Chia sẻ kinh nghiệm diệt rệp sáp gốc hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 83

nghiệm ở tại thị trấn Ea K'Nốp, huyện Ea Kar, Đăk Lăk.

Anh Trịnh Văn Ba ở thị trấn Ea K’Nốp, huyện Ea Kar, Đăk Lăk.

Giatieu.com xin giới thiệu bài viết của anh Trịnh Văn Ba, một nông dân trồng tiêu giàu kinh nghiệm ở tại thị trấn Ea K’Nốp, huyện Ea Kar, Đăk Lăk. Bài viết nhằm chia sẻ kinh nghiệm diệt trừ rệp sáp gốc hồ tiêu bao nhiêu năm qua anh đã thực hiện rất hiệu quả để cộng đồng tham khảo. (bài đăng lại)

Chào cộng đồng Giatieu.com. Chào các bạn !

Rệp sáp gôc hồ tiêu là loại sâu bọ khó trị. Căn bản nó có các đặc tính sau:

– Có bộ giáp dày bằng sáp, thuốc không thể bám dính

– Nằm ẩn dưới một lớp đất, rất khó phát hiện

– Kháng được rất nhiều loại thuốc trừ rệp sáp

Bởi vậy, rệp sáp ngày càng trở nên nguy hiểm với cây hồ tiêu.

Ở bài viết này tôi chia sẻ cùng cộng đồng và các bạn cách diệt rệp sáp gốc hồ tiêu của tôi. Cách làm rất dễ và đơn giản, bao gồm 2 công đoạn :

* Công đoạn thứ nhất (làm vào buổi sáng trong ngày): tìm và đưa rệp sáp ra khỏi môi trường sống.

Có thể bạn đang dùng bép hay tưới nhỏ giọt, nhưng tôi khuyên bạn hãy sử dụng cách tưới truyền thống hiện nhiều người vẫn đang sử dụng – đó là tưới dí để diệt rệp sáp kết hợp với tưới vườn luôn (một công đôi việc). Điều chỉnh áp lực nước hợp lí, xối trực tiếp vào gốc tiêu. Nếu có rệp sáp sẽ bị bung ra, cả rệp lẫn sáp sẽ nổi trắng. Xịt cho tới khi không còn thấy rệp sáp từ gốc bung ra nữa thì dừng, chuyển sang trụ khác. Trụ nào không có rệp thì tưới bình thường (nhớ đánh dấu những trụ có rệp để theo dõi).

Bạn yên tâm với cách làm này vì không ảnh hường gì tới sức khỏe của cây tiêu. Trong khi bạn dùng các dụng cụ để xới gốc tìm rệp sáp vừa chậm vừa mất công, vừa gây họa cho tiêu. Vì có làm cẩn thận bao nhiêu nữa vẫn không tránh khỏi việc gây đứt rễ, xước gốc.

Lưu ý : với tiêu tơ, tiêu con vài tháng tuổi cần điều chỉnh áp lực xịt vừa phải kẻo “rệp nổi tiêu cũng nổi”

* Công đoạn thứ hai (làm ngay buổi chiều): xử lý thuốc cho những trụ có rệp sáp đã được đánh dấu.

Các bạn sẽ hỏi : “tại sao không làm ngay trong buổi sáng hoặc sáng hôm sau?” . Theo tôi, khoảng thời gian này rất quan trọng. Nó có tính chất quyết định rất cao, các bạn cần lưu ý.

Rệp đã bị xối nước bật ra khỏi gốc tiêu (đó là nơi ăn chốn ở của rệp) và khi đã bung hết lớp sáp dày bên ngoài làm nó sẽ bị đói. Đói sẽ yếu, yếu tất nhiên sức đề kháng sẽ kém. Lúc này ta có thể dùng thuốc BVTV để xịt hoặc tưới :

1. Dragon 585 EC, thuốc gồm 2 hoạt chất Cypermethrin và Chlorpyriphos Ethyl

2. Amitage 200 EC, thuốc có 1 hoạt chất Carbosulfan

Pha đúng tỉ lệ hướng dẫn, xịt kỹ rộng trong và ngoài gốc, dưới tán lá gần xung quanh gốc, hoặc có thể tưới (buổi chiều độ ẩm trong đất đã hợp lí, không bị loãng thuốc) để qua đêm đến ngày mai rệp đã khỏe trở lại, khó trị.

Tuy gốc tiêu nơi rệp chích hút có thể bị các loại nấm hại xâm nhập, nhưng hầu hết các loại nấm hại ở dưới gốc đều sợ ánh sáng. Để chắc ăn nên pha thêm các loại thuốc trừ nấm phù hợp để ngừa, khoảng một tuần sau sử lí thuốc lần 2 để diệt rệp non.

