Thu hoạch tiêu bằng… vòi xịt nước

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 33

Lần đầu tiên một nhà vườn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã nghiên cứu sáng tạo ra phương pháp thu hoạch tiêu bằng vòi xịt nước, thay cho kiểu thu hoạch tiêu thủ công truyền thống. Với ý tưởng độc đáo này đã giúp cho nhà vườn thu hoạch tiêu rất hiệu quả, giảm được công lao động và hạn chế được rủi ro tai nạn lao động…

Rải lưới vườn tiêu

Người có ý tưởng nghiên cứu ra phương pháp thu hoạch tiêu độc đáo này chính là nông dân Võ Văn Thành, chủ vườn tiêu ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất. Có mặt tại vườn tiêu của gia đình anh Thành vào thời điểm này chúng tôi chứng kiến vợ chồng anh đang tất bật cả ngày ngoài vườn để chuẩn bị ít bữa nữa sẽ vào mùa thu hoạch tiêu.

Gặp chúng tôi, anh Thành hào hứng khoe: “Các anh thấy vườn tiêu nhà tôi có lạ mắt không, lưới vây quanh gốc tiêu, rải khắp mặt vườn thế này thì chẳng sợ rơi vãi đâu mất hạt tiêu nào nhá. Ít bữa nữa các anh xuống đây xem tôi thu hoạch tiêu bằng phương pháp mới nhanh gọn lẹ lắm!”. Quan sát toàn bộ vườn tiêu nhà anh Thành lúc này thấy anh đã rải kín lưới dưới những gốc cây tiêu đang chíu chít trái từ gốc lên tận ngọn sắp đến ngày thu hoạch.

Về sáng kiến thu hoạch tiêu bằng phương pháp mới, anh Thành cho biết, đây là kinh nghiệm thực tế qua nhiều năm làm vườn và quá trình anh đi tham quan tìm hiểu các mô hình vườn ở nhiều địa phương nên đã nảy ra ý tưởng và bắt đầu về mày mò nghiên cứu, điều chỉnh dần cho hiệu quả nhất. Chờ đến thời điểm vườn tiêu ra trái, anh Thành tính toán khoảng cách các hàng nọc tiêu trong vườn rồi lên TP.HCM tìm mua gần 5.000 mét lưới dài, hết 32 triệu đồng đem về rải kín dưới gốc tiêu và chỉ chờ đến ngày thu hoạch.

Nhặt những chùm tiêu chín rụng xuống mặt lưới quanh gốc tiêu anh Thành nói như khoe: “Những mùa trước khi thu hoạch mình còn phải tìm nhặt từng trái tiêu rụng lẫn vào đất dưới mặt vườn, mất công tìm nhặt cũng không xuể nên bị thất thoát nhiều lắm. Còn bây giờ anh thấy đã không, những chùm tiêu chín trước rụng xuống chúng vẫn nằm gọn trên lưới sạch sẽ chẳng văng đi đâu mất trái nào, vậy là mình hốt được hết ráo”.

Theo sáng kiến của anh Thành, khi đến ngày thu hoạch tiêu đã chín rộ, anh chỉ cần nổ máy bơm áp lực rồi gắn vòi nước xịt rửa xe với 1 cây gậy dài kéo ra vườn xịt xung quanh cây tiêu khiến những chùm tiêu, trái tiêu chín đều rụng hết xuống mặt lưới. tuy nhiên, nhà vườn cũng chẳng lo bị tốn nhiều nước như tưới cây. Sau đó chỉ cần cuộn lưới thu lấy trái tiêu đem về sân phơi rất nhanh gọn. hơn nữa với cách xịt nước mạnh như vậy khiến cho những lá tiêu vàng, già bên trong cũng rụng theo giúp cho nọc tiêu càng thông thoáng tạo điều kiện đến mùa sau cây tiêu ra bông nhiều hơn.

