 1 gốc 3l, 30 cây đã ra đi, héo khô đọt và chết từ ngọn xuống, đau !

    • Chào bạn @MUF.
      Hoạt chất CYPERMETHRIN cực độc, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh nên hầu như ở nước ngoài chỉ sử dụng có kiểm soát mà ít phổ biến trong thương mại…
      Bạn trộn 3 lít thuốc FM-TOX cho bồn 1.000 lít là vi phạm nguyên tắc sử dụng thuốc quá liều và bạn đổ gốc là vi phạm nguyên tắc sử dụng không đúng cách vì thuốc sâu chỉ dùng để phun chứ không đổ gốc (cách sử dụng thường có ghi rõ trên bao bì). Bạn đổ gốc và với nồng độ cao nên đã làm cháy rễ non. Theo tôi, bạn tưới thêm nước như tưới cho cà phê để làm loãng thuốc thì may ra có thể giảm bớt thiệt hại chăng.
      Chỉ một chút chủ quan mà đau xót thật !

    • Cảm ơn anh Vịnh, lần sau rút kinh nghiệm khó quên này. Tại con mắt tèm nhèm, đọc sai liều lượng anh Vịnh ơi. Ngày đó tụi nhỏ đi học hết ko nhờ ai được, đúng ngày cái mục kỉnh hư, thật họa vô đơn chí. May mà mới… 30 chục bụi tiêu trồng hồi tháng tư, mấy cây tiêu lớn ko sao cả, hú hồn, lỡ… không biết ăn ngủ làm sao!

  2. Dùng thuốc 4 đúng của cây tiêu khó quá. Những cây khác có sai thì khó thấy. Còn cây tiêu mà sai thì nhìn ra ngay

  3. chú Vịnh cho cháu hỏi ba cháu mua boocđô pha sẵn 5% đồng 10% vôi trong 1 lit dung dịch. Cái này dùng phun cho tiêu trừ thán thư có được không. Cháu xin cảm ơn, chúc chú sức khỏe.

    • Chào @Nguyễn Hoàng
      Cháu kiểm tra kỹ lại nhé, do chú không chú ý sản phẩm boocdo bán sẵn mà thường tự pha để dùng. Pha nồng độ boocdo 1 % dùng để phòng trừ tất cả các loại bệnh nấm. Pha 1,5 – 2 % dùng hạn chế khi bị nấm quá nặng. Pha 5% chỉ dùng để quét trực tiếp vào vết lở loét, xì mủ… Xịt lên lá không pha quá nồng độ 1 % vì có thể làm rụng lá, cháy lá… Cháu đọc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thành phần ghi trên bao bì, có thể loại ba cháu mua là hỗn hợp chăng?
      Thân

  4. Chào các bạn.
    Mùa mưa vừa rồi tiêu nhà tôi đã nhiễm bệnh chết nhanh. Qua những đợt chữa trị, tôi mới hiểu và rút ra được kinh nghiệm. Hầu hết những thuốc đặc trị đều tốt. Nhưng tiêu của chúng ta vẫn bị chết là do các biện pháp canh tác, chăm sóc chưa hẳn đúng kỹ thuật, làm bệnh rễ bị nhiễm. Nhiễm bệnh rồi thì chủ yếu khi dùng thuốc không được 4 đúng. Nhà tôi cũng bị chết một số trụ là vì sai 1 đúng. Đó là đúng lúc. Những cây đã nhìn thấy nặng hầu như là không chữa được. Một số cây mới bị vài lá ở trên phần ngọn cắt đón xuống dưới và phun tưới kịp thời đã khỏi. Có 3 cây bị vài lá ở trên ngọn, do cao quá phun không tới và cũng không cắt thì phần dưới phun được thì tán lá vẫn xanh còn phía trên không phun thì chết khô như cắt dây, cả 3 cây giống nhau. Nhưng tới gần đây bệnh lan từ trên theo thân xuống tới gốc dù tán lá phía dưới vẫn xanh…
    Điều đó đã chứng minh cho tôi thấy nấm phytopthora rất dễ bị tiêu diệt khi đã tiếp xúc với thuốc. Còn tiêu của chúng ta có qua được đại dịch này hay không thì ta phải có đủ 4 đúng.
    Làm bác sĩ của cây tiêu thật khó. Một vài chia sẻ mong các bạn tham khảo!