Thưa cộng đồng, thưa các bạn ! Cách làm này tôi đã làm và hoàn thiện cách đây hơn 10 năm, hiệu quả gần như tuyệt đối. Còn cách phòng thì có rất nhiều cách đã có trên diễn đàn. Tôi quan sát và theo dõi ở vườn nhà thì nhiều năm nay không có rệp sáp gốc. Có phải là do tiêu đã già rệp sáp chê, hay là do hàng năm tôi xử lý 3 lần để phòng bệnh chết nhanh chết chậm mà có hiệu quả kép. Tôi không dám khẳng định !  Nhưng có lời khuyên là nên kết hợp để giảm chi phí tiền thuốc BVTV, giảm công lao động.

Có chút kinh nghiệm mở lòng cùng cộng đồng và các bạn.

Chúc cộng đồng Giatieu.com thành công !

Trịnh Văn Ba

Khối 11, Thị trấn Ea K’Nốp,  Huyện Ea Kar, Đăk Lăk

Đọc thêm >> Chia sẻ kinh nghiệm làm bông cho hồ tiêu

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu ngăn chặn chết nhanh chết chậm

Tác giả chia sẻ bài viết với cộng đồng giatieu.com, các trang chuyên tiêu trích đăng lại vui lòng đừng quên ghi rõ nguồn gốc. Cảm ơn. 

 Giatieu.com

Báo Giá cà phê qua điện thoại
83 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Chào anh Trịnh Văn Ba , chân thành cảm ơn anh đã chia sẻ cách trị rệp sáp cho cây hồ tiêu. Cách sử lý rất là khoa học và kinh nghiệm. Chúc gia đình Anh an khang thịnh vượng !

  2. Chào chú Ba. Quả là cách làm hay, con sẽ áp dụng. Nhưng cho con hỏi tí ạ. Dùng máy bơm cao áp hay máy nổ để xịt vậy chú. Có làm đứt rễ tiêu k ạ. Xịt sâu không chú?

  3. Cách làm này của chú Ba rất hợp lý. Xin cảm ơn chú đã chia sẻ. Chúc chú và gia đình bình an.

  4. Bài viết rất hay, gần gũi, thực tế, dễ làm, không còn gì để nói. Con xin cảm ơn Bác đã chia sẻ

  5. Cảm ơn các bạn đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến tôi và gia đình.

    Chào @nguyễn thanh nguyện, trên bài viết chú đã nói là tưới vườn kết hợp với tìm rệp sáp gốc, cách này dùng bơm điện hoặc máy nổ tùy điều kiện. Rệp sáp gốc hồ tiêu nó nằm ở dưới đất, nhưng ở độ sâu không quá 5cm. Nếu có xịt nước vào gốc sẽ thấy ngay, sâu quá nó không ở. Đừng xịt sâu quá làm gì vô ích. Cháu lưu ý, xịt nước nó không hại đến gốc rễ tiêu.
    Chúc cháu và gia đình mạnh khỏe !

    • Cháu cảm ơn chú Trịnh Văn Ba ạ ! Chú ghi rõ ràng, dễ hiểu. Cảm ơn chú một lần nữa. Cháu ở Km34 Krông Păk, đi làm kinh tế tại huyện Ea H’Leo. Do mới tập làm nên rất chi là thiếu kinh nghiệm, mong chú có những chia sẻ hữu ích cho bà con học hỏi. Thân

  6. Chào các bác !
    Cho cháu hỏi là gốc tiêu bị rệp sáp, dấu hiệu nào biểu hiện rõ nhất ạ.
    Thông thường tiêu bị bệnh cũng khó xác định

    • Trong bài viết chú cũng đã nói, rất khó phát hiện bởi nó nằm ở dưới lòng đất , dấu hiệu thông thường khó thấy , nên phải dùng nước để xịt gốc (vừa tưới vừa tìm)

  7. Chào cộng đồng giá tiêu, chào bác Ba, cho con hỏi vấn đề ngoài rìa tí. Con vừa mới đào lỗ trồng tiêu mà đất nhà toàn mối, đào 10 lỗ thì hết 7 lỗ có ụ mối (nằm trong đất), có cách nào để diệt không ạ và nó có ảnh hưởng gì đến rễ tiêu sau này không. Con xin cám ơn!

    • Chào cháu ! Lâu nay các tài liệu nghiên cứu khoa học chỉ nói mối nó hại đê, hại đập chứ không nói đến hại tiêu. Với vườn tiêu ở vườn nhà chú, qua theo dõi nhiều năm nó hại rất khủng khiếp, cháu cần phải diệt, ở TP. Buôn Ma Thuột có một số cửa hàng chuyên bán thuốc trị mối, cháu tìm mua.

    • Dạ cháu cảm ơn rất nhiều ạ. Cháu đang định dùng lenfos 50ec, hay basudin để diệt (theo như trên mạng), nhưng không biết có cần cách li thời gian bón phân chuồng có ủ Tricho k ạ, tại gần tới mùa mưa rồi sắp tới lúc trồng. Mà cháu thì chưa có kinh nghiệm thực tiển chỉ toàn xem trên mạng rồi làm theo nên cũng hơi sợ.

