Trồng muồng đen làm trụ sống cho cây hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 74

Những năm gần đây, hồ tiêu trở thành loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Hướng canh tác bền vững là tìm cây trụ sống thích hợp cho hồ tiêu leo.
Một vườn tiêu với trụ sống là cây muồng.

Một vườn tiêu với trụ sống là cây muồng đen.

Tuy nhiên do chi phí đầu tư cho cây hồ tiêu, nhất là cây trụ đỡ để hồ tiêu leo khá cao, khiến nhiều hộ nông dân e ngại. Cùng với đó, việc phát triển mạnh diện tích hồ tiêu kéo theo tình trạng khai thác những cây gỗ tốt để làm trụ tiêu đã làm gia tăng tình trạng phá rừng. Để giải quyết bài toán này, Dự án Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk, (Dự án Flitch) đã triển khai mô hình sử dụng cây muồng đen sống làm trụ tiêu.

Việc sử dụng cây trụ sống cho hồ tiêu không chỉ góp phần ngăn chặn nạn phá rừng hiện nay vốn đã trầm trọng mà còn tiết kiệm một khoản đầu tư rất lớn, nhất là với những nông dân khởi nghiệp trong điều kiện thiếu vốn và còn nhiều khó khăn, đồng thời tạo sinh thái bền vững trong việc canh tác cây hồ tiêu hiện nay ở nhiều địa phương trong huyện. Ông Trần Văn Hồng, một nông dân ở thôn 1, xã Cư Drăm tham gia mô hình này cho biết: “Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao mà chi phí đầu tư thấp, phù hợp với mọi người. Trồng muồng để làm trụ cho cây tiêu giúp giảm hơn một nửa chi chí đầu tư so với sử dụng trụ gỗ, hoặc trụ bê tông và hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng”.

Nhiều hộ nông dân tham gia mô hình trồng muồng đen làm trụ tiêu ở các xã nằm trong vùng dự án như: Cư Drăm, Cư Pui, Hòa Lễ và Yang Mao cho biết thêm: Cây muồng đen có nhiều ưu điểm vượt trội so với những loại cây sống khác như lồng mức, mít, keo, dông… vì đây là cây họ đậu nên lá cung cấp mùn hữu cơ rất tốt cho việc cải tạo đất, tán là vừa phải, tỉa cành cũng dễ, thân gỗ tốt nhóm 2A, rễ ăn sâu nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu, cây lớn tương đối nhanh. Trồng cây con từ 1-2 năm có thể cho dây tiêu leo. Dùng muồng đen vừa làm trụ, vừa chắn gió, vừa tạo bóng mát cho cây hồ tiêu theo mô hình nông – lâm kết hợp. Chính nhờ ưu điểm này nên chỉ sau 2 năm triển khai, Dự án Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp huyện đã thu hút được 460 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình nông – lâm kết hợp và đã trồng được gần 500 ha, trong đó mô hình muồng – tiêu có 50 ha, mô hình muồng – tiêu – cà phê và cây ăn quả có 450 ha. Anh  Trần Văn Dũng, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Phát triển xã Yang Mao nhận định: “Từ khi mô hình nông – lâm kết hợp do Dự án Flitch triển khai trên địa bàn xã Yang Mao, bà con nông dân đã tích cực tham gia trồng rừng kết hợp với hồ tiêu và cây ăn trái. Đến đầu năm 2015, mô hình này đã phủ gần như toàn bộ diện tích đất đồi rừng trên địa bàn xã”.

Dùng cây muồng đen làm trụ sống cho cây tiêu có nhiều ưu điểm: giảm chi phí đầu tư cho nông dân, hạn chế tình trạng phá rừng, cải tạo đất vườn đồi cho các nông hộ, góp phần đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm trong các trang trại. Ông Đào Duy Ba ở thôn 2, xã Cư Drăm, người có hơn 5 ha đất đồi thực hiện mô hình nông – lâm kết hợp từ sự hỗ trợ của Dự án Flitch khẳng định: “Ngoài tác dụng làm trụ đỡ, làm cây che bóng, cây muồng đen còn có thể hạn chế được điều kiện lây lan của các loại bệnh nguy hiểm đối với cây tiêu, do các cây tiêu không trồng tập trung gần nhau. Đây là một kiểu canh tác bền vững cần được chú trọng nhân rộng”.

Có thể nói, trồng tiêu trên cây trụ muồng đen sống là một giải pháp hiệu quả, mới được nông dân các xã trong vùng Dự án Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp áp dụng từ 2 năm nay. Với những hiệu quả thiết thực mà cách làm này mang lại, người dân ở các xã: Cư Drăm, Yang Mao, Cư Pui… đã và đang tích cực mở rộng diện tích, thay thế các trụ tiêu bằng cọc gỗ, hoặc bằng trụ bê tông để hạn chế nạn phá rừng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.