  5. Nông dân thì ít có ai biết được thuốc nào ra thuốc nào lắm các bác ạ. Toàn là bị sao thì họ lên đại lý nói triệu chứng thì họ đưa gì lấy đó thôi.

  6. Chào bác Vịnh cháu pha được 1 lít boocdo 1% vậy cháu phải pha bao nhiêu lít nước để xịt. Xin bác chỉ giùm

    • Bạn pha theo liều lượng như thế nào mà được 1 lít boocdo 1% vậy?

  7. Chú Vịnh ơi, tiêu của cháu mới ra bông. Phát hiện có sâu, cháu nên dùng loại thuốc nào ạ. Thuốc Wavotox 585EC có dùng được ko vậy chú? Chúc chú khỏe.

    • Chào cháu. Wavotox 585 EC của Việt Thắng. Dùng tốt.
      Pha đúng liều lượng khuyến cáo, phun vào chiều muộn, trời mát, đỡ gây hại lên bông non.
      Thân

  8. Bác Nguyễn Vịnh cho em hỏi ? Bài viết có nói “Chỉ nên phối trộn thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu với thuốc trừ cỏ, trừ cỏ với phân bón: . Ở chỗ em người dân thường pha trộn thuốc trừ sâu rầy với phân bón lá vậy có làm cây tiêu bị yếu không ah, có giảm chất lượng phân và tác dụng diệt sâu rầy không ah, em cảm ơn nhiều.

    • Phần lớn các trường hợp cả phân bón lá lẫn thuốc BVTV đều bị giảm chất lượng, nhất là các loại phân bón lá có gốc hóa học.
      Trong trường hợp cần thiết phải pha chung, bà con pha loãng riêng rẽ trước, sau đó đổ dung dịch thuốc vào dung dịch phân, đổ từ từ để theo dõi. Nếu có phản ứng hóa học xảy ra như sinh nhiệt, bốc hơi, sủi bọt, kết tủa… thì dừng ngay lại.
      Thông thường, chỉ pha thuốc BVTV với phân bón lá có N thấp hoặc N = 0. Nhà sản xuất phân bón lá thường kèm theo khuyến cáo.

  9. Anh Vịnh ơi, tôi có nghe nói trồng tiêu trên trụ bê tông sợ gió bão nên dùng kẽm liên kết các trụ lại với nhau. Đến đầu mùa mưa có những cơn mưa giông sấm sét, mang kẽm giăng trên đầu trụ hút sét sinh ra hiện tượng cháy cả vườn tiêu, phải không anh? Vườn nhà năm thứ hai cũng muốn liên kết lại với nhau nhưng sợ quá. Mong anh cho ý kiến giúp dùm. Cảm ơn anh. Chúc anh sức khỏe.

    • Muốn cháy thì phải có lửa, còn bị sét đánh làm cháy cả vườn mình chưa nghe bao giờ. Cột dây liên kết giúp trụ cũng vững hơn khi gió mạnh, nhưng nếu bị bão xô đổ thì sẽ đổ hết cả vườn… Trồng xen trụ sống để néo sẽ đỡ nhiều thứ nữa.

    • Trồng trụ bê – tông cần buộc dây kẽm liên kết với nhau ở trên đỉnh để hạn chế đổ ngã khi tiêu phủ trụ gặp lúc mưa to, gió lớn. Những hàng trụ ngoài và một số trụ giữa cần néo dây xuống đất như cột ăng ten viễn thông tránh hiện tượng đổ ngã dây chuyền như đô-mi-nô. Nếu có sét thì cũng không lo vì đã có hệ thống tiếp địa rồi.

  10. Xin chào các anh chị, em muốn hỏi là ảnh hưởng của thời tiết đến việc phun thuốc bảo vệ thực vật ak… Em xin cảm ơn !

  11. Đúng cách như trình bày là chưa đúng. Theo tôi Đúng Cách là phải hiểu kỹ thuật phun. Ví dụ phun rầy nâu thì phải phun xuống phía dưới. Phun bọ trĩ, cuốn lá thì phải phun trên lá. Phun thuốc trừ cỏ thì đầu vòi phải thấp và tập trung vào gốc cây (ngô, mía, cây ăn quả, cây công nghiệp,…), v.v… Có gì sai xin được bỏ qua.