Một vòi xịt bằng 40 công hái/ngày

Anh Võ Văn Thành cho biết, vườn tiêu nhà anh có diện tích khoảng 2 ha, trồng được 800 nọc tiêu (đã 10 năm tuổi) chủ yếu là giống Trâu Lai (chiếm 70%), còn lại là giống Vĩnh Linh. Tuy nhiên, những mùa trước mới chỉ có 600 nọc tiêu đang cho thu hoạch được khoảng 4 tấn tiêu hạt. Còn năm nay thực tế vườn tiêu đang độ “sung” thế này anh ước sẽ thu được khoảng 6 tấn hạt vì thời tiết thuận, những nọc tiêu nhỏ nay cũng bắt đầu đến ngày hái quả.

Để chứng minh hiệu quả thực tế, anh Thành cho biết : Ngoài những tấm lưới đã rải sẵn xuống vườn từ trước, anh sử dụng thêm tấm lưới di động để khi thu hoạch đến đâu kéo lưới theo hứng tiêu rụng đến đó. Với 600 nọc tiêu trong vườn, như mọi năm gia đình anh phải mướn nhân công thu hoạch trong 2 tháng mới xong dứt điểm. Trung bình cứ mỗi tấn tiêu sẽ tốn khoảng 80 công hái, như vậy năm nay với 800 nọc tiêu thì sẽ mất khoảng 480 công hái (với giá mướn nhân công 90.000đ/công), gia đình anh sẽ phải trả 45 triệu đồng.

Tuy nhiên, vụ tiêu này khi bắt đầu áp dụng hình thức thu hoạch mới, anh Thành chỉ cần chờ đến ngày tiêu chín rộ, mướn hai lao động kéo vòi xịt nước ra vườn để thu hoạch tiêu sẽ đạt hiệu quả bằng 40 công hái/ngày. Như vậy, sẽ giảm được trên 80% chi phí nhân công lao động và chỉ cần sau vụ đầu tiên với khoản tiền lời, gia đình anh Thành sẽ kéo lại vốn đầu tư mua lưới. Nhưng nếu hái tiêu theo phương pháp thủ công truyền thống thì phải bắc thang khiến cho dây tiêu rất dễ bị dập nát, chưa kể khi leo cao nguy cơ bị té.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Thanh Phước, Chủ nhiệm CLB làm vườn huyện Thống Nhất cho biết: Thực tế chỉ quanh địa bàn huyện đã có không ít những vụ tai nạn gãy tay, chân, thậm chí còn bị thiệt mạng do leo cao hái tiêu bị té ngã. Cụ thể như trường hợp thương tâm của hộ ông Nguyễn Thanh Phụng, ấp Hưng Hiệp, vợ ông do cố leo cao để hái tiêu trên ngọn nên đã bị trượt chân té thiệt mạng. Do phải trả giá quá đắt, ngay sau đó ông Phụng đã đốn toàn bộ vườn tiêu. Hay trường hợp của ông Hoàng Văn Hồng (ấp Hưng Hiệp), ông Lê Văn Thành (ấp Hưng Thạnh)… cũng vì hái tiêu mà bị té mang thương tật suốt đời.

Do vậy, với sáng tạo độc đáo của anh Thành thực sự là một giải pháp mới giúp cho các nhà vườn trồng tiêu sẽ có được phương pháp thu hoạch tiêu hiệu quả nhất, tiết kiệm được nhiều mặt.

“Nếu vẫn giữ phương pháp hái tiêu truyền thống sẽ mất nhiều công lao động và phải thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu khiến tỉ lệ thất thoát rất lớn (khoảng 20%), chưa tính lượng trái tiêu rơi vãi bên ngoài. Do vậy, với 6 tấn tiêu sẽ bị hao hụt khoảng 1,5 tấn hạt tiêu, chỉ tính theo giá thị trường (90.000 đ/kg hạt tiêu) thì đã mất đứt 135 triệu đồng”, anh Thành tính toán.

