Quảng Trị: Tiêu rụng lá vì giá rét

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 19

Trời rét khiến cây tiêu rụng lá hàng loạt.

Trời rét khiến cây tiêu rụng lá hàng loạt.

Đợt rét đậm kỷ lục vừa qua khiến 20% diện tích tiêu ở Quảng Trị bị rụng lá, ảnh hưởng đến năng suất.

Chiều muộn hôm trước, đi thăm con gái về đến nhà, bà Lê Thị Yến (80 tuổi, trú xóm Trằm, xã Gio Châu) không tin vào mắt mình khi thấy vườn tiêu 1.500 m2 rụng lá. “Lá tiêu rải khắp mặt đất, tôi bàng hoàng không biết là người hay trời hại. Nhìn xót ruột quá, chỉ biết ứa nước mắt”, bà Yến nói.

Tương tự, vườn tiêu 1.000 m2 của ông Hoàng Xuân Thí (trú thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) cũng bị rụng lá dày đặc khoảng 3 ngày nay. “Chỉ cần một trận gió nhẹ là lá rụng tả tơi và khoảng 20% trái tiêu bị rụng”, ông Thí nói và cho hay lần đầu tiên gặp hiện tượng tiêu rụng lá.

Theo ông Nguyễn Văn Thức, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gio Linh, hiện tượng tiêu rụng lá xuất hiện 3 ngày gần đây, trên tất cả xã trồng tiêu của huyện. Đợt rét đậm hôm 25/1 đã gây nên hiện tượng này với khoảng 20% diện tích bị ảnh hưởng. “Ban đêm nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C làm cây rụng lá và quả. Việc này chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất”, ông Thức nói.

Người nông dân thẩn thờ trước việc tiêu rụng lá.

Người nông dân thẩn thờ trước việc tiêu rụng lá.

Người trồng tiêu đang lo đợt rét kéo dài đến 7/2 tới đây sẽ ảnh hưởng đến cây. “Sau đợt rét vừa rồi, cây tiêu cần thời gian để hồi phục, nhưng nếu nhiệt độ ngoài trời tiếp tục dưới 15 độ C, cây sẽ bị mất sức và chắc chắn thiệt hại lớn”, ông Thức đánh giá.

Việc rụng lá nhiều, dẫn đến rụng đốt và gây chết cây. Đây là năm đầu tiên người trồng tiêu ở Quảng Trị gặp hiện tượng này do trời rét bất thường. Biện pháp cứu chữa duy nhất hiện nay là chờ nắng, bón phân bổ sung kali và vi lượng để cây phục hồi, với hy vọng trước mắt là giảm tỷ lệ chết.

Toàn huyện Gio Linh có gần 500 ha tiêu. Ngành nông nghiệp huyện đang thống kê diện tích bị ảnh hưởng để đề nghị hỗ trợ người nông dân.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
19 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Chào bà con.
    Tiêu rụng lá do nhiệt độ ngoài trời xuống thấp ; ngưỡng chịu lạnh của tiêu ở mức 7 độ C.
    Trời càng lạnh, mọi sinh vật đều cần được cung cấp thêm dinh dưỡng để chống chịu, cây tiêu không ngoại lệ. Lúc này có các loại phân như bánh dầu, đạm cá, phân chuồng ủ hoai hay phân sinh học để bón kịp thời để tăng sức, giúp tiêu ra lá non để nhanh chóng hồi phục.
    Tạm thời không sử dụng các loại phân hóa học bất kỳ, nhất là đạm với khối lượng nhiều.
    Quá trình xử lý có điều gì băn khoăn mong bà con phản hồi sớm.
    Thân

  2. Kính chào anh Vịnh. Tôi ở Vĩnh Linh trường hợp tiêu cũng như anh Sanh ở Gio Linh phản ánh tiêu rụng lá đồng loạt vào tối 29 tháng 1 cho đến hôm nay. Hiện tại tiêu mới chỉ rụng lá chứ chưa rụng quả. Hai hôm nay trời rét lại kèm mưa dầm chúng tôi chưa biết xử lý thế nào mong anh tư vấn giúp.
    Chúc anh và đại gia đình mạnh khỏe.

