Trồng hồ tiêu trên trụ gạch ở Cam Lộ, Quảng Trị

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 22

Mạnh dạn áp dụng hướng đi mới trong việc phát triển mô hình trồng hồ tiêu trên trụ gạch xây của hộ gia đình bà Trần Thị Cúc, thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) hứa hẹn cho năng suất cao và phát triển bền vững. Đây cũng chính là mô hình thí điểm được Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị hỗ trợ về vốn vay, phân bón cũng như kỹ thuật chăm sóc. 

Mô hình trồng tiêu trên trụ gạch ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị

Trên diện tích đất rộng khoảng 4 sào, bà Trần Thị Cúc đầu tư xây dựng 200 trụ gạch, mỗi trụ có chiều cao khoảng 3 m, đường kính đáy 1-1,2 m, đường kính ngọn 0,7-0,8m. Bình quân mỗi trụ chi phí khoảng 1 triệu đồng, cộng với việc xây bể chứa nước, đường ống, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tự động…, tổng kinh phí ban đầu gia đình bà đầu tư ngót nghét 300 triệu đồng. Trong đó, Công ty Thương mại Quảng Trị hỗ trợ vốn vay 150 triệu đồng, ngoài ra còn tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón cho gia đình.

Bà Trần Thị Cúc cho biết, mô hình này được con trai bà là anh Nguyễn Ngọc Long, hiện là giáo viên dạy Toán, cất công học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh Bình Phước. Thực tế cho thấy, nhiều hộ nông dân ở các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai… khi sử dụng trụ gạch, trụ bê-tông hay cây sống để trồng tiêu, thì cây tiêu phát triển khá tốt chẳng thua kém trụ gỗ, lại ít xảy ra sâu bệnh và tuổi thọ của trụ cũng cao hơn nhiều so với trụ gỗ. Thêm vào đó, trong quá trình chăm sóc cây tiêu, người nông dân đã phát hiện ra tại những vườn tiêu sử dụng trụ gỗ thường xuất hiện hiện tượng sâu bệnh phát triển khá nhiều, nhất là bệnh vàng lá, bệnh thối rễ, chết chậm, chết nhanh, dịch bệnh làm cây tiêu chết hàng loạt… Chính vì vậy, việc thử nghiệm mô hình trồng cây hồ tiêu trên trụ gạch xây thay vì với các loại trụ gỗ truyền thống hoặc trên cây sống mà gia đình bà Trần Thị Cúc đang áp dụng rất được bà con quan tâm.

Chia sẻ về các công đoạn chăm sóc cây hồ tiêu trồng trên trụ gạch, bà Cúc cho biết thêm: “Việc sử dụng trụ bê-tông, trụ gạch để trồng tiêu đòi hỏi việc chăm sóc trong thời gian đầu có phần kỳ công hơn, việc tưới tiêu cũng cần phải kỹ lưỡng hơn, nhưng bù lại cây tiêu sẽ phát triển bền vững. Ðến nay, vườn tiêu của gia đình mới bước sang năm thứ hai nhưng tốc độ phát triển của cây rất tốt, đặc biệt là không còn lo lắng dịch bệnh phá hoại cây nữa.”

Là mô hình đầu tiên và hiện tại là duy nhất trong xã Cam Chính nên vườn tiêu trồng trên trụ gạch xây của gia đình bà Cúc cũng được chính quyền xã rất kỳ vọng. Nếu thành công, năng suất cây tiêu tăng, phát triển bền vững hơn việc trồng trên trụ gỗ thì chắc chắn, mô hình này sẽ thu hút được bà con nông dân trong vùng làm theo.

Theo AgriViệt.com

22 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Đầu tư 1 triệu = 1 trụ gạch = 5 trụ gỗ = 7 trụ bê tông = 100 cây sống. Không biết năng suất và bền vững tới mức nào mà lại chọn trụ gạch nhỉ?