Theo Phúc Trình (DaklakOnline)

Báo Giá cà phê qua điện thoại
74 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Bài viết trên là động lực giúp cho nông dân mạnh dạn trồng cây muồng đen làm trụ tiêu. Tôi cũng đang trồng muồng đen xen trồng vườn caphe. Vừa làm đai chắn gió cho caphe vừa làm trụ cho tiêu leo. Trồng muồng đen như tôi trồng nếu muốn nhân rông chỉ việc chiết ngọn là ok. Nếu ngọn đã hãm thi nuôi vài cái chồi lấy giống.
    Bà con lưu ý: Khi trồng cây con, ba con đào hố sâu 40cm sau đo chỉ cắt đáy bầu thôi làm như vậy muồng hạn chế đâm rễ ngang cạnh tranh dinh dưỡng của caphe và tiêu. Khi hãm ngọn nếu trong mùa mưa hãy lấy túi nilon bịt đầu lại ko là nước thấm vào thối từ trên xuống đấy.

  2. Nói muồng đen giúp hạn chế lây lan dịch bệnh cho hồ tiêu là không có cơ sở.
    Loại bệnh đáng sợ nhất trên cây muồng đen là bệnh xì mủ, cùng loại bệnh xì mủ trên cây sầu riêng, cao su, trôm… và thỉnh thoảng cũng bắt gặp trên cây cà phê. Đáng buồn là bệnh này do nấm Phytophthora, chính là loại nấm gây ra bệnh héo chết nhanh trên cây hồ tiêu mà các nước trồng tiêu trên khắp hế giới đều sợ hãi.
    Hiện nay cây muồng đen được trồng ngày càng nhiều nên nguy cơ lây lan dịch bệnh càng cao. Đo đó, bà con trồng muồng đen làm trụ sống cần cẩn trọng tăng cường khâu phòng ngừa dịch bệnh hơn nữa.

  3. Năm ngoái tôi có trồng 200 trụ tiêu lươn. Trồng trên trụ muồng đen. Tiêu phát triển rất tốt. Hiện giờ tôi đang đào hố phơi ải đất, sau 1 tháng tôi tiến hành đôn tiêu. Do tán muồng rất nhiều tôi muốn rong tỉa tán muồng sau đó cho hết vào hố đã đào trộn chung với phân chuồng + nấm tricho nhân sinh khối sau đó để khoảng 20 ngày rồi tiến hành đôn tiêu. Đã có ai trồng tiêu trên trụ muồng đen dùng phương pháp đôn như trên chưa xin chia sẻ cùng cháu và bà con những người đang trồng tiêu và chuẩn bị trồng tiêu trên trụ muồng đen.

    • Gửi pham thanh liêm,

      Nhà tôi cũng trồng tiêu đôn, tuy nhiên một nhà tôi có một số lưu ý, hi vọng giúp bạn ít nhiều:
      Thứ nhất hố đào không quá nông, vì nông quá thì sẽ nóng rễ tiêu, dễ bị chết.
      Thứ hai: Phân chuồng có thể là phân bò, tuy nhiên không nên dùng phân heo. Phân phải phơi nắng trong thời gian tương đối lâu, khoảng >6 tháng. Lúc trồng thì phải trộn đất và phân bò lại với nhau.
      Thứ ba: Không biết là đúng hay không nhưng tôi nghĩ là đừng nên bỏ tán cây đã chặt vào hố trồng tiêu.

      Thân

    • Mình xin cám ơn bạn lê thanh danh rất nhiều!
      Mình làm thế này. Hố đào 50x50x50cm, đào cách gốc 30cm. Mình phơi ải 1 tháng sau đó dùng vôi rải để nâng độ pH, sau đó đổ phân chuồng ủ hoai + 20g bào tử nấm tricho nhân sinh khối rồi trộn đều với đất, để 20 ngày mình tiến hành đôn. Phân chuồng nhà mình là phân gà trộn với vỏ caphe ủ với nấm tricho chứ mình ko phơi. Vì phơi làm thất thoát hết chất mà những sinh vật có hại vẫn còn trong phân.
      Độn cỏ rác và lá muồng là phương án ép xanh. Người ta hay ép xanh ở caphe đó. Mình cũng muốn làm thế để đôn tiêu. Vì lá muồng rất nhanh mục, khi mục lá muồng làm xốp đất. Đất xốp sẽ cung cấp oxy cho tiêu. Rễ tiêu rất cần oxy, vì thế mình mới nảy ra ý tưởng đó thôi. Vì lá muồng ở trên cao nên ko chứa nấm bệnh như cỏ dại.

    • Phân bò phơi khô ngoài nắng đến 6 tháng thì có còn gọi là phân?

  4. Trồng cây muồng đen làm trụ tiêu là một khuyến cáo hay vì đây là loại cây dễ trồng sinh trưởng nhanh, thân khỏe, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Tuy nhiên ý kiến của Giatieu.com cũng rất đáng lưu ý bởi vì như thông tin trên diễn đàn cho thấy bệnh xì mủ thân cây muồng đen nguyên nhân do nấm Phytophthora gây ra làm tỷ lệ lây nhiễm bệnh gây chết rất cao, nhất là trong mùa mưa. Nhiều hướng dẫn cách sử dụng thuốc gốc đồng, thuốc đặc trị nấm hay dung dịch Boocdo 5% cũng tỏ ra kém hiệu quả. Vì vậy các nhà khoa học và các bác có kinh nghiệm trong việc phòng trừ bệnh xì mủ trên muồng đen xin hãy phổ biến cho cộng đồng để giúp cho nông dân sản xuất mang lại hiệu quả. Trong khi chưa tìm ra biện pháp tối ưu nào bà con ta hãy cân nhắc đến những loại cây trụ khác.