    • Tricho phân hũy và tricho đối kháng là 2 dòng khác nhau. Số Tricho bạn dùng để ủ phân còn đâu nữa mà cách ly.
      Cần phải bổ sung tricho mới cho phân đã ủ hoai khi đưa ra bón cho cây, nhưng phải đúng là tricho đối kháng nhé.

    • Bạn kiếm vi nấm diệt mối trộn vào những loại thức ăn chúng ưa thích rồi bỏ vào hố hay nơi có mối đi lại. Mối ăn phải vi nấm khi về tổ sẽ gieo rắc mầm bệnh tới những con khác trong tổ kể cả mối chúa. Khi mối đã bị bệnh thì sẽ chết hết sau một thời gian!

    • Chào anh Nguyễn Vịnh tôi thấy trên diễn đàn có hướng dẫn cách nhân sinh khối nấm tricho để tăng cường nấm cho tiêu, mùa mưa qua tôi tìm mua loại nấm đối kháng thương hiệu Mai Xuân có mùi rất thơm loại 1gói 2kg để bón cùng phân vi sinh và phân bò ủ hoai. Tuy nhiên khi lấy nấm này đi nhân sinh khối cùng cám gạo, sơ dừa và đường cát theo chỉ dẫn thì không thấy kết quả, mong anh góp ý cho xin cảm ơn.

    • Chào bạn @hoangdung và các bạn quan tâm về nấm Tricho.
      1. Trước đây trên diễn đàn Giatieu.com có bài viết về nhân sinh khối nấm của cộng đồng gửi đến chia sẻ, nhưng qui trình làm chưa hợp lý, đặc biệt là môi trường nhân không bảo đảm vô trùng, có thể lây nhiễm tạp khuẩn, dòi bọ,… nên nhiều bạn làm theo thất bại thì nhiều mà thành công cũng chưa kiểm chứng được. Nhiều nhà chuyên môn góp ý “lợi bất cập hại” nên diễn đàn đã đóng bài viết lại khá lâu rồi.
      2. Tricho của Mai Xuân loại 2kg được sản xuất dưới dạng phân vi sinh, nên người sử dụng chỉ việc bón để phòng bệnh cho tiêu theo liều lượng khuyến cáo. Diễn đàn khuyên bà con khi sử dụng tricho nên kết hợp với phân đổ gốc biogel cho lợi công, vì biogel là phân sinh học nên sẽ làm thức ăn để nuôi tricho hoạt động… Chuyên gia của Mai Xuân cho biết do bạn nhân sinh khối là dùng sai mục đích (phân để bón chứ không phải men, và họ cũng không hướng dẫn nhân) nên MX không chịu trách nhiệm. Hy vọng các bạn hiểu và thận trọng hơn.
      Diễn đàn Giatieu.com sẵn sàng giúp các bạn nắm rõ những vấn đề chuyên môn trong phạm vi có thể.

    • Chào bác Vịnh cháu muốn hỏi là tricho-MX loại 2kg có thể dùng để ủ hoai phân chuồng không ạ. Hay chỉ dùng để phòng bệnh chết nhanh, chết chậm trong mùa mưa thôi ạ. Mong bác tư vấn, cảm ơn bác Vịnh.
      Thân

    • Có thể kết hợp tricho-MX với biogel để ủ các loại phân hữu cơ, nhờ vi sinh vật hữu hiệu (EM) trong phân sinh học này giúp gia tăng chất lượng phân ủ.

  8. Xin chào toàn thể mọi thành viên của diễn đàn. Xin chào chú Vịnh, chú Ba.
    Con mới trồng đuoc 150 trụ tiêu bằng cây gòn và đang chuẩn bị làm đất để đầu mùa mưa lấy tiêu về trồng, mà con định trộn mỗi hố 15 kg phân heo đã ủ hoai với 0,5 kg lân, 0,5kg vôi vào ủ chung với nhau. Nhưng có người bảo là vôi phải rắc riêng không ủ chung với phân chuồng được. Vậy xin cac bác có kinh nghiệm chỉ giúp cho con với ạ. Con xin cảm ơn.

  9. Con muốn mua thêm ít giống cây lồng mức về ươm sang năm trồng, ai biết ở đâu có xin chỉ giúp con với ạ.

    • Bạn phải nói rõ mình ở địa phương nào để những người khác còn biết để mà chỉ chỗ cho!

    • Chào cháu ! Tiêu nó không chê cây trụ, cây trụ chê tiêu thì có.
      Phân heo ủ hoai bón lúc mới trồng, 15kg 1 hố thì qua nhiều ; hãy sử dụng 1/3 số phân đó + vôi + lân Lâm Thao như thế là hợp lý, đảo đều với đất màu (nếu có vài ba kg than trấu nữa thì tuyệt vời)
      Đến mùa mưa, ở vùng chú cây lồng mức tự nó mọc. Sợ cháu không có sức mà lấy, ở vùng chú ít người trồng.