  2. Tôi là hộ trồng tiêu và học hỏi rất nhiều về cây tiêu. Mặc dù tôi không xây trụ nhưng tôi khẳng định sẽ không đạt! Nhất là trên vùng đất Quảng Trị khí hậu rất khắc nghiệt. Về mùa nắng, không khí nóng trên 30 độ làm nóng gạch, cháy rễ khí sinh bám trên gạch dù có tưới cũng bị nóng như nước sôi làm sao cây tiêu sinh trưởng được. Tôi thấy lại xây bít xung quanh, không có chỗ nào để thoát hơi nóng.

    Trong Đồng Nai, những năm xưa có phong trào xây trụ tiêu. Các trụ gạch cũng có chừa các lỗ xung quanh nhưng cuối cùng thất bại hoàn toàn, mặc dù mỗi ngày xịt nước lên trụ gạch 2 lần mà vẫn không tốt được. Thậm chí có những hộ đổ phân chuồng hoai mục đầy vào bên trong và để vòi nước chảy mỗi ngày 2-3 tiếng, nhưng rồi cũng không kéo dài được lâu quá 4 năm và hiện đã đập phá bỏ hết tất cả.
    Ai chủ trương mô hình này xin hãy coi lại, nếu không đất Quảng Trị đã nghèo lại càng nghèo thêm.
    Còn nếu là mô hình của cty nào đó thì tôi cho là tại vì có nhiều tiền quá không làm chi cho hết…
    Tôi xin lỗi quý cty nếu những lời của tôi có thể bị gọi là xúc phạm.

    Xin bà con HÃY HŨY BỎ NGAY, đừng để lâu càng sa lầy. Với những kinh nghiệm về trụ gạch của bà con Đồng Nai đã trải qua, mong bà con nghe lời chia sẻ.
    Lập Đồng Nai.

  3. Khoảng 30 năm trước không riêng gì nông dân tỉnh Đồng Nai xây trụ gạch để trồng tiêu, nông dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng thế, đua nhau xây trụ gạch trồng tiêu, giờ thì đập bỏ hết rồi vì hiệu quả của việc xây gạch làm trụ tiêu không như mong muốn, làm thiệt hại bao nhiêu là của cải.
    Còn việc trồng tiêu mới năm thứ hai mà đã khẳng định là không lo lắng dịch bệnh phá hoại, e rằng phát ngôn như thế thì hơi vội vàng, trồng tiêu mà làm bồn như mô hình ở trên thì sớm muộn gì thì tiêu cũng sẽ chết vì ngập úng và nấm bệnh. Cám ơn phản hồi của tích cực của ông LẬP.
    Chúc sức khỏe đến với mọi người.

  4. Chào bà con và các bạn !
    Cây hồ tiêu vốn được mệnh danh là “nắng không ưa mưa không chịu”, không ai biết trước được tiêu sẽ bỏ trụ đi ngày nào. Bằng chứng là nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm nay hoang tàn xác xơ.
    Theo tôi bà con nên trồng những trụ có thể di chuyển như betong, gỗ, gòn. Nếu không trồng được ở mảnh đất này thì mình mang đi chỗ khác trồng hoặc bán lại lỗ không đáng kể, chứ như trụ gạch khi tiêu bị dịch rồi dù có trồng lại thì cũng lên không ra gì, mà khi muốn chuyển đổi cây trồng trên mảnh đất đó, ta lại phải tốn thêm công đập bỏ và dọn dẹp. Vài lời góp ý chân thành, mong bà con suy nghĩ thật kỹ trước khi quá muộn .
    Thân.

  5. Mô hình thí điểm nào thường thì ban đầu đẹp và ‘đáng yêu’ lắm, đến khi thất bại thì nhiều nguyên nhân sẽ được mổ xẻ cho mà xem. Mô hình này anh em trên Giatieu.com đã làm cách đây 20 năm rồi mà bây giờ ở Cam Lộ còn làm thí điểm. Buồn cười quá.

  6. Chào bà con và các bạn!
    Tôi rất đồng tình với các bạn Hoàng Văn Lập, tieuphong, Đỗ Trường Sơn, Khanh – Ha Tien – Kien Giang… các ý kiến của các bạn rất đáng để bà con Cam Lộ-Quảng Trị xem lại “mô hình mới” này.
    Ở chỗ tôi Bình Giáo-Chư Prông-Gia Lai vào năm 1999- 2000 cũng đã công ty Sông Đà 116 về làm cái “mô hình” đó, nhưng đã bỏ của chạy lấy người rồi. Rất mong bà con nào có ý tưởng làm mô hình trên nên xem xét kỹ lại kẻo muộn. Vài lời góp ý chân tình. Chúc bà con khỏe!
    Chào đoàn kết!

