Phân bón giả: Cuộc chiến chưa có hồi kết

, Giao Thương, Khuyến cáo, 12

Thực trạng phân bón giả, một trong những vấn đề đã và được các nhà quản lý, người dân quan tâm sát sao. Tuy nhiên, thông tin từ Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện thực trạng này vẫn diễn ra hết sức phức tạp và dần trở thành cuộc chiến không cân sức giữa một bên là các nhà quản lý, với một bên là các đơn vị sản xuất phân bón chưa được cấp phép.

Tòa đàm phân bón giả ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Sợ phân bón nhái hơn phân bón giả

Tại buổi tọa đàm “Phân bón giả tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” tổ chức mới đây, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 800 cơ sở sản xuất phân bón được cấp phép (1.600 công ty và 20.000 đại lý kinh doanh) bên cạnh hàng nghìn cơ sở, đơn vị sản xuất phân bón chưa được cấp phép…

Vì thế, thực trạng phân bón giả hiện vẫn diễn ra hết sức phức tạp, thậm chí có xu hướng năm sau tăng hơn năm trước. Thống kê cho thấy, nếu như năm 2015 các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý trên 4000 vụ vi phạm liên quan đến phân bón giả, thì năm 2016 con số này đã tăng lên trên 5.000 vụ vi phạm. Trong đó, có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được giải quyết bởi pháp luật còn nhiều kẽ hở.

Trước thực trạng này, ông Vũ Xuân Hồng – Phó TGĐ Công ty CP Supe phốt phát Hóa chất Lâm Thao cho rằng, hiện nay chưa có quy chuẩn để xác định sản phẩm, nhưng nhiều đơn vị sản xuất phân bón vẫn được cấp phép sản xuất, có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Vì thế, nhiều người dân không thể phân biệt được đâu là phân bón nhái, đâu là sản phẩm thật, chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra chất lượng cụ thể, thì mới phát hiện ra những điểm lệch chuẩn với quy chuẩn mà doanh nghiệp đăng ký trước đó.

“Vấn đề khó khăn với doanh nghiệp chân chính hiện nay không phải là việc đối phó với sản phẩm phân bón giả, mà chính là việc đối phó với các thương hiệu sản phẩm bị làm nhái và đó mới là vấn đề nhức nhối hiện nay. Bởi, nếu là sản phẩm giả thì đã có cơ chế, chế tài xử lý, nhưng sản phẩm nhái thì vẫn đang lách qua các khe “cửa hẹp” của pháp luật để tồn tại”, ông Hồng bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến của đại diện Công ty CP Supe phốt phát Hóa chất Lâm Thao, nhiều doanh nghiệp tại buổi tọa đàm cũng cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp lo lắng về việc phân bón nhái chứ không phải phân bón giả là bởi, hàm lượng chất dinh dưỡng có trong các sản phẩm phân bón nhái thường ít hơn so với thông số ghi trên bao bì, nhãn mác, khiến người dân không thể phân biệt và khi sử dụng sẽ ảnh hướng đến chất dinh dưỡng trong đất và làm cho đất khó hồi phục.

Đánh giá về vấn nạn phân bón nhái, giả đang tràn lan trên thị trường, ông Ngô Tiến Dũng, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, phân bón là mặt hàng quan trọng đối với nông nghiệp, vì đây là sản phẩm đảm bảo đến 80% năng suất cây trồng. Thế nhưng, việc người dân sử dụng phải phân bón giả, nhái sẽ làm cho đất mất chất dinh dưỡng, bạc màu và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình canh tác, cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước và cuộc sống, sinh hoạt của người dân…đồng thời làm lũng đoạn thị trường phân bón trong nước.

“Theo tôi nghĩ, hiện nay số cơ sở được cấp phép sản xuất phân bón ở Việt Nam là quá lớn và khó kiểm soát. Thiết nghĩ, chỉ cần khoảng 2 – 300 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này là hợp lý. Qua đó, nó không chỉ giúp vấn đề quản lý của các cơ quan chức năng phù hợp hơn, mà còn bảo vệ được chính các doanh nghiệp chân chính và người nông dân”, ông Dũng cho hay.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Trước thực trạng nạn phân bón giả, nhái vẫn đang hoành hành trên thị trường, tại buổi tọa đàm nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chế tài chưa đủ mạnh và chưa chặt chẽ. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, khiến cho “cuộc chiến” của các nhà quản lý với vấn nạn này càng trở nên khó khăn hơn…

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, hiện nay việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm sản xuất, lưu hành phân bón giả, nhái mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp vi phạm trở nên “nhờn luật” và làm hỏng ngành phân bón Việt Nam. Do đó cần thiết phải xử lý theo pháp luật và quy trách nhiệm.

Đưa ra quan điểm của mình, Luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, để chấn chỉnh vấn nạn này thì các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh hơn như: Tăng mức xử lý vi phạm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu sự việc đặc biệt nghiêm trọng. Có như vậy cơ quan nhà nước sẽ quản lý tốt hơn, doanh nghiệp làm ăn chân chính hơn và người dân đỡ thiệt hại hơn.