  5. Để hạn chế nấm bệnh từ muồng đen sang tiêu, tôi trồng cách 2 hàng cà 1 hàng trụ sống. Tôi trồng 2 loại trụ sống muồng đen và keo đậu, trồng cứ 2 hàng muồng đen thì lại trồng 1 hàng keo đậu ở giữa, trung bình 4 hàng caphe 1 hàng muồng. Trồng như vậy sẽ hạn chế được nấm bệnh, keo đậu tuy lâu lớn nhưng ko sao. Trồng muồng đen sau 2 năm trồng tiêu. Sau 4 năm cây keo đậu đã lớn và cho tieru leo đc ta tiến hành chiết tiêu trồng, tiêu chiết rất nhanh phủ tru.

  6. Cái gì thì tôi k biết, nói tỉa cành dễ là tui k đồng ý.
    Muồng đen là loại cây phát triển nhánh rất nhanh, cho nên việc tỉa cành sẽ tốn rất nhiều thời gian.
    Theo tui cây lồng mức là hiệu quả.

  7. Bệnh xì mủ trên cây muồng thường rất hay xảy ra ở những cây bị tác động đến đời sống sinh lý như rong tỉa cành, chặt ngọn… Vì không đúng thời điểm cho nên cây xì mủ khô da rồi chết từ từ. Ngoài nấm bệnh tác động còn có những tác nhân khác như sâu đục thân…
    Cái nào cũng khắc phục được nhưng trước tiên phải biết cây xì mủ do đâu để có biện pháp phòng tránh. Chỉ nghe mọi người nói nấm, nay xin bổ xung thêm hi vọng sẽ phần nào giúp mọi người hướng giải quyết kịp thời.

    • Tôi rất tâm đắc câu nói của anh duong tam là cái gì cũng khắc phục được. Nhân đây xin anh chỉ giúp cho là khi thân muồng có hiện tượng xì mủ, ở một số chỗ có vết mọt gỗ đùn ra như hạt gạo có lẽ do sâu thân gây nên hiện tượng này. Tôi đọc trên diễn đàn có thấy bác hướng dẫn là tạo một lỗ khoan nhỏ vào thân muồng sau đó dùng xilanh bơm thuốc trừ sâu (tôi không nhớ tên…) vào lỗ khoan nhưng tôi không hiểu cơ chế tác dụng của thuốc hơn nữa lỗ mọt thì nhiều làm sao mình khoan nhiều lỗ trên thân muồng được nên chưa dám làm. Mong anh và các bác có kinh nghiệm chỉ giúp cho tôi để thực hiện, xin cảm ơn nhiều.

  8. Mấy bữa nay vụ chặt 6700 cây xanh Hà Nội đang xôn xao dư luận. Cây bị chặt được thay bằng cây Vàng Tâm, nhìn hình thì thấy cây Vàng Tâm rất thẳng nếu làm trụ tiêu thì chắc là tuyêt vời nhưng không biết sinh trưởng nhanh hay không. Ai biết đặc điểm loại cây này thì xin góp ý để bà con có thêm lựa chọn.

  9. Trồng cái gì cũng chỉ nên thiên về 1 cái chứ mình thấy tận dụng trụ để sau này thu hoạch gỗ thì thôi bỏ ý định. Trụ tiêu phải rong tỉa cành thường xuyên để tạo độ thông thoáng, gỗ sưa hay gỗ gì cũng dở. Làm củi thì được

  10. Cho em hỏi. En chiết muồng bằng cành ngang không biết có được không, hay cứ phải chồi mới được. Ai có kinh nghiệm chỉ giúp em với.

  11. Ươm hạt cho chắc. Chiết mau có trụ cho tiêu leo nhưng lên không bằng hạt. Mà sao lại đi chiết cành ngang mà ko phải ngọn.

  12. Chào phannam.
    Bạn có thể chiết chồi và bất cứ cành nào. Yêu cầu là cành và chồi phải thẳng, chiều dài tối thiểu 2,5m, cành và chồi phải từ 12 đến 15 tháng tuổi trở lên. Thân

  13. Chào nguyen thanh duc
    Ko biết trụ nhà bạn trước đây đã trồng tiêu chưa mới xử lý diệt khuẩn trụ để trồng. khi gửi câu hỏi mong Bạn nêu rõ chi tiết để bà con biết lối góp ý cho bạn. Thân

  14. Ý minh hỏi là, hiện mình trồng trụ sống là cây gòn (chưa trồng tiêu vào), nghe nói cây gòn màu xanh tiêu hay đi ra. Mình định quét vôi lên. không biết bạn nào đã làm chưa? xin chia sẻ.