Minh Vương

33 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Cám ơn anh Vịnh đã cho đang bài này.
    Các anh chị thấy hiệu quả thế nào? Vì hiện nay chi phí và nhân công cho 1 vụ thu hoạch cũng là vấn đề nan giải.

  2. Nếu vẫn giữ phương pháp hái tiêu truyền thống sẽ mất nhiều công lao động và phải thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu khiến tỉ lệ thất thoát rất lớn (khoảng 20%), chưa tính lượng trái tiêu rơi vãi bên ngoài. Do vậy, với 6 tấn tiêu sẽ bị hao hụt khoảng 1,5 tấn hạt tiêu, chỉ tính theo giá thị trường (90.000 đ/kg hạt tiêu) thì đã mất đứt 135 triệu đồng”, anh Thành tính toán…

    Có sáng kiến hay nhưng về tính toán trên của anh là không hợp lí. Không bao giờ có chuyện bị hao hụt đến 20%. Theo kinh nghiệm của tôi thì khoảng 2-5% là nhiều rồi đó bác à. Tính như bác thì giống như mình vừa thuê nhân công hái cho mình vừa cho người ta tiêu mang về rồi.

  3. Xịt bằng vòi nước như thế này chắc chỉ làm rớt các chùm tiêu chín đỏ thôi. Còn những chùm già chắc không rớt nổi đâu, mà nếu rớt được chắc giàn lá cũng đi luôn quá.

  4. Theo tôi nghĩ, thì thu hoạch theo cách của anh Thành đúng là vừa tiết kiệm nhân công trong thời gian vụ mùa nhưng về mặt khả thi thì có nhiều vấn đề cần sáng tỏ:
    1. Lực nước của vòi xịt rửa xe đó đẩy được những chùm quả chín, còn những chùm quả xanh thì sao?
    2. Nếu như chùm quả xanh không thu hoạch được thì sẽ mất rất nhiều lần thu hoạch.
    3. Tổng cộng anh Thành thu hoạch bao nhiêu lần mới xong một mùa vụ?
    Xin anh cho biết cụ thể . Cám ơn!

  5. Nhưng làm như vầy sao hãm cây tiêu, năm sau lấy hoa lấy trái thế nào. Theo mình thì không khả thi, nước xịt để rụng được hạt tiêu thì rất khó, sẽ còn sót lại trên cây vẫn phải hái, vả lại nước xịt nhiều quá thì ướt đất nước rút kg kịp thì thiêu sẽ rất dơ,…

    Hy vọng trong tương lại sẽ có những sáng chế mới về thu hoạch tiêu khả thi hơn.

  6. Một sáng kiến mới rất đáng quan tâm vì tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên tôi cũng có những vấn đề còn thắc mắc như anh Nguyễn Hữu Phúc. Mong anh Thành hoặc nhà báo Minh Vương cho bết thêm thông tin và nếu có thể cho bà con xem 1 đoạn Video Clip thì hay quá. Cám ơn!

  7. Nhà Tôi với nhà anh Thành cách nhau khoảng 3km, vậy mà thông tin như trên tôi khiến tôi ngỡ ngàng. Nếu cách làm hay như thế mà không thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẻ là một thiếu sót lớn trong các chuyên mục khuyến nông của nhà đài địa phương.
    Theo bài báo thì đây là cách thu hoạch của vụ mùa 2010-2011, vì vụ mùa này mới có giá thuê mướn nhân công 90.000đ/ ngày, còn vụ mùa 2011-2012 giá nhân công 120.000 đ/ngày.
    Vụ mùa tới đây (2012-2013 )nhất định tôi sẽ đến thăm tham khảo, học cách làm của anh Thành.
    Cám ơn nhà báo đã cho biết thông tin trên.