  12. Đa số bà con hay pha thuốc phun xịt, ngay cả tôi thì cho ít nước vào bình, trực tiếp đổ các loại thuốc vào và đổ nước cho đầy bình rồi đem phun (giả thiết thuốc sd trị đúng bênh) nhưng hiệu quả k tối đa.
    Tôi đc biết nếu cho ít nước vào trước rồi cho thuốc vào khuấy để 10, 15 phút cho thuốc phản ứng hóa học thì hiệu quả tăng lên hơn mức ban đầu. Xin cho ý kiến?

  13. Chào các bác, các chú và mọi người, tiêu nhà em đã sử lí thuốc gốc đồng khi làm bông mà nay tảo đỏ, địa y, đốm lá vẫn nhiều. Em đang định phun tiếp thuốc gốc đồng, nhưng vào thời điểm này tiêu mới đậu trái không biết xịt có ảnh hưởng đến trái tiêu không? Xin mọi người tư vấn có loại thuốc nào hiệu quả hơn, xin cảm ơn nhiều.

    • Có thể do bạn dùng thuốc chưa đủ đô hoặc gặp thuốc ko đảm bảo chất lượng…
      Phun thuốc gốc đồng lúc này dễ làm chai bông, hạt không lớn…
      Dùng thuốc có các hoạt chất như Hexaconazole, Mancozeb+Melataxyl… trừ nấm sẽ hiệu quả hơn.

  14. Cảm ơn Ngok đã tư vấn cho mình nhưng xin hỏi Ngok thêm một vấn đề, thật ra tiêu nhà mình lúc này tuy có các loại nấm đó nhưng không nhiều mà như bạn nói dùng thuốc lúc này sẽ ảnh hưởng đến bông, trái vậy ta có thể chờ thu hoạch xong thì xử lý bệnh bạn thấy thế nào cho mình ý kiến nhé chúc bạn sức khỏe thân.

  15. Chào phạm bá khương !
    Thuốc gốc đông lúc này và sau nữa vẫn không thể dùng ; cho tới lúc thu hoạch xong.
    Còn các loại bệnh trên cành lá ! Nếu bạn thường xuyên xịt phân bón lá – thì 200 năm nữa nó vẫn nhởn nhơ. Muốn trị được nó – phải cai phân bón lá khá lâu !

    • Cám ơn chú Ba, cho cháu hỏi thêm là vì sao mình phải cai phân bón lá? Cháu thấy thường khi tiêu bị nhiễm bệnh suy yếu thì mình phun thêm phân bón lá để hỗ trợ cho tiêu mau hồi phục. Mong chú chỉ bảo thêm, cháu cám ơn.

  16. Chào cháu Thanh Tuan !
    Ăn được, ngủ được là tiên … dinh dưỡng cho sinh vật sống theo đúng lẽ tự nhiên thì khỏe mạnh.
    Như con người ta – khi phải truyền máu, truyền dịch qua tĩnh mạch thì nằm ở đâu ? GẦN ĐẤT XA TRỜI
    Canh tác công nghệ cao cũng chẳng thấy ai vặt rễ cây bỏ đi !
    Các loại vi nấm, tảo gây hại trên tiêu vòng đời ngắn – Bù lại, nó phát triển cực nhanh. Nếu chăm sóc nó thường xuyên bằng phân bón lá nó còn nhanh hơn nữa, nhanh hơn gấp hàng chục lần cây chủ!
    Học, Đọc,…nhiều hơn nữa – có thời gian trải nghiệm cháu sẽ thấy !
    Thân chào cháu !

    • Nói chung là rất có hại cho sức khỏe người ở trong nhà.
      Mức độ nguy hiểm thế nào còn tùy vào loại thuốc sâu hoạt chất gì…

    • Sao lại không được ! Nhưng chỉ phun khi đã thụ phấn xong hay đã đậu quả non.
      Chú ý không phun quá liều chỉ định và không phun thuốc trị nấm gốc đồng.