    • @dinh hop. Bạn ớ chố nào vậy ? Mình đang ớ Thôn 4 Thăng hưng đây nè

    • @ tây nguyên tiêu !
      Bạn tên là gì ? Nếu ở thôn 4 thì chắc biết làng Sông Đà. Sông Đà ai cũng biết mình cả. Mình ở cuối làng Cành, rất hân hạnh được làm quen!

    • Dinh hop ơi, anh ở Bình Giáo đoạn nào dzậy, tôi ở TT. Chư Prông, anh chỉ cho tôi chỗ mua bào tử nấm Trichoderma được không? anh có mail hay số điện thoại cho tôi để chúng ta trao đổi về kỹ thuật trông tiêu được không anh? Tôi cũng hay đi Bình Giáo và có quen mấy người ở đó, anh cho địa chỉ khi nào xuống tôi sẽ ghé chỗ anh.

  7. Chào các anh chị và các bạn.
    Hiên tại mình đang định đầu tư trồng tiêu nhưng không biết trồng trên trụ gì là tốt nhất, nếu như trồng trên trụ cây tươi thì loại cây gì ở đâu có trồng bao lâu thì chúng ta mới trồng được tiêu, cây trụ sống có hút hết dinh dưỡng cây tiêu không?

  8. Nhìn vào trụ, tiêu mới bám vào trụ khoảng 1/4 chiều cao của trụ, sao mà bài báo nói khả quan là không lo bị dịch bệnh? Tôi tuy mới trồng tiêu tính đến nay mới 5 năm thôi, nhưng thực tế gia đình và quan sát của những gia đình khác, tôi thấy trụ gạch khi buộc tiêu vào trụ, rễ chỉ bám vào các mạch hồ xây còn rễ tiêu không bám được vào gạch, mắt rễ nào trúng vào viên gạch thì rễ bám bị khô, do đó cây tiêu bám không chắc, hay bị tụt. Còn nói trụ tiêu bằng gạch không lo dịch bệnh phá hoại, thì trật lất.
    Năm 2011 anh bạn tôi ở xã Ea Hu, Huyện Cư Kuin có 70 trụ gạch đường kính khoảng 1m, tiêu leo đã kín trụ rồi vậy mà bệnh chết nhanh không còn một gốc. Chẳng hiểu mọi người như thế nào, còn tôi thấy tiêu bám trụ bê tông là ngon đó, nhưng vốn lớn quá, nên hiện tại tôi đang trồng một hàng trụ muồng, rồi một hàng trụ bê tông, nay mới năm thứ ba nên cũng chưa kết luận được gì. Vài ý kiến cùng cộng đồng, chúc bà con thành công.

    • Trụ bê tông của anh đặc hay rỗng vậy anh?, tôi đang phân vân chọn giữa hai thứ đó, cảm ơn anh.

    • Trụ của Văn Dân tôi là trụ rỗng, đúng như ý kiến của Nguyễn Thanh Xuân quan trọng rọ sắt cho kỹ, còn Văn Dân đỗ 1bao 50kg/3 trụ thôi, còn đúc vuông lợi công nhanh, nhưng khi buộc dây khó, còn hay đứt dây hơn trụ lục giác, trước đây Văn Dân cũng có đúc 100 trụ vuông và thấy nhược điểm trên nên chuyển sang đúc trụ lục giác. Vài lời cùng bạn !

  9. Chào MUF!
    Trồng trụ đặt hay rỗng thì cũng như nhau, trụ bê tông giây tiêu bám cũng tốt, quan trọng là bạn làm rọ sắt cho kỹ để sau này trụ ít bị gãy đỗ. Bạn nên đúc trụ vuông và đặt thì lợi công hơn trụ rỗng rất nhiều, xi măng 1 bao 50kg/4 trụ là được.
    Thân!