  8. Làm kiểu này hiệu quả về mặt thu hoạch nhưng thất bại vì cây tiêu dễ bị suy.
    Thu hoạch nhanh nhất là lấy cào cỏ cào. Năm vừa rồi nhà hàng xóm bị cào trộm mất 50 cây trong vòng 1 đêm. Khóc như ri…

  9. Xin chào! Hôm qua tôi có đọc thông tin này nhưng chưa kịp post lên command. Theo tôi nghĩ dùng nước hái tiêu là 1 sáng kiến hay. Đúng như các bác phân tích thì cũng còn khá nhiều vấn đề để xem xét và nghiên cứu. Thực tế mình đánh giá trên đây thì chưa chắc đã xác thực. Có điều kiện ta nên trực tiếp thị sát và đánh giá mới khách quan đúng không.

    Như anh Phúc đặt vấn đề ấy thì em cũng xin nêu ý kiến của em. Như anh biết lực của nước thì rất mạnh, nếu ta kiểm soát được tốc độ của dòng nước phun ra thì khá hiệu quả làm rụng được bông tiêu. Nhung vấn đề ở đây là anh Thành chưa cho biết cụ thể anh ấy thu hoạch bằng máy bơm nước nào, thu hoạch vào thời điểm nào và trong thời gian bao lâu?
    Đúng là mỗi loại giống tiêu có thời gian chăm sóc và thu hoạch khác nhau, cũng cần phải có thời gian hồi sức và nảy lộc kết trái khác nhau. Nếu dùng nước thu hoạch theo sáng kiến của anh Thành thì xin anh Thành hay những người gần đó có ý kiến cụ thể về phương pháp để thu hoạch cho kịp thời vụ.

    Đúng là sáng kiến này cũng có rất nhiều ưu điểm nhưng hôm nay tôi chưa thể đánh giá hết được!

  10. Thực ra thu hoạch tiêu rất tốn công, nên những sáng kiến mới chúng ta quan tâm và khen ngợi. Tôi cũng đồng tình với các anh chị là dùng vòi nước hái tiêu còn nhiều điều phải suy nghĩ tiếp để cải tiến cho hiệu quả. Nếu có thể xin cho đoạn clip để chúng ta xem xét và góp ý thêm sẽ tốt hơn, xin cảm ơn.

  11. Nếu sử dụng phương pháp này thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cây Tiêu. Vì lực nước phải đủ mạnh để thổi bung chùm hoặc quả, đồng nghĩa với việc sẽ gây một lực khá mạnh lên cây tiêu. Đề nghị bà con làm thí điểm để theo dõi và đánh giá cụ thể đối với một vài cây rồi tính tiếp. Tránh trường hợp thiệt hại cho cây Tiêu…

  12. Ông chú tôi cũng thực hiện thử phương pháp này thấy cũng thu hoạch được. Nhưng đất đỏ thì nước lên láng nhớt nhát dơ dáy. Rụng chuỗi tiêu mà dàn lá cũng rụng không như ý. Thế là thôi từ bỏ ý định đó. Thuê công hái cho chắc sẵn tiện làm chồi cột tiêu luôn. Lượm tiêu thì sẵn dọn dẹp gốc tránh sâu bệnh mùa sau. Một công 3 4 việc chẳng lỗ đường nào.

  13. Theo mình thì những chùm tiêu nằm bên trong cũng khó rụng khi xịt nước, tất nhiên sẽ bị sót và để khỏi sót lại thì phải hái bằng tay, vì tiêu chín dễ rụng, tiêu xanh khó rụng, có lẽ anh Thành đợi vườn tiêu chín gần 100% mới xịt cũng nên, nhưng như vậy tiêu mất sức rất nhiều, vã lại nếu chừng trên 5 tấn tiêu hái trong vòng 1 tuần thì làm sao phơi kịp, nhà mình lúc cao diểm 20 người hái khoảng 3 tạ một ngày sân phơi gần 300m2 mà phơi không xuể.