    • Nên chọn phun phân sinh học như biosol nhờ các chất sinh trưởng.
      Chú ý tránh phun các chất hóa học để khỏi gây hại bông non…

  17. Các chú cho cháu hỏi tiêu nhà cháu phun thuốc trừ sâu trộn với phân kali bị rụng lá rụng quả, phun sáng ngày thứ 5 là quả bắt đầu rụng. Cho cháu hỏi bây giờ cháu phải làm những gì ạ.
    Mong sớm nhận được tin từ các chú. Cháu cảm ơn nhiều ạ

    • Rụng quả là còn may. Rụng hết chồi non, đọt non nữa mới biết, cứ pha trộn lung tung …
      Không có cách nào ngoài phun nước vôi loãng, vài giờ sau đó phun sinh học biosol để giải bớt độc tố do hóa chất gây ra…

    • Cũng có thể được hoặc không được tùy vào loại phân thuốc sử dụng để pha chung.

    • Đã pha chung thì chắc chắn có phản ứng hóa học xảy, phần đa là bất lợi.
      Chỉ pha chung khi nào biết rõ, còn không thì nên xài riêng cho an toàn, “lợi bất cập hại”.

  18. Cho tôi xin hỏi: Sau khi phun thuốc trừ sâu cho cây mía cần cách ly bao lâu. Tôi mới phun có 4 ngày em dâu tôi không biết nên đã chặt ăn (em dâu tôi đang mang bầu gần 3 tháng), có bị làm sao không và nếu ảnh hưởng thì phải làm gì (sau khi ăn không có triệu chứng ngộ độc). Mong chuyên gia giải đáp giúp. Xin chân thành cảm ơn!

    • Khẩn cấp đưa xuống BV để xử lý chống độc. Tuy nhiên hy vọng cô em dâu róc bỏ vỏ sẽ giảm bớt độc hại. Sau 4 ngày là đã giảm độc hại khá nhiều rồi.
      Thời gian cách ly tùy theo loại thuốc, thường khoảng 2 tuần !

  19. Cháu chào chú Nguyễn Vịnh và toàn thể các cô bác anh chị trong diễn đàn.
    Hiện nay cháu có 1 vườn điều nhưng bị nấm hồng ăn quá mạnh, cháu đã trị được năm hồng nhưng hình như do nấm đã quá nặng nên hiện nay cả vườn khô cành khô thân chết dần. Xót ruột vô cùng.
    Cầu mong sự chỉ giúp của chú Nguyễn Vịnh cùng các cô bác anh chị.
    Xin chân thành cám ơn.

    • Không rõ bạn căn cứ vào đâu để cho rằng bệnh nấm hồng đã trị được trong khi cây vẫn tiếp tục khô cành khô thân chết dần.
      Bạn chụp vài tấm hình thật rõ, gửi về email bác Nguyễn Vịnh để xem xét thêm bạn nhé.

  20. Thưa chú ! Nhà con trồng rau và hoa, bị rất nhiều con trùng màu trắng nhỏ xíu ở dưới đất làm chết cây trồng, con đã phun nhiều loại thuốc trừ sâu mà không hết. Xin chú chi giúp con !

    • Nếu không xác định đó là con gì thì bạn chụp hình gửi về cho diễn đàn, để cộng đồng trông thấy cụ thể mới giúp bạn được.

  21. Chào cộng đồng, có bác nào sử dụng máy phun mù nhiệt chưa? hiệu quả không? Em đang muốn mua mà cứ phân vân mong ai đi trước chỉ giáo giùm. Bữa trước thấy bác Ba hỏi mua máy sử dung có hiệu quả không? mong dược tư vấn em xin cảm ơn.

  22. Thân chào @ buivan !
    Khi mới nghe – xem thấy thích ! Nhưng bình tĩnh trở lại suy diễn theo lối thông thường , theo khoa học thì bác Ba thấy nó không thông dụng , không phổ thông , không thể có hiệu quả như ý.
    – Thứ nhất – nước ta khí hậu gió mùa – mùa nào gió đó ! gió cả ngày. Do vậy mà khi phun – thuốc chưa phát huy được tác dụng đã bị gió đuổi đi rồi !
    – Thứ hai – 100 % thuốc BVTV hiện nay là phải pha với nước trước khi phun – nước giúp cho thuốc bám dính, lưu giữ, lưu dẫn để phát huy tính tối ưu của mỗi loại thuốc …!
    Bác Ba thiển nghĩ – Không thể dùng máy này thay thế máy phun thuốc BVTV chuyên dụng.
    Thân !