  15. Cây gòn da trơn nên rễ tiêu bám ko chắc, dễ tuột ra. Tôi thấy người ta hay cạo vỏ cho nó sần sùi cho tiêu dễ leo thôi. Nhược điểm khi dùng gòn làm trụ tiêu là hay phải buộc dây. Ko phải quét vôi đâu bạn.

    • cây gòn dùng làm trụ tiêu bạn phải lưu ý thêm là cây gòn mùa nắng nó rụng lá. Mà mùa nắng ta mới cần độ che nắng. Mình thấy đã trồng tiêu nên đúc trụ bê tông cho chắc khỏi phải cạnh tranh dinh dưỡng, mà chỉ chủ động phòng bệnh và chăm sóc thôi. Không biết ý kiến bà con thế nào.

  16. Câu hỏi cứ như là thách đố, hỏi chơi chơi, quét vôi làm gì mà tại sao phải quét, hỏi câu như vậy với chủ ý gì đây.

    • -Ý bạn ấy nói tiêu hay đi ra nghĩa là không chịu bám vào thân cây gòn màu xanh, nên ngã ra ngoài cây. Bạn ấy tính quét vôi để lấp màu xanh đi, nhằm lừa cho tiêu bám vào thân cây gòn.

      -Bạn @dilinh.caphe thì lại mâu thuẫn.
      Cần độ che nắng nên bạn đúc trụ bê tông cho chắc, khỏi phải cạnh tranh dinh dưỡng !?

  17. Chào cộng đồng giá tiêu!
    Mọi người cho mình hỏi việc này nha?
    Vừa rồi mình có đi tham quan một số vườn tiêu ở Đồng Nai, mình thấy người ta trồng tiêu trên tru cây Sầu đâu (xoan đâu) mình thấy tiêu vẫn lên bình thường, tiêu trái qúa chừng. Mọi người nghĩ xem có nên trồng tiêu trên cây này được không?
    Xin cộng đồng cho mình ý kiến nha!

  18. Xin chào bác Nguyễn Vịnh, chào cộng đồng Giatieu!
    Xin bác Vịnh và cộng đồng Giatieu tư vấn dùm con vấn đề này:
    Tiêu con nhà con nay có hiện tượng phần dây tiêu gần sát đất bị thối đen và dẫn đến cả dây tiêu bị chết sau đó, con xin hỏi nó là triệu chứng gì? Cách chữa trị và phòng bệnh ra sao?
    Con xin trân trọng cảm ơn, chúc cộng đồng một ngày tốt lành !

    • Tiêu của bạn bị một số loại nấm bệnh thối thân, thối cổ rễ gây ra.
      Dùng các thuốc gốc đồng hay gốc nhôm như Đồng đỏ, Aliette… pha nồng độ cao gấp 4-5 lần quét lên vùng cổ rễ và phần thân từ mặt đất lên 2-3 lần sẽ ngăn chặn được.

    • Xin cảm ơn Châu Phong đã tư vấn!
      Bạn cho mình hỏi thêm 1 xíu nữa là, cách đó chỉ áp dụng cho những dây mới bắt đầu phát bệnh thôi phải không? còn những dây đã thành màu đen thì bỏ phải không?
      Mình cảm ơn bạn!

    • Những dây bắt đầu thâm đen là bắt đầu thối rồi, phải chịu thôi. Những dây mới nhiễm, chưa phát bệnh thì còn chữa được. Bà con thường chủ quan, chỉ phun thuốc khi hiện tượng bệnh rõ rệt mà không biết bệnh đã nhiễm vài tháng trước đó nên mới… bó tay !

    • Tiêu con nhà bạn mình nghĩ vì không được che bớt nắng nên bị nắng táp làm cháy dây. Ở những dây bị chết thân thì gốc vẫn tươi, hãy moi bớt đất thử vài gốc xem đúng vậy không? Che bớt nắng là việc làm bắt buộc đối với tiêu con. Những dây đã cháy khô thì cắt bỏ từ phần cháy, để phần gốc lại tưới giữ ẩm cho nứt lại mầm! Có thể tới mùa mưa nó mới nứt mầm nên cũng đừng nóng vội!

    • Chào Trần Việt Phú! Bạn ko nêu rõ cách chăm sóc, tiêu trồng trên trụ sống hay trụ chết nên khó góp ý cho bạn. Bạn hãy vào giatieu.com tìm đến trang biểu hiện bệnh quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc phần l: tiêu con. Bạn sẽ tìm ra nguyên nhân mà khắc phục. Chúc bạn thành công.

    • Chào bạn
      Tiêu bị đen nhưng bạn không nói kết quả sau khi bị đen nó có mùi gì không? biểu hiện gì? nếu chỉ đơn giản là đen rồi chết thì có thể nguyên nhân do nắng cháy gốc nên chết chứ tiêu non mới trồng ít bệnh lắm.

  19. Mình thì trồng bằng cây keo dậu làm trụ sống + nuôi thêm bầy dê nữa. Vừa có lá cho dê ăn vừa k mất công rong tỉa cành. Vườn tiêu lại mát vì chỉ rong cành to cành nhỏ để lại, một công đôi ba việc

    • Xin chào cộng đồng. Nhà em cũng có trồng khoảng 100 cây keo dậu nhưng nhược điểm của nó là rất nhiều rầy. Em có hỏi các bác trồng cây keo nhiều mọi người nói thuốc sâu xịt cho keo còn nhiều hơn xịt cho tiêu.