    Tôi nghĩ trong tương lai sẽ có máy hái tiêu thôi, có thể dùng cảm biết (như mắt thần) hay robot để hái.

  14. Máy bơm mình dùng để phun thuốc sâu đó. Ở tiệm rửa xe dùng máy này, rửa cả con xe máy mất khoảng 20 lít thôi, lực đẩy mạnh chủ yếu là hơi chứ nước chả bao nhiêu nên bà con đừng lo đất đỏ nhơ nhớp tiêu.

  15. Các bác cho em hỏi chút nhé. Chuẩn bị đất để trồng tiêu thì nên dùng máy múc hay là móc bằng máy cày. Múc thì sâu khoảng 50-60 cm còn móc thì chỉ được khoảng 20 cm thôi. Múc thì đất được xới sâu hơn nhưng mình có cần thiết để múc không?

  16. Nếu bạn dùng máy múc cũng tốt! Nhưng nếu bạn múc bạn cũng cần phải để ý những điểm sau:
    Múc lên độ sâu là có và dễ làm bờ bồn tiêu, nhưng như mọi người đều biết đất bên dưới đó đa phần là nhiễm phèn, thiếu ô xi và độ màu. Nếu múc là bạn phải dùng nhiều loại phân bón lót và nhiều công để làm lại đất. Còn bạn múc lên thì cũng có nhiều ưu điểm như là mình có thể cải tạo đất, giúp đất tơi xốp và sau này dễ làm đất, nền đất dễ thoát nước,…

  17. Chỉ là lý thuyết, nếu trực tiếp hái tiêu mới thấy tiêu khó hái. Chùm trái trên đỉnh ngọn, sát dây chính không thể rụng được dưới áp lực của nước.

  18. @trung_tin_727
    Múc giúp cho đất được tơi xốp nên hạn chế được vấn đề rể bị bó trong gốc làm cho cây tiêu chậm phát. Giúp bộ rể phát triển mạnh.=>Giúp nâng cao tuổi thọ của tiêu. Nhà mình lúc xưa chưa có máy múc nên mình kêu công cuốc sâu xuống cách mặt từ 40-50 phân đó. Đó cũng là bí quyết để giúp tiêu được kéo dài tuổi thọ và tán lớn, bụi rậm đó.

  19. Đọc bài viết nói về cách thu hoạch tiêu của a Thành cũng đáng để cho anh em mình học hỏi. Mỗi sáng kiến mới nếu chưa hiệu quả lắm thì bà con nên thử làm và khắc phục những điểm cần hạn chế, gia đình tôi cũng trồng tiêu nên tôi cũng quan tâm tới bài viết này. Theo ý kiến của tôi thì trong bài viết chưa cho bà con biết nếu tiêu còn xanh thì xịt nó có rụng không, phải đợi cả cây tiêu chín hết mới xịt hả? và cũng cách làm của a Thành tôi xin chia sẻ thêm để bà con, anh em mình bàn bạc có được không.
    Nếu xịt nó rụng hết các chùm tiêu mà không ảnh hưởng gì nhiều đến cây tiêu, mấy đọt non sẽ ra quả cho vụ sau thì tốt quá nhưng bà con nào thiếu tiền đầu tư thì mình cũng có thể rút bớt tiền mua lưới lại bằng cách chúng ta mua vừa đủ lưới để rào xưng quanh 1 hoặc 2 cây tiêu thôi, xung quanh mình làm bốn cây le hoặc sắt nhỏ, mắc lưới vào đầu cây đó rồi cắm xuống đất giống như bao quanh sân đá bóng mini vậy đó. Dưới thì cũng trải lưới, chúng ta có thể dùng một thang sắt nhỏ đứng phía trong xịt cho kỹ phần trên, xịt hết 1 hoặc 2 cây thì mình di chuyển sang chỗ khác, như vậy thì nhà vườn nhỏ cũng có thể làm được mà tiết kiệm nữa, di chuyển cũng nhẹ nhàng không nặng nhọc lắm.