    • Tùy theo loại thuốc có hoạt chất gì, của nhà sản xuất nào, liều lượng, cách thức bạn sử dụng để diệt rệp… Bạn nêu quá sơ sài, không có cở sở cụ thể nào để tư vấn giúp cho bạn !

  23. Do diện tích vườn hoa ít do vậy tôi hoà thuốc trừ sâu với một lượng nước theo tỷ lệ đã hướng dẫn để trong chai lavi, khi nào dùng lại pha thêm nước để dùng được không ạ, rất mong tư vấn giúp tôi, trân trọng cảm ơn.

    • Thuốc BVTV pha chế đủ dùng, không pha thừa để qua hôm sau… Sẽ bị bay hơi, mất chất !

  24. Em có trồng ít chanh dây, đang thời kỳ ra hoa cho quả. Xin hỏi nên xịt thuốc nấm gì mà không bị cháy hoa.

    • Dùng thuốc trị nấm không có chất cồn (nhóm OH), tuyệt đối không pha quá liều và chỉ phun vào lúc chiều muộn.

  25. Khi pha thuốc xong chủ yếu là phân bón lá nhưng vì việc bận mà không phun liền được thì thời gian để được bao lâu ngoài môi trường và những loại thuốc khác như thế nào xin cảm ơn!

    • Còn tùy theo từng loại phân thuốc, cách pha trộn và dụng cụ chứa đựng khác nhau sẽ có kết quả các nhau. Hy vọng bạn đọc kỹ bài viết sẽ rút ra kết luận cho từng trường hợp cụ thể…
      Với phân bón lá thường bị mất chất (nitơ – đạm) vì bay hơi.

    • Hầu hết phân bón lá đều có chất cồn (OH) để lá cây dễ hấp thụ nên cũng rất dễ bay hơi.
      Nếu đậy thật kín, ngăn chặn được hiện tượng bay hơi thì cũng không nên để quá 24 giờ.

  26. Xịt thuốc xong 30 phút thì trời mưa to. Như vậy có hiệu quả không ạ. Có cần xịt lại nữa không?

    • Bạn không nói xịt thuốc gì, để làm gì… thì tư vấn kiểu gì đây ?
      Có lẽ, trừ thuốc diệt cở, nói chung bạn cần xịt lại để thuốc tác dụng hiệu quả hơn…

  27. Cho cháu hỏi phun thuốc trừ sâu không mùi ở đồng ruộng cách nhà khoảng 100m có hại không ạ. Có cách nào giảm tác hại không ạ. Nhà cháu lại có phụ nữ mang thai nữa ạ.

    • Rất nguy hiểm !
      Tốt nhất là bỏ đi chơi đâu đó, sau khi phun vài giờ mới trở về…

  28. Cho em hỏi thuốc diệt nấm nói chung khi tác dụng nhiệt dùng trong máy phun khói diệt côn trùng có bị giảm tác dụng của thuốc không ạ?

    • Tùy theo sự tác động của loại thuốc mà bạn sử dụng. Mỗi loại thuốc thường có tác động riêng như tiếp xúc, xông hơi, lưu dẫn, xua đuổi…
      Bạn tìm hiểu ở các bài Đặc điểm của nhóm thuốc… để sử dụng đạt hiệu quả cao nhất !.

  29. Máy phun khói không dùng để phun thuốc bvtv. Hầu hết các loại thuốc bị biến đổi chất khi có tác động của nhiệt không bình thường! Tốt nhất là trả cho nó về với sân khấu.

    • Chỉ phù hợp với các loại thuốc tác động xông hơi, xua đuổi, chứ không phải loại nào cũng phun được.

  30. Thuốc trị sâu cuốn lá với trị rầy nâu và thuốc trị khô vằn có trộn chung với nhau được không ạ…

  31. Chào bác, tiêu cháu mới ra trái non nhưng bị bệnh tảo đỏ nặng quá.
    Giờ cháu xịt coc85 có ảnh hưởng đến trái không ạ, cần gấp câu trả lời ạ.

    • Bạn có thể dùng Metaxyl, Mancozeb, Carbenzim hay Hexaconazole… tùy chọn.
      Nhưng tuyệt đối không dùng các loại thuốc có gốc đồng khi cây đang nuôi trái, sẽ làm rụng chuỗi !