  20. Kính chào anh Nguyễn Vịnh và anh em trên Giatieu.com

    Theo dõi diễn đàn Giatieu.com đã lâu, hôm nay có việc muốn nhờ anh Nguyễn Vịnh và anh em trên diễn đàn tư vấn giúp.
    Hiện tôi làm việc tại Tp.HCM, năm nay được bà già cho mảnh vườn 6000 mét vuông tiêu già cỗi năng suất thấp tại xã Xuân Thọ – huyện Xuân Lộc – tỉnh Đồng Nai. Tôi định cắt gốc trước 2 sào để cày đất trồng mới tiêu lại nhưng đang băng khoăn trồng với khoảng cách bao nhiêu? ( đất đỏ ba gian, đất xấu có người đề nghị 1.5 x 2, hoặc 1,8 x 2 hoặc 2 x 2), trồng giống tiêu gì là phù hợp với vùng đất này?. Nhờ mấy anh tư vấn giúp trồng bao nhiêu dây tiêu/ 1 gốc và giá bán bao nhiêu/ 1 dây tiêu giống mới cắt?

    Mong các anh tư vấn giúp

  21. Xin chào Quy Nguyen.
    Bạn muốn phá vườn tiêu già cỗi đi trồng mới. Nếu vườn tiêu nhà bạn trồng trên tru sống thì bạn chỉ nên phá tiêu thôi ko nên phá trụ. Bây giờ đang là mùa khô bạn nên rắc vôi rồi cày, bừa phơi ải đất. Do đất xấu bạn nên trồng các loại cây ngắn ngày như các cây họ đậu để cải tạo đất. nếu là trụ sống mà to quá thì nên trồng tiêu chiết là tốt nhất.
    Còn nếu chưa có trụ thì tuỳ vào khả năng tài chính của bạn. Nếu muốn nhanh thì mua trụ bê tông, gỗ, trụ sống như gòn, muồng đen chiết. Còn bạn ko có khả năng tài chính thì bạn nên trồng cây thực sinh sau 1, 2 năm thì trồng. Khoảng cách trồng nếu đất xấu trồng 2,5 x 2,5m, đất tốt trồng 2,5 x 3m hay 3 x 3m. Giống tiêu thì Vĩnh Linh là số 1, nhưng còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng mỗi vùng nữa. Bạn nên tìm hiểu xem nơi mình ở trồng giống gì, năng suất cao, thì mới nên trồng.
    Trên đây mình chỉ nói tóm tắt sơ qua. Còn nói hết thì mình nói cả ngày. Bạn nên tham khảo thêm các bài viết trong giatieu.com nữa. Chúc bạn thành công

    • Chào anh Pham Thanh Liêm,

      Cảm ơn anh đã góp ý giúp tôi. Hiện nhà đang trồng trụ sống chủ yếu là Keo nên bị gió thổi gãy ngan rất nhiều và do lúc ông già còn sống trồng xen nhiều loại cây khác nhau nên muốn cải tạo lại vườn cho hoàn chỉnh.
      Vì cây trồng lộn xộn không theo hàng lối nên mình muốn cùi chiết lại các cọc sống còn dùng được, sau khi cây có rễ sẽ cưa tập trung lại 1 chỗ để có đất trống thuê xe múc vào múc gốc, cày xới đất…. Hiện ở gần nhà thấy người ta trồng khoảng cách là 1,5 x 1,5 or 1,8 x 2 mà tiêu mới trồng nên mình không đánh giá được thực tế sau này cây lớn lên ra sao, theo như anh Pham Thanh Liêm đề nghị khoảng cách 2.5 x 2.5, 2.5 x 3 có thưa quá không? hiện anh đang trồng khoảng cách nào?.
      Tiêu nhà trồng cũng được gần 20 năm, mình cũng không nhớ rõ, mấy năm dịch bệnh có vài trụ chết rồi ông già trồng lại nên mình cũng không biết kỹ thuật ông trồng ra sao.

    • chào quy nguyen
      Mình cũng giống như bạn là được thừa hương kinh nghiệm từ người đi trước. Nhưng có vài trăm trụ thôi còn lại là tiêu mới trồng. Mình trồng muồng đen nên khỏang cách 3x3m. Nếu nhà bạn trồng trụ là keo dậu thì xem trong vườn chọn những cây to, khỏe mạnh bạn bó chiết. Khoảng 1 tháng bạn cưa ra rùi mượn máy múc, múc hết rồi bạn thiết kế lại vườn. Cây keo dậu thân ko to như muồng đen nên bạn thiết kế khoảng cách 2,5×2,5m. chỗ nhà bạn ảnh hưởng của gió thì chỉ nên để cao 4 đến 5m. Bụi tiêu kinh doanh bạn chăm tốt đến 2 người ôm mới hết, trồng với khoảng cách đó thì dày qúa. Ko may dịch bệnh bùng phát thì lây lan rất cao. chăm sóc cũng khó.
      À xin hỏi bạn vùng bạn trồng tiêu với mật độ dày như vậy năng suất 1 hec bao nhiêu tấn bạn. chăm sóc theo hướng hưu cơ sinh học hay bón phân hoá học

    • Chào bạn Pham Thanh Liêm
      Ở chỗ mình xưa giờ trồng theo kiểu bón phân vô cơ lẫn hữu cơ, mấy bác trong xóm toàn người lớn tuổi nên họ trồng theo kinh nghiệm và xen canh nhiều cây khác như sầu riêng, bơ, mít… nên khó mà đánh giá được năng suất.
      Bạn cho mình hỏi nếu trồng dây ác cắt trồng trực tiếp thì 1 gốc trồng bao nhiêu dây?