Đánh giá về vấn nạn trên, ông Hồ Quang Thái – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho hay, vấn nạn phân bón giả, nhái không phải bây giờ mới được quan tâm mà nó đã diễn ra từ rất lâu… Tuy nhiên, hiện vấn đề quản lý phân bón đang có nhiều kẽ hỡ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến các quy chuẩn về chất dinh dưỡng có trong phân bón và đó là một trong những lý do khiến cho vấn đề xử lý phân bón nhái, giả ngày một khó khăn hơn.

12 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nói theo lời các vị thì nạn phân bón giả xảy ra rất lâu rồi, nhưng nay mới tọa đàm.
    Chắc là tọa đàm rất lâu nữa mới tìm ra được giải pháp.
    Tìm ra giải pháp rồi… bà con nông dân chịu khó… đợi nhiệm kỳ sau nhé !
    Cầu mong tiêu ơi, tiêu đừng “tiêu” vì phân bón giả !

  2. Tôi nghe nói ông sếp Trung tâm 3 cấp chứng nhận hợp quy phân bón tá lả bị công an sờ gáy rồi mà. Từ từ rồi sẽ đến phiên khác…

  3. Nguyên nhân, vấn nạn phân bón giả, phân bón nhái đã được các cơ quan hữu quan của Nhà nước nhìn nhận ra, thậm chí nhìn nhận ra từ khá lâu rồi.
    Hậu quả thì cũng đã được xác định:
    Trực tiếp ảnh hưởng đến những doanh nghiệp SX phân bón chân chính;
    Người tiêu dùng là nông dân bị thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nhất;
    Và nhất là: ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sinh thái cho thế hệ này và nhiều thế hệ con cháu mai sau…
    Cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được, thất thu ngân sách, lũng đoạn thị trường…
    Theo bài viết nêu trên thì tựu trung vào các nguyên nhân chính sau đây:
    1. Pháp luật vẫn còn nhiều ke hở: Pháp luật là do con người xây dựng ra, phát hiện còn kẻ hở thì xây dựng bổ sung, điều chỉnh bịt kín các kẻ hở đó tại. Trong quá trình thực thi pháp luật nếu phát hiện thì tiếp tục bịt kín, không một văn bản Pháp luật nào ngay từ đầu đã hoàn chỉnh, sai thì sửa vậy thôi.
    2. Chưa có quy chuẩn để xác định sản phẩm phân bón: Thì đi mà xây dựng, ban hành, áp dụng hệ thống quy chuẩn, nếu không đủ trình độ xây dựng thì thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài, quá đơn giản phải không?
    3.Nhưng nhiều đơn vị sản xuất phân bón vẫn được cấp phép sản xuất, có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy: Đã chưa có hệ thống quy chuẩn thì cơ sở nào mà cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Ai cấp, cơ quan nào cấp, mục đích của việc cấp là gì? Xử lý trách nhiệm của họ ra sao?
    Đừng nói nhiều nữa, hãy làm đi rồi mọi việc sẽ từng bước được giải quyết theo hướng tốt đẹp hơn.
    Cảm ơn vì đã đọc

  4. Trời đất ơi, tôi có 1500 cây tiêu đang còn xanh mướt mà chỉ bon hết 6 bao lân Văn Điển được một tuần thôi chết cháy cả vườn. Xã hội ngày nay khó sống rồi thuốc bảo vệ thực vật cũng hàng loạt thuốc giả. Làm ăn khốn khổ mà toàn bị diệt thì khỏi sống làm ăn nữa. làm cướp thôi bà con…

    • Mấy ngày trước bạn nói tiêu bị bệnh vàng hết rồi…, xanh đâu nữa mà mướt ?
      Tiêu bị bệnh không lo chữa mà còn tương phân vào nữa, không chết mới là lạ đó !
      Chết vì phân làm cho bệnh bùng phát mạnh hơn thì có, chứ không chắc do phân VĐ dỏm đâu.

    • Mình nghĩ bạn chưa cố gắng nâng cao kiến thức trồng trọt, cách lựa chọn phân thuốc để mua… chắc chắn sẽ hạn chế phần nào các tiêu cực do thị trường gây ra.
      Không quá khó như bạn nghĩ đâu !
      @ Ngok nói đúng ! Xác định tiêu đã nhiễm bệnh, sao không lo chữa trị mà bạn còn bỏ phân… Để nuôi nấm bệnh à…

  5. Cứ bắt được phân giả thì xử lý hình sự, cho đi tù. Coi ai dám làm nữa không.
    Cứ phạt tiền đâu ăn thua…

  6. Phải có kẻ tiếp tay thì mới làm được hàng giả các bạn ơi.
    Họ phải có người đỡ đầu mới làm được mà nhiều xếp đều có cổ phần ở đó rồi.

  7. Môi trường sống của nông dân bao đời nay là phải cam chịu mọi sức chèn ép của hiện tượng khí hậu thay đổi, thiên địch gây nên mà còn bị gian thương đảo lộn… Đợi đến khi nào đó mà ta không còn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa thì người nông dân lúc đó mới tận hưởng quyền lợi của mình…nghe sao buồn quá !

Gửi phản hồi mới

(?)