  10. Chào bác, nếu xịt trực tiếp vào gốc tiêu thì sẽ tạo thành các hố nhỏ dưới gốc, nếu mùa mưa thì sẽ đọng nước lại gây úng cây tiêu. Vậy diệt xong mình có thể lấy đất mới để đổ thêm vào gốc đc không ạ? Cháu ở Đồng Nai.

    • Chào cháu ! rệp sáp gốc nó không ở quá sâu, cách mặt đất trên dưới khoảng 5 cm, khi xịt vào gốc nó sẽ không tạo thành hố sâu (nếu điều chỉnh áp lực hợp lý). Sau khi sử lý thuốc lần hai có thể lấp chỗ đó lại, không sao cả .

    • Vườn nhà con rệp ở sâu lắm mình đôn đến đâu nó làm đến đó giờ mình phải làm sao ạ. Hiện bây giờ mưa nhiều nữa làm thì ko chắc hiệu quả dc, mong bác giúp con mà con ở Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu. Con xin cảm ơn.

  11. Chào chú Ba, chào cộng đồng!

    Lâu nay cháu ít lên diễn đàn vì bận đi tìm mua tiêu sạch, thấy đuối quá.
    Trong danh mục các chất BVTV cấm ở châu Âu và hay bị phát hiện trong tiêu VN là Cypermethrin và Chlorpyrifos Ethyl. Không biết thời gian tự phân hủy của hai loại này là bao lâu, chú lưu ý với bà con giùm cháu thêm về thời gian cách ly trước khi thu hoạch được không? Nhiều cty XNK đang sính vính với thị trường Âu-Mỹ vì dư lượng rồi, VPA, bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã lên tiếng rồi mà có vẻ chưa có chuyển biến tích cực.

    Cháu không chắc là các cty chuyên bán hàng đi Âu-Mỹ có trụ nổi qua năm nay không nữa, nếu họ mà rút thì từ nay về sau mình chỉ có thể bán đi TQ mà thôi.

    Mấy ngày nay đọc báo thấy dưa bán đi TQ bị dội chợ, 200-300 VND/kg, bà con bỏ cho bò ăn… thấy lo lo.

    • Gửi Dan Viet ! Lâu lắm chú mới gặp lại, hẹn cháu đến nhà chú vậy mà chưa thấy. Chú muốn chia sẻ với cộng đồng nhiều lắm nhưng vì nhiều vấn đề, còn tiêu sạch cháu đang tìm hãy đến chú. Các loại ong mật rất kinh sợ với các loại thuốc BVTV. Vậy mà, năm nào vườn tiêu nhà chú vẫn có vài tổ ong mật hoang dã về làm tổ. Nhà chú hiện vẫn còn khoảng 200 trụ tiêu kháng được rất nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm. Không cần dùng các loại thuốc BVTV, đến ngay chú biếu một ít dùng thử.
      Có lẽ tới đây chú sẽ giới thiệu giống tiêu này trên diễn đàn ở một ngày gần nhất.

    • Chào anh Ba nhà anh ở khối 11 Êknốp, em đã định đến nhà anh tham quan vườn tiêu nhưng công việc chưa đến được. Cảm ơn anh đã cho cộng đồng một cách diệt rệp “khó”, mà lâu nay em đang phân vân về cách diệt, anh cho em sđt để khi xuống em liên lạc, anh nhắn tin vào sđt của em 0982.970705. Hẹn anh tại vườn nhà anh. Chúc anh mạnh khỏe.

  12. Xin chào cộng đồng! Ở chỗ con đã vào mùa mưa, năm ngoái tiêu nhà con chết nhanh chết chậm nhiều lắm, trên 500 trụ.
    Con thì vừa bỏ việc làm công nghiệp để về phụ ba mẹ làm nông nghiệp. Con xin được mọi người tư vấn tận tình.
    Số là bồn tiêu nhà con rất rộng, mùa mưa đã đến con định vun đất vào gốc tiêu cho lài ra thành bồn được không ạ? Vì đất nhà con hơi dốc nên cần có thành bồn để bỏ phân, xin mọi người tư vấn giúp.
    Với lại rễ tiêu nhà con bị tuyến trùng nhiều lắm, hầu như cây nào cũng bị, xin mọi người tư vấn dùng thuốc gì để trị cho hiệu quả?
    Con đã phun 2 lần biosol cho tiêu, cách nhau 10 ngày, chờ 7 ngày sau con phun lại lần nữa, con thấy tiêu đã ra tay phụ và chuỗi, xin mọi người tư vấn, mưa được 5 lần rồi.