  20. Tất cả các sáng kiến đếu được ghi nhận và kiểm chứng.
    Nếu thấy hay, áp dụng vào thực tế khả quan chúng ta tiến hành áp dụng, nếu thấy chưa hay thì cần nghiên cứu cải tiến, còn không có khả năng áp dụng, hoặc phi thực tế thì chúng ta loại bỏ, đơn giản chỉ là học và hành. Vậy thôi!

  21. Nhà mình có một sào đất để dư và dự tính sang năm xuống tiêu nhưng mà mình tính làm nọc bằng cây gòn có được không. Bác nào biết chỉ thêm… Mình giờ không có tiền để múc nên mình chỉ khoang như hố cao su không biết có được không?

  22. Trồng gòn làm nọc tiêu thì còn gì bằng, không bị sâu đục thân, không sợ đổ vì gió bão, dễ rong tán cây, lá còn làm thức ăn cho Dê nữa chứ. Mau trồng đi thôi bạn ơi, đừng băn khoăn nữa.

  23. Thu hoạch như thế chắc tiêu phải chín hết mới thu được, vì khi tiêu vừa chớm chín hạt vàng thì buồng tiêu rất dai, hái còn khó nữa là xịt nước mà nếu để tiêu chín hết thì nó sẽ rụng kinh khủng. Còn nếu che bằng lưới kín mặt đất thì làm sao tưới vì thu hoạch tiêu đang là mùa khô mà.
    Phần lớn bà con ta thu hoạch khi tiêu chín khoảng 30 – 40% nên phương pháp bác đưa ra chỉ phù hợp với những gia đình có diện tích nhỏ, nhưng dù sao đây cũng là một phương pháp hay.

  24. Kính chào các bác! Qua thông tin bài báo của tác giả Minh Vương: Anh Thành đã hái tiêu bằng vòi xịt rửa xe thì quá tuyệt vời. Nhưng quan điểm riêng tôi cần kiểm chứng lại vì: Khi chuổi tiêu rụng thì lá cũng te tua, trầy xước biểu bì lá sẻ bị cháy, những tay tiêu ngoài cùng bị gãy, còn những dây tiêu bám vào thân cây rễ phụ bị ảnh hưởng nấm bệnh dễ xâm nhập. Đó là những điều tôi băn khoăn.
    Tôi đã hẹn ngày gần nhất tôi đến tại vườn tiêu của anh Thành để thọ giáo. Tôi sẽ báo cáo lại với các bác. Tôi có hẹn với anh tieuphong cùng nhau đi rồi. Hình như mấy ngày nay tôi nói hơi nhiều phải ko ạ. Các bác thông cảm, lúc này tôi hơi rảnh. Thân chào.

  25. Nói nhiều mà hay như Phan Viet Phat thì rất tốt, cần phát huy. Xin bác cho thêm ý kiến về phân sinh học WEHG về cách sử dụng và tính hiệu quả của nó. Chào thân ái!

  26. Viet Phat thân mến! Tôi định chủ nhật này tìm nhà anh Thành để tìm hiểu, nếu vườn tiêu của anh Thành năm nay vẫn phát triển tốt thì việc làm cũa anh Thành quá hay. Có điều gì băn khoăn thì cứ giữ ở trong lòng, hy vọng anh ấy sẽ chia sẻ một cách chân tình, sẽ có ngày tôi đến thăm Viet Phat.
    Chúc bạn và gia đình sức khỏe hạnh phúc.

  27. Bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn thì vào google “Tác dụng của phân sinh học WEHG”. Tôi sử dụng phân này rất có hiệu quả. Một năm xịt gốc dưới đất 2 lần, xịt trên lá 2 lần. Sản lượng đạt 5 tạ/sào.