    • Cũng còn tùy loại thuốc hoạt chất gì nữa…
      Nói chung thuốc trừ sâu hạn chế pha chung với thuốc trị bệnh, sẽ làm giảm hiệu quả.

  32. Em mua tervigo đỗ cho cà phê và tiêu thì cửa hàng đưa thêm carbosulfan bảo trộn chung, hỏi như vậy có được không?

    • Ăn phở mà cho thêm nước bún bò vào hay ngược lại thì cũng không sao.
      Vấn đề là bạn có thích ăn như vậy không mà thôi !

    • Bất kỳ sự phối trộn nào cũng xảy ra phản ứng hóa học.
      Lợi hay hại còn tùy theo các chất muốn phối trộn.
      Nhưng thường là lợi bất cập hại !

  33. Cám ơn anh chị đã phản hồi, tại vì tervigo là thuốc sinh học mà trộn với hóa học em thấy kỳ kỳ…

  34. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gần 1 tỷ USD thuốc trừ sâu nhưng hầu hết là chất lượng thấp, tác dụng kém, kết quả phòng trị không cao…
    Khắp nơi hồ tiêu chết la liệt thì đủ biết đất đai, môi trường ô nhiễm đến cỡ nào !

  35. Cho cháu hỏi, vào thời điểm này mình có cần xử lý phân thuốc gì cho tiêu nữa không ? Cháu mới làm tiêu nên chưa có kinh nghiệm ạ…

    • Do không biết tiêu của bạn sẽ thu hoạch vào lúc nào nên tôi chỉ nói sơ…
      Theo tôi, bạn nên phun biosol hoặc canxibo để giúp chắc hạt, chín đều trước khi thu hoạch ít nhất khoảng 3 tuần và bón các loại phân gốc nếu có hiện tượng suy cây.
      Thu xong mới hồi phục, rửa cây, bón phân ủ hoai và vôi+lân chờ làm bông…

    • Lưu ý, bà con không được để tiêu bị suy khi thu hoạch, phải chống suy trước đó.
      Ngoại trừ có ý định sẽ chuyển đổi cây trồng ngay sau vụ thu hoạch…

  36. Phải thừa nhận đa phần nông dân đều lạm dụng hóa học, bất cứ một cây trồng nào có giá trị họ bất chấp sự nguy hiểm về lâu dài của thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian tiêu giá đang cao thì sử dụng nhiều, bây giờ lại thêm cây chanh dây. Có thể nói đây là một loại cây trồng có lượng thuốc mà nông dân sử dụng này là rất lớn. Tôi thấy mấy bác trồng xong chanh dây, rồi thì trồng cây khác đều khó lên được. Đây có thể nói đang là thời đỉnh điểm về hóa chất, sức khỏe con người đang bị đầu độc qua những bữa cơm.

  37. Luật nhân quả là có thật đấy các bác

    Ai phun thuốc hoá học nhiều thì khả năng người đó và gia đình bị ung thư cũng cao hơn người khác, cây trồng dễ chết hơn, khả năng cây chết, bể nợ, trắng tay cũng cao hơn.

  38. Chào các bác nếu phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng bị mưa sau đó mấy giờ thì thuốc không bị mất tác dụng.

    • Còn tùy loại nữa, mưa sau khi phun khoảng vài ba giờ phần lớn thuốc đã có hiệu quả.

  39. Chào các anh chị, cô chú.
    Tôi có vườn quýt hai năm tuổi đang có nhện đỏ và trứng nhện (mật độ 1-2 con/lá), đầu tuần này tôi sẽ dùng thuốc+chất bám dính để xịt trị nhện, đồng thời đã vào cuối mùa mưa tôi cũng muốn xịt thuốc nấm. Vậy xin hỏi thời gian giữa trị nhện và nấm là bao lâu để đảm bảo và nên xịt nấm bằng loại thuốc nào.
    Xin cảm ơn và chúc tất cả an lành.

    • -Rất nhiều loại thuốc hóa học trị nhện đỏ. Bạn nên chọn loại có tác dụng tiếp xúc và xông hơi sẽ hiệu quả hơn, như thuốc có hoạt chất Abamectin chẳng hạn.
      -Để trị nấm, khuyên bạn nên dùng xạ khuẩn streptomyces, là thuốc vi sinh vật, đỡ gây tác hại cho người sử dụng. Trên giatieu.com có giới thiệu. Bạn cách ly vài hôm là được.