  13. Nhà em đợt vừa rồi có đào hố để chôn trụ tiêu (trụ gỗ). Lúc em đào thấy có khá nhiều hố có tổ mối, xin hỏi mọi người cách xử lý mấy hố có mối, em chân thành cản ơn ý kiến đóng góp của mọi người

  14. Chào @Đinh Thành Huy!
    Vườn nhà bạn có độ dốc như vậy, để chống xói mòn bạn thiết kế vườn theo kiểu ruộng bậc thang, Bạn vun cao gốc tiêu và tạo thành luống và giữa các luống bạn niên trồng lạc dại để chống xói mòn, giữa 2 gốc tiêu theo hàng bạn khoan hố sâu khoản 80 đến 100cm để rút nước. Bạn nên kết họp thuốc Amitage và Romil để giảm bệnh chết chậm, chết nhanh của vườn nhà.

    Chào bạn @ Nguyễn Trường! Mối không thấy gây hại đến gốc tiêu, nhưng loại này dễ trị, bạn xử lý đất phòng ngừa rệp sáp tuyến trùng cũng giảm loại này, sau khi trồng tiêu, bạn phun sụt gốc bằng thuốc agri-fos 400 thì loại này và sùng đất đều chết nhiều đấy. Đó là kinh nghiệm của mình.
    Chúc hai bạn sớm thành công!

    • Cám ơn bạn @nguyễn thành xuân đã góp ý cho mình nhé, chúc bạn và gd sức khoẻ để sát cánh cùng cộng đồng giatieu nhé.

    • Xin cảm ơn Nuyễn Thành Xuân, chúc dồi dào sức khỏe ạ!

  15. Chào Cộng đồng! Con chào Bác Vịnh!
    Hôm qua, Bác có nói lý do mùa mưa chỗ con với chỗ Bác trái ngược nhau, con coi lại đúng là như thế thật, nhưng vì không muốn làm loãng chuyên đề nên con không hồi đáp.
    Nhân đây con xin nhờ Bác và cộng đồng tư vấn dùm con chỗ này xíu ạ:
    Tiêu kinh doanh nhà con, vừa rồi bị bệnh trong lúc đang nuôi trái. Con xử lý phân thuốc xong hết rồi, và tiêu cũng đã hồi phục, nhưng mà tại sao con thấy các hạt tiêu trên chuỗi bây giờ nó cứ sần sần ngoài mặt giống như có một lớp nấm bám vào. Con không biết đó là triệu chứng gì, mong Bác Vịnh và mọi người giúp giùm, con xin cảm ơn

    • Do lúc tiêu đang nuôi trái mà bạn xịt lên cây loại thuốc có chứa gốc đồng. Tôi thấy thuốc gốc đồng hay làm xấu vỏ trái cây khi trái đang độ lớn!

  16. Chào cộng đồng.
    Cho cháu hỏi một việc là vườn tiêu nhà cháu bước vào mùa ra hoa đầu tiên. Nhưng khi ra hoa đến đâu thì hoa rụng đến đó. Mong cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm cho cháu biết là vườn tiêu nhà cháu bị bệnh gì và bệnh pháp phòng trừ. Cháu chân thành cảm ơn.

    • Hoa rụng thường có 2 nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ dấu hiệu để xác định.
      1. Nguyên nhân sinh lý: bón phân cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng nhất là các trung-vi lượng, chú trọng tăng cường phân hữu cơ. Khắc phục rụng hoa ngay bằng cách phun phân bón lá biosol 2 lần liên tiếp cách 7 ngày để các chất auxin, GA3… chống rụng.
      2. Nguyên nhân sâu bệnh: Do côn trùng cắn phá, chủ yếu là bọ thánh giá. Phun thuốc diệt côn trùng, xử lý kép như trên.

    • Thêm 1 nguyên nhân nữa là do tiêu ra bông sớm quá, lúc này thời tiết còn khắc nghiệt, không đủ điều kiện giúp bông thụ phấn, không thụ phấn được thì ắt sẽ rụng.

      Thân!

  17. Cho cháu hỏi. Mùa mưa đã bắt đầu, nên cháu dự tính đổ gốc ridomil để phòng nấm, sau đó cháu dùng marsan để phòng rệp sáp và tuyến trùng, mọi người cho cháu hỏi phương pháp của cháu có hợp lý không và marsan có diệt được cùng lúc 2 loại trên không ạh . Rất mong được giải đáp. Thân

    • Trên diễn đàn giatieu.com nhiều lần đã nhắc đi nhắc lại quan điểm của bác Vịnh là : “Diệt trừ bằng hóa học, phòng ngừa bằng sinh học”!
      Cho nên bạn muốn phòng hay trừ? Nếu phòng ngừa thì dùng nấm đối kháng Trichoderma sp. và vi khuẩn Pseudomonas sp, tăng cường thêm các vi sinh vật có lợi (EM), sẽ phòng được vài tháng. Còn diệt trừ thì mới dùng thuốc hóa học, nhưng nên nhớ chỉ khoảng 1 tuần là thuốc hết hiệu lực !
      Hổng lẽ không thấy sâu bệnh gì mà cứ thuốc hóa học phun thì môi trường nào chịu cho xiết, mà người làm vườn cũng sớm vô ăn cơm bệnh viện dài hạn là cái chắc.