    • Chào @thái thược
      Khẩn trương bón phân để giúp cây tăng khả năng chống chịu và mau chóng hồi phục.
      Lá rụng là do lớp tế bào biểu bì bị hỏng, vượt ngưỡng chịu lạnh.
      Chú ý sử dụng các loại phân như đã khuyến cáo, hạn chế dùng phân hóa học.
      Thân

    • Chào các bạn !
      Tiếp lời Anh Vịnh – tôi xin góp ý về cách sử lý !
      Theo kinh nghiệm dân gian ; khi mạ bị lạnh thì sử dụng tro để bón. Vậy ! tôi thiết nghĩ – với tiêu – bón tro vào gốc, đồng thời – sịt các chế phẩm có tỷ lệ lân, kaly cao để chống chịu với nhiệt độ thấp.
      Hôm nay rụng lá ! 2 ngày nữa sẽ rụng quả dữ dội – bạn lưu ý. Làm càng sớm càng tốt để giảm thiểu thiệt hại.

    • Ý kiến của chú Trịnh Văn Ba bón tro, lân để giúp cây chống chịu giá rét theo kinh nghiệm dân gian là chính xác. Tuy nhiên bà con cần chú ý lân, tro bếp bón chống rét đều là hữu cơ chứ không phải phân vô cơ.
      Vả lại, muốn chống rét thì mình cần phải bón trước khi rét xảy ra.
      Điều bà con cần lúc này là hồi phục tiêu sau khi bị rét gây hại chứ không tiếp tục chống rét. Giúp tiêu ra lá non thay cho số đã rụng, không gì mau hơn đạm sinh học và một số chất dinh dưỡng khác nữa. Theo cháu dùng sinh học biogel+biosol lúc này là hợp lý hơn cả.

  3. Thông thường, giờ này tôi đã lên đệm, trùm chăn nghe đài. Nhìn hình thấy lá tiêu rụng dễ sợ !
    Thanh Hà nói cũng phải ! Cách làm thì nhiều ; nhưng miễn là “đã là mèo ắt phải bắt chuột” không tính màu lông – tôi chỉ muốn bà con mình dùng những thứ có sẵn, rẻ tiền tác dụng ngay, ai cũng biết ! Công dụng của sản phẩm trên như bạn nêu – rất tốt – nhưng không phải nơi nào cũng có sẵn !
    Phi cổ bất thành kim – Nghệ An có tuyết rơi là cực hiếm ! cho nên phương án phòng, chống = 0 ; nhất là với hồ tiêu thì nó đã ở ngoài vùng quy hoạch – không nói đến !
    Đáng tiếc ! Đáng tiếc !

    • Ý chú Ba chỗ này sao lại giống bố cháu vậy? Cụ cũng hay bảo “mèo nào cũng bắt chuột” mà không chấp nhận phân hữu cơ khác phân vô cơ, lại càng không khác với phân sinh học, phân vi sinh vật… Cụ luôn nói phân nào cũng là phân, để bón cho cây, không lẽ để “bón cho mày”. Cháu bótay.com luôn !
      Dù sao cháu cũng rất trân trọng kinh nghiệm cả đời làm nông của các cụ.

    • Kinh nghiệm làm nông bao đời nay của cha ông là vốn quý vô giá. Nhưng cũng chính nó là rào cản lớn nhất để các bạn trẻ tiếp cận và áp dụng những gì được học trong nhà trường.
      Suy nghĩ của Thanh Hà cũng giống tôi vậy. Mặc dù không còn trẻ như các bạn nhưng tôi vẫn thường bị các cụ mắng “trứng mà khôn hơn rận” mỗi khi làm gì trái ý các cụ. Tuy nhiên, tiến bộ của khoa học kỹ thuật vẫn là chân lý. Có như thế xã hội con người và nền nông nghiệp mới phát triển được. Bà con cần phải hiểu vì sao ngày nay người ta vận động, tuyên truyền, sử dụng thực phẩm sinh học (biology), hữu cơ (organic), ngay cả cám cho heo ăn cũng đã có Bio…
      Tiêu Quảng Trị đang bị tổn thương vì giá rét, bà con cần sử dụng các sản phẩm hữu cơ, sinh học, để hồi sinh là lựa chọn đúng đắn. Bón phân hóa học, nhất là loại giàu đạm vào lúc này chẳng khác gì bức tử cây tiêu như bác Ng.Vịnh đã khuyến cáo.