  10. Tôi ở Đak Đoa Gia Lai, ở đây cũng có vài hộ từng làm trụ tiêu bằng trụ gạch, nhưng cây tiêu không phát triển lắm, hình như trồng được 9 hay 10 năm rồi nhưng đến thời điểm này thì chỉ còn toàn là trụ thôi, may lắm thì mới thấy được một vài trụ còn có giây tiêu. Nếu trồng cây trụ sống thì hãy chọn loại cây chịu được gió bão, vì ở Gia Lai thường xuyên bị lốc xoáy và hầu như năm nào cũng bị ảnh hưỡng của mưa bão. Tháng 5 vừa rồi mới có một cơn lốc xoáy mà đã gãy đỗ hàng ngàn cây cao su, còn cây trụ sống giây tiêu mới lên tầm 1m thì cũng nghiên gốc rất nhiều.

  11. Trồng tiêu bằng trụ bê tông tốn về chi phí ban đầu nhưng lợi về công sau này. Trụ bê tông đặc thì chắc hơn trụ rỗng, trụ rỗng thì tản nhiệt nhanh hạn chế nóng cho cây tiêu nhưng chịu lực kém khi tiêu phủ trụ hay gãy đổ ngang mặt đất lúc có mưa gió lớn. Còn xây trụ gạch để trồng tiêu thì không nên vì khi trời nắng thì trụ gạch tới 9 giờ tối vẩn còn nóng dễ bị cháy rễ phụ, ngược lại khi trời mưa thì gạch giữ lại rất nhiều nước(1/10 trọng lượng) phần rễ phụ bị bấy vì úng. Cây tiêu là cây không chịu được nóng quá và úng quá mà trụ gạch thì có cả hai điều này nên tiêu trồng trên trụ gạch khi phủ trụ rồi thường thấy tơi tả. Những ai đã trồng tiêu trên trụ xây bằng gạch thì tốt nhất nên lấy vôi trộn với cát để có được vữa như vữa xây nhà ngày xưa mà tô ngoài mặt trụ. Cách làm này tuy tốn một chút nhưng hạn chế được nhược điểm của thời tiết và cây tiêu sẽ phát triển vì được cung cấp thêm can xi.

    • Theo tôi trồng tiêu trên cây muồng đen ít sau bệnh và dịch tuyến trùng rễ lắm, ai muốn trồng tiêu thi đi đánh muồng vài tháng rồi trồng thử xem hiệu quả lắm tôi đã làm rồi, nơi trồng là Buôn Hồ, Đak Lak

  12. Chào @TiêuF
    Muồng đen làm trụ tiêu nhiều ưu điểm, tuy nhiên thỉnh thoảng có vài cây bị chết vì bệnh xì mủ, tất nhiên cho dù trụ gì cũng có xác suất hư hỏng chứ làm gì được 100%, kể cả trụ bê tông còn bị gãy. Khoảng vào tháng giêng, hai nó rụng lá già, để thay lộc non là do sinh lí tự nhiên. Khi ra lá non nếu như bị sâu ăn lá thì xịt thuốc nồng độ nhẹ là chết ngay.
    Thân.

  13. Mình thì chưa trồng tiêu bao giờ, nhưng mình nghĩ trồng tiêu trên trụ gạch cũng đc. Nhưng có điều lúc xây trụ thì nên xây lỗ gạch quay ra ngoài (xây gạch nửa cho đỡ tốn kém). Trộn đất, rơm rạ, xơ dừa… các loại chất mùn cho vào thân trụ. Làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên đầu trụ. Như thế thì toàn thân cây tiêu có thể hút nước và chất dinh dưỡng để nuôi cây. Đồng thời giảm đc nhiệt độ của thân trụ khi tròi nắng gắt.

  14. Thân ái!
    Ai có chủ trương làm trụ gạch thì đó là những người chưa bao giờ trải nghiệm thực tế. Chính xác là cây tiêu không chết vẫn sống nhưng ko có năng suất, cây sẽ xuống sức dần, kết quả là chỉ còn những cọng trơ trọi do không chịu nổi nhiệt độ từ trụ gạch tỏa ra.

Gửi phản hồi mới

(?)