  22. Tiêu có thể trồng xen với cây cam được không các bạn. Mình ở Hà Tĩnh ạ. Đất nhà mình là đất đồi.

    • Chào bạn @đình lợi- Trong một năm chu kỳ sinh trưởng của cây tiêu cần có một thời gian nắng dài để phân hóa mầm hoa và thuận tiện cho việc thu hoạch. Hà Tĩnh thì tháng nào cũng có mưa, mùa hè thì rất nóng và mùa đông thì quá lạnh lại còn mưa dầm nữa. Đất trồng tiêu cần tơi xốp, nhiều mùn và thoát nước tốt mà các vùng đất ở Hà Tĩnh thì không đáp ứng được những yếu tố đó. Theo mình thì khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Tĩnh nơi bạn không thích hợp cho việc trồng tiêu. Không nên trồng!

  23. Chào Quy Nguyen
    Bạn gửi câu hỏi lên diễn đàn tôi thấy đối lập với gia đình nhà bạn. Nhà bạn đã có thế hệ trước trồng tiêu và tiêu nhà bạn ko bị dịch bệnh tấn công mà chỉ già cỗi cho năng suất kém, tức là giống tiêu nhà bạn trồng kháng bênh tốt, chăm sóc tốt. Tiêu chăm sóc khi nào năng suất kém ta cho nó chết thì nó mới chết, đó chính bí quyết trồng tiêu thành công. Bí quyết đó chính là những thế hệ trước đã chăm sóc vườn tiêu đó.

  24. Các bạn cho mình hỏi: mình định trồng tiêu bằng ác, mỗi hố 4 dây, vậy mình có nên chôn trụ ở giữa hố đào 50x50x50 ko hay chôn ngoài hố, mong được mọi người tư vấn

    • Trụ nhà mình nhỏ thôi, duong kính 20, mình trồng bằng bầu ác, mỗi bầu 2 dây ác, vậy trồng 1 bầu hay 2 bầu tốt hơn

    • Chào bạn, trồng 2 bầu 4 dây càng tốt. Theo mình bạn nên trồng trụ sang 1 bên thì tốt hơn

    • Các bạn tính lùi khoảng 40 – 45 ngày là sẽ bước vào mùa mưa để quyết định thời điểm hãm nước cho mình. Ở các tỉnh thường có tiểu vùng khí hậu khác nhau nên không thể đưa ra một thời gian chung được.
      Tuy nhiên, theo mình thì các bạn Đắc Lắc bắt đầu thời gian hãm nước là được rồi.

  25. Cảm ơn Chi Mai, tiêu của mình kinh doanh năm đầu. Hiện nay có mấy trụ bị rủ lá nhẹ, cả vườn vẫn xanh tươi. Vườn mình trồng trụ cây muồng đen nên độ che nắng tốt, vậy có cần tưới rồi bắt đầu hãm nước. Hay là hãm luôn không cần tưới nữa (hiện nay ở ĐắcLắc trời nóng lắm, độ ẩm không khí thấp xung quanh vùng mình ở có mưa nhỏ còn chỗ mình thì chưa có hiện tượng mưa)

  26. Chào cộng đồng.
    Mọi người cho mình hỏi mình có thể dùng cây cao su lam trụ tạm cho tiêu leo được không? và độ bền của nó cũng như cách sử lý trước khi chôn? Mong mọi người giúp đỡ.

    • Bạn chỉ cần pha boocdo 1% phun kỹ lên trụ cao su và nhớ xử lý thuốc hạt chống mối mọt khi chôn là được. Sau này khi phun thuốc cho tiêu con bạn phun để bảo vệ trụ luôn.

    • Cảm ơn Châu Phong nhé, trụ tạm bằng cao su thì có thể dùng được thời gian là bao lâu vậy bạn. Có ng tư vấn mình nhúng nhựa đường phần chôn xuống đất sẽ kéo dài đc lâu hơn, vậy có đúng ko vậy bạn ?

  27. Xin hỏi các anh chị đã có ai trồng cây Chùm ngây làm trụ tiêu chưa? Ưu nhược điểm của trụ tiêu bằng cây Chùm ngây?

    • Ưu điểm Chùm ngây là nhanh lớn, trồng 1 năm cao được 8 mét, da sần sùi, tiêu dễ bám, tán lá thưa, thoáng thấy phù hợp cho tiêu.