  18. Không rõ ở những vùng đất khác thì rệp sáp làm măng sông để gây hại ở độ sâu cở nào? Có phải tùy theo chất đất không? vì tôi thấy ở chỗ tôi rệp sáp nằm rất sâu.
    Những cây cà phê thanh lý hay những trụ tiêu chết đưa máy vào múc sâu cả mét vẫn thấy có rệp sáp. Đổ thuốc hóa học không thể diệt hết nên tôi phải chuyển sang sinh học đổ nấm đối kháng trichoderma sp để phòng trừ cho tiêu.

    • Chào Trọng GL!
      Cách đây ít hôm Hiền25 có đến thăm và giao lưu, cũng có nói rệp sáp gốc ở vườn nhà anh ấy ở rất sâu, điều đó làm tôi rất bất ngờ, bây giờ có thêm bạn. Vườn nhà tôi trước đây chưa từng gặp, có lẽ các bạn đã để cho chúng nó định cư quá lâu dài, nhưng không sao xịt nước có xuống sâu một chút cũng chẵng ảnh hưởng đến sức khỏe của tiêu. Cách này có thể áp dụng cho cà phê cũng rất hiệu quả.

    • Anh Ba à ! Ở chỗ tôi nhỗ cà phê già để tái canh thấy sâu hơn 1 mét vẫn có rệp sáp đó, vậy thì làm sao để xịt nước cho tới được? Có thể trên cây cà phê rệp sáp làm tổ khác cây tiêu chăng? tôi chưa rõ vì tiêu của tôi rất ít thấy rệp sáp, còn cà phê thì phải dùng cần sục thuốc có hoạt chất Carbosulfan.

  19. Cảm ơn chú Ba vì bài viết rất hữu ích . Cháu ở Krông Năng, mong muốn được thăm vườn nhà chú và được chú chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu ạ…

  20. Chào bác Trịnh văn Ba ! cảm ơn bác đã chia sẻ kinh nghiệm. Theo cháu thấy và cháu biết là rệp sáp ở cây tiêu chủ yếu là ở gốc (trong lòng đất), còn khi mình thấy rệp sáp ở trên cây thì chắc chắn là gốc và rễ của cây tiêu đó đã bị ăn hết thì rệp sáp mới ăn lên thân (cây đó vô phương cứu chữa). Cháu đào gốc cây đó lên (độ sâu khoảng 30-60 cm tuy theo độ sâu mình trồng cây) và thấy cây tiêu hầu như không còn rễ và gốc đã thối như cháu nói ở trên.
    Cháu muốn hỏi là làm sao tưới nước cho rệp sáp bung lên trăng xoá như bác nói với độ sâu như vậy!?
    Theo cháu phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, đặc biệt là phòng rệp sáp ở gốc và bộ rễ của cây tiêu là quan trọng nhất.
    Chúc mọi người làm ăn phát đạt!

  21. Cảm ơn cháu Văn Thanh !
    Tiến bộ khoa hoc kỹ thuật cộng với trãi nghiệm nhiều năm mới có kinh nghiệm ! bác mừng cho cháu . Đào: bác đã ngốc cách đăy 15 năm với những điều cháu nói trên thì 1 năm cháu dạo vườn không nhiều ; nên nỗi !

    • Có sâu rầy thì phải phun thuốc BVTV chứ cách nào nữa !.
      Chú ý dùng thuốc theo “4 đúng” để giảm thiểu việc gây thiệt hại cho tiêu.

  22. Cháu thấy người ta nói tiêu ra hoa ma xịt thuốc rầy là sẽ ảnh hưởng đến hoa, sẽ bị lép hạt, Vậy phun thời gian nào và thuốc gì để hoa tiêu ít bị hại nhất ah?

    • Phun thuốc BVTV khi cây đang ra bông ít nhiều cũng làm hư hỏng. Bất đắc dĩ mới chọn phương án phun vào lúc này. Tuy nhiên để giảm thiểu thiệt hại, bạn cần chú ý thêm:
      -Pha thuốc với nồng độ đúng hoặc nhẹ hơn hướng dẫn trên bao bì.
      -Phun vào lúc chiều muộn, sau 16 giờ, khi bông tiêu đã thụ phấn trong ngày xong hoàn toàn. Tuyệt đối không phun trong lúc bông tiêu phơi mao và phải có thời gian cách ly cần thiết.
      -Phun sương. Không phun thẳng vào bông, đặc biệt khi phun bằng vòi áp lực cao.