  28. Chào Viết Phát và các bạn trồng tiêu.
    Sáng nay tôi có đến nhà anh Thành, người được bài báo viết với cái tựa là “thu hoạch tiêu bằng vòi xịt nước”. Anh Thành trao đổi với tôi rất chân tình, thực tế không như mọi người mong đợi, mổi lần thu hoạch bằng vòi xịt thì chỉ thu hoạch được khoảng 20% thôi, những quầy tiêu chín mới rụng được, nếu thu hoạch bằng cách này thì phải thu hoạch từ 3-4 lần mới xong một cây tiêu. Anh Thành đã không thu hoạnh kiểu này ngay sau khi thử nghiệm không thành công. Anh thành cũng mong muốn tôi tông tin cho bà con được biết. Tất cả là lỗi do nhà báo, đã không theo sát thực tế, hư cấu quá mức. Chúc mọi người sức khỏe.

  29. Cám ơn anh tieuphong đã đi thực tế và thông báo rộng rãi đến bà con. Nhưng tôi nghĩ nếu thu hoạch mà rụng 20% ko ảnh hưởng gì đến vụ tiêu sau, chín quá hái chưa kịp ta hái theo cách của anh Thành chữa cháy cũng được.
    A tieuphong, lúc này tôi rảnh mời anh lên tôi chơi. Qua 15/8 tôi bận việc rồi. Tôi ko những trồng tiêu… mà chăn nuôi cũng khá nhiều gần như có thương hiệu.

  30. @Trần Thịnh
    Trên tôi thường trồng ngửa (cũng có một số trồng úp).
    Những người trồng úp lập luận : Nếu chưa che đậy kịp, các bộ rễ sẻ bớt bị nóng, tránh cháy rễ (nhất là các bộ phía trên, ví dụ như bộ thứ 3 từ trên xuống nếu giống cắt 5 mắt)
    Còn tôi thì trồng ngửa, trước thấy họ trồng sao mình trồng vậy, tuy nhiên sau khi suy nghĩ kỹ thì thấy trồng ngữa có vẻ khoa học hơn. Ví dụ có một cái cây bị gió, bảo… nghiêng đi ( sai lệch vị trí ban đầu vốn có) thì nó sẽ cố vươn lại cả thân (ví dụ cây cau, cây dừa…) hoặc ra cành theo chiều đối ứng để cân bằng trọng lực, cũng có thể vươn rễ về phía đối ứng để ráng kéo cho cây khỏi ngã đổ.
    Trở lại rễ của bộ tiêu, trước nó úp vào cây, nay mình xoay ngược nó lại sẽ kích thích nó phát rễ nhanh hơn. Còn trồng úp, ngữa thực ra chăm sóc thật tốt, về lâu dài thì anh rể của tôi là người tương đối chịu khó quan sát và nói rằng hầu như không có sự khác biệt. Mong các bác đóng góp ý kiến thêm.

  31. Tôi là người đang trồng tiêu, theo tôi thì thu hoạch tiêu bằng vòi xịt không khả quan lắm. Theo tôi với phương pháp rải lưới dưới vườn tiêu hợp lý khi vườn được tưới tự động và cũng tùy giống tiêu, thích hợp nhất với giống Vĩnh Linh. Tôi không dừng máy xịt nước mà dừng máy thổi có công xuất 50cm3 trở lên, nhưng phải đợi tiêu chín đỏ mới thổi. Tuy có một số hạn chế nhưng vẫn khắc phục được như phải bón thêm phân. Nếu không thêm phân cây sẽ mất sức do nuôi trái. Phương pháp này phải để lưới hết mùa tiêu, có thể thổi 3 lượt mới tận thu hết được. Cái quan trọng là chúng ta phải có cách bảo vệ lưới sau thu hoạch để sử dụng cho những năm kế tiếp. Đây là ý kiến của cá nhân tôi, mong anh em đóng góp thêm

Gửi phản hồi mới

(?)