      Nhược điểm là chịu nước kém, hay bị thối rễ, do nhanh lớn nên không phù hợp với vùng nhiều gió, dễ đổ ngã. Mình có trồng vài cậy chùm ngây làm trụ, thấy không bằng cây gòn nên năm nay phá trồng lại gòn. Nhưng mình có tham quan 1 chỗ ở Tân Phú, Đồng Nai thấy trồng chùm ngây tiêu leo nhìn đẹp. Chắc là tùy vùng thôi.

  28. Trời ơi ! Nghe mọi người nói làm tôi hoang mang quá, tôi mới mua đc 2 mẫu đất trên Đăk Nông, dự định trồng tiêu trên cây sống mà ko biết trồng cây gì cho hợp lý, mong mọi người chân thành góp ý. Xin cảm ơn.

    • Chào Nguyễn Quang Huy, mình ở Định Quán, Đồng Nai. Mình trồng cây Dái Ngựa được 1 năm, thấy cây này hầu như ko có tàn, lên rất thẳng và nhanh, ít sâu bệnh, tiêu bám tốt, trồng 1 năm cao 4m, đường kính gốc 3,5 cm. Cây này ưa ánh sáng, nếu trồng ngoài thoáng và chăm sóc tốt mình nghĩ sẽ tốt hơn nhiều. Một chút xíu đóng góp cho ngày đầu tham gia diễn đàn, chúc mọi người ngày mới vui vẻ

    • Chaò nguyen quang huy
      Trồng cây gì làm trụ cũng có ưu và nhược điểm của nó đấy. Theo kinh nghiệm của tôi bạn nên trồng nhiều loại trụ và xen canh thêm caphe thì tốt. Trồng nhiều loại cây trụ tuy ko đẹp bằng trồng 1 loại trụ nhưng lại hạn chế đc nhiều dịch bệnh đấy bạn. Bạn cứ nhìn vào cây trong rừng là nhận ra ngay. Nhìn cây trong rừng nó chẳng có bệnh gì. Ko hẳn là nó ko có bệnh. Cây gì cũng tiền ẩn những bệnh nguy hiểm cả. Nó ko có bệnh là do có nhiều thứ cây+tập đoàn vsv hỗ trợ cho nhau đó bạn. Và trồng tiêu cũng thế trồng xen trong vườn caphe với cho tiêu leo lên nhiều loại trụ, canh tác theo hướng hữu cơ. Tôi đang làm theo cách trên đó bạn.

  29. Chào các bác. Có ai trồng cây muỗng cho em hỏi, muỗng nhà em cao 3,5 – 4,5 mét. Gốc khoảng 5 – 7cm. Em nghe nói cắt ngọn đi thì cây nhanh lớn và to hơn đúng ko các bác. Cây của em cắt cành sớm nên cây yếu lắm.
    Ai biết chỉ em với cám ơn.

  30. Chào anh Thanh Liêm. Em định trồng cây muồng đen làm trụ tiêu nhưng trồng sau 1 năm thì trồng tiêu được chưa anh, em định trồng bằng phân sinh học và phân hữu cơ từ đầu ko dùng vô cơ ko biết vậy có được ko anh. Xin anh và mọi người tư vấn giúp em ! Em cảm ơn.

  31. Chào bạn @Đào Tấn Điền. Cây phát triển nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào chất đất nữa bạn à !
    Nếu đất nhà bạn giàu dinh dưỡng thì cây muồng phát triển khá nhanh, thường sau 18 tháng là đã có thể cho tiêu leo. Muốn trồng tiêu ngay bạn nên trồng trụ tạm.
    Canh tác theo hướng hữu cơ vi sinh, dùng các loại phân sinh học là canh tác bền vững và thân thiện với môi trường. Diễn đàn luôn ủng hộ bạn.

  32. Nhà em cũng trồng tiêu trên cây muồng đen nhưng em thấy cây muồng đen chết nhiều quá. Em mới trồng đựợc mấy tháng bây giờ cây muồng cũng cao khoảng 4m. Mà em thấy lâu lâu lại chết mấy cây. Mà em nhổ lên thấy cây muồng thối hết rễ. Bác nào đã trồng và biết cách trị bệnh chỉ giúp em với. Hoặc nhắn tin cho em theo số này 0945001568 em sẽ gọi lại sau. Em xin cảm ơn!

  33. Năm nay em tính trồng 300 trụ tiêu bằng dây lươn. Hiện tại em đã đào hố sâu 80 x 80 em trồng trụ giả và cấy cây bông gòn vào cạnh. Nhưng giờ em không biết là cấy trụ vào giữa hố hay bên cạnh miệng hố dể sau này tiện cho việc đôn tiêu. Anh chị nào chỉ dùm em với. Em cảm ơn

  34. Lời dầu tiên cho phép tôi gửi tới cộng đồng trồng tiêu lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng. Tôi muốn hỏi một số vấn đề sau :
    Tôi có trồng cây muồng đen làm trụ tiêu, lên rất tốt và đã trông tiêu được 2 năm rồi. Tuy nhiên rễ muồng quá nhiều ăn hết phần của tiêu, vậy có cách nào làm giảm bớt rễ muồng không xin cộng đồng cho tôi biết với, tôi có nghe nói rễ muồng một thời gian nó tự hủy có phải không ?
    Xin cảm ơn cộng đồng nhiều !