      Bạn @Trần Thuận rất đúng. Vì nội dung bạn hỏi có thể tìm thấy câu trả lời chi tiết trên diễn đàn. Bên cạnh việc theo nguyên tắc 4 đúng, bạn cần tham khảo các bài viết và các phản hồi nhiều hơn nữa để tự thu thập bài học kinh nghiệm cần thiết cho mình trong việc trồng và chăm sóc tiêu. Diễn đàn giatieu.com sẵn sàng hỗ trợ, nhưng cũng rất cần nổ lực của bản thân.

  23. Chào cộng đồng! Chào chú Nguyễn Vịnh!
    Cháu đang học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, lâu nay cháu vẫn thường xem các bài viết trên diễn đàn và của chú để vận dụng vào thực tiễn. Hôm nay cháu có một vấn đề rất mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng. Hiện tại cháu có một ít tru tiêu mới trồng được 1 năm tuổi, một số dây phát triển chậm, phát đọt yếu, nhổ lên thì gốc bị đen từng đám, giống như có con gì đó gặm nhấm vậy, cứ từng miếng, từng miếng xung quanh dây tiêu (phần dây âm dưới đất). Cháu không biết là nguyên nhân gì và cách phòng trừ như thế nào? Rất mong sự giúp đỡ từ cộng đồng.
    Một lần nữa xin chân thành cảm ơn chúc sức khỏe cộng đồng!

    • Theo mình thì nguyên nhân là do sùng đất . Loại này rất ưa gặm dây tiêu phần dưới đất ( đặc biệt là tiêu lươn đôn ) . Loại này cũng khá khó trị . Nhưng mình thấy dùng Marshal 5G cho loại côn trùng này cũng khá hiệu quả đấy . Bạn áp dụng xem sao ?

    • Loại sùng đất này sinh sản rất nhiều trong những đống phân chuồng để quá lâu ngày. Bà con thường không xử lý cẩn thận khi đem ra bón cho tiêu.
      Dùng Marshal 5GR hay Vifu-super rất hiệu quả.

  24. Xin cảm ơn Mạnh Cường đã hồi âm ! Mình sẽ áp dụng phương pháp của bạn xem sao.
    Cảm ơn bạn nhiều !

  25. Chào @Trịnh Văn Ba. Ngày 20-4-2005 anh có viết mối hại tiêu rất khủng khiếp. Anh có thể nói cho em biết nó hại tiêu như thế nào không. Vườn tiêu nhà em rất nhiều mối, em cứ nghĩ nó không hại nên em chẳng diệt.
    Em chỉ thấy mối ăn hết xác bã thực vật khô. Cây cao su hay cây tiêu gần ụ mối thì rất tốt.
    Em chưa hiểu nó hại tiêu, xin anh chia sẻ kinh nghiệm.
    Em cảm ơn anh nhiều.

  26. Cộng đồng cho hỏi xíu. Nhà tôi có vài cây tiêu tơ 2 năm tuổi bị chết. Lúc đầu biểu hiện như chết nhanh. Nhưng lúc tôi nhìn kĩ thì thấy nó chỉ chết từ giữa thân trở lên, còn nữa thân dưới vẫn xanh tốt. Tôi cắt đi nữa thân trên và thấy nó lại mọc ra ngọn mới mọc xanh tốt không bị gì cả. Như vậy là sao. Mong cộng đồng cho ý kiến. Thân.

    • Kiểm tra thật kỹ xem có dấu vết côn trùng cắn phá và nấm bệnh lợi dụng tấn công vào ngay chỗ vết thương…

  27. Đã kiểm tra kĩ, chỉ thấy có vài chấm đen đen ở ngay dưới đoạn bị héo. Còn bị xì nhựa tiêu.

    • Vậy là tiêu bị côn trùng chích hút gây xì mủ. Phun thuốc phòng trừ côn trùng ngay thôi !

    • Phun thuốc trừ sâu hoạt chất Abamectin cho đỡ độc hại, hiệu quả phòng trừ cũng cao.

  28. Cảm ơn mọi người nhiều.
    Mọi người cho em hỏi thêm cái này ạ. Khi ta ủ phân chuồng để bỏ cho tiêu thì loại phân nào tốt hơn. Lấy phân ướt hay phân khô để ủ ạ. Như phân bò chẳng hạn. Bên mình nhiều chỗ bán phân bò khô lắm. Mà nếu ủ thì 1 tấn phân bò cần trộn bao nhiêu kg tricho ạ. Mong mọi người chỉ bảo thêm. Thân.

  29. Cám ơn @ Hoàng và @ Châu Phong nhiều.
    Năm mới chúc 2 bạn và cộng đồng giatieu.com sức khỏe dồi dào, tấn tài tấn lộc.