  4. Cháu không có kiến thức hay kinh nghiệm gì để chia sẽ nhưng thấy cách phản hồi nhanh chóng, khẩn cấp, cụ thể và thiết thực của chú Vịnh, chú Ba, Thanh Hà như đang cấp cứu người, tự nhiên nước mắt rưng rưng. Ước gì những cán bộ nhà nước ngành nông nghiệp cũng có trái tim như các chú, các anh chị.

  5. Tầng rời của các bộ phận trên cây tiêu đã bắt đầu quá hạn chịu đựng! Tôi nghĩ là lúc này nên phun Bo hay Bo-Can-xi nếu không có những thứ đã nêu trên của các bác!

    • Vào lúc này các bác phun những chất dưới dạng sulfat thì phải chú ý pha thật loãng.
      Pha liều cao sẽ làm tiêu mau ra đi hơn.
      Tốt nhất là phun humic, dạng kali đen cho an toàn !

  6. Nhìn kỹ, ngẫm kỹ – Ai trong chúng ta có kinh nghiệm để sử lý hiện tượng này nhỉ ? Độc – lạ ! không có phân, thuốc đặc trị ! Các tài liệu nghiên cứu khoa học không có ! Vậy ta dựa vào cái gì đây? Tôi có nói : “sử dụng các chế phẩm có lân và kaly cao” – e là ngố vì – có còn bao nhiêu lá để nó hấp thụ để mang lại hiệu quả ? Bộ rễ ắt đang khỏe, ưu tiên bón gốc thì hợp lý ! Trên diễn đàn này – trao đổi học hỏi lẫn nhau là chính – đó là tâm ý của tôi ! Thân chào tất cả các bạn !

    • Có đấy chú Ba ạ ! Năm 2013, anh bạn Việt kiều làm trong công ty sản xuất thuốc BVTV ở Canada, có giới thiệu và thảo luận về hiệu quả và cách sử dụng một chế phẩm phun rửa cây ngay khi nhiệt độ ấm trở lại. Tôi nghĩ ở Tây Nguyên chưa bao giờ có sương giá nên không quan tâm lắm. Vả lại, ở nước mình mấy ai xài, sương tuyết cũng hiếm thấy, nên mua để làm gì… Rất khó để quảng bá những sản phẩm như vậy.

      Chú đúng, không ngố đâu ! Nhưng phải dùng hữu cơ, loại cây dễ hấp thụ, chứ không dùng vô cơ, vì bà con mình cứ hay “thêm một tí nữa cho chắc ăn” trong khi tiêu là cây loại thân dây leo, mẫn cảm với hóa chất, lại đang bị rét làm tổn thương. Tai hại là ở chỗ này !
      Thân

    • Chú Nguyễn Vịnh: cháu ở Gia Lai, tiêu chỗ cháu gần đây cũng rụng quả nhiều quá.

    • Do trời về đêm khá lạnh nên chuỗi bông phát sinh tầng rời để sinh tồn. Vườn nào sử dụng phân sinh học Biosol+Biogel có các chất Auxin, GA3… sẽ không xảy ra hiện tượng này. Bạn có thể dùng Biosol phun liên tiếp 2 lần cách 5 ngày để ngăn chặn.

  7. Xin góp ý thêm. Đợt lạnh vừa qua và các đợt lạnh tiếp theo có thể còn kéo dài, môi trường không khí thay đổi đột ngột giữa ngày và đêm gây cho cây tiêu bị sốc. Lá và quả hình thành tầng rời tự rụng để duy trì sự sống. Cần tủ ẩm dưới gốc bằng rơm rạ, màng phủ nông nghiệp để vùng rễ ấm hơn, vườn có cỏ càng tốt. Thân

  8. Ở xã Gio An, Quãng Trị sau đợt rụng lá hàng loạt bây giờ hồ tiêu lại vàng lá. Nếu tiêu đã ủ bệnh chưa kịp xử lý, có nên bón phân lúc này hay không?

    • Lúc này bà con chỉ nên sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, các loại amino để hồi phục. Tạm thời không dùng phân hóa học vì hệ rễ đang bị tổn thương.

Gửi phản hồi mới

(?)