  35. Chắc bạn trồng muồng nông nên vậy, khi đào hố bạn ko chắn rễ muồng nên rễ muồng mới nhiều vậy. Bạn đã trồng tiêu đc 2 năm rồi thì ko đảo ngược đc nữa, giờ chỉ còn chấp nhận chia đều cho cả 2 thôi bạn. Tăng cường phân chuồng ủ hoai, phân vi sinh, phân sinh học… Tiôu phát triển tốt là đc. Ttồng trụ sống tiêu chậm hơn trụ chết là chuyện bình thường. Nó chết thì mới phân hủy đc bạn à.

  36. Khi cây muồng đủ lớn, bắt đầu tỉa cành hãm ngọn thì sẽ ăn bớt lại. Chặt bỏ bớt các rễ ăn nổi để các rễ ăn sâu phát triển hơn. Không thể cho rằng muồng ăn hết phần của tiêu mà là chưa cho cả hai ăn đủ nên buộc nó phải dành nhau. Sợ cây ăn tốn kém thì không nên trồng trụ sống, nó cũng cần ăn để sống chứ !.

  37. Trồng cây muồng hay cây sống gì khác đi nữa thì cũng phải chấp nhận việc cây sống sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với nhau thôi. Nhưng với cây muồng thì theo quan điểm của riêng tôi thì nó rất tốt, rất hợp với cây tiêu, nó lấy đi bao nhiêu dinh dưỡng thì khi về mùa sâu ăn lá muồng lại trả lại cho đất biết bao nhiêu chất mà nhờ con sâu chuyển hóa cho…

  38. Chào cộng đồng giatieu ! Cho tôi hỏi cây gỗ tếch hãm đọt để cho tiêu leo được không?
    Cộng đồng có ai đã trồng tiêu leo cây gỗ tếch xin tư vấn giùm.
    Xin chúc cộng đồng sức khỏe, thành công !

  39. Chào@ nguyễn toán. Chiết muồng đen để làm trụ tiêu thì cũng đơn giản thôi, trước khi chiết bạn cần rong tỉa cành sạch khoảng 3,5 m rồi dùng dao cắt phần vỏ khoảng 5-8 cm. Cạo sạch phần vỏ non vào thân muồng nhằm cắt các mạch nuôi thân buộc nó sẽ phát triển rể. Ngay chỗ cạo khoảng một tháng sau, bạn kiểm tra thấy có u nhú rễ đều là có thể cắt trồng. Để đảm bảo độ sống cao, bạn có thể nhúng phần gốc vào các thuốc trị nấm gốc đồng, booc đô hay cóc 85 cũng được vì phần nhú rễ mới thường hay bị nấm tấn công. Bạn nên đào lỗ trồng sâu khoảng 70-75 cm là được, không nên trồng sâu quá nó khó sống và kém phát triển. Còn trồng cạn thì cây dễ ngã, về muồng đen dê bò ít phá vì nó phát triển nhanh thân thẳng nên rong tia cành. Khi cây lên 4-5 m cần hảm ngọn để cây phát triển chiều ngang. Chúc ban thành công, thân…

  40. Ko biết chỗ các bạn thế nào chứ vùng Châu Đức BR-VT của mình người ta trồng 99% bằng trụ gòn. Mình thấy cây gòn nhanh lớn, cũng dễ rong cắt cành, nhược điểm là da gòn trơn tiêu khó leo. Mình khắc phục bằng cách lấy bàn chãi sắt, chà sơ quanh thân cây (mỗi lần khoãng 2m) chà xong pha 1 bình thuốc rầy (loại nào trị sâu chích hút) xịt sơ quanh vết chà, khoãng 1 tuần sau là thân cây lành vết, tha hồ tiêu leo. Khi nào tiêu leo gần hết ta lại làm tiếp tục.

  41. Vùng Ân Đức, Hoài Ân , Bình Định có cây đậu mương dùng trồng tiêu là tốt nhất trong tất cả các cây xanh dùng làm trụ tiêu mà tôi đã tham khảo. Lí do: Cây đậu mương đa số mọc thẳng, rễ cọc rất sâu, ít hút phân bón
    hơn các loại cây khác. Gỗ nhánh làm củi đốt cực tốt, thân làm đồ mốp và nhà cửa tốt, ban đầu cây lớn rất nhanh (chóng có trụ trồng tiêu), bạn chỉ cần trồng trụ phụ để chờ và trồng tiêu thì mấy tháng sau, tiêu bám váo cây đậu mương đó. Nhược điểm lớn nhất của cây này là khó kiếm hạt, hạt chắc phải tùy cây mẹ, kiến rất thích ăn nên cây khó mọc.

    • Lần đầu tiên nghe nói về cây đậu mương.
      Bạn nào biết rõ chi tiết hơn hoặc có hình ảnh vui lòng chia sẻ vói cộng đồng. Xin cảm ơn.

Gửi phản hồi mới

(?)