  40. Chú cho cháu hỏi cháu xịt thuốc thán thư điều như ridomin vs antracol có nên xịt chung với thuốc sâu không ạ

    • Bạn xem kỹ hướng dẫn sử dụng có trên bao bì…
      Theo tôi nên xịt riêng, vì không biết sẽ xảy ra những phản ứng hóa học gì khi pha chung !
      Hoặc có thể pha chung từng ít một và theo dõi phản ứng…

  41. Bác ơi cho cháu hỏi nay cháu phun thuốc rệp trên cây cà phê được 3 tiếng thì trời mưa to, như vậy có còn tác dụng không ạ.

    • Thuốc cũng có hiệu quả tương đối. Bạn nên phun lặp lại sau vài hôm …

  42. Chào các cô chú, anh chị ạ,
    Mọi người cho cháu hỏi, vườn nhà cháu bị tuyến trùng rễ ở cà chua và khoai tây, cháu pha abamectin với kẽm đổ vào gốc được không ạ, và cây khoai tây bị chết xanh, cháu đã dùng validamycin mà không thấy giảm, mọi người cho cháu xin lời khuyên với ạ.
    Cháu cảm ơn.

    • Nếu bạn theo dõi diên đàn này nhiều hơn thì sẽ thấy.
      – Diễn đàn không khuyến khích pha trộn nhiều loại thuốc, vì không thể biết sẽ có phản ứng gì xảy ra, lợi bất cập hại.
      – Abamectin phòng trị côn trùng chích hút trên cây, khi sử dụng dưới đất hiệu quả không cao.
      – Diễn đàn sẽ không nhận định về 1 thương hiệu phân thuốc nào, hoàn toàn do bạn sử dụng đánh giá. Chúng tôi chỉ đưa ra lời khuyên, còn lựa chọn là ở bạn.
      – Với xu hướng sinh học hữu cơ bền vững, đảm bảo sức khỏe cho bà con dưới tác động tiêu cực của hóa chất bvtv, khuyên bạn nên dùng xạ khuẩn streptomyes để trị tất cả các loại nấm bệnh và tuyến trùng đất.
      Chúc bạn có sự lựa chọn hợp lý !

    • Sử dụng sản phẩm Forge SP, nó sẽ đáp ứng tất cả mong muốn của bạn đã nói ở trên.

  43. Anh cho hỏi VD pha thuốc trừ sâu có nồng độ 2g/l với thuốc trừ bệnh có nồng độ 2g/lít thì tổng lượng nước phối trộn là 2 lít nước phải không.
    Phối trộn 2 thuốc trừ bệnh vói nhau: Thuốc trừ bệnh A có nồng độ 2g/l và thuốc trừ bệnh B có nồng độ 4g /lít thì tổng lượng nước phối trộn là 2 lít phải không (giảm 50% nồng độ thuốc B? Các anh giúp tôi với vì mình chưa hiểu cách giả thích ở trên.

    • Bạn cho 2g thuốc sâu vào 1 lít nước khuấy đều, cho tiếp 2g thuốc bệnh vào chung 1 lít nước đó. Theo dõi, nếu thấy phản ứng bất thường như tỏa nhiệt, sôi, kết tủa… là thuốc bị hỏng.
      Trường hợp dưới: cũng chỉ 1 lít nước, cho lượng thuốc vào lần lượt như trên…

  44. Chào bác Vịnh cho tôi hỏi; cách đây 3 ngày tôi phun boocdo lên lá cây đào, hôm sau tôi phát hiện cây có nhiều rầy bay, tôi có thể phun thuốc trừ rầy được không…

    • Phun ngay sẽ giảm hiệu lực của thuốc rầy.
      Nên phun sau vài cơ mưa cho booc-do trôi đi đã.

    • Hầu hết thuốc trừ sâu chủ yếu ở dạng acid chua, trong khi booc-do nhiều chất canxi có tính kiềm, sẽ sinh ra phản ứng tự hũy. Không nên sử dụng hai loại hóa chất có độ pH trái nhau cùng một lúc.

Gửi phản hồi mới

(?)