  30. Chào chú Ba, chào các chú và anh chị trên diễn đàn. Nhà cháu vừa hái tiêu xong, dự tính mua dung dịch đồng đỏ về rửa cây sau thu hoạch theo hướng dẫn trên gia tiêu. Nhưng bạn cháu khuyên không nên rửa bằng các thuốc gốc đồng sẽ làm cây mau già cỗi. Cháu xin tham khảo ý kiến chú Ba và mọi người ạ. Cháu xin cám ơn nhiều.

    • Vài năm gần đây, diễn đàn giatieu.com khuyến cáo bà con không dùng thuốc gốc đồng để rửa vườn vì chất lượng thuốc và dư lượng đồng sẽ kết hợp với lối cường canh làm cây mau già cỗi. Bạn có thể rửa vườn bằng các loại thuốc trừ nấm bất kỳ mà mình tín nhiệm.
      Việc làm bông nên tác động vào sinh lý (hãm nước), dinh dưỡng (phân bón) sẽ tốt cho cây hơn.

    • Dùng thuốc gốc đồng trừ nấm khá hiệu quả nhưng mặt trái là làm cây mau già cỗi, cháy đọt non bông non, lợi bất cập hại. Bà con chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết, không có lựa chọn thay thế và không dùng quá liều được khuyến cáo trên bao bì… Mấy năm nay mình chỉ dùng phân bón sinh học Biosol để làm bông, rất hiệu quả mà còn tốt cây nhờ các chất dinh dưỡng tổng hợp, đặc biệt là các chất GA3, Auxin và Cytokinin sinh học. Việc rửa vườn cũng bỏ quên luôn rồi vì mình thường xuyên bổ sung nấm đối kháng tricho để phòng bệnh !
      Hiện mình đang sử dụng “dấm gỗ” để trị tuyến trùng cho hồ tiêu. Đang chờ xem hiệu quả.

  31. Cho em hỏi, em dùng xạ khuẩn Forge SP để xử lý tuyến trùng, nhưng có kết hợp trừ rệp sáp gốc luôn được không? Xin được tư vấn giúp.

    • Xạ khuẩn Forge SP chỉ hiệu quả khi xử lý tuyến trùng và các vi sinh vật gây hại khác.
      Rệp sáp là côn trùng chích hút, có lớp sáp bọc bên ngoài bảo vệ nên khá khó diệt.
      Bạn tham khảo bài chia sẻ của chú Ba hoặc dùng vi nấm trichoderma sp có kết quả cao hơn.

    • Bón vi nấm đối kháng trichoderma định kỳ thì khỏi lo nấm bệnh, rệp sáp, tuyến trùng gì sấc…

  32. Tôi cũng dùng định kỳ năm 3lần, năm mưa nhiều thì 4lần, giờ chẳng thấy rầy rệp gì cả. Khi ra lá non chỉ phun phòng một đợt thuốc sâu thôi, cũng không thấy sâu. Dùng càng lâu mới thấy được hiệu quả của nó. Năm đầu tiên chưa dùng, nào là rầy rệp, nhện đỏ đầy vườn…
    Càng phun thuốc hóa học càng nhiều sâu rầy …

    • Có tới hơn 99% vườn bị nấm chết nhanh chết chậm tuyến trùng rệp sáp đều cho biết họ không sử dụng nấm đối kháng trichoderma, vậy là sao?

  33. Đơn giản và dễ hiểu là người ta xem thường cái túi bột cám đó, thuốc đầy mà chẳng nhằm gì, còn toi cả đám. Cộng với việc sử dụng không đúng qui trình, hóa sinh lẫn lộn thì còn đâu mà hiệu quả…
    Vì tricho tác dụng chậm nên họ không kiên nhẫn thì họ không dùng, dù phân tích cạn lời…

  34. Cho tôi hỏi, sử dụng nấm đối kháng với vi nấm ba màu cái nào hiệu quả hơn trong phòng trừ rệp sáp ạ?

    • Nấm đối kháng là chủng tổng hợp (sp) nhiều dòng nấm có lợi (EM) cho nhiều việc. Dòng nấm ba màu chỉ dùng phòng trừ rệp sáp và một số côn trùng khác.
      Bạn nghĩ kỹ để nên chọn loại nào phù hợp !

  35. Để ngăn chặn rệp sáp chích hút, đóng măng-xông ở gốc cây tiêu mà không phải đổ thuốc hóa học quá nhiều gây hại môi trường, các bạn nên bón phân Neem hạt của Ấn Độ. Sau mỗi lần bón, nhờ hoạt chất Azadirachtin có tác dụng xua đuổi và tiêu diệt một phần rệp sáp, tuyến trùng sống quanh gốc tiêu. Bón Neem hạt thường xuyên lâu dài thì dầu Neem phát huy tác dụng, rệp sáp tuyến trùng không còn là mối lo của nhà nông.
    Sản phẩm do Cty Innolite nhập khẩu từ Ấn Độ, đã có giới thiệu trên trang giatieu.com

Gửi phản hồi